1. Một số khái niệm cơ bản về vi phạm giao thông

Vi phạm pháp luật là hành vi trái pháp luật, có lỗi, do chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lí thực hiện, xâm hại các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ. Vi phạm pháp luật được cấu thành bởi mặt khách quan, mặt chủ quan, chủ thể và khách thể vi phạm pháp luật.

"Giao thông" theo từ điển Tiếng Việt có nghĩa là “ việc đi lại từ nơi này đến nơi khác của người và phương tiện chuyên chở”. Giao thông đường bộ là một loại hình giao thông vận tải, “Đường bộ” gồm đường, cầu đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ. Hạ tầng giao thông đường bộ là những công trình phục vụ cho việc đi lại của người dân trên bộ, cũng như phục vụ cho việc giao lưu kinh tế. Có 2 loại hạ tầng giao thông đường bộ:

+ Hạ tầng giao thông tĩnh: bến xe, nhà chờ xe bus, bãi đậu xe…

+ Hạ tầng giao thông động: cầu, cầu vượt, nút giao thông..

Đường giao thông là công trình hạ tầng kỹ thuật có chức năng liên kết về mặt giao thông giữa các địa điểm với nhau, phục vụ cho việc đi lại, vận chuyển, là huyết mạch của ngành kinh tế.

Vi phạm pháp luật​ trong lĩnh vực giao thông đường bộ là những hành vi trái pháp luật, có lỗi, do chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lí thực hiện trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

 

2. Nguyên nhân vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ ở Việt Nam

Vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ đang diễn ra phổ biến và có xu hướng ngày càng tăng. Một số vi phạm phổ biến nhất là:

+ Sử dụng lòng lề đường trái phép (vi phạm khoản 3, Điều 8 Luật Giao thông đường bộ; Điều 20 Pháp lệnh Bảo vệ công trình giao thông) để họp chợ trái phép, phơi rơm rạ…

+ Điều khiển xe không giấy phép, đưa phương tiện không đủ điều kiện an toàn vào hoạt động (vi phạm khoản 9, Điều 8 Luật Giao thông đường bộ).

+ Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định, sử dụng rượu bia quá nồng độ cho phép, đi vào đường ngược chiều, vượt đèn đỏ…( vi phạm khoản 8, khoản 10, Điều 8 Luật Giao thông đường bộ; ).

+ Sử dụng điện thoại trong khi điều khiển xe mô tô, gây tai nạn rồi bỏ trốn (vi phạm khoản 17, Điều 8 Luật Giao thông đường bộ).

 

2.1. Nguyên nhân khách quan

2.1.1. Về công trình giao thông

Một thực tế ở Việt Nam hiện nay là tình trạng quy hoạch giao thông chưa đồng bộ, hệ thống đường bộ của chúng ta chưa đạt tiêu chuẩn kỹ thuật,như đô nghiêng, độ bám dính mặt đường, độ phẵng, tầm nhìn….. chưa đảm bảo, đường của chúng ta do sử dụng nhựa, đá dăm không đảm bảo tiêu chuẩn nên mặt đường luôn quá nhẵn, trơn trượt do vậy phương tiện dể bị trượt khi trời mưa hoặc không an toàn khi phanh, Hệ thống đèn tín hiệu cảnh báo chỉ dẫn không được thiết kế thi công đồng bộ, nên hầu hết các tuyến đường không có biển báo, đèn báo, đèn chỉ dẫn giao thông đây cũng là nguyên nhân làm ùn tắc giao thông ở các chỗ đường giao nhau, gây ra vi phạm và gây ra tai nạn giao thông.

Việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để bán hàng của một số đông người bán lẻ, chủ yếu là người bán hàng rong, hàng ăn uống, phụ huynh chờ đón con trước cổng các trường học, xe ôm, bến trông giữ phương tiện giao thông tự phát.

 

2.1.2.Về phương tiện giao thông

Phương tiện tham gia giao thông đường bộ gồm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (gồm xe ô tô, máy kéo, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe tương tự, kể cả xe cơ giới dùng cho người tàn tật) và phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (gồm các loại xe không di chuyển bằng sức động cơ như xe đạp, xe xích lô, xe súc vật kéo và các loại xe tương tự).; sử dụng phương tiện giao thông không an toàn, xe hết niên hạn sử dụng…Các loại xe ba bánh tự chế thường được "người nghèo và các đối tượng xã hội" sử dụng bừa bãi, bất chấp luật pháp và gây hại cho cộng đồng, môi trường và xã hội.

