1. Điều kiện ra đời 

Chủ yếu ta sẽ nêu về điều kiện kinh tế - xã hội và văn hoá dẫn tới sự ra đời triết học tây Âu thời Trung cổ.

Xã hội tây Âu thế kỷ II đến thế kỷ V là xã hội đánh dấu sự tan rã của chế độ chiếm hữu nô lệ và sự ra đời của chế độ phong kiến. Vào thế kỷ thứ V, những cuộc nổi dậy của nô lệ bên trong cùng với sự tiến công của những bộ tộc bên ngoài đã dẫn đến sự sụp đổ của đế quốc La Mã (đã tồn tại từ thế kỷ II tr.c.n đến thế kỷ V). Sự kiện đó dẫn đến kết quả chấm dứt hình thái xã hội chiếm hữu nô lệ và chế độ phong kiến tây Âu ra đời. Trong xã hội đó, nền kinh tế tự nhiên, tự túc tự cấp thống trị. Điều hành sản xuất xã hội là những tiểu nông lệ thuộc vào địa chủ phong kiến. Vì vậy, trong thời kỳ đầu của thời đại phong kiến tây Âu đã diễn ra sự suy đồi không chỉ về kinh tế, mà còn về toàn bộ các mặt của đời sống xã hội.

Xuất hiện tổ chức giáo hội nhà thờ Thiên Chúa giáo và ảnh hưởng của nó tới toàn bộ đời sống vật chất và tinh thần của xã hội thời kỳ này. Về mặt tinh thần, thời Trung cổ ở tây Âu lúc đầu Cơ đốc giáo, về sau là Thiên Chúa giáo là hệ tư tưởng thống trị. Những giáo lý tôn giáo trở thành những nguyên lý về chính trị; Kinh thánh là luật lệ trong xét xử; Giáo hội độc quyền trong lĩnh vực văn hoá, nhà trường hoàn toàn nằm trong tay thầy tu, triết học chỉ phục vụ cho tôn giáo và Giáo hội. Có thể nói tín điều nhà thờ là điểm xuất phát của mọi tư duy; thế giới quan tôn giáo bao trùm lên triết học, luật học và chính trị.

 

2. Quá trình hình thành và phát triển

Về quá trình hình thành và phát triển, ta có thể thấy:

- Từ thế kỷ II - IV là thời kỳ quá độ giữa triết học Hy Lạp với triết học tây Âu Trung cổ. 

- Từ thế kỷ V - VIII là thời kỳ hình thành chủ nghĩa Kinh viện.

- Từ thế kỷ IX - XV là thời kỳ phát triển của chủ nghĩa Kinh viện.

+ Chủ nghĩa Kinh viện sơ kỳ từ thế kỷ IX - XII với các đại biểu Ơrigenơ (810 - 877), Abơla (1079 - 1142).

+ Chủ nghĩa Kinh viện cực thịnh thế kỷ XIII với các đại biểu Lơgrăng (1207 - 1280), Đacanh (1225 - 1274), Đun Xcốt (1265 - 1308).

+ Chủ nghĩa Kinh viện suy thoái thế kỷ XIV - XV với các đại biểu Bêcơn (1214 - 1294), Ốccam (1300 - 1349).

 

3. Mối quan hệ giữa tri thức với niềm tin tôn giáo

Các nhà triết học thời Trung cổ coi niềm tin tôn giáo giữ vị trí hàng đầu trong mối quan hệ với lý trí.

- Ôguýtxtanh (354 - 430, Bắc Phi, Angiêri hiện nay) là đại biểu lớn nhất của triết học Cơ đốc giáo thời kỳ tiền Trung cổ; triết học của ông trở thành cơ sở lý luận cho Cơ đốc giáo và cả Thiên Chúa giáo sau này. Tư tưởng cơ bản trong học thuyết của Ôguýt- xtanh là toàn bộ thế giới do Thượng Đế sinh ra và được nhận thức bởi Thượng Đế. Tuy nhiên, Thượng Đế chỉ sáng tạo ra thế giới tự nhiên, sau đó giới tự nhiên vận động theo các quy luật của mình mà không có sự can thiệp của Thượng Đế.

Theo ông, thượng Đế không tồn tại trong sự vật cảm biết nhưng có sức mạnh vạn năng, có quyền lực tuyệt đối. Ý chí của con người là tự do, nhưng chỉ trong giới hạn tiền định của Thượng Đế, quá trình nhận thức của con người là quá trình nhận thức Thượng Đế- chân lý tối cao. Nhận thức đó chỉ đạt được nhờ lòng tin, bởi lòng tin tôn giáo.

- Chủ nghĩa Kinh viện, phái Duy thực và phái Duy danh tiếp nối giữa thời kỳ Cơ đốc giáo với thời kỳ Trung cổ tây Âu.

