Mục lục bài viết
Luật sư tư vấn:
1. Hoạt động xúc tiến thương mại, trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ khuyến mại là gì?
Theo quy định của Luật Thương mại năm 2005:
- "Xúc tiến thương mại là hoạt động thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ, bao gồm hoạt động khuyến mại, quảng cáo thương mại, trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ và hội chợ, triển lãm thương mại." (Khoản 10 Điều 3).
- "Trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân dùng hàng hóa, dịch vụ và tài liệu về hàng hóa, dịch vụ để giới thiệu với khách hàng về hàng hóa, dịch vụ đó." (Điều 117).
- "Khuyến mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân nhằm xúc tiến việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ bằng cách dành cho khách hàng những lợi ích nhất định." (Điều 88).
Như vậy trong trường hợp tiến hành bán hàng hóa trưng bày thấp hơn 50% giá bán nghĩa là đã thực hiện hai hình thức xúc tiến thương mại là trưng bày giới thiệu sản phẩm và giảm giá cho sản phẩm của mình.
2. Mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa được khuyến mại
Căn cứ theo Điều 94 Luật Thương mại năm 2005:
"Điều 94. Hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, mức giảm giá khuyến mại
1. Hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại là hàng hóa, dịch vụ được thương nhân dùng để tặng, thưởng, cung ứng không thu tiền cho khách hàng.
2. Hàng hóa, dịch vụ được thương nhân dùng để khuyến mại có thể là hàng hóa, dịch vụ mà thương nhân đó đang kinh doanh hoặc hàng hóa, dịch vụ khác.
3. Hàng hóa, dịch vụ được dùng để khuyến mại phải là hàng hóa, dịch vụ được kinh doanh hợp pháp.
4. Chính phủ quy định cụ thể hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại mà thương nhân được thực hiện trong hoạt động khuyến mại."
Như vậy, Luật Thương mại năm 2005 không quy định cụ thể mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại mà thương nhân được thực hiện trong hoạt động khuyến mại.
Mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại theo Điều 7 Nghị định 81/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại như sau:
- Mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mại.
- Trong các trường hợp tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung (giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mại) theo quy định về chương trình khuyến mại tập trung thì áp dụng mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại là 100%.
Mức giảm giá tối đa 100% cũng áp dụng đối với các hoạt động khuyến mại trong khuôn khổ các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
- Không áp dụng hạn mức giảm giá tối đa khi thực hiện khuyến mại giảm giá cho:
+ Hàng hóa dịch vụ khi thực hiện chính sách bình ổn giá của Nhà nước;
+ Hàng thực phẩm tươi sống;
+ Hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp doanh nghiệp phá sản, giải thể, thay đổi địa điểm, ngành nghề sản xuất, kinh doanh.
3. Hạn mức tối đa về giá trị hàng hóa để khuyến mại
Hạn mức tối đa về giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại được quy định tại Điều 6 Nghị định 81/2018/NĐ-CP như sau:
- Giá trị vật chất dùng để khuyến mại cho một đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá của đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại đó trước thời gian khuyến mại, trừ trường hợp khuyến mại bằng các hình thức quy định tại Khoản 8 Điều 92 Luật Thương mại 2005; Điều 8, Khoản 2 Điều 9, Điều 12, Điều 13, ĐIều 14 Nghị định 81/2018/NĐ-CP.
- Tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại mà thương nhân thực hiện trong một chương trình khuyến mại không được vượt quá 50% tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại, trừ trường hợp khuyến mại bằng hình thức quy định tại Khoản 8 Điều 92 Luật Thương mại, Điều 8 và Khoản 2 Điều 9 Nghị định 81/2018/NĐ-CP.
- Giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Trường hợp thương nhân thực hiện khuyến mại không trực tiếp sản xuất, nhập khẩu hàng hóa hoặc không trực tiếp cung ứng dịch vụ dùng để khuyến mại, giá trị được tính bằng giá thanh toán của thương nhân thực hiện khuyến mại để mua hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại hoặc giá thị trường của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại tại thời điểm công bố;
+ Hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại là hàng hóa của thương nhân đó trực tiếp sản xuất, nhập khẩu hoặc cung ứng dịch vụ, giá trị được tính bằng giá thành hoặc giá nhập khẩu của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại.
- Trong các trường hợp tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung (giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mại) thì áp dụng hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại là 100%. Hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại 100% cũng được áp dụng đối với các hoạt động khuyến mại trong khuôn khổ các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
- Chương trình khuyến mại tập trung theo quy định tại Khoản 4 Điều 6 Nghị định 81/2018/NĐ-CP gồm:
+ Chương trình do cơ quan nhà nước (cấp trung ương và cấp tỉnh) chủ trì tổ chức, trong một khoảng thời gian xác định, theo hình thức giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mại nhằm thực hiện các chính sách phát triển kinh tế có mục tiêu của Quốc gia, của địa phương. Nhà nước có chính sách khuyến khích việc tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung. Mọi thương nhân đều được quyền tham gia vào các chương trình;
+ Các đợt khuyến mại vào các dịp lễ, tết theo quy định của pháp luật lao động, gồm: Đợt tết Âm lịch (30 ngày ngay trước ngày đầu tiên của năm Âm lịch) và các ngày nghỉ lễ, tết khác. Thời hạn khuyến mại của từng đợt khuyến mại vào các dịp lễ, tết không được vượt quá thời gian nghỉ của các dịp lễ, tết tương ứng theo quy định của pháp luật lao động.
4. Xử phạt hành vi vi phạm khuyến mại vượt quá mức tối đa
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì mức giảm tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mại. Như vậy trong trường hợp tiến hành bán hàng hóa trưng bày thấp hơn 50% giá bán là đã vi phạm quy định về mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa được khuyến mại. Nếu như không điều chỉnh mức giảm giá xuống nhỏ hơn hoặc bằng 50% giá trị hàng hóa trước khi khuyến mại mà tiếp tục vi phạm thì có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo đó, tại Khoản 2 Điều 33 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định:
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm:
- Thực hiện khuyến mại có giá trị của hàng hóa, dịch vụ khuyến mại vượt quá hạn mức tối đa về giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại theo quy định.
- Thực hiện khuyến mại bằng hình thức giảm giá có mức giảm giá hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ vượt quá mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại theo quy định.
Mọi vướng mắc chưa rõ hay có nhu cầu hỗ trợ về bất kỳ vấn đề pháp lý khác, quý khách vui lòng liên hệ với bộ phận tư vấn pháp luật trực tiếp thông qua tổng đài tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7, gọi ngay tới số 1900.6162, hoặc gửi nội dung câu hỏi thông qua hình thức Tư vấn pháp luật qua email để được giải đáp. Cảm ơn quý khách đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật Minh Khuê.