 

2.2.Nguyên nhân chủ quan

2.2.1. Ý thức của người tham gia giao thông quá kém

Ý thức pháp luật của người tham gia giao thông thể hiện ở cả nhận thức pháp luật và tâm lí pháp luật, trong đó nổi lên rõ hơn cả là tâm lý, đó là thói quen lạc hậu của số đông những người tham gia giao thông, thái độ coi thường pháp luật của họ.

Nhiều người tham gia giao thông vẫn chỉ quan tâm đến việc “đường này có đi được không” chưa không hề quan tâm đến việc “đường này có được đi không”, thế nên cứ thấy bất cứ chỗ trống nào là lại chen lên, cố đi vào bất kể phải trái, trên dưới. Tâm lí thói quen lạc hậu biểu hiện chủ yếu ở người đi bộ và người điều khiển xe thô sơ. Nhiều người đi bộ thản nhiên rẽ trái rẽ phải, sang đường tùy tiện, thản nhiên đi vào đường cấm, vượt đèn đỏ… có một nghịch lí đang tồn tại là người đi xe đạp phải nhường người đi bộ, người đi xe cơ giới phải nhường xe thô sơ…trái hẳn với nguyên tắc đi đường theo luật giao thông.

Đối với những người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, không ít người có thói quen uống rượu bia ngay cả khi điều khiển xe, nồng độ cồn cao quá mức cho phép hết sức nguy hiểm khi tham gia giao thông. Ở dịch vụ “xe ôm” còn xuất hiện hiện tượng tranh giành khách, chở ba, thậm chí bốn hành khách, chở hàng cồng kềnh… Một bộ phận thanh niên ý thức kém tuổi ,ới lớn, thích thể hiện mình nên tham gia tổ chức các vụ đua xe, lạng lách đánh võng ở các thành phố lớn. Một số người vì quyền lợi cá nhân mà bất chấp tính mạng của người khác rải đinh trên đường gây những hậu quả khôn lường. hiện tượng mua bằng xảy ra phổ biến, nhiều chủ phương tiện không thục hiện kiểm tra độ an toàn cho phương tiện của mình.

 

2.2.2. Quản lý nhà nước còn nhiều thiếu xót, khuyết điểm

Chiến lược quy hoạch phát triển giao thông còn chưa phù hợp, chậm đổi mới, kết cấu vận tải giao thông đường bộ còn nhiều yếu kém, bất cập. Việc phát triển quá nhanh các phương tiện giao thông cơ giới, đặc biệt là mô tô, xe máy, nhất là ở các đô thị đã gây nên nhiều hậu quả phức tạp về trật tự an toàn giao thông.

Chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giao thông đường bộ.

Trật tự kỉ cương giao thông bị buông lỏng quản lí trong lúc tai nạn giao thông liên tục tăng và hiện tượng VPPL ngày càng phổ biến.

Chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm, chưa kiên quyết thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Đội ngũ cán bộ công chức trong ngành còn nhiều tiêu cực, thiếu sót trong xử lí sai phạm về trật tự an toàn giao thông, trong lĩnh vực sát hạch giấy phép lái xe, kiểm định phương tiện cơ giới làm giảm sút uy tín trong nhân dân.

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật chưa tốt, chưa hiệu quả nên chưa phát huy được sức mạnh của toàn xã hội trong đảm bảo an toàn giao thông.

 

3. Một số giải pháp hạn chế vi phạm giao thông

3.1.Củng cố và nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp

Trong tổng số hơn 200.000 km đường bộ của nước ta hiện nay thì quốc lộ chỉ chiếm gần 10%, còn lại là đường tỉnh, đường huyện và đường xã. Theo Điều 69 Luật Giao thông đường bộ thì “ Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về giao thông đường bộ và có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong phạm vi địa phương”. Như vậy có thể nói vai trò của chính quyền địa phương đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông là rât lớn. Nâng cao trách nhiệm chính quyền các cấp phải thực hiện trên một số mặt sau:

- Xây dựng chính sách phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, dánh giá đúng vai trò của vấn đề phát triển giao thông và trật tự an toàn giao thông.

- Tổ chức công tác đảm bảo an toàn giao thông một cách đồng bộ từ trên xuống, từ Trung ương đến địa phương.

- Quản lí tốt hoạt động của các trung tâm đào tạo lái xe, sát hạch bằng lái.

- Tuyên truyền bằng nhiều hình thức, chú ý đến phương tiện truyền thông phát thanh ở phường xã.

