Mục lục bài viết
1.Giới thiệu chung
Trọng tài thường được sử dụng trong các hợp đồng thương mại. Các hiệp định thương mại đã xây dựng những quy trình riêng cho giải quyết tranh chấp, đặc biệt là quy trình thành lập hội đồng giải quyết tranh chấp thường được kết hợp với các phương thức tranh tụng trước toà án và trọng tài. Tuy nhiên, nhiều tranh chấp thương mại quốc tế được giải quyết bằng phương thức tranh tụng truyền thống. Nếu so sánh với thương lượng, hoà giải và thậm chí với trọng tài, thì tranh tụng trước toà án là quy trình giải quyết tranh chấp có tính thể thức và tính tổ chức cao. Với các quy định và thủ tục đã được thiết lập rất chặt chẽ, toà án giải quyết hầu hết mọi chi tiết nhỏ của quá trình tranh tụng, từ thời điểm bắt đầu vụ kiện cho đến khi có bản án cuối cùng và thi hành án. Điều này có ưu điểm là làm cho các khía cạnh về thủ tục tố tụng của vụ việc có thể được dự đoán một cách hợp lí. Các bên tham gia đều ý thức được các giai đoạn cơ bản của quy trình tố tụng, các bước trong từng giai đoạn tố tụng và thời hạn tương ứng, kể từ khi vụ kiện được đưa ra toà hoặc ngay sau đó. Tranh tụng từ trước đến nay nhấn mạnh vào thủ tục và quy trình, yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về chứng cứ, cơ hội để kháng cáo đối với các bản án không có lợi và các đặc điểm khác mà thường làm cho các vụ kiện bị kéo dài và thêm phức tạp. Những người ủng hộ ADR thường phàn nàn rằng tranh tụng trước toà án sẽ mất nhiều thời gian, gây tốn kém chi phí hơn các phương thức giải quyết tranh chấp khác. Tuy vậy, do trọng tài có thể được coi là có tính tổ chức và thể thức tương đương với phương thức tranh tụng trước toà án, nên không chắc chắn rằng giải quyết tranh chấp bằng trọng tài sẽ nhanh hơn với chi phí thấp hơn. Trên thực tế, một số bên tranh chấp lại mong muốn một quá trình giải quyết tranh chấp tốn kém và mất thời gian hơn, bởi vì họ có nguồn lực tài chính tốt hơn, do đó ít nhu cầu cần giải quyết vụ việc nhanh chóng hơn so với bên tranh chấp còn lại. Có thể nói một cách chính xác là phương thức tranh tụng trước toà án thường bao gồm nhiều thủ tục phức tạp, các bên tranh tụng thường bị lôi kéo vào các trò chơi chiến thuật để trì hoãn các hoạt động tố tụng, buộc đối thủ của họ phải trả những chi phí không cần thiết hoặc chỉ đạt được các lợi ích không liên quan đến vụ án. Một thẩm phán có thể áp đặt mức phạt đối với bên lạm dụng quy trình tố tụng, tuy nhiên, toà án đang quá tải và không thể kiểm soát tất cả các ứng xử đáng nghi ngờ.
2.Các lợi thế của phương thức tranh tụng trước toà án
Một trong những lợi thế của phương thức tranh tụng trước toà án là: khi người tham gia tranh chấp không còn muốn thoả thuận hoặc hợp tác với bên kia, thì họ không cần phải cố gắng thỏa thuận hoặc hợp tác nữa. Một toà án độc lập sẽ xem xét các tranh chấp và đưa ra quyết định có giá trị pháp lí bắt buộc với các bên, cho dù một hoặc các bên có liên quan trong tranh chấp không hợp tác. Nếu một bên không sẵn sàng hợp tác giải quyết tranh chấp với bên kia, thì phương thức tranh tụng sẽ đảm bảo cơ hội để đền bù các quyền lợi đã được công nhận một cách hợp pháp. Tất nhiên, có nhiều trường hợp theo đó các bên, sau khi đệ trình vụ việc lên toà án để giải quyết, có thể phải thất vọng về kết quả giải quyết vụ việc. Thẩm phán có thẩm quyền quyết định các nội dung quan trọng trong quy trình tố tụng. Toà án có thể buộc một bên tiết lộ thông tin mặc dù bên này không muốn cung cấp, ấn định ngày xét xử và ngày điều tra trước xét xử không theo mong muốn của các bên, cũng như áp đặt các trách nhiệm khác mà một hoặc nhiều bên tranh tụng phản đối. Cần nhấn mạnh thêm rằng