PGS-TS Phạm Duy Nghĩa, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng bản hiến pháp đầu tiên đó vẫn còn nguyên giá trị, bởi mỗi câu chữ trong đó đều vang vọng tiếng dân.
 

Vẫn còn nguyên giá trị

* Bản hiến pháp năm 1946 là bản hiến pháp đầu tiên của dân tộc VN, theo ông, sự có mặt của nó nói lên điều gì?

- Phương thức quản lý quốc gia của người phương Đông trước đó không sử dụng hiến pháp. Chúng ta cũng vậy. Khi có sự thâm nhập của văn hóa phương Tây thì chúng ta là một thuộc địa, không có độc lập. Cách mạng Tháng Tám đã xóa bỏ chế độ thuộc địa, chấm dứt chế độ phong kiến và lập nên một chế độ cộng hòa ở VN. Thể chế cộng hòa sử dụng hiến pháp làm công cụ quản lý xã hội nên bản hiến pháp của nước VN dân chủ cộng hòa ra đời.

Sự có mặt của nó chính thức thừa nhận việc người dân VN chấp nhận xây dựng một xã hội pháp quyền (pháp luật có quyền lực tối thượng) chứ không phải vua là quyền lực cao nhất (quân chủ thời phong kiến) và dân chủ (người dân làm chủ xã hội chứ không phải là quí tộc hay vua chúa). Đây là lần đầu tiên dân tộc Việt thiết lập một xã hội hoàn toàn vì quyền lợi người dân.

* Hiến pháp 1946 được đánh giá rất cao về tinh thần pháp quyền. Ông có chung quan điểm này?

- Tôi đồng ý quan điểm trên bởi bốn lý do sau. Thứ nhất, bản hiến pháp này thật sự xây dựng được một nguyên lý để giữ gìn xã hội với các chủ thể cùng tồn tại một cách văn minh nhất. Cụ thể là nó xác định quyền làm chủ xã hội là của nhân dân nên hiến pháp có những chương, điều đảm bảo quyền tự do dân chủ, thừa nhận tài sản mỗi cá thể. Tinh thần này được cụ thể hóa và đậm nét nhất ở điều 10, 11, 12 rằng người VN được tự do: ngôn luận, xuất bản, tổ chức, hội họp, tín ngưỡng, cư trú..., được quyền tư hữu tài sản...

Thứ hai, bản hiến pháp có các chương, điều bảo vệ quyền công dân của người dân trước các cơ quan hành pháp. Cụ thể là người dân phải chấp hành các qui định của pháp luật. Nếu vi phạm, Nhà nước sẽ xử phạt. Ngược lại Nhà nước cũng là một chủ thể phải tuân thủ pháp luật như bất cứ người dân nào. Nhà nước không có quyền tự ra các văn bản hạn chế quyền người dân, nếu luật không hạn chế họ.

Thứ ba, bản hiến pháp này đã được xây dựng một cách hợp pháp và do đó nó lại qui định các nguyên tắc ban hành luật một cách dân chủ, minh bạch. Thứ tư, hiến pháp này là một văn bản đúc kết được tinh hoa, thể hiện được nguyện vọng toàn dân tộc trong văn phong trong sáng, dễ đọc, dễ hiểu, ngắn gọn nhưng súc tích, có khả năng phổ quát và bền vững.

* Thưa ông, sao lại gọi là một bản hiến pháp “hợp pháp”?

- Bản hiến pháp này được soạn thảo theo một phương thức “hợp pháp”, tức là theo một phương thức đảm bảo tính dân chủ cao nhất. Quốc hội tập hợp ý nguyện toàn dân soạn ra hiến pháp. Nhân dân “có quyền phúc quyết” về hiến pháp. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ này, Quốc hội sẽ được giải tán. Nhân dân lại bầu ra những người đại diện khác và họ được tập hợp trong một tổ chức gọi là nghị viện nhân dân.

Nghị viện nhân dân có trách nhiệm soạn thảo các luật, bộ luật. Hiến pháp và pháp luật sẽ tạo nên những phép tắc kỷ cương toàn xã hội. Hai cơ quan soạn thảo hiến pháp và luật hoàn toàn độc lập. Các văn bản luật phải nằm trong khuôn khổ hiến pháp và nếu vi phạm (vi hiến) thì sẽ có một cơ quan thứ ba phán xét. Như vậy hiến pháp sẽ được tôn trọng tối đa.

