1. Cách xử lý khi bị nhắn tin nhục mạ và đe dọa ?

Thưa Luật sư, Trong những ngày gần đây tôi có nhận được nhiều số điện thoại lạ điện vào máy của mình với nội dung tin nhắn mang tính đe dọa. Cụ thể là: Trước tôi có làm việc cho một cửa hàng ảnh viện áo cưới, trong thời gian tôi làm việc không gây bất đồng đến một ai làm cùng cửa hàng với mình. Thời gian làm việc của mình trong cửa hàng cũng được khoảng 5 tháng thì mình có xin nghỉ để về mở cửa hàng áo cưới, trong thời gian đó mình bào nghỉ trước 1 tháng để cửa hàng sắp xếp tìm nhân viên mới. Trong quá trình đó chủ cửa hàng có nhắn tin đe dọa không cho phép bất kỳ người nào làm ở cửa hàng đó được phép mở cửa hàng trên đất của huyện đó. Vào ngày hôm nay, tôi có nhận được tin nhắn và những cuộc điện thoại hỏi dò xem nơi tôi sinh sống để đe dọa tinh thần và muốn đánh người để dằn mặt.

Vậy tôi phải làm gì để yên tâm làm ăn và có việc gì xảy ra thì cần làm những thủ tục gì để báo đến cơ quan nào để giải quyết vụ việc?

Xin cảm ơn Luật sư!

Người gửi: H.X.H

>> Tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến qua tổng đài, gọi : 1900.6162

 

Trả lời:

Hành vi nhắn tin đe dọa tinh thần của người khác là hành vi vi phạm pháp luật, sẽ vị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điểm g Khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin :

"3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

g) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác;..."

Trong trường hợp này, người có thẩm quyền xử phạt là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Trưởng phòng công an, trưởng phòng cảnh sát trật tự, trưởng phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cấp huyện.

Mặt khác, nếu hành vi nhắn tin kèm theo những lời đe dọa giết người thì người nhắn tin có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đe dọa giết người theo quy định tại Điều 133 Bộ luât Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017:

"Điều 133. Tội đe dọa giết người

1. Người nào đe doạ giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Đối với 02 người trở lên;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

d) Đối với người dưới 16 tuổi;

đ) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác."

Theo đó, nếu có đủ căn cứ cho thấy hành vi của người này cấu thành tội phạm nêu trên bạn có thể làm đơn tố cáo tới cơ quan công an nơi xảy ra hành vi phạm tội để được giải quyết.

Như vậy, bạn có thể báo ngay với Cơ quan có thẩm quyền để tiến hành điều tra và xử phạt.

>> Tham khảo thêm nội dung liên quan: Viết nội dung đơn tố cáo hành vi đe dọa sức khỏe, tính mạng như thế nào ?

 

2. Làm gì khi bị chồng cũ đe doạ giết cả nhà ?

Thưa luật sư, xin hỏi: Bị chồng cũ (đã ly hôn) nhắn tin gọi điện đe doạ giết cả nhà thì phải làm gì luật sư? Em muốn biết nếu làm đơn ra toà thì người đó có bị xử lý hình sự không? Nếu có thì sẽ bị xử phạt mức án nào? Người đó thường xuyên đe doạ khủng bố tinh thần gia đình em, rất hoang mang, lo sợ.
Mong nhận được sự hồi đáp của luật sư. Em xin cảm ơn.

Người gửi: P.T.T

 

Luật sư tư vấn:

2.1. Các dấu hiệu của tội đe dọa giết người

Thứ nhất, về phía người phạm tội.

Đầu tiên là người đe dọa có các hành vi làm cho người bị đe doạ lo sợ như: Bằng lời nói, cử chỉ, cách nhìn… nhưng hành vi đó không phải để thực hiện việc giết người mà chỉ nhằm làm cho người bị đe doạ tưởng thật là mình có thể bị giết. Ví dụ như: Nhắn tin, viết thư, lấy súng lên đạn…

Hành vi đó phải làm cho người bị đe dọa tưởng rằng mình sẽ bị giết, việc xác định dấu hiệu này rất khó khăn, bởi vì nó phát sinh từ phía người bị đe doạ không phải là căn cứ khách quan.