một trong những lợi thế của việc bắt buộc bên thứ ba tham gia và quyền ra quyết định mang tính ràng buộc đối với tất cả các bên khiến cho quá trình giải quyết này sẽ vẫn tiến triển, bất chấp việc các bên tranh tụng không muốn hoặc không sẵn sàng hợp tác. Một bên có khả năng làm cho bên kia phải tuân theo ý chí của mình, nếu họ có thể thuyết phục toà án theo quan điểm của họ đối với các vấn đề về quy trình thủ tục mà hai bên có ý kiến khác biệt. Ngược lại, đối thủ của một bên tranh chấp có thể thuyết phục toà án áp đặt các yêu cầu mà bên kia không mong muốn. Một trong những ưu điểm rõ ràng của tranh tụng trước toà án là khả năng bắt buộc bên kia phải đáp lại khiếu nại của bên khiếu kiện. Không giống như hoà giải, trọng tài và các phương thức ADR khác, hoạt động tranh tụng trước toà án vẫn được tiếp tục, dù có hay không có sự đồng thuận của tất cả các bên. Bên nào chủ định phớt lờ những cáo buộc chống lại mình, thì sẽ phải tự bảo vệ mình trước toà, nếu không thì sẽ phải chịu hậu quả vì đã không làm như vậy. Theo đó, tố tụng tại toà án đảm bảo việc đưa ra giải pháp giải quyết tranh chấp, đảm bảo rằng các yêu cầu của nguyên đơn được giải quyết tại toà án và khiếu kiện đó sẽ được gửi đến toà án đúng thẩm quyền để giải quyết. Tuy nhiên, khi vụ việc được đệ trình đến toà án, thì vụ kiện sẽ mặc nhiên được thúc đẩy theo một hành trình định sẵn của riêng nó. Người bị kiện ban đầu có thể thuyết phục toà án rằng phía bên kia có khả năng phải chịu trách nhiệm pháp lí, hoặc một người không phải là các bên trong tranh chấp có thể thuyết phục toà án rằng họ có lợi ích liên quan tới phán quyết của toà, và do vậy phải được tham gia quá trình tố tụng. Các vụ kiện khác nhau phát sinh từ một sự kiện hoặc một giao dịch không thành công có thể được gộp lại với nhau để cùng xem xét, nhằm hạn chế khả năng đưa ra những quyết định không thống nhất. Nếu xảy ra trường hợp đó, những mệnh lệnh trong vụ kiện không luôn luôn bị coi là gây tác động tiêu cực; tuy nhiên, nó sẽ tác động tới một bên trong vụ kiện. Trong khi đó, nếu tham gia quy trình giải quyết tranh chấp theo phương thức khác, thì những người tham gia thường có quyền kiểm soát lớn hơn (so với tranh tụng trước toà án) về sự tham gia của các thành viên mới, và bên tranh chấp cùng với luật sư của họ coi đó là một đặc điểm hấp dẫn của các phương thức ADR. Do quy trình tố tụng có tính thể thức rất nghiêm ngặt và luật áp dụng đối với vụ việc có thể mang nặng tính kĩ thuật, nên rất khó hiểu và khó diễn giải đối với người không phải là luật sư. Các đương sự thường phải thuê luật sư làm đại diện cho họ trong suốt quá trình tố tụng. Những ví dụ về việc luật sư làm phức tạp hoá các vụ kiện và các vấn đề khác là nhiều vô kể. Nguyên tắc điều tra sẽ được các toà án áp dụng cưỡng bức đối với các bên tranh tụng không tự nguyện thi hành, để đảm bảo lượng thông tin pháp lí có liên quan đến vụ tranh chấp sẽ được các bên trao đổi là lớn nhất. Các thông tin hữu ích đối với một bên mà phía bên kia nắm giữ có thể hoặc không thể được trao đổi trong quy trình giải quyết tranh chấp theo phương thức khác. Mặc dù trong quy trình tố tụng trọng tài có quy định về vấn đề tiết lộ thông tin, tuy nhiên việc tiết lộ thông tin có thể bị hạn chế bằng một điều khoản trọng tài mà các bên đã cam kết trước khi phát sinh tranh chấp hoặc bị hạn chế bởi các quy tắc hoạt động của tổ chức trọng tài. Với các đặc điểm của quy trình tố tụng tại toà án nêu trên, đã làm cho thủ tục tố tụng này trở nên không khoan nhượng đối với các bên tranh tụng, và có thể gia tăng xung đột dẫn đến tranh chấp leo thang trước khi nó được giải quyết. Tố tụng tại toà án, với