Mục lục bài viết
- 1. Quy định chung về các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt vi phạm hành chính
- 2. Biện pháp tạm giữ người và thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính
- 3. Biện pháp áp giải người vi phạm
- 4. Biện pháp tạm giữ và xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính
- 5. Biện pháp khám phương tiện vận tải, đồ vật, khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính
1. Quy định chung về các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt vi phạm hành chính
Điều 119 quy định các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính gồm có 9 biện pháp: tạm giữ người; áp giải người vi phạm; tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề; khám người; khám phương tiện vận tải, đồ vật; khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong khoảng thời gian làm thủ tục trục xuất; giao cho gia đình, tổ chức quản lý người đang được làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính; và truy tìm đối tượng phải chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong trường hợp bỏ trốn. Điều 120 quy định nguyên tắc áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính nhấn mạnh việc áp dụng phải tuân thủ nghiêm ngặt về trình tự, thủ tục và chỉ được áp dụng trong những trường hợp thật cần thiết; việc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ trong việc áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính phải được thực hiện theo quy định của pháp luật.Bên cạnh đó, người có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính phải hủy bỏ biện pháp ngăn chặn khi thấy không còn cần thiết hoặc thay thế bằng một biện pháp ngăn chặn khác.
2. Biện pháp tạm giữ người và thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính
Điều 122 của Luật quy định rất chặt chẽ về điều kiện áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính. Biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác. Điều 122 quy định trường hợp người bị tạm giữ trên tàu bay, tàu biển thì phải chuyển ngay cho cơ quan có thẩm quyền khi tàu bay đến sân bay, tàu biển cập cảng. Bên cạnh đó, Điều 122 của Luật cũng quy định nơi tạm giữ người theo thủ tục hành chính là nhà tạm giữ hành chính hoặc buồng tạm giữ hành chính phải được bố trí tại trụ sở cơ quan, đơn vị nơi làm việc của người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ người vi phạm hành chính. Trường hợp không có nhà tạm giữ hành chính hoặc buồng tạm giữ hành chính thì tạm giữ tại phòng trực ban hoặc phòng khác tại nơi làm việc, nhưng phải bảo đảm các quy định chung. Về thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính quy định tại Điều 123 Luật XLVPHC có quy định một số chức danh cho phù hợp với thực tiễn như Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Trưởng phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Chỉ huy trưởng Vùng Cảnh sát biển, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, Trưởng tàu khi tàu hỏa đã rời nhà ga để bảo đảm tính linh hoạt và khả thi khi áp dụng trên thực tế.
3. Biện pháp áp giải người vi phạm
Đây là biện pháp mới được bổ sung trong Luật (Điều 124) nhằm mục đích cưỡng chế người vi phạm trong trường hợp bị tạm giữ người theo thủ tục hành chính hoặc đưa đối tượng bỏ trốn trở lại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc do họ không tự nguyện chấp hành yêu cầu của người có thẩm quyền.
