Mục lục bài viết
- 1. Đàm phán hợp đồng trong thương mại quốc tế
- 2. Các điều khoản miễn trách nhiệm và sửa đổi hợp đồng
- 3. Một số lưu ý về các điều khoản trong hợp đồng
- 3.1 Bất khả kháng (điều khoản miễn trách nhiệm)
- 3.2 Điều khoản về hoàn cảnh khó khăn – Các nguyên tắc của UNIDROIT
- 3.3 Các điều khoản về hoàn cảnh khó khăn – khuyến nghị của ICC
Tranh chấp thương mại quốc tế dựa trên nền tảng quan trọng là hợp đồng (thỏa thuận của các bên) và pháp luật điều chỉnh các tranh chấp (pháp luật mỗi quốc gia, pháp luật quốc tế & tập quán quốc tế nói chung).
Điểm cốt yếu để tránh tranh chấp là một hợp đồng phải được xây dựng một cách chuẩn mực, phù hợp với pháp luật quốc gia và thông lệ quốc tế. Hai cách để tránh xung đột hợp đồng là: thứ nhất, đàm phán hợp đồng theo cách tốt nhất có thể; thứ hai, tận dụng cơ hội để sửa đổi hợp đồng, đặc biệt khi phải có những sửa đổi quan trọng cho phù hợp với hoàn cảnh lúc ký kết.
1. Đàm phán hợp đồng trong thương mại quốc tế
Các bên trong hợp đồng thương mại quốc tế nên quan tâm đặc biệt tới giai đoạn đàm phán hợp đồng. Một hợp đồng được đàm phán tốt và soạn thảo với những điều khoản rõ ràng và đơn giản sẽ dễ dàng thực hiện hơn một hợp đồng được ký vào phút cuối cùng và soạn thảo với những điều khoản tối nghĩa và mập mờ. Mức độ về khả năng xảy ra tranh chấp sẽ chủ yếu phụ thuộc vào giai đoạn đàm phán này.
Các bên không nhất thiết phải luôn luôn chấp thuận tất cả các điều khoản trong hợp đồng; vì vậy, các bên phải có những thoả hiệp. Thông thường, điều này sẽ dẫn đến việc có những điều khoản phụ. Các bên phải cam kết đàm phán hợp đồng với thiện chí.
Đối với các hợp đồng phức tạp, hoặc trong trường hợp có nghi ngờ về phạm vi và hiệu lực của một hoặc một số điều khoản, các bên nên nhờ luật sư lành nghề, đặc biệt khi các bên có luật sư. Nếu các bên không có luật sư, phí thuê luật sư bên ngoài đôi khi rất tốn kém. Việc không thuê được luật sư có thể buộc các bên phải tham gia vào các vụ kiện ở giai đoạn sau, chi phí cho các vụ kiện sẽ vượt xa phí thuê luật sư trước đó.
Khuyến nghị nữa là các bên không nên ký hợp đồng một cách hấp tấp. Kinh nghiệm cho thấy khi một bên bị áp lực phải ký hợp đồng thật nhanh, hợp đồng đó sẽ có nhiều khó khăn lúc thực hiện. Vì vậy, các bên nên có khoảng thời gian cần thiết để xem xét hợp đồng trước khi ký.
2. Các điều khoản miễn trách nhiệm và sửa đổi hợp đồng
Mặc dù hợp đồng đã được đàm phán và ký kết giữa các bên với thiện ý hoàn toàn tốt, tình hình sau khi ký kết sau đó có thể thay đổi đến mức hợp đồng không thể thực hiện theo những điều kiện và điều khoản đó nữa hoặc đơn giản là hoàn toàn không thể thực hiện được. Ví dụ, một trận động đất phá huỷ nhà máy duy nhất có thể sản xuất hàng theo hợp đồng và vì vậy, không thể thực hiện hợp đồng đúng thời hạn.