  • Kinh viện (theo tiếng Latinh- Schola- trường học), chủ nghĩa Kinh viện chủ yếu bàn đến những vấn đề tách rời cuộc sống hiện thực. Về thực chất, chủ nghĩa Kinh viện là nghệ thuật tranh luận, lập luận mà không quan tâm đến nội dung của cuộc tranh luận đó. Đầu tiên, triết học Kinh viện được giảng trong các trường trung học và từ giữa thế kỷ XII, được giảng trong các trường đại học. Trong thời kỳ này đã diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt và kéo dài nhiều thế kỷ giữa hai khuynh hướng triết học đặc trưng là phái Duy thực và phái duy Danh với nhiều đại biểu nổi tiếng.
  • Phái Duy thực lấy triết học Platôn làm cơ sở lý luận, khẳng định cái chung (khi ấy gọi là cái phổ biến) hay khái niệm chung là tồn tại thực, là một thực thể tinh thần có trước sự vật đơn nhất. Phái Duy danh lại khẳng định, chỉ có sự vật đơn nhất, cá biệt là có thực, còn những cái chung chỉ là những tên gọi mà con người gắn cho các hiện tượng riêng lẻ. Cuộc tranh cãi giữa phái Duy danh với phái Duy thực, về căn bản là một vấn đề nghiêm túc. Đằng sau cái vỏ thần học là vấn đề triết học thể hiện ở chỗ, phái này coi sự vật tồn tại khách quan, có thể tri giác được bằng cảm giác, tư tưởng là cái có sau (Duy danh), phái kia ngược lại, coi tư tưởng có trước sự vật (phái Duy thực). Như vậy, sự nhận thức của con người vận động từ cảm giác đến khái niệm (duy danh) hay từ khái niệm đến sự vật (duy thực) là bản chất triết học của cuộc tranh cãi đó. Thiên Chúa giáo chính thống có xu hướng nghiêng về phái Duy thực.

Một số đại biểu nổi bật của các phái Duy danh, Duy thực ta có thể kể đến dưới đây:

- Tômát Đacanh (1225-1274, duy thực, Italia, nhà thần học Thiên Chúa giáo, nhà triết học kinh viện nổi tiếng, nhà nghiên cứu những vấn đề pháp quyền, đạo đức, chế độ nhà nước và kinh tế. Các tác phẩm của ông là bộ bách khoa toàn thư về hệ thống tư tưởng thống trị thời Trung cổ; học thuyết của ông được công nhận là triết học chân chính duy nhất của Giáo hội Thiên Chúa.

Trong lĩnh vực triết học, Tômát Đacanh muốn làm cho triết học Arítxtốt thích hợp với Giáo lý Đạo Thiên Chúa. Bởi vậy, ông cho rằng đối tượng của triết học là nghiên cứu chân lý của lý trí, còn đối tượng của thần học là nghiên cứu chân lý của lòng tin tôn giáo. Thượng Đế là khách thể để triết học, thần học cùng nghiên cứu và là nguồn gốc của của mọi chân lý.

Do vậy, triết học không đối lập với thần học về căn bản, mà triết học phải thấp hơn thần học, là tôi tớ của thần học, phụ thuộc vào thần học tương tự như lý trí của con người phải thấp hơn lý trí của thần. Ông cho rằng, Trời tạo ra giới tự nhiên là do từ hư vô và mọi trật tự, sự phong phú và hoàn thiện của giới tự nhiên đều do Trời quyết định theo các bậc thang tôn tri, trật tự bắt đầu từ các sự vật không có linh hồn, tới con người, đến các Thần thánh và cao hơn cả là Chúa Trời. Do vậy, Chúa Trời, Thượng Đế là mục đích tối cao, là quy luật vĩnh cửu đứng trên mọi cái, thống trị mọi cái, là nguyên nhân cuối cùng tác động lên thế giới. Để chứng minh Chúa Trời,

Thượng Đế là động lực, nguyên nhân, cái tất nhiên ban đầu, sự hoàn thiện tuyệt đối và là nguyên nhân tạo ra sự hợp lý của giới tự nhiên, Tômát Đacanh nêu ra những lý lẽ 1) Thế giới không vận động vĩnh cửu, cần phải có động lực ban đầu. 2) Nguyên nhân tác động không phải là vô tận, cần có nguyên nhân đầu tiên. 3) Mọi sự vật của thế giới là ngẫu nhiên, cần có cái tất nhiên tuyệt đối. 4) Sự hoàn thiện của các sự vật có các giai đoạn khác nhau, cần phải có một thực thể hoàn thiện tuyệt đối. 5) Tính hợp lý của giới tự nhiên không thể giải thích bằng nguyên nhân tự nhiên, cần phải tồn tại một thực thể lý trí siêu tự nhiên để điều chỉnh thế giới.

