Mục lục bài viết
1. Khái quát chung
Các biện pháp ngăn chặn hành chính được thể hiện dưới nhiều tên gọi, mỗi tên gọi phản ánh một loại biện pháp ngăn chặn với tính chất, nội dung và vai trò hoàn toàn khác nhau. Việc phân loại các biện pháp ngăn chặn hành chính giúp chúng ta dễ dàng nghiên cứu vấn đề dưới nhiều góc độ, từ đó có nhận thức rõ hơn về mỗi biện pháp ngăn chặn hành chính. Ngoài ra việc phân loại còn giúp các cơ quan quản lý có định hướng áp dụng đúng đắn trong thực tiễn quản lý hành chính nhà nước. Thực tế có nhiều cách phân loại biện pháp ngăn chặn hành chính, tuy nhiên trong phạm vi có hạn, luận án đi sâu vào từng biện pháp ngăn chặn hành chính trên cơ sở mục đích áp dụng, bởi mục đích là cái mà các chủ thể có thẩm quyền hướng đến khi áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành chính, trên cơ sở mục đích nhằm xác định căn cứ áp dụng đúng, đủ làm cơ sở để đạt được mục đích đó.
Theo đó, căn cứ vào mục đích áp dụng, các biện pháp ngăn chặn hành chính có thể chia thành ba nhóm. Nhóm thứ nhất: Các biện pháp ngăn chặn nhằm làm chấm dứt VPPL hoặc ngăn ngừa hậu quả, thiệt hại từ VPPC, gồm: Buộc chấm dứt hành vi vi phạm; Tạm giữ người; Áp giải, cưỡng chế đưa người ra khỏi nhà xây dựng và lấn chiếm phi pháp... Nhóm thứ hai: Các biện pháp ngăn chặn hành chính nhằm bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính, gồm: Khám người, khám phương tiện, vận tải, đồ vật; Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất; Nhóm thứ ba: Các biện pháp ngăn chặn hành chính vừa có mục đích làm chấm dứt vi phạm, ngăn ngừa hậu quả vừa có mục đích bảo đảm xử lý vi phạm hành chính (biện pháp ngăn chặn hành chính hỗn hợp) Ví dụ: Biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
2. Phân loại
2.1 Nhóm biện pháp ngăn chặn nhằm làm chấm dứt vi phạm pháp luật hoặc ngăn ngừa hậu quả, thiệt hại do VPPL gây ra
Để làm chấm dứt hành vi vi phạm hay ngăn ngừa hậu quả từ hành vi vi phạm, chủ thể có thẩm quyền phải thực hiện các biện pháp nghiệp vụ nhằm loại bỏ lý do và các điều kiện thúc đẩy vi phạm tiếp tục diễn ra. Nhóm biện pháp ngăn chặn hành chính này có đặc điểm:
Thứ nhất, mục đích của nhóm biện pháp ngăn chặn hành chính này là được áp dụng trong trường hợp cần thiết để ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi mà nếu không có sự can thiệp thì hành vi đó có thể tiếp tục xảy ra trên thực tế và gây ra những nguy hiểm cho xã hội.
