Căn cứ vào Điều 52 Bộ luật Lao động năm 2019, cho thuê lại lao động là việc người lao động giao kết hợp đồng lao động với một người sử dụng lao động là doanh nghiệp cho thuê lại lao động, sau đó người lao động được chuyển sang làm việc và chịu sự điều hành của người sử dụng lao động khác mà vẫn duy trì quan hệ lao động với người sử dụng lao động đã giao kết hợp đồng lao động.
Đồng thời, hoạt động cho thuê lại lao động là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, chỉ được thực hiện bởi các doanh nghiệp có Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động và áp dụng đối với một số công việc nhất định.
Như vậy, cho thuê lại lao động được hiểu là việc một doanh nghiệp tiến hành tuyển dụng lao động (giao kết hợp đồng lao động với người lao động) nhưng sau đó cho doanh nghiệp khác thuê lại người lao động để sử dụng trong một thời gian nhất định.
Với quy định hoạt động cho thuê lại lao động là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, chỉ được thực hiện bởi các doanh nghiệp có Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động và áp dụng đối với một số công việc nhất định sẽ giúp cơ quan nhà nước thuận lợi trong quá trình thanh tra, giám sát quan hệ lao động, tránh trường hợp lợi dụng việc cho thuê lại lao động để cưỡng bức lao động, mua bán người, thực hiện hành vi trái pháp luật khác làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.