Đôi khi, hoàn toàn có thể thực hiện được hợp đồng nhưng những sự kiện bất ngờ đã đặt gánh nặng chi tiêu quá mức lên một trong các bên. Ví dụ, một hợp đồng cung cấp dầu thô dài hạn với giá cố định đã trở thành thảm hoạ tài chính đối với nhà cung cấp vì giá dầu đã tăng gấp mấy lần – hoặc ngược lại đối với người mua. Trong trường hợp đó, một bên có thể lấy cớ “hoàn cảnh khó khăn” bào chữa cho việc không thực hiện hợp đồng.
Hơn nữa, nếu không thể thực hiện hợp đồng theo luật định, một tình huống như trên có thể coi là không thể thực thi, thiên tai, tình hình thay đổi đột ngột, điều kiện dự kiến trước không xảy ra, hoặc bất khả kháng (force majeure).
Luật của hầu hết các quốc gia đều có các điều khoản về bất khả kháng và một số luật còn quy định các tình huống khó khăn. Tuy nhiên, các điều khoản này ở mỗi nước một khác và có thể không thoả mãn yêu cầu của các bên trong hợp đồng quốc tế. Vì vậy, các bên trong hợp đồng quốc tế cần phải có các điều khoản về bất khả kháng và “hoàn cảnh khó khăn” trong hợp đồng. Nếu các điều khoản này được soạn thảo tốt sẽ giúp các bên ngăn ngừa, thậm chí giải quyết tranh chấp phát sinh mà không nhất thiết phải nhờ đến tố tụng toà án hoặc tố tụng trọng tài.
Phòng thương mại quốc tế đã soạn thảo hai bộ điều khoản nhằm trợ giúp các bên khi soạn thảo hợp đồng. Bộ thứ nhất đưa ra các điều kiện miễn trách nhiệm khi hoàn toàn hoặc hầu như không thể thực hiện hợp đồng (bất khả kháng). Bộ thứ hai đặt ra tình huống khi các điều kiện thay đổi đã khiến cho việc thực hiện hợp đồng khó khăn (hoàn cảnh khó khăn).
Cả hai bộ điều khoản trên đều không bị ràng buộc vào hệ thống pháp luật nào. Tuy nhiên, nên thận trọng xem xét để bảo đảm hai bộ điều khoản trên không xung đột với các điều khoản pháp luật bắt buộc mà có thể áp dụng.
Điều khoản bất khả kháng quy định miễn bị phạt theo hợp đồng và bao gồm các điều khoản đình chỉ và chấm dứt hợp đồng. Các bên có thể ghi lại vào hợp đồng nguyên văn điều khoản bất khả kháng của ICC trong ấn phẩm số 421, hoặc dẫn chiếu như sau:
Điều khoản “bất khả kháng” (miễn trách nhiệm) của Phòng thương mại quốc tế là một phần của hợp đồng này.
3. Một số lưu ý về các điều khoản trong hợp đồng
3.1 Bất khả kháng (điều khoản miễn trách nhiệm)
Điều khoản mẫu dưới đây là điều khoản bất khả kháng chuẩn do ICC khuyến nghị, xuất bản lần đầu tiên vào năm 1985. Các điều khoản bất khả kháng, thường được chấp nhận và thực hiện trong thực tế, thậm chí cả ở những nước không nói tiếng Pháp, đôi khi được gọi là “điều khoản miễn trách nhiệm”.
Các cơ sở để miễn trách nhiệm
(1) Một bên không phải chịu trách nhiệm vì không thực hiện nghĩa vụ của mình nếu bên đó chứng minh được:
- Việc không thực hiện nghĩa vụ là do trở ngại vượt quá khả năng kiểm soát mình; và
- Bên đó được cho là đã không tính đến trở ngại và các tác động của nó tới khả năng thực hiện hợp đồng vào thời điểm ký kết hợp đồng; và
- Bên đó không thể tránh hoặc vượt qua trở ngại hoặc ít nhất là tác động của trở ngại đó.
