I. CÁC HÌNH THỨC KINH DOANH CÓ THỂ ÁP DỤNG ĐỂ MỞ CHUỖI KINH DOANH RA NƯỚC NGOÀI

   Có nhiều phương pháp khác nhau để thâm nhập một thị trường nước ngoài, và mỗi phương pháp tiêu biểu cho mức độ dấn sâu vào thị trường quốc tế. Để mở rộng kinh doanh ra các thị trường quốc tế, một doanh nghiệp có thể lựa chọn các phương thức sau: xuất khẩu, các dự án trao tay, công ty liên doanh, các công ty con thuộc sở hữu toàn bộ, li-xăng hoặc nhượng quyền thương mại, thành lập chi nhánh. Tuy nhiên, có hai hình thức phù hợp nhất với kinh doanh nhà hàng đó chính là: li- xăng và nhượng quyền thương mại.

1. Li-xăng

Li-xăng (cấp giấy phép) là một hình thức kinh doanh nhằm đạt được chỗ đứng vững chắc ở thị trường nước ngoài mà không cần vốn, phù hợp với doanh nghiệp sở hữu các tài sản sở hữu trí tuệ như bằng sáng chế, nhãn hiệu, bí mật kinh doanh,... khi doanh nghiệp muốn có được lợi nhuận ở thị trường quốc tế mà không bị ràng buộc nguồn lực cho các hoạt động quốc tế.

2. Nhượng quyền thương mại

Bản chất: Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại nhằm mở rộng hệ thống kinh doanh của bên nhượng quyền thông qua việc chia sẻ quyền kinh doanh trên cùng một thương hiệu cho bên nhận quyền. Nhượng quyền thương mại chính là việc nhượng quyền kinh doanh kèm theo đó là uy tín, nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, khẩu hiệu, biểu tượng kinh doanh cũng nnhư các kiến thức, bí quyết kinh doanh dây chuyền thiết bị công nghệ cho một thương nhân. Trên cơ sở đó thương nhân nhận quyền thương mại phát trển trên một cơ sở kinh doanh mới, có thể bán, sản xuất kinh doanh một loại hàng hóa nhất định hoặc cung cấp các dịch vụ có cùng chất lượng, hình thức, phương thức phục vụ như thương nhân nhượng quyền và dưới thương hiệu của thương nhân nhượng quyền.

Gồm: 

Nhượng quyền thương mại trực tiếp (Direct franchising)

- Nhượng quyền thương mại tổng thể (Master franchising)

- Nhượng quyền phát triển khu vực (Area development agreement)

Ngoài ra còn có các hình thức xâm nhập thị trường khác như: thành lập chi nhánh (Branch), thành lập công ty con (Subsidiary), liên doanh (Joint venture)...

Trong đó, hình thức nhượng quyền thương mại có thể nói phổ biến nhất và nhanh nhất trong việc bành trướng thương hiệu ra nước ngoài là Nhượng quyền tổng thể (Master Franchising. Đối với hình thức này, chủ thương hiệu sẽ chọn và chỉ định một đối tác địa phương tại quốc gia mà mình muốn xâm nhập làm đối tác mua franchise độc quyền kinh doanh và phân phối thương hiệu.

3. Lợi ích khi doanh nghiệp sử dụng hình thức nhượng quyền thương mại

- Với mục đích mở rộng hoạt động kinh doanh, vốn là vấn đề đáng quan tâm nhất. Nhưng trong mô hình kinh doanh nhượng quyền, người bỏ vốn ra để mở rộng hoạt động kinh doanh lại chính là bên nhận quyền.  Điều này giúp cho bên nhượng quyền có thể mở rộng hoạt động kinh doanh bằng đồng vốn của người khác và giảm chi phí cho việc thâm nhập thị trường. Bên cạnh đó, việc phải bỏ vốn kinh doanh là động lực thúc đẩy bên nhận quyền phải cố gắng hoạt động có hiệu quả, mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho bên nhượng quyền. 