Chủ thể của tội này nhất thiét phải từ đủ 16 tuổi trở lên, nếu dưới 16 tuổi thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này.

Thứ hai, về phía người bị đe dọa.

Như đã nói ở trên người bị đe dọa phải thực sự lo lắng và tin rằng hành vi đe doạ của người phạm tội sẽ được thực hiện. Nếu người bị đe doạ không lo sợ bị giết mà lại lo sợ về những hậu quả khác do người đe dọa có thể gây nên cho mình, thì dù người đe dọa có hành vi đe doạ giết người cũng không phạm tội này. Người bị đe doạ có thể sợ mình bị giết và cũng có thể sợ người thân của mình bị giết miễn là họ tin rằng hành vi đe doạ của bị cáo sẽ được thực hiện.

2.2. Đối với trường hợp cụ thể trên

Theo thông tin mà bạn cung cấp thì hiện nay bạn và chồng đã ly hôn, anh chồng cũ thường xuyên nhắn tin, gọi điện đe doạ khủng bố tinh thần gia đình bạn, điều này làm bạn và gia đình rất hoang mang, lo sợ. Trong trường hợp của bạn điều đầu tiên mà bạn cần làm đó chính lưu, chụp lại, ghi lại… những nội dung đe dọa của người chồng để làm bằng chứng chứng minh những lời đe dọa của chồng bạn là thật. Sau đó yêu cầu anh ta lựa chọn dừng hành vi này lại hoặc bạn sẽ phải nhờ đến pháp luật can thiệp để tự bảo vệ mình và người thân. Hãy nói thẳng để chồng bạn biết về tình trạng sức khỏe, những căng thẳng của bạn, gia đình bạn và những hậu quả pháp lý mà anh ta có thể sẽ phải gánh chịu nếu anh ta còn tiếp tục thực hiện các hành vi như vậy.

Nếu như việc trao đổi thẳng thắn như vậy mà không có hiệu quả thì chúng tôi khuyên bạn nên báo cao ngay với cơ quan công an nơi cư trú, viết đơn tố giác tội phạm và giao nộp chứng cứ cho cơ quan công an để họ có các biện pháp cạn thiệp, hành vi của người chồng đó.

Mức án nào mà chồng cũ của bạn có thể phải gánh chịu?

Hiện nay, theo quy định của pháp luật thì hành vi này của chồng cũ bạn là vi phạm pháp luật. Bởi, theo quy định tại Điều 133 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017thì người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Theo điểm b khoản 2 Điều 133 thì nếu phạm tội thuộc trường hợp “Đối với 02 người trở lên;” thì sẽ bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm”.

Như vậy, trong trường hợp của bạn người chồng đã đe dọa giết cả gia đình bạn tức là trường hợp đe dọa giết từ hai người trở lên và tất cả những người bị đe dọa đó đều tin là mình bị giết. Đối với hành vi đe dọa giết người của anh chồng này thì sẽ căn cứ vào mức độ nghiêm trọng của hành vi, anh ta có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 133 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

 

3. Cách xử lý người có hành vi nhắn tin đe dọa ?

Thưa luật sư, xin hỏi: Tôi và bạn trai trước đây có yêu nhau, nhưng gần đây tôi thấy tính cách không hợp nên tôi muốn chia tay. Tuy nhiên anh ấy nhắn tin đe dọa tôi sẽ nói với gia đình, cơ quan của tôi về quan hệ giữa tôi và anh ấy, nói tôi lợi dụng tình cảm, xúc phạm danh dự của anh ta vì anh ta có giới thiệu tôi với gia đình và cơ quan về tôi.

