Mục lục bài viết
1. Khái niệm nhà nước pháp quyền
Nhà nước pháp quyền (NNPQ)là một phạm trù thuộc khoa học chính trị - pháp lý, xuất hiện khá sớm trong lịch sử tư tưởng nhân loại, bắt nguồn từ tư tưởng về nguyên tắc cai trị bằng luật pháp (rule by law) hơn là nguyên tắc cai trị bằng quyền lực tuyệt đối của nhà vua hay nhà độc tài (rule by man). Mặc dù ý niệm về “Nhà nước pháp quyền” (rule of law) được các nhà nhà triết học Hy Lạp ít nhiều đã đề cập, nhưng phải đến thời kỳ Phục hưng và Khai sáng châu Âu, khái niệm này mới được thực sự luận bàn và phát triển và làm tiền đề cho sự thịnh hành ở thế kỷ XX trở đi trên quy mô toàn cầu.
2. Đặc chưng cơ bản của Nhà nước Pháp quyền
Nhà nước pháp quyền, hiểu một cách cơ bản nhất là một chế độ xã hội và một chính thể nhà nước đặt pháp luật là nguyên tắc tối thượng: không có ai ở trên luật hay ngoài luật, mà mọi người phải tuân theo pháp luật, bất kể là vua, tổng thống, thủ tướng hay người dân thường.
Toàn bộ tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, các nhánh quyền lực của nhà nước (lập pháp, hành pháp và tư pháp) nếu được thiết kế dựa trên nguyên tắc pháp quyền(rule of law) sẽ là một tiền đề quan trọng nhất cho các quyền và tự do của công dân được bảo đảm và thực thi. Nguyên tắc pháp quyền hiểu theo nghĩa rộng bao trùm toàn bộ các nguyên tắc nền tảng làm tiền đề cho việc tổ chức, hoạt động, giám sát việc thực thi quyền lực nhà nước, tôn trọng và bảo đảm các quyền con người. Như vậy, nguyên tắc pháp quyền không chỉ là nguyên tắc đòi hỏi việc quản lý, điều hành (hay cai trị) xã hội ấy phải bằng luật pháp, mà điều quan trọng hơn là toàn bộ tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước ấy phải chịu sự điều chỉnh và giám sát của luật pháp. Hơn nữa, luật pháp ấy phải là thể hiện được ý chí của đa số nhân dân. Nghĩa là các nguyên tắc pháp quyền ấy phải là sự lựa chọn và xác lập bằng các cơ chế thể hiện ý chí trực tiếp hoặc đại diện của nhân dân. Theo ý nghĩa ấy, nguyên tắc pháp quyền (rule of law) đồng nhất với chế độ pháp quyền hay nhà nước pháp quyền (law-governed state).
Liên hợp quốc và hệ thống pháp luật quốc tế ngày càng hoàn thiện, điều chỉnh các quy tắc ứng xử không chỉ giữa các công dân với nhà nước mà toàn thể cộng đồng nhân loại, các quan niệm về NNPQ ngày càng được phổ biến rộng rãi và trở thành một trong những tiền đề quan trọng nhất của cộng đồng quốc tế trong quá trình xây dựng xã hội hòa bình, tiến bộ, dân chủ và văn minh.
Báo cáo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về nhà nước pháp quyền và tư pháp chuyển đổi trong các xã hội xung đột và hậu xung đột (xuất bản năm 2004), đã xác định: “Đối với Liên hợp quốc, pháp quyền là một nguyên tắc của quản trị mà ở đó tất cả các cá nhân, cơ quan và các tổ chức, công và tư, bao gồm chính nhà nước, là phải giải trình trước luật pháp được ban hành một cách công khai, được thực thi một cách bình đẳng và được xét xử một cách độc lập, và phù hợp với các quy phạm và tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế. Cũng như nó đòi hỏi về các biện pháp đối với việc đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc về tính tối cao của pháp luật, sự bình đẳng trước pháp luật, trách nhiệm giải trình trước pháp luật, tính công bằng trong việc áp dụng pháp luật, phân chia quyền lực, tham gia vào việc ra quyết định, đảm bảo pháp lý, tránh sự tùy tiện và sự minh bạch về thủ tục và pháp lý”.
Quan điểm được thừa nhận rộng rãi trong cộng đồng quốc tế hiện nay cho rằng có ba thước đo của nguyên tắc pháp quyền và NNPQ đó là: Quyền con người (đánh dấu bằng các quyền con người toàn cầu được thừa nhận rộng rãi trong Tuyên ngôn Thế giới về nhân quyền 1948, các công ước quốc tế về quyền con người của Liên hợp quốc và công ước nhân quyền khu vực); hình thức/thể chế (bao gồm: quy định bằng luật, mang tính phổ quát và bình đẳng, áp dụng như nhau, có thể tiếp cận được công khai, đồng bộ, tương thích, dễ hiểu, mang tính tuân thủ, tòa án công tâm, trình tự, thủ tục công bằng, sự thẩm tra, giám sát của tư pháp đối với hành pháp và tiếp cận công lý); chế độ chính trị theo đó đề cao tính tối cao của Hiến pháp, sự cân bằng và đối trọng quyền lực, các cơ quan được bầu một cách dân chủ và phân chia quyền lực(3).
3. Sự phát triển lý luận về nhà nước pháp quyền
Thời kỳ Phục hưng và Khai sáng châu Âu là thời kỳ phát triển mạnh mẽ của các trào lưu tư tưởng về đề cao vai trò của pháp luật trong việc xác lập các nguyên tắc cho tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, cho việc tôn trọng và bảo đảm các quyền và tự do cơ bản của công dân.
Nhà nước pháp quyền theo quan niệm của các nhà tư tưởng Phục Hưng và Khai Sáng, đặc biệt là Môngtétxkiơ, đó là sự phân chia và chế ước quyền lực nhà nước thành các nhánh (lập pháp, hành pháp và tư pháp) rạch ròi, sao cho pháp luật được đề cao và thực thi