Thứ hai, trong mối quan hệ với vi phạm pháp luật, nhóm biện pháp ngăn chặn hành chính này có thể được áp dụng ngay từ khi các hành vi mới có dấu hiệu vi phạm, tức là hành vi đó có thể chưa có đầy đủ căn cứ, thông tin cấu thành nên một vi phạm hành chínhC theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, tính cưỡng chế của nhóm biện pháp này thể hiện ở chỗ: Nhà nước tác động lên đối tượng bằng yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm đang diễn ra, trong nhiều trường hợp có thể dùng vũ lực, vũ khí để làm chấm dứt vi phạm trên thực tế. Điều này có nghĩa là chủ thể có thẩm quyền theo quy định pháp luật, nhân danh nhà nước, sử dụng quyền lực tác động lên đối tượng quản lý, buộc đối tượng phải thực hiện đúng theo yêu cầu, ý chí của nhà nước, bao gồm các hành vi như: Đình chỉ hoặc yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm hoặc sử dụng vũ lực, vũ khí đối với người có hành vi chống đối người thi hành công vụ hay trốn tránh trách nhiệm…
Các biện pháp ngăn chặn nhằm làm chấm dứt hành vi vi phạm sẽ không còn cần thiết được áp dụng khi đối tượng vi phạm thực hiện đúng các yêu cầu được đề ra. Ví dụ: người vi phạm không có dấu hiệu bỏ trốn, hoặc tự nguyện thực hiện đúng yêu cầu buộc chấm dứt vi phạm của chủ thể có thẩm quyền. Các biện pháp ngăn chặn nhằm làm chấm dứt hành vi vi phạm sẽ không còn cần thiết được áp dụng khi đối tượng vi phạm thực hiện đúng các yêu cầu được đề ra. Ví dụ: người vi phạm không có dấu hiệu bỏ trốn, hoặc tự nguyện thực hiện đúng yêu cầu buộc chấm dứt vi phạm của chủ thể có thẩm quyền.
Nhóm biện pháp ngăn chặn hành chính này cần thiết nhằm làm chấm dứt kịp thời các hành vi vi phạm ngay cả khi hành vi đó chưa đủ yếu tố cấu thành vi phạm theo quy định pháp luật hoặc ngăn ngừa thiệt hại, hậu quả từ vi phạm đó dẫu cho thiệt hại đó chưa xảy ra. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp việc áp dụng các biện pháp này còn tác động đến quyền con người, quyền công dân. Vì vậy, cần lưu ý rằng, để bảo vệ các quyền cơ bản công dân thì chỉ những người có thẩm quyền do pháp luật quy định mới được thực hiện, đồng thời người có thẩm quyền sẽ chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về hành vi do mình thực hiện nếu có sai phạm. Đó có thể là trách nhiệm kỉ luật, trách nhiệm dân sự hoặc trách nhiệm hình sự tùy từng mức độ vi phạm của hành vi.
Ngoài ra, ở đây cần phần biệt biện pháp ngăn chặn hậu quả do vi phạm gây ra với nhóm biện pháp cưỡng chế khắc phục hậu quả trong xử phạt vi phạm hành chính. Khắc phục hậu quả là biện pháp khôi phục hành chính được áp dụng nhằm mục đích khắc phục, sửa chữa những hậu quả do vi phạm hành chính gây ra. Hay nói cách khác, biện pháp khôi phục hậu quả nhằm đưa quan hệ bị vi phạm về đúng trạng thái vốn có của nó ban đầu. Ngược lại, biện pháp ngăn chặn hậu quả, thiệt hại từ vi phạm nhằm bảo vệ quan hệ có khả năng hoặc đang bị vi phạm, điều này có nghĩa là, hậu quả từ hành vi vi phạm có thể chưa xảy ra hoặc đang xảy ra và việc ngăn chặn hậu quả này nhằm không để nó xảy ra hoặc tiếp tục xảy ra nữa. Như vậy, có thể thấy nếu ngăn chặn hành chính là nhóm cưỡng chế mang tính chất bảo vệ pháp luật thì biện pháp khôi phục hành chính lại mang tính chất thực hiện pháp luật.
