1. Người chưa thành niên

- Trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay cũng chưa có một khái niệm rõ ràng về người chưa thành niên, nhưng có thể định nghĩa người chưa thành niên là những người chưa đủ 18 tuổi. Vì người chưa thành niên trong khoa học thì ở độ tuổi này chưa phát triển hoàn toàn về nhận thức hoặc nhân cách nên chưa có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của một công dân theo quy định.

- Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, người chưa đủ 18 tuổi được giải thích rất cụ thể trong Điều 21 là người chưa thành niên. Đối với các giao dịch dân sự đối với người chưa thành niên là những  người chưa đủ 6 tuổi thì giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện. Đối với các giao dịch  dân sự thì trừ trường hợp phục vụ các nhu cầu sinh hoạt hợp với lứa tuổi của người chưa thành niên thì đa số khi giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật của người chưa thành niên đồng ý như là cha mẹ…của người chưa thành niên từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi khi xác lập giao dịch dân sự. Còn đối các giao dịch mà cho người từ đủ 15 tuổi trở lên đến dưới 18 tuổi thì hải được những người chưa thành niên có thể tự mình xác lập các giao dịch dân sự. Trừ các giao dịch có liên quan đến tài sản mà nhà nước có yêu cầu phải đăng ký quyền sở hữu thì phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

2. Các quyền khi tham gia tố tụng của người đại diện, nhà trường, tổ chức theo BLTTHS 2003

Theo Điều 306 BLTTHS 2003:

1. Đại diện của gia đình người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, tổ chức khác nơi người bị tạm giữ, bị can, bị cáo học tập, lao động và sinh sống có quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng theo quyết định của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án.

2. Trong trường hợp người bị tạm giữ, bị can là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi hoặc là người chưa thành niên có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc trong những trường hợp cần thiết khác, thì việc lấy lời khai, hỏi cung những người này phải có mặt đại diện của gia đình, trừ trường hợp đại diện gia đình cố ý vắng mặt mà không có lý do chính đáng. Đại diện gia đình có thể hỏi người bị tạm giữ, bị can nếu được Điều tra viên đồng ý; được đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu, khiếu nại; đọc hồ sơ vụ án khi kết thúc điều tra.

3. Tại phiên tòa xét xử bị cáo là người chưa thành niên phải có mặt đại diện của gia đình bị cáo, trừ trường hợp đại diện gia đình cố ý vắng mặt mà không có lý do chính đáng, đại diện của nhà trường, tổ chức.

Đại diện của gia đình bị cáo, đại diện của nhà trường, tổ chức tham gia phiên toà có quyền đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu và đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng; tham gia tranh luận; khiếu nại các hành vi tố tụng của những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và các quyết định của Toà án

 Khoản 4 Điều 10 Thông tư liên tịch 01/2011/TTLT-VKSTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH (đã hết hiệu lực) quy định:

Khi lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi hoặc là người chưa thành niên có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc trong những trường hợp cần thiết khác, cơ quan tiến hành tố tụng phải thông báo trước cho đại diện của gia đình để bảo đảm sự có mặt của họ. Việc lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can khi không có mặt đại diện gia đình chỉ được thực hiện trong trường hợp người đó không có gia đình, đại diện gia đình cố ý vắng mặt mà không có lý do chính đáng hoặc họ từ chối tham gia.

Trường hợp đại diện gia đình của người bị tạm giữ, bị can không thể có mặt, để bảo đảm trình tự, thủ tục tố tụng được tiến hành kịp thời theo quy định, thì việc lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can vẫn được thực hiện nhưng cơ quan tiến hành tố tụng phải mời cán bộ thuộc một trong các cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên hoặc Luật sư tham gia lấy lời khai, hỏi cung.

Đại diện gia đình, cán bộ thuộc cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, đại diện Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Luật sư có thể được bố trí ngồi cạnh người chưa thành niên để tạo tâm lý yên tâm, thoải mái cho họ.

Nếu thấy cần thiết cho quá trình lấy lời khai, hỏi cung thì có thể cho đại diện gia đình hỏi người bị tạm giữ, hỏi bị can những câu hỏi mang tính chất động viên, thuyết phục, giáo dục. Đại diện gia đình không được hỏi những câu hỏi mang tính chất gợi ý, định hướng, câu hỏi mang tính chất khẳng định, phủ định liên quan đến vụ án. Khi thấy đại diện gia đình có dấu hiệu thông cung, mớm cung phải lập tức yêu cầu đại diện gia đình dừng ngay việc hỏi và lập biên bản về việc này.