- Mở rộng quy mô kinh doanh nhanh chóng: Ngày nay, những sự thay đổi trên thị trường diễn ra rất nhanh, nếu bạn không thay đổi, phát triển và mở rộng cùng với thị trường thì bạn sẽ bị các đối thủ cạnh tranh qua mặt, những cơ hội kinh doanh cũng sẽ trôi qua tầm tay. Hình thức nhượng quyền thương mại sẽ giúp bạn mở rộng hoạt động kinh doanh, xây dựng sự hiện diện ở khắp mọi nơi một cách nhanh chóng với hàng trăm cửa hàng trong và ngoài nước mà không một hình thức kinh doanh nào có thể làm được.

- Thúc đẩy việc quảng bá thương hiệu: Khi sử dụng hình thức nhượng quyền, bên nhượng quyền sẽ có được những lợi thế trong việc quảng cáo, quảng bá thương hiệu của mình. Mở rộng kinh doanh và sự xuất hiện ở khắp nơi của chuỗi cửa hàng sẽ đưa hình ảnh về sản phẩm đi sâu vào tâm trí khách hàng một cách dễ dàng hơn. Hoạt động quảng cáo càng hiệu quả, hình ảnh về sản phẩm, thương hiệu càng được nâng cao, giá trị vô hình của công ty càng lớn sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho bên nhận quyền khi sử dụng nhãn hiệu, thương hiệu của bên nhượng quyền. Như vậy, cả bên nhượng quền và bên nhận quyền ngày càng thu được nhiều lợi nhuận từ việc áp dụng hình thức nhượng quyền thương mại. 

- Tối đa hóa thu nhập và tận dụng nguồn lực "địa phương": Khi nhượng quyền, bên nhận quyền phải trả tiền bản quyền thuê thương hiệu và tiền phí để được kinh doanh với tên và hệ thống của bên nhượng quyền. Đồng thời bên nhận quyền phải mua sản phẩm, nguyên liệu của bên nhượng quyền nhờ đó mà bên nhượng quyền có thể tối đa hoá thu nhập của mình. Thâm nhập và thăm dò hiệu quả đầu tư trên các thị trường mới một cách nhanh chóng với chi phí rủi ro thấp nhất. Giảm chi phí phát triển thị trường và thêm nguồn thu ổn định từ khoản phí nhượng quyền. Tạo dựng cho một hệ thống liên kết mạnh về thương mại và tài chính.

4. Bảo vệ tài sản trí tuệ:

        Trước khi nhượng quyền, Doanh nghiệp nên đăng ký bảo vệ tài sản trí tuệ trong và ngoài nước nhằm tránh việc những người khác tự do khai thác hoặc làm ảnh hưởng xấu đến thương hiệu của mình. Các tài sản trí tuệ cần đăng ký bao gồm tên nhãn hiệu, màu sắc, âm thanh đặc biệt nếu có, biểu tượng và khẩu hiệu (slogan), công nghệ, bí mật kinh doanh, sáng kiến, phát minh mới… Nếu khả năng tài chính có hạn thì có thể đăng kí tại một số nước quan trọng và có tiềm năng xuất khẩu trước. Bên cạnh đó, có thể mở các khóa huấn luyện nhằm đảm bảo bên nhận nhượng quyền thương mại sẽ nắm bắt và hiểu rõ toàn bộ các quy trình, tiêu chuẩn mà một nhà hàng cần có, các bí quyết kinh doanh cũng như đảm bảo đủ năng lực để quản lý và điều hành một cửa hàng như thương hiệu nổi tiếng MC Donald’s.

=> Hãy đăng kí tài sản trí tuệ ở thị trường mà mình sẽ bành trướng tới trước khi mở rộng mô hình nhượng quyền thương mại.

II. CÁC VẤN ĐỀ VỀ SỞ HỮU TRÍ TUỆ CẦN CHÚ TRỌNG KHI LỰA CHỌN NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI

Luật thương mại 2005 tại khoản 4 Điều 287 có quy định về việc quyền sở hữu trí tuệ phải được bảo đảm với các đối tượng được ghi trong hợp đồng nhượng quyền thương mại. Các vấn đề sở hữu trí tuệ cần chú trọng: 

- Nhãn hiệu hàng hóa

- Tên thương mại

- Bí mật kinh doanh

1. Nhãn hiệu hàng hóa

Nhãn hiệu hàng hóa được quy định trong Luật sở hữu trí tuệ là “dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau”. Tính phân biệt trong nhãn hiệu của mặt hàng là yếu tố quan trọng, đảm bảo cho người tiêu dùng không bị nhầm lẫn trong quá trình lựa chọn sản phẩm; hạn chế tối đa các thiệt hai do việc khai thác, sử dụng nhãn hiệu bất hợp pháp từ các chủ thể khác; đồng thời tạo môi trương pháp lý thuận lợi cho việc thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ nước ngoài.