Về cái chung, Tômát Đacanh cho rằng, cái chung tồn tại trên ba phương diện 1) Cái chung tồn tại trước sự vật trong trí tuệ của Chúa Trời như là mẫu mực lý tưởng của các sự vật riêng lẻ. 2) Cái chung được tìm thấy trong các sự vật và nó chỉ tồn tại khách quan khi nó chứa đựng các sự vật riêng lẻ. 3) Cái chung được tạo ra bằng con đường trừu tượng hoá của trí tuệ con người từ các sự vật riêng lẻ.

- Đun Xcốt(1265 - 1308, Anh, nhà duy danh lớn nhất của thế kỷ XIII). Mối quan hệ giữa triết học với thần là vấn đề chủ yếu, ông coi Thượng đế là đối tượng nghiên cứu của thần học, còn đối tượng nghiên cứu của triết học là tồn tại.

Ông vẫn đề cao vai trò của lòng tin nhưng không hạ thấp vai trò của lý tính bởi Thượng Đế là một tồn tại bất tận, có thể chứng minh được, nhưng dựa vào lý trí để nhận thức Thượng Đế thì bị hạn chế, do vậy phải chủ yếu dựa vào lòng tin. Lý trí thấp hơn niềm tin tôn giáo, nó không nhận thức được bản chất của Thượng Đế, bởi đó là hình thức thuần tuý phi vật chất, trong khi lý trí chỉ nhận thức được những gì thuộc cảm tính. Chính vì vậy, con người không thể có được khái niệm về cái phi vật chất như Chúa Trời, Thượng Đế.

Về quan hệ giữa cái chung với cái riêng, Đun Xcốt giải thích cái chung vừa tồn tại trong các sự vật (như là bản chất của các sự vật), vừa tồn tại sau các sự vật (như là sự khái quát hoá, trừu tượng hoá khỏi các sự vật riêng lẻ), nghĩa là cái chung không chỉ là sản phẩm của lý trí mà nó còn có cơ sở trong bản thân các sự vật; nó vừa tồn tại trong sự vật với tính cách là bản chất của chúng, vừa tồn tại sau sự vật với tính cách là những khái niệm được lý trí con người trừu tượng hoá khỏi bản chất của sự vật.

 

4. Phân tích tư tưởng về xã hội và đạo đức

- Các quan điểm xã hội của Ôguýtxtanh được ông trình bày trong tác phẩm Thành Đô của Thượng Đế. Theo đó, xã hội loài người được chia thành hai vương quốc là vương quốc của điều ác là nhà nước trần thế và vương quốc của Thượng Đế trên trái Đất là nhà thờ. Sự bất bình đẳng trong xã hội là điều tự nhiên; hiện tượng giàu, nghèo tồn tại vĩnh viễn. Cuộc sống trên trần thế chỉ là cuộc sống tạm thời, hạnh phúc vĩnh cửu là ở thế giới bên kia.

- Ông Đacanh cũng ra sức tuyên truyền tư tưởng về vai trò thống trị của Nhà thờ đối với xã hội công dân; chống lại sự bình đẳng xã hội. Ông cho rằng con người là do Thượng Đế tạo nên theo hình dáng của mình, sống trên trái Đất- trung tâm của vũ trụ. Mọi cái trong tự nhiên thích ứng như thế nào với con người đều do Chúa trời quy định, Mặt Trời chiếu sáng để sưởi ấm, mưa rơi để đất đai có nước; động đất và bão lụt là do Chúa trừng phạt tội lỗi của con người. Đẳng cấp của con người trong xã hội là do Chúa sắp đặt. Chính quyền nhà Vua là do ý trời, thân xác con người phải phục tùng nhà vua, còn quyền lực tối cao thuộc về Giáo hội.

 

5. Đặc điểm triết học tây Âu thời Trung cổ

- Sự phát triển của chủ nghĩa Kinh viện là thể hiện sự tìm kiếm cơ sở lý luận cho thế giới quan tôn giáo.

- Quan hệ giữa niềm tin tôn giáo với lý trí cũng là vấn đề trung tâm của triết học. Cuộc đấu tranh giữa phái Duy thực với phái duy Danh quanh việc giải quyết những vấn đề trung tâm của triết học là biểu hiện đặc thù cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa duy tâm với chủ nghĩa duy vật.

- Sau thời suy thoái, xã hội tây Âu đã có sự phát triển về cả vật chất và tinh thần. Những cuộc Thập tự chinh về phía Đông đã giúp cho phương Tây tiếp thu được nhiều điều của nền văn hoá phương Đông. Thiên văn học, toán học, cơ học, hoá học, vật lý học hình thành và phát triển khá mạnh vào thế kỷ XIII.

 

(MK LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

Trên đây là nội dung Luật Minh Khuê đã sưu tầm và biên soạn. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.6162 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng!

Luật Minh Khuê (Sưu tầm và biên tập).