3. Các quyền khi tham gia tố tụng của người đại diện, nhà trường, tổ chức theo BLTTHS 2015

Trong quá trình giải quyết án hình sự liên quan người chưa thành niên, việc tham gia tố tụng của người đại diện, thầy, cô giáo, đại diện của nhà trường, Đoàn thanh niên và tổ chức khác nơi người chưa thành niên học tập, lao động và sinh hoạt có ý nghĩa quan trọng, dưới vai trò gia đình - xã hội, bằng sự thông hiểu cuộc sống và nắm bắt được tâm sinh lý của người chưa thành niên sẽ bảo đảm sự trợ giúp cần thiết cho người chưa thành niên, đồng thời giúp đỡ tích cực để cơ quan, người tiến hành tố tụng giải quyết vụ án được khách quan, chính xác và phù hợp với người chưa thành niên. Trên cơ sở Điều 306 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã có sửa đổi, bổ sung quy định đầy đủ hơn các quyền khi tham gia tố tụng của người đại diện, nhà trường, tổ chức của người chưa thành niên tại Điều 420 theo hướng:

Người đại diện của người dưới 18 tuổi, thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường, Đoàn thanh niên, tổ chức khác nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt có quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng theo quyết định của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án. Người đại diện của người dưới 18 tuổi được tham gia việc lấy lời khai, hỏi cung người dưới 18 tuổi; đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu, khiếu nại, tố cáo; đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu liên quan đến việc buộc tội người dưới 18 tuổi trong hồ sơ vụ án sau khi kết thúc điều tra.

Người đại diện của người dưới 18 tuổi, thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường, Đoàn thanh niên, tổ chức khác nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt khi tham gia phiên tòa có quyền đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu và đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng; phát biểu ý kiến, tranh luận; khiếu nại các hành vi tố tụng của những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và các quyết định của Tòa án.

4. Lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, hỏi cung bị can

Điều 421 BLTTHS 2015 quy định về việc lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị hại, người làm chứng; hỏi cung bị can; đối chất như sau:

- Khi lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị hại, người làm chứng, hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thông báo trước thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung cho người bào chữa, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

- Việc lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, hỏi cung bị can phải có mặt người bào chữa hoặc người đại diện của họ.

Việc lấy lời khai của người bị hại, người làm chứng phải có người đại diện hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ tham dự.

- Người bào chữa, người đại diện có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can là người dưới 18 tuổi nếu được Điều tra viên, Kiểm sát viên đồng ý. Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa, người đại diện có thể hỏi người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can.

- Thời gian lấy lời khai người dưới 18 tuổi không quá hai lần trong 01 ngày và mỗi lần không quá 02 giờ, trừ trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp.

- Thời gian hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi không quá hai lần trong 01 ngày và mỗi lần không quá 02 giờ, trừ trường hợp:

  • Phạm tội có tổ chức;
  • Để truy bắt người phạm tội khác đang bỏ trốn;
  • Ngăn chặn người khác phạm tội;
  • Để truy tìm công cụ, phương tiện phạm tội hoặc vật chứng khác của vụ án;
  • Vụ án có nhiều tình tiết phức tạp.

- Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ tiến hành đối chất giữa bị hại là người dưới 18 tuổi với bị can, bị cáo để làm sáng tỏ tình tiết của vụ án trong trường hợp nếu không đối chất thì không thể giải quyết được vụ án.

5. Trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng

- Khi xét thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt thì Hội đồng xét xử quyết định trong bản án việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

- Quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng có các nội dung chính:

  • Số, ngày, tháng, năm; địa điểm ra quyết định;
  • Họ tên, chữ ký các thành viên Hội đồng xét xử đã ra quyết định;
  • Lý do, căn cứ ra quyết định;
  • Họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của bị cáo;
  • Tội danh, điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự đã áp dụng;
  • Thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng;
  • Trách nhiệm của trường giáo dưỡng nơi giáo dục người bị áp dụng biện pháp này.

- Quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng được giao ngay cho người dưới 18 tuổi phạm tội, cha mẹ hoặc người đại diện của họ và trường giáo dưỡng nơi giáo dục họ.

LUẬT MINH KHUÊ (Sưu tầm & Biên tập)