Vì vậy, để đảm bảo tính phân biệt khi nhượng quyền nhãn hiệu ra nước ngoài, doanh nghiệp cần lưu ý đăng kí bảo hộ tại nước được nhượng quyền những yếu tố dễ nhận biết, dễ ghi nhớ. Cụ thể là cách thiết kế phông chữ, hình vẽ đính kèm bao gồm hình gì và vị trí hình vẽ, cách kết nối giữa hình và chữ cái . Theo đó, từ ngày 11/7/2006, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Nghị định thư Madrid. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam có thể đăng ký nhãn hiệu bảo hộ ở các nước đã là thành viên của Thoả ước hoặc Nghị định thư. Với những nước không phải là thành viên của Thoả ước Madrid, khi có  nhu cầu đăng ký nhãn hiệu hàng hoá tại các nước khác như: các nước ASEAN (trừ Singapore đã tham gia Nghị định thư) ..., các doanh nghiệp sẽ phải đăng ký trực tiếp tại từng quốc gia đó.

2. Đăng ký tên thương mại

Mỗi doanh nghiệp sẽ có tên thương mại khác nhau. Tên thương mại sẽ chỉ được bảo hộ khi nó có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên thương mại đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh. Căn cứ vào Điểm b Khoản 2 Điều 6 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 thì quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sử thực tiễn sử dụng hợp pháp tên thương mại đó tương ứng với khu vực (lãnh thổ) và lĩnh vực kinh doanh mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký. Nên tại Việt Nam, tên thương mại của một nhãn hàng không cần đăng ký. Tuy nhiên, khi nhượng quyền thương mại ra nước ngoài, nếu không có đăng ký bảo hộ về tên thương mại, một khi xảy ra tranh chấp, doanh nghiệp sẽ mất rất nhiều thời gian cũng như chi phí để đòi lại tên thương mại của mình, tùy theo luật pháp của các nước có quy định về việc có phải đăng ký hay không. Bài học kinh nghiệm có thể thấy khi Trung Nguyên đăng ký thương hiệu tại Mỹ với tên gọi là: “Trung Nguyên- Nguồn cảm hứng sáng tạo mới” thì biết được phía công ty Rice Field đã đăng ký tên thương mại này tại Mỹ từ trước, phía Trung Nguyên sau đó đã phải tốn khá nhiều thời gian và tiền bạc để giành lại tên thương mại. Chính vì vậy, cần phải lưu ý kĩ về vấn đề này để không vướng phái những tranh chấp phát sinh khi nhượng quyền ra nước ngoài.

3. Bí mật kinh doanh

Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh. Đây được xem là yếu tố vô cùng quan trọng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp. Có thể nói, trong lĩnh vực kinh doanh về ẩm thực, nhà hàng ăn uống thì bí mật kinh doanh là vốn là yếu tố quan trọng của mỗi doanh nghiệp. Kể cả khi không trong hoạt động nhượng quyền, các nhà hàng luôn phải giữ kín bí mật kinh doanh thì mới có thể yên tâm duy trì thành quả sáng tạo của mình. Do đó, khi nhượng quyền, doanh nghiệp nào cũng cần phải gia kết rõ trong hợp đồng nhượng quyền về khoảng thời gian và không gian không cho phép bên nhận nhượng quyền cạnh tranh với bên nhượng quyền. Cùng với đó là những điều khoản quy định kĩ về: Chất lượng đào tạo trong quá trình triển khai mô hình nhượng quyền; Quy trình kiểm tra, giám sát của bên nhượng quyền và các quy chuẩn bắt buộc phải tuân thủ; Trách nghiệm về các hoạt động quảng cáo và phát triển thương hiệu; Quyền phân phối sản phẩm, dịch vụ của nhà đầu tư; …để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong chuỗi hoạt động nói chung và của thương hiệu của mỗi doanh nghiệp nói riêng.