2.2 Nhóm biện pháp ngăn chặn nhằm bảo đảm xử phạt vi phạm hành chính
Mục đích của nhóm biện pháp ngăn chặn này là tác động lên đối tượng có hành vi vi phạm, từ đó tạo điều kiện thuận lợi hay bảo đảm cho hoạt động xử phạt. Tính cưỡng chế của nhóm biện pháp này thể hiện ở chỗ: nhóm BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN này tác động lên đối tượng có hành vi vi phạm nhằm buộc họ phải thực hiện đúng theo yêu cầu, ý chí của nhà nước, như: buộc không được tự do đi lại trong một thời gian nhất định, buộc ở trong một khuôn viên nhất định hoặc tác động lên đối tượng có dấu hiệu của hành vi vi phạm bằng hoạt động kiểm tra nhằm phát hiện thông tin làm chứng cứ cho hành vi vi phạm. Cụ thể như: tìm tòi, lục soát trên cơ thể người, trên đồ vật như quần áo, túi xách, phương tiện (xe, máy tính, thùng…) được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hoặc nơi cất giấu tang vật vi phạm hành chính (như nơi cư trú, nơi làm việc…);
Việc thực hiện nghĩa vụ, yêu cầu này không phải là sự trừng phạt, hay là phán quyết cuối cùng của nhà nước đối với hành vi vi phạm mà chỉ là cách thức được nhà nước sử dụng để tác động lên đối tượng thực hiện vi phạm nhằm tuyệt đối không để đối tượng trốn tránh trách nhiệm đối với hành vi vi phạm đã thực hiện. Việc hạn chế các quyền cơ bản của con người thông qua các biện pháp ngăn chặn như: quyền tự do đi lại, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở… là cần thiết nhằm để bảo vệ các quan hệ xã hội khác bị xâm hại bởi hành vi vi phạm hành chính. Những biện pháp cụ thể loại này thường là: Quản lý người nước ngoài trong thời gian làm thủ tục trục xuất; Khám người, khám phương tiện, vận tải, đồ vật vi phạm hành chính; Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện, vận tải vi phạm hành chính
2.3 Nhóm biện pháp ngăn chặn hỗn hợp
Nhóm biện pháp ngăn chặn này được đặt ra đối với các biện pháp ngăn chặn có các mục đích khác nhau, cụ thể như: biện pháp ngăn chặn vừa có mục đích làm chấm dứt vi phạm hành chính đồng thời vừa nhằm bảo đảm cho hoạt động xử lý vi phạm; hoặc có biện pháp ngăn chặn hành chính có cả ba mục đích: làm chấm dứt vi phạm đang xảy ra, ngăn ngừa hậu quả của vi phạm đối với xã hội và nhằm đảm bảo thi hành quyết định xử phạt. Biện pháp cụ thể cho nhóm này là: Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
Do nhóm biện pháp ngăn chặn này được áp dụng với nhiều mục đích khác nhau, vì vậy, chủ thể có thẩm quyền, căn cứ tình hình thực tế cũng như quy định của pháp luật về điều kiện áp dụng để áp dụng đúng trong các trường hợp khác nhau, đồng thời nếu xét thấy việc áp dụng biện pháp ngăn chặn này không còn phù hợp thì có thể hủy bỏ hoặc thay thế bằng một biện pháp ngăn chặn khác.
Một trong mục đích của nhóm biện pháp ngăn chặn hành chính này là áp dụng đối với các hành vi đã cấu thành nên một vi phạm hành chính nên ở đây cần xác định ranh giới rõ ràng giữa nhóm biện pháp ngăn chặn hành chính này với biện pháp xử phạt hay các biện pháp cưỡng chế hành chính khác, bởi như đã phân tích ở trên, các biện pháp cưỡng chế này hoàn toàn khác biệt về nội dung và mục đích áp dụng. Chẳng hạn, trên thực tế vẫn còn có sự nhầm lẫn giữa biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề là biện pháp xử phạt. Tuy nhiên, về bản chất hai biện pháp này hoàn toàn khác nhau ở chỗ: i) Biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề được áp dụng chung chứ không phải để áp dụng cho một hành vi cụ thể nào; ii) Tạm giữ không phải là phán quyết cuối cùng của nhà nước đối với hành vi vi phạm hành chính, mà chỉ là hình thức tạm thời để ngăn chặn vi phạm và bảo đảm xử lý hành chính. Đồng thời, cũng không thể xem đây là các biện pháp khắc phục hậu quả vì việc tạm giữ ở đây hoàn toàn không liên quan đến khắc phục hậu quả do các hành vi vi phạm gây ra.
Trân trọng!
Bộ phận tư vấn pháp luật hành chính - Công ty Luật Minh Khuê