- Quản lí tốt các đoạn đường, quốc lộ mà địa phương quản lí, cấm lấn chiếm hành lang lề đường, bảo vệ công trình giao thông.

 

3.2 Xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, phát triển phương tiện giao thông vận tải.

Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông phải căn cứ vào chiến lược, uy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Đối với các đô thị cần quan tâm đồng bộ với quy hoạch các công trình kĩ thuật hạ tầng khác. Quỹ đất dành cho xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông phải đảm bảo tỉ lệ thích hợp, đáp ứng yêu cầu giao thông lâu dài.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng giao thông, nâng cao tỷ lệ diện tích dành cho giao thông. Huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau, tận dụng nguồn vốn nhàn rỗi của nhân dân bằng hình thức phát hành trái phiếu và cổ phiếu. Tiến hành thu phí lưu thông, để đầu tư ngược lại cho hạ tầng giao thông. Áp dụng nhiều phương thức thực hiện các dự án giao thông khác nhau. Hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, nâng cao chất lượng và tỷ lệ sử dụng giao thông công cộng.

Về phương tiện giao thông, phải nghiên cứu tổng thể xác định phương tiện giao thông chủ lực ở từng vùng, miền, các đô thị theo hướng tăng phương tiện công cộng, giảm phương tiện cá nhân. Nhất là ở các thành phố lớn.

 

3.3 Hoàn thiện hệ thống pháp luật về trật tự an toàn giao thông

Hiến pháp 1992 đã ghi rõ: “Nhà nước quản lí xã hội bằng pháp luật. không ngừng tăng cường pháp chế XHCN”. Muốn quản lí bằng pháp luật thì trước hết phải có luật pháp. Luật pháp phải đúng và đủ. Tuy vậy, hệ thống Luật pháp về đảm bảo trật tự an toàn giao thông vẫn còn thiếu đồng bộ, thiếu phù hợp và tính pháp lí vẫn chưa cao. Ví dụ: một số quy định cụ thể như quy định về xe đạp máy; về việc đăng kí mỗi người một xe, tạm giữ xe… cũng nảy sinh nhiều vấn đề cần sớm được nghiên cứu bổ sung hợp lí.

 

3.4 Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục về trật tự an toàn giao thông

Điều 7 Luật Giao thông đường bộ quy định về việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ như sau:

1. Cơ quan thông tin, tuyên truyền có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông đường bộ thường xuyên, rộng rãi đến toàn dân.

2. Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ tại địa phương, có hình thức tuyên truyền, phổ biến phù hợp đến đồng bào các dân tộc thiểu số.

3. Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo có trách nhiệm đưa pháp luật về giao thông đường bộ vào chương trình giảng dạy trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác phù hợp với từng ngành học, cấp học.

4. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm phối hợp với cơ quan hữu quan và chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện pháp luật về giao thông đường bộ.

5. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ cho cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức, người lao động khác thuộc thẩm quyền quản lý.

Thành viên trong gia đình có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở thành viên khác chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ.

 

3.5 Xử lí nghiêm minh các vi phạm về trật tự an toàn giao thông

Nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân bằng cách tích cực tuyên truyền luật giao thông, xử phạt nghiêm khắc các hành vi vi phạm. Đưa việc dạy học luật giao thông thành giáo trình bắt buộc cho học sinh sinh viên.

- Trừng trị nghiêm khắc các chủ thể có hành vi vi phạm ( ví dụ tước một số quyền tự do đối với người vi phạm trật tự an toàn giao thông mang tính hình sự hoặc phạt tiền đối với vi phạm có tính hành chính)

- Khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm gây ra (ví dụ giải tỏa lề đường, vỉa hè, hành lang bảo vệ an toàn giao thông bị lấn chiếm).

- Giáo dục trực tiếp đối với người vi phạm

- Giáo dục chung: xử lí vi phạm trật tự an toàn giao thông thường xảy ra trước mắt nhiều người. Nếu làm đúng sẽ có tác dụng giáo dục chung.

Đặc biệt, đối với đối tượng là học sinh, sinh viên, công tác giáo dục pháp luật nhằm giảm thiểu vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ là điều hết sức quan trọng và cần thiết.

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty, nội dung tư vấn có giá trị tham khảo, nếu còn vấn đề mà quý khách hàng còn chưa rõ xin vui lòng liên hệ đến tổng đài tư vấn pháp luật giao thông của Công ty Luật Minh Khuê 1900.6162 hoặc vui lòng gửi tin nhắn đến email để được giải đáp thắc mắc. Trân trọng!