Tôi chưa gặp mặt gia đình anh ấy. Hơn nữa anh ta thường xuyên theo dõi để gặp tôi, buộc tôi giải thích về chuyện chia tay, bắt tôi quay lại. Gần đây, tôi đi công tác, tôi có vào nhà nghỉ thuê phòng và bị anh ta xông vào phòng đánh tôi. Giờ anh ta vẫn ép tôi phải ký vào thỏa thuận phải quay lại nếu không sẽ làm tôi mất công việc hiện tại.

Mong Luật sư tư vấn giúp tôi. Xin cảm ơn!

 

Luật sư tư vấn:

Thứ nhất, đối với trường hợp người này có hành vi nhắn tin đe dọa bạn rằng người này sẽ nói với gia đình, cơ quan của bạn về quan hệ giữa bạn và người này, bịa đặt rằng bạn lợi dụng tình cảm người này. Nếu hành vi này xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của bạn thì bạn có quyền tố cáo tới cơ quan công an cấp huyện nơi người yêu bạn đang cư trú tố cáo hành vi vu khống người khác. Người yêu bạn có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017:

"Điều 156. Tội vu khống

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;

b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền...."

Nếu trường hợp người này chỉ nhắn tin đe dọa bạn về việc sẽ thực hiện hành vi nói sai về bạn đến gia đình và cơ quan, thì người này có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điểm g, Khoản 3, Điều 66, Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính bưu chính viễn thông công nghệ thông tin, cụ thể như sau:

''3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:...

g) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác;...''

Như vậy trong trường hợp này, người này có thể bị xử phạt hành chính từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

Thứ hai, người yêu cũ có hành vi xông vào nhà nghỉ và đánh bạn:

Đối với trường hợp của bạn, người yêu cũ có hành vi đánh bạn, gây thiệt hại đến sức khỏe của bạn, có gây thương tích cho bạn hay không? Tùy vào mức độ thương tật của bạn để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người yêu cũ của bạn căn cứ điều 134 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017

Như vậy trong trường hợp này, người yêu cũ có hành vi trái pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích cũng như danh dự, nhân phẩm và sức khỏe của bạn. Bạn nên làm đơn tố cáo người này tới cơ quan công an cấp huyện nơi người yêu bạn đang cư trú để giải quyết.

>> Xem thêm nội dung: Làm gì khi bị chủ nợ đòi nợ và hành hung ép ghi giấy nợ ?

 

4. Nhắn tin đe dọa người khác thì bị xử lý thế nào ?

Kính gửi công ty Luật Minh Khuê, tôi có một vấn đề mong nhận được sự tư vấn từ luật sư. Tôi có vay tiền của một người và hiện giờ đã mất khả năng trả. Tôi có xin khất họ đợi tôi đi làm kiếm tiền sẽ trả cho họ nhưng họ liên tục nhắn tin đe dọa tôi. Vậy luật sư cho tôi hỏi hành vi nhắn tin của họ có vi phạm pháp luật không? Và bị xử phạt thế nào?
Tôi xin cảm ơn!

>> Luật sư tư vấn pháp luật Hình sự trực tuyến, gọi: 1900.6162

 

Luật sư tư vấn:

Điểm g, khoản 3, điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định:

"3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000

Theo căn cứ trên thì với hành vi nhắn tin nhằm đe dọa của họ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức xử phạt từ 10 triệu đến 20 triệu đồng.

Nếu việc đe dọa có mức độ nặng hơn có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi đe dọa giết người được quy định tại điều 133 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017

Như vậy hành vi nhắn tin đe dọa của người đó là vi phạm pháp luật. Vì vậy để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình bạn nên làm làm đơn tố cáo hành vi này đến cơ quan điều tra công an huyện. Trong trường hợp có đủ cơ sở xử lý về hình sự, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can đối với người vi phạm. Nếu vi phạm có dấu hiệu phạm tội hình sự nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, cơ quan công an ra quyết định xử phạt hành chính đồng thời áp dụng một số biện pháp khác theo quy định của pháp luật buộc người vi phạm chấm dứt hành vi. >> Tham khảo thêm nội dung: Tư vấn việc hành hung, chửi bới, xúc phạm người khác ?

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê. Rất mong nhận được sự hợp tác!