tư cách là một thiết chế xã hội, đôi khi dẫn đến ‘cơ chế đối kháng’, trong đó rất nhiều thủ tục thực sự khuyến khích cách ứng xử cạnh tranh hơn là hợp tác. Trong giai đoạn tiền tranh tụng, các bên và luật sư của họ chủ yếu trao đổi về văn bản để trình lên toà án và chuyển giao văn bản cho bên kia bằng thư tín. Với những văn bản này, những hoạt động thu thập chứng cứ, thường là rất phức tạp và tốn kém, sẽ được thu xếp nhằm củng cố quan điểm của bên đó và làm suy yếu lập luận của bên kia. Hầu hết các vụ kiện đều theo thể thức các cuộc tranh luận, trong đó bên tranh tụng nghe phía bên kia trình bày, chủ yếu để thu thập thông tin và nhằm chống lại lập luận của bên kia. Trường hợp các bên tranh chấp không còn mong muốn hợp tác nữa hoặc không kì vọng vào việc hợp tác sau kiện tụng, họ có thể nhất trí với việc quy trình tố tụng cho phép họ đối kháng trực tiếp với nhau. Tuy nhiên, trong trường hợp các bên mong muốn tiếp tục duy trì mối quan hệ hoặc hợp tác kinh doanh, họ sẽ bỏ lỡ cơ hội quan trọng để bắt đầu hướng quan hệ giữa họ theo cách mang tính xây dựng hơn, một khi họ chọn tố tụng trước toà như là phương pháp để tránh mặt nhau. Thậm chí, trong trường hợp các bên dù không mong muốn duy trì mối quan hệ sau khi tranh chấp được giải quyết, thì các mối lo về việc tố tụng có khả năng tiếp diễn còn lớn hơn nhiều so với mối lo đến từ việc phải giải quyết tranh chấp với một bên khác bằng phương thức thương lượng hoặc hoà giải - quy trình mà tranh chấp thường được giải quyết nhanh hơn nhiều. Sự công khai tương đối của tố tụng tại toà án là một ưu điểm cho các bên trong việc nâng cao sự quan tâm của dư luận đối với các cáo buộc và quan điểm của họ. Tuy nhiên, một hoặc các bên tranh chấp có thể mong muốn giải quyết vụ việc kín đáo hơn, đặc biệt là trong các tranh chấp thương mại.
3.Các phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng TMQT
Khi có tranh chấp xảy ra, các bên sẽ cùng nhau tìm kiếm một giải pháp, cách thức, thủ tục xóa bỏ, triệt tiêu những bất đồng xảy ra theo cách mà cả hai bên đều hài lòng. Đây chính là các phương thức giải quyết tranh chấp. Cho dù là nhóm tranh chấp “công” hay nhóm tranh chấp “tư” thì cũng đều sử dụng những phương thức tương tự nhau để giải quyết tranh chấp. Các phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng TMQT chủ yếu được sử dụng bao gồm phương thức khởi kiện (lên Tòa án quốc gia và các cơ quan tài phán công mang tính thiết chế) và các phương thức không khởi kiện (còn được gọi là phương thức giải quyết tranh chấp thay thế tranh tụng trước toà án ADR). Các phương thức được coi là ADR gồm có: Trọng tài TMQT, thương lượng đàm phán, hòa giải (trung gian)
4.Những khó khăn khi giải quyết một tranh chấp hợp đồng TMQT
Những khó khăn trong việc giải quyết một tranh chấp hợp đồng TMQT bắt nguồn từ chính những đặc trưng của nó: tính thương mại và tính quốc tế. Tính thương mại của tranh chấp hợp đồng TMQT quy định tính chất, mức độ, hình thức của một tranh chấp; khiến nó gắn với những loại tài sản có giá trị lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đời sống. Mặt khác, tranh chấp hợp đồng TMQT có tính dây chuyền và vì vậy nếu không xử lí kịp thời thì có thể làm dẫn phát đến những tranh chấp khác.
Tính quốc tế của tranh chấp quyết định phạm vi của tranh chấp. Sự tham gia của các bên là những chủ thể tham gia quan hệ kinh tế quốc tế dẫn đến đặc trưng của nó là tính chất pháp lí phức tạp, quá trình giải quyết kéo dài và chi phí rất tốn kém, nếu xảy ra thì thường đem đến những khó khăn to lớn cho các bên tranh chấp
5.Liệu có một phương thức nào đủ hoàn hảo để giải quyết mọi tranh chấp hợp đồng TMQT?