4. Biện pháp tạm giữ và xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính
* Về tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính: Điều 125 Luật XLVPHC đã quy định việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề chỉ được áp dụng trong trường hợp thật cần thiết để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt; để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội hoặc để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức xử phạt tiền. Việc tạm giữ tang vật, phương tiện quy định tại khoản 1 Điều 125 Luật XLVPHC phải được chấm dứt ngay sau khi xác minh được tình tiết làm căn cứ quyết định xử phạt, hành vi vi phạm không còn gây nguy hiểm cho xã hội hoặc quyết định xử phạt được thi hành. Trường hợp được nộp tiền phạt nhiều lần theo quy định tại Điều 79 của Luật, sau khi nộp tiền phạt lần đầu thì người vi phạm được nhận lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ. Thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính cũng là một trong những nội dung quan trọng được sửa đổi, bổ sung. Cụ thể: người có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có thẩm quyền tạm giữ tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính. Khoản 5 Điều 125 nhấn mạnh trách nhiệm bảo quản tang vật, phương tiện của người ra quyết định tạm giữ. Trong trường hợp tang vật, phương tiện bị mất, bán, đánh tráo hoặc hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện phải chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Đây là quy định mới nhằm bảo đảm tính khách quan, góp phần giảm thiểu việc khiếu nại trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính. Việc giữ phương tiện, giấy tờ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt cũng được quy định chặt chẽ hơn. Khoản 6 Điều 125 quy định người có thẩm quyền phải tạm giữ giấy tờ, nếu không có giấy tờ thì mới tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Việc tạm giữ giấy tờ cũng phải theo thứ tự: giấy phép lái xe hoặc giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến tang vật, phương tiện. Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thì có thể bị tạm giữ giấy phép, chứng chỉ hành nghề để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt. Khoản 7 Điều 125 khẳng định việc tạm giữ giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong thời gian chờ ra quyết định không làm ảnh hưởng quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề của cá nhân, tổ chức đó, thời gian bị tạm giữ không bị coi là đang bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Về thời hạn tạm giữ, Luật hạn chế tối đa thời gian tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề là 07 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Một nội dung quan trọng được bổ sung tại khoản 10 Điều 125, đó là quy định đối với phương tiện giao thông thuộc trường hợp bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt, nếu cá nhân, tổ chức vi phạm có địa chỉ rõ ràng, có nơi lưu giữ, bảo quản phương tiện hoặc có khả năng về tài chính để đặt tiền bảo lãnh thì cơ quan có thẩm quyền có thể giao cho họ giữ, bảo quản phương tiện trong thời gian bảo đảm thi hành quyết định xử phạt. * Về xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính. Quy định về xử lý tang vật, phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính tại Điều 126 được chuyển từ quy định tại Điều 17 Pháp lệnh XLVPHC. Luật quy định đối với tang vật, phương tiện đang bị tạm giữ do bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp. Luật quy định trong trường hợp này, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, Luật cũng nhấn mạnh, nếu chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp có lỗi cố ý trong việc để người vi phạm sử dụng tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thì tang vật, phương tiện đó bị tịch thu sung vào ngân sách nhà nước mà không buộc cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp khoản tiền tương đương. Luật cũng quy định cụ thể những trường hợp phải thu phí và không thu phí lưu kho, phí bến bãi, phí bảo quản để bảo đảm tính thống nhất, công khai, minh bạch. Theo đó, người có tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ chỉ phải trả chi phí lưu kho, phí bến bãi, phí bảo quản tang vật, phương tiện và các khoản chi phí khác trong thời gian tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo quy định tại khoản 8 Điều 125 Luật XLVPHC (thời hạn tạm giữ là 07 ngày và tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ). Không thu phí lưu kho, phí bến bãi và phí bảo quản trong thời gian tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ nếu chủ tang vật, phương tiện không có lỗi trong việc vi phạm hành chính hoặc áp dụng biện pháp tịch thu đối với tang vật, phương tiện.
5. Biện pháp khám phương tiện vận tải, đồ vật, khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính
Điều 128 của Luật quy định hạn chế thẩm quyền khám, chỉ những người có thẩm quyền tạm giữ người quy định tại khoản 1 Điều 123 Luật XLVPHC mới có quyền khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính. Trong trường hợp có căn cứ để cho rằng nếu không tiến hành khám ngay thì tang vật vi phạm hành chính sẽ bị tẩu tán, tiêu hủy, thì chiến sĩ cảnh sát nhân dân, cảnh sát viên cảnh sát biển, chiến sĩ bộ đội biên phòng, kiểm lâm viên, công chức thuế, công chức hải quan, kiểm soát viên thị trường, thanh tra viên đang thi hành công vụ được khám nhưng phải báo cáo ngay cho thủ trưởng trực tiếp của mình và phải chịu trách nhiệm về việc khám. Bên cạnh đó, Luật quy định việc khám phương tiện vận tải, đồ vật phải có quyết định bằng văn bản, trừ trường hợp khám ngay, mọi trường hợp khám đều phải lập biên bản và phải giao cho chủ phương tiện vận tải, đồ vật hoặc người điều khiển phương tiện vận tải 01 bản. Quy định về biện pháp khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được giữ nguyên như quy định tại Điều 49 Pháp lệnh XLVPHC.
Luật Minh Khuê ( sưu tầm và biên tập )