* Những ưu việt của bản hiến pháp năm 1946 có phù hợp với hoàn cảnh đất nước ta hiện nay?

- Phù hợp là điều tất nhiên. Bởi một bản hiến pháp đúng nghĩa phải có tính trung chính, xuất phát từ nhu cầu của đại đa số nhân dân, từ đặc trưng văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc và nó phải có tính đường lối cao, phổ quát và súc tích. Vì vậy nó có thể ổn định, thậm chí hàng vài thế kỷ. Đến nay theo tôi, bản hiến pháp 1946 vẫn còn nguyên giá trị cho một xã hội dân chủ pháp quyền ở VN.

Điều tối kỵ: hạn chế quyền của dân

* Bản hiến pháp hiện hành còn gìn giữ được những ưu việt của hiến pháp đầu tiên?

- Cũng rất mừng là sau nhiều lần sửa đổi, thậm chí có lúc đi quá xa tinh thần hiến pháp ban đầu thì nay hiến pháp hiện hành (sửa đổi năm 1992) có nhiều điểm quay lại với hiến pháp 1946. Đó là về “linh hồn” hiến pháp thì chúng ta vẫn xây dựng một xã hội pháp quyền, nhân dân làm chủ. Cụ thể, người dân được công nhận và bảo vệ các quyền cơ bản như quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền khiếu nại tố cáo... Nhưng quyền này ở các bản hiến pháp sửa đổi năm 1959 và 1980 không được qui định rõ ràng hoặc không đầy đủ.

* Có nghĩa là dân tộc VN vẫn đang hướng tới một xã hội dân chủ, pháp quyền. Đồng hành với mục tiêu này là việc hoàn thiện hệ thống hiến pháp, pháp luật. Để làm được điều đó, chúng ta cần thực hiện những nhiệm vụ cụ thể gì?

- Theo tôi, điều cơ bản là chúng ta phải có quan điểm rõ ràng, tư duy thống nhất về vấn đề này. Hiến pháp nói nôm na là một bản hợp đồng mà người dân cử đại diện của mình soạn ra để “thuê” Nhà nước quản lý xã hội. Vì vậy tối kỵ việc các cơ quan hành chính tự ý ban hành các văn bản dưới luật để hạn chế quyền hạn của dân trong khi hiến pháp và pháp luật không cấm.

Làm thế tức là cơ quan hành chính đơn phương phá vỡ hợp đồng, chống lại người “thuê mình” làm việc. Mặt khác, phải xem Nhà nước cũng là một chủ thể chịu sự chi phối của pháp luật. Ở đây ta cần thiết lập những cơ quan tài phán, tức là cơ quan thứ ba giám sát độc lập, minh bạch và đủ quyền lực để phân xử hành vi của các cơ quan hành chính.

* Vậy có nghĩa là trong hoàn cảnh hiện nay, hiến pháp và một số luật phải sửa đổi?

- Như tôi đã nói, hiến pháp càng ổn định càng tốt. Nếu không thể khác được thì mới sửa. Nếu sửa hiến pháp hay sửa luật thì chúng ta đều cần dựa trên hai tiêu chí chính: thật sự vì nhu cầu của nhân dân và thực hiện theo đúng ý nguyện của dân. Hiến pháp đầu tiên của dân tộc có ba nguyên tắc thì hai nguyên tắc đầu là đoàn kết và dân chủ.

Các nguyên tắc này bao quát những tiêu chí trên. Nhu cầu của người dân bao giờ cũng muốn được bảo vệ quyền của mình và dân tộc nào cũng có muôn nghìn lợi ích khác nhau nên để chung sống hạnh phúc thì hệ thống luật pháp cần thể hiện tính đoàn kết dân tộc một cách thiết thực. Đoàn kết ở đây là người soạn thảo phải thấm đẫm tâm tư nguyện vọng của mỗi giai tầng, lứa tuổi, giới tính, tôn giáo, vùng miền... của nhân dân. Sao cho các qui ước của dân phải vang vọng tiếng dân.

Được như vậy thì các điều khoản sẽ thể hiện rõ tính hòa hiếu, khoan dung, xóa mờ tính khác biệt, xung đột, đối lập... Phát huy tính dân chủ thì soạn thảo hiến pháp, luật pháp phải có sự tham gia của các giai tầng xã hội. Sau đó chính nhân dân là người phúc quyết chúng.

QUANG THIỆN thực hiện

(MKLAW FIRM st)

(MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)