Thứ nhất, với phương thức khởi kiện. Ưu điểm là phán quyết được đảm bảo thi hành; nguyên tắc nhiều cấp xét xử cũng như các thủ tục được thiết lập chặt chẽ giúp cho quyết định của Tòa hay cơ quan giải quyết tranh chấp trở nên chính xác, công bằng, minh bạch, khách quan, có thể dự đoán và phù hợp với pháp luật; sự chủ động cho bên khởi kiện vì bên bị kiện phải đáp lại khiếu nại dù có đồng thuận hay không. Nhưng nhược điểm là phán quyết có thể bị kháng cáo kháng nghị dẫn đến thời gian giải quyết khá dài; thủ tục tố tụng cứng nhắc thiếu sự linh hoạt mềm dẻo; xét xử công khai dẫn đến có thể lộ các bí mật kinh doanh; khả năng tác động của các bên khá hạn chế khiến cho đương sự không thể bày tỏ được nguyện vọng của mình trong tranh chấp; chi phí có thể lên cao nếu như vụ kiện bị phức tạp hóa. Mặt khác, việc khởi kiện có thể làm cho mâu thuẫn giữa các bên leo thang, khó giữ mối quan hệ.
Thứ hai, với các phương thức ADR. Những phương thức này hiện nay càng ngày càng được sử dụng rộng rãi, kể cả với ADR ràng buộc như trọng tài hay ADR không ràng buộc như hòa giải (trung gian) hay đàm phán thương lượng.
Trọng tài TMQT có những ưu điểm vượt trội như khả năng cho thi hành phán quyết trọng tài cao trên bình diện quốc tế: tại toà án trong nước theo quy định của Công ước New York (trên 140 quốc gia đã tham gia), đồng thời nhận được sự ủng hộ của cả các hệ thống pháp luật không thiện chí lắm với thoả thuận trọng tài của các bên tranh chấp. Ví dụ: ở Hoa Kỳ, Luật trọng tài liên bang quy định mức độ kiểm soát pháp lí – quy định rất xa lạ với tranh tụng thương mại quốc tế[5]. Bên cạnh đó là tính chung thẩm; quá trình tố tụng nhanh gọn linh hoạt; tính bí mật gần như tuyệt đối; quyền kiểm soát nằm trong tay các bên tham gia (lựa chọn trọng tài viên, địa điểm và ngôn ngữ tố tụng trọng tài) khiến cho phương thức này hiện nay rất được hoan nghênh, chiếm vai trò chủ đạo. Nhược điểm lớn nhất của phương thức này là chi phí rất cao; phán quyết có thể bị hủy nếu vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; cần sự hỗ trợ từ Tòa án; quyền hạn của trọng tài bị bó hẹp trong thỏa thuận trọng tài; thủ tục nhanh chóng dẫn đến có những vụ tranh chấp không thể điều tra được kĩ càng; thiếu giai đoạn phúc thẩm dẫn đến phán quyết có thể bị sai.
Hòa giải (trung gian) cũng có nhưng ưu điểm như đơn giản, nhanh chóng, linh hoạt, hiệu quả, ít tốn kém. Ngoài ra còn giúp các bên thấu hiểu nhau thông qua hòa giải viên, hạn chế mâu thuẫn; đề cao tinh thần tự nguyện của các bên chứ không hề mang tính ràng buộc; giữ gìn bí mật; các bên có quyền kiểm soát tiến trình hòa giải. Tuy nhiên phương thức này sẽ không hiệu quả nếu hai bên không có tinh thần hợp tác xây dựng, hay trong trường hợp tranh chấp liên quan đến việc giải thích một thuật ngữ trong hợp đồng, một sự vi phạm dẫn đến áp dụng chế tài, và nếu một tranh chấp liên quan đến việc giải thích một văn bản luật[6]. Cũng không nên sử dụng phương thức này khi mà hợp đồng đã gần hết hạn.
Ưu điểm lớn nhất của thương lượng đàm phán là khả năng bảo mật tuyệt đối, bới vì phương thức này không có sự tham gia của bên thứ 3. Cũng như hòa giải, nó khá đơn giản, linh hoạt, ít tốn kém và giữ gìn mối quan hệ giữa các bên. Đây thương là phương thức được sử dụng đầu tiên khi có tranh chấp xảy ra do nó giúp các bên nắm bắt được vấn đề của tranh chấp và hiểu rõ hơn quan điểm của bên kia. Ngoài ra, các bên cũng có thể nối lại thương lượng vào bất kì giai đoạn nào thích hợp, không liên quan đến việc phương thức giải quyết khác đang được tiến hành để giải quyết tranh chấp giữa họ, nhằm mục đích sớm đạt được thoả thuận chấm dứt tranh chấp[8]. Sở dĩ như vậy bởi lẽ hiệu quả của phương thức này là không cao, không thể giải quyết dứt điểm một tranh chấp.
Luật Minh Khuê( sưu tầm và biên tập)