(2) Trở ngại được nhắc đến ở đoạn trên có thể bắt nguồn từ các sự kiện sau (sự liệt kê này cũng chưa đầy đủ):
a) Chiến tranh, dù được tuyên bố hay không, nội chiến, bạo động và nổi dậy, các hành vi cướp bóc, các hành vi phá hoại;
b) Các thảm họa thiên nhiên như bão lớn, lốc xoáy, động đất, sóng triều dâng, lũ lụt, sét;
c) Các vụ nổ, cháy, phá huỷ máy móc, nhà xưởng hoặc bất kỳ hệ thống máy móc hoặc thiết bị nào khác;
d) Tẩy chay, đình công và các vụ đóng cửa để gây áp lực, lãn công, chiếm giữ nhà máy và nơi ở, và dừng sản xuất xảy ra ở doanh nghiệp của bên muốn được miễn trách nhiệm;
e) Các sự kiện có căn cứ hợp pháp hoặc không hợp pháp ngoài các hành vi mà bên muốn được miễn trách nhiệm cho là rủi ro theo các điều khoản khác của hợp đồng; và ngoài các sự kiện đề cập tới trong đoạn 3 dưới đây.
(3) Vì mục đích của đoạn 1 nói trên và nếu không có các quy định khác trong hợp đồng, trở ngại không bao gồm việc thiếu thẩm quyền, giấy phép, giấy phép cư trú hoặc nhập cảnh, hoặc giấy chấp thuận cần thiết để thực hiện hợp đồng và được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền ở quốc gia của bên muốn được miễn trách nhiệm.
Nhiệm vụ thông báo:
(4) Bên muốn được miễn trách nhiệm phải thông báo ngay cho bên kia sau khi biết được trở trại và các tác động của trở ngại tới khả năng thực hiện hợp đồng. Cũng phải có thông báo khi không còn căn cứ để miễn trách nhiệm.
(5) Căn cứ để miễn trách nhiệm bắt đầu có hiệu lực từ thời điểm có trở ngại, hoặc nếu thông báo không được đưa ngay vào thời điểm đó thì từ lúc nhận được thông báo. Không đưa thông báo sẽ khiến bên đó phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt cho những tổn thất mà lẽ ra đã tránh được.
Tác động của các căn cứ để miễn trách nhiệm
(6) Căn cứ miễn trách nhiệm theo điều khoản này miễn cho bên không thực hiện hợp đồng bồi thường thiệt hại, bị phạt và các hình thức phạt hợp đồng khác, ngoại trừ trách nhiệm trả tiền lãi cho đến lúc tìm ra căn cứ.
(7) Hơn nữa, căn cứ miễn trách nhiệm hoãn thực hiện hợp đồng trong một khoảng thời gian hợp lý, vì vậy, tước quyền (nếu có) chấm dứt hoặc huỷ hợp đồng của bên kia. Khi quyết định thế nào là một khoảng thời gian hợp lý, cần xem xét đến khả năng tiếp tục thực hiện hợp đồng của bên không thể thực hiện hợp đồng và lợi ích của bên kia trong việc tiếp tục thực hiện hợp đồng dù có sự trì hoãn. Trong khi chờ bên không thể thực hiện hợp đồng tiếp tục thực hiện hợp đồng trở lại, bên kia có thể dừng việc thực hiện hợp đồng của mình.
(8) Nếu các căn cứ miễn trách nhiệm tồn tại trong khoảng thời gian dài hơn các bên quy định, hoặc thiếu điều khoản quy định kéo dài hơn khoảng thời gian hợp lý, bất cứ bên nào cũng có quyền chấm dứt hợp đồng bằng cách thông báo cho bên kia.
(9) Mỗi bên có thể giữ lại những gì bên đó có được từ việc thực hiện hợp đồng trước khi hợp đồng bị chấm dứt. Mỗi bên phải giải thích cho bên kia khoản thu không chính đáng từ việc thực hiện hợp đồng. Các bên phải thanh toán số dư cuối cùng ngay lập tức.
Khái niệm hoàn cảnh khó khăn tương đối mới trong thông lệ và luật hợp đồng quốc tế. Khái niệm này vẫn đang trong quá trình phát triển và chủ yếu sử dụng trong các hợp đồng dài hạn, đòi hỏi soạn thảo chi tiết về mọi mặt. Vì vậy, không giống như điều khoản bất khả kháng, các điều khoản về hoàn cảnh khó khăn không có mẫu chuẩn để có thể dẫn chiếu vào hợp đồng.
