Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật thuế công ty Luật Minh Khuê

Vấn đề nộp thuế của dự án trong hợp đồng hợp tác kinh doanh của hai doanh nghiệp ?

 Luật sư tư vấn luật thuế gọi: 1900.6162

Trả lời

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

1. Cơ sở pháp lý

Luật Đầu tư 2014

Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân 2012

Thông tư 111/2013/TT_BTC về thuế thu nhập cá nhân

Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp 1993

Nghị định 74/CP quy định chi tiết luật thuế sử dụng đất nông nghiệp

Thông tư 96/2015/TT_BTChướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp tại Nghị định 12/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 78/2014/TT-BTC, Thông tư 119/2014/TT-BTC, Thông tư 151/2014/TT-BTC do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

2. Nội dung tư vấn

Căn cứ theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Luật Đầu tư 2014: "Hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế." Theo thông tin mà bạn cung cấp, dự án trồng rau của hai doanh nghiệp A và B là dự án chung, được thực hiện theo hợp đồng hợp tác kinh doanh. Như vậy, các doanh nghiệp tham gia dự án này phải nộp các loại thuế cho hoạt động sản xuất của dự án bao gồm: Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế thu nhập cá nhân cho nhân viên, Thuế sử dụng đất nông nghiệp. Sau đây là một số vấn đề phát sinh liên quan tới các loại thuế phải nộp của dự án này:

Thuế thu nhập doanh nghiệp

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Thông tư 78/2014/TT_BTC:

"Điều 2. Người nộp thuế

1. Người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế (sau đây gọi là doanh nghiệp), bao gồm:

a) Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Chứng khoán, Luật Dầu khí, Luật Thương mại và các văn bản quy phạm pháp luật khác dưới các hình thức: Công ty cổ phần; Công ty trách nhiệm hữu hạn; Công ty hợp danh; Doanh nghiệp tư nhân; Văn phòng Luật sư, Văn phòng công chứng tư; Các bên trong hợp đồng hợp tác kinh doanh"

Căn cứ quy định trên, người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động trồng rau của dự án này là các bên trong hợp đồng hợp tác kinh doanh. Như vậy, công ty A và công ty B phải tiến hành khai và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Nơi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp được xác định theo nguyên tắc quy định tại Điều 12 Thông tư 78/2014/TT_BTC:

"Điều 12. Nguyên tắc xác định

Doanh nghiệp nộp thuế tại nơi có trụ sở chính. Trường hợp doanh nghiệp có cơ sở sản xuất (bao gồm cả cơ sở gia công, lắp ráp) hạch toán phụ thuộc hoạt động tại địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác với địa bàn nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính thì số thuế được tính nộp ở nơi có trụ sở chính và ở nơi có cơ sở sản xuất.

Việc phân bổ số thuế phải nộp quy định tại khoản này không áp dụng đối với trường hợp doanh nghiệp có các công trình, hạng mục công trình hay cơ sở xây dựng hạch toán phụ thuộc."

Căn cứ vào quy định trên, số thuế TNDN phải nộp của dự án hợp tác kinh doanh trên được sẽ được phân bổ bởi hai doanh nghiệp và nộp tại nơi có cơ sở sản xuất là địa phương nơi thực hiện dự án. Do đó, mỗi bên trong hợp đồng này phải tự phân bổ thuế phải nộp cho dự án chung này. Việc xác định số thuế phải nộp được thực hiện theo quy định tại Điều 13 Thông tư 78/2014/TT_BTC như sau:

- Nếu hai doanh nghiệp tính nộp thuế cho dự án chung này tại Tỉnh, số thuế TNDN mà mỗi doanh nghiệp phải đóng cho dự án bằng: tổng số thuế TNDN của mỗi doanh nghiệp * tỷ lệ chi phí của cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc với tổng chi phí của doanh nghiệp.

- Số liệu để xác định tỉ lệ chi phí dựa trên số liệu quyết toán thuế TNDN năm trước liền kề năm tính thuế do doanh nghiệp tự xác định để làm căn cứ xác định số thuế phải nộp và được sử dụng để kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho các năm sau. Nếu dự án đặt tại địa phương, thì số liệu trên sẽ căn cứ vào theo số liệu quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 và tỷ lệ này được sử dụng ổn định từ năm 2009 trở đi; Trường hợp dự án mới thành lập thì doanh nghiệp phải tự xác định tỷ lệ chi phí cho kỳ tính thuế đầu tiên đối với các trường hợp có sự thay đổi này, từ kỳ tính thuế tiếp theo tỷ lệ chi phí được sử dụng ổn định theo nguyên tắc nêu trên.

Phương pháp tính thuế TNDN: 

Theo quy định tại Điều 1, Điều 2 Thông tư 96/2015/TT_BTC và Điều 4 Thông tư 78/2014/TT_BTC, Thuế TNDN phải nộp được xác định theo công thức sau:

Thuế TNDN phải nộp = (Thu nhập tính thuế - Phần trích lập quỹ KH&CN (nếu có)) * Thuế suất Thuế TNDN

Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế - ( Thu nhập được miễn thuế + các khoản lỗ kết chuyển theo quy định)

Thu nhập chịu thuế = (Doanh thu - Chi phí được trừ) + Các khoản thu nhập khác

Trong đó: - Các khoản chi được trừ là các khoản chi không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 6 thông tư 78/2014/TT_BTC (đã được sửa đổi tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT_BTC) và đáp ứng các điều kiện: là khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật; nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

- Thuế suất được áp dụng chung với thuế suất thuế TNDN của mỗi doanh nghiệp chịu trách nhiệm nộp thuế.

Thuế thu nhập cá nhân cho NLĐ tại dự án:

Theo quy định tại Điều 1 Thông tư 111/2013/TT_BTC, Người nộp thuế TNCN là cá nhân cư trú hoặc không cư trú có thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân. Đối với người lao động làm việc tại dự án trồng rau này, thu nhập của họ phát sinh từ việc được trả tiền công, tiền lương từ ban quản lý dự án. Đây là thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật thuế thu nhập cá nhân. Người lao động có thể thực hiện việc quyết toán thuế thông qua doanh nghiệp mình đã kí hợp đồng hoặc tự mình thực hiện quyết toán.

Giảm trừ gia cảnh khi tính thu nhập tính thuế bao gồm: (theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung luật Thuế TNCN 2012)

 Giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú. Giảm trừ gia cảnh gồm hai phần sau đây:

a) Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm);

b) Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng.

Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.

Thuế sử dụng đất nông nghiệp: (căn cứ theo quy định của Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp)

Đối tượng kê khai nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp là Tổ chức, cá nhân sử dụng đất vào sản xuất nông nghiệp không bao gồm tổ chức sử dụng đất vào sản xuất nông nghiệp đã chuyển sang thuê đất. Ở đây, hai doanh nghiệp A và B là tổ chức sử dụng đất để trồng rau, do đó hai doanh nghiệp này phải kê khai nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp. 

Đối tượng chịu thuế là diện tích đất dùng vào sản xuất nông nghiệp gồm (đất trồng trọt, đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản và đất rừng trồng) không bao gồm diện tích đất dùng vào sản xuất nông nghiệp thuộc diện chịu tiền thuê đất. Như vậy, đối với diện tích đất trồng rau của dự án, bạn phải xác định xem diện tích này có thuộc diện chịu tiền thuê đất hay không. Nếu thuộc diện thuộc chịu tiền thuế đất thì không phải nộp thuế này.

Về căn cứ tính thuế SDĐNN là : diện tích, hạng đất  và định suất thuế tính bằng kilôgam thóc trên một đơn vị diện tích. Trong đó: hạng đất tính thuế là hạng đất do xã, phường, thị trấn phân hạng và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt ổn định 10 năm. Theo quy định tại Nghị định 74-cp, đối với đất trồng cây hàng năm và đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản, định suất thuế (kg thóc/ha) là : hạng 1 : 550, hạng 2 : 460, hạng 3 : 370, hạng 4 : 280, hạng 5 : 180, hạng 6 : 50. Thuế SDĐNN được tính dựa trên số kg thóc, do đó, khi nộp thuế này thì phải căn cứ vào giá thóc do UBND cấp tỉnh nơi có đất ban hành.

 Người nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp nộp hồ sơ kê khai thuế sử dụng đất nông nghiệp cho chi cục thuế  nơi có đất chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp ; trường hợp người nộp thuế ở xa Chi cục Thuế thì liên hệ với Đội thuế xã, phường để nhận tờ khai và kê khai, nộp hồ sơ khai thuế sử dụng đất nông nghiệp cho Đội thuế xã, phường, thị trấn. Trong trường hợp người nộp thuế là tổ chức thì người nộp thuế tự xác định số thuế phải nộp trong Tờ khai thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số:  1900.6162  hoặc gửi qua email  để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật thuế - Công ty luật Minh Khuê