Về điểm này, các điều khoản từ 6.21 đến 6.23 của Nguyên tắc hợp đồng thương mại quốc tế (Principles of International Commercial Contracts) của UNIDROIT (International Institute for the Unification of Private Law) năm 1994 có thể có ích (xem Hộp 2.2). Các quy tắc của UNIDROIT đưa ra một số hướng dẫn hữu ích cho soạn thảo điều khoản về hoàn cảnh khó khăn trong hợp đồng. Các điều khoản về hoàn cảnh khó khăn quy định việc đàm phán và xem xét lại các điều khoản hợp đồng để có thể tiếp tục thực hiện hợp đồng và các điều khoản này chủ yếu cho các hợp đồng dài hạn. Tuy nhiên, các điều khoản chung dạng này thường cần phải điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng hợp đồng. Các điều khoản này có thể không phù hợp với một số hợp đồng sản xuất và mua bán. Vì vậy, các bên nên thận trọng khi sử dụng các điều khoản về hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, các bên cũng thận trọng khi áp dụng các khuyến nghị soạn thảo điều khoản về hoàn cảnh khó khăn của ICC năm 1985 (xem Hộp 2.3)
3.2 Điều khoản về hoàn cảnh khó khăn – Các nguyên tắc của UNIDROIT
Các nguyên tắc của UNIDROIT năm 1994:
Lưu ý: Các điều khoản về hoàn cảnh khó khăn dưới đây được rút ra từ Các nguyên tắc hợp đồng thương mại quốc tế của UNDROIT năm 1994 (the UNIDROIT Principles of International Commercial Contracts). Các điều khoản này cần được sửa đổi trước khi đưa vào hợp đồng. Ví dụ, các điều khoản này đề cập đến một toà án bất kỳ, trong thực tế thì các bên cần phải quy định rõ toà án hoặc uỷ ban trọng tài nào.
Điều 6.2.1 – Tuân thủ hợp đồng
Nếu việc thực hiện hợp đồng trở nên khó khăn hơn đối với một bên, vì vậy, bên đó phải thực hiện các nghĩa vụ theo các điều khoản về hoàn cảnh khó khăn dưới đây.
Điều 6.2.2 – Định nghĩa hoàn cảnh khó khăn
Hoàn cảnh khó khăn là khi các sự kiện xảy ra thay đổi một cách cơ bản sự cân bằng của hợp đồng do chi phí thực hiện hợp đồng của một bên tăng lên hoặc do trị giá thực hiện hợp đồng mà một bên nhận được bị giảm đi và
(a) các sự kiện xảy ra hoặc được bên bị bất lợi biết đến sau khi ký kết hợp đồng;
(b) các sự kiện không được bên bị bất lợi tính toán một cách hợp lý vào thời điểm ký kết hợp đồng;
(c) các sự kiện vượt quá khả năng kiểm soát của bên bị bất lợi; và
(d) bên bị bất lợi đã không dự đoán trước được rủi ro của các sự kiện.
Điều 6.2.3 – Tác động của hoàn cảnh khó khăn
(1) Khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, bên bị bất lợi có quyền yêu cầu đàm phán lại. Yêu cầu phải được đưa ra ngay lập tức và nêu các lý do tại sao có yêu cầu đó.
(2) Bản thân yêu cầu đàm phán lại không cho bên bị bất lợi quyền từ chối thực hiện hợp đồng.
(3) Các bên có thể nhờ toà án nếu không đạt được thoả thuận trong một thời gian hợp lý.
(4) Nếu toà án nhận thấy đúng là có hoàn cảnh hoàn cảnh khó khăn, toà án có thể, nếu hợp lý,
(a) Chấm dứt hợp đồng vào ngày và theo các điều khoản đã quy định; hoặc
(b) Sửa đổi hợp đồng để lấy lại sự cân bằng.
3.3 Các điều khoản về hoàn cảnh khó khăn – khuyến nghị của ICC
Các khuyến nghị của ICC khi soạn thảo các điều khoản về hoàn cảnh khó khăn:
Lưu ý: Các khuyến nghị về các điều khoản hoàn cảnh khó khăn của ICCnăm 1985 dưới đây không được coi là điều khoản chuẩn và không nên trích dẫn vào hợp đồng. Các điều khoản này có thể phải do các bên hoàn chỉnh theo yêu cầu của chính các bên và theo chừng nào vẫn còn các tác động của hoàn cảnh khó khăn, các bên trong hợp đồng sẽ phải thực hiện một trong các lựa chọn sau:
(1) Nếu các sự kiện xảy ra ngoài dự kiến của các bên thay đổi một cách cơ bản sự cân bằng của hợp đồng và vì thế, đặt gánh nặng quá mức lên một bên khi thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, bên đó có thể làm như sau:
(2) Yêu cầu xem xét lại hợp đồng trong một khoảng thời gian hợp lý từ khi bên đó nhận biết được sự kiện và tác động của sự kiện đó tới tính kinh tế của hợp đồng.
(3) Tham khảo ý kiến của bên kia để xem xét lại hợp đồng trên cơ sở cân bằng nhằm bảo đảm không bên nào phải chịu thiệt hại quá mức.
(4) Bản thân yêu cầu xem xét lại hợp đồng không hoãn việc thực hiện hợp đồng.
Điều khoản có thể duy trì với một trong bốn lựa chọn sau:
Lựa chọn thứ nhất
(5) Nếu các bên không chấp thuận xem xét lại hợp đồng trong thời hạn 90 ngày theo yêu cầu, hợp đồng còn nguyên hiệu lực với các điều khoản gốc.
Lựa chọn thứ hai
(5) Nếu các bên không đạt được thoả thuận xem xét lại hợp đồng trong thời hạn 90 ngày theo yêu cầu, một bên có thể đưa vụ việc ra Uỷ ban thường trực về Quy chế quan hệ hợp đồng của ICC (the ICC Standing Committee for the Regulation of Contractual Relations) nhằm chỉ định người thứ ba (hoặc một uỷ ban ba người) theo điều khoản về các quy tắc cho quy định quan hệ hợp đồng của ICC. Người thứ ba đưa ra ý kiến của mình cho các bên về liệu các điều kiện xem xét lại hợp đồng quy định trong Đoạn 1 có thoả mãn không. Nếu có, người thứ ba sẽ khuyến nghị cách xem xét lại hợp đồng hợp lý nhằm đảm bảo không bên nào bị thiệt hại quá mức.
(6) ý kiến và kiến nghị của người thứ ba không có giá trị ràng buộc với các bên.
(7) Các bên sẽ xem xét ý kiến và khuyến nghị của người thứ ba một cách thiện ý theo Điều 11(2) của các quy tắc cho quy định quan hệ hợp đồng nói trên. Nếu các bên không chấp thuận xem xét lại hợp đồng, hợp đồng còn nguyên hiệu lực với các điều khoản gốc.
Lựa chọn thứ ba
(5) Nếu các bên không chấp thuận xem xét lại hợp đồng trong thời hạn 90 ngày theo yêu cầu, một bên có thể đưa vấn đề xem xét lại hợp đồng ra trọng tài, nếu có, như quy định trong hợp đồng, hoặc các toà án có thẩm quyền.
Lựa chọn thứ tư
(5) Nếu các bên không đạt được thoả thuận xem xét lại hợp đồng trong vòng 90 ngày theo yêu cầu, một bên có thể đưa vụ việc ra Uỷ ban thường trực về Quy chế quan hệ hợp đồng của ICC (the ICC Standing Committee for the Regulation of Contractual Relations) nhằm chỉ định người thứ ba (hoặc một uỷ ban ba người) theo điều khoản về các quy tắc cho quy định quan hệ hợp đồng của ICC. Người thứ ba sẽ thay mặt cho các bên quyết định liệu các điều kiện xem xét lại hợp đồng quy định trong đoạn 1 có thoả mãn không. Nếu có, người thứ ba sẽ xem xét lại hợp đồng hợp lý nhằm bảo đảm không bên nào bị thiệt hại quá mức.
(6) Quyết định của người thứ ba sẽ có giá trị ràng buộc với các bên và được đưa vào hợp đồng.
Luật Minh Khuê (tổng hợp dựa trên các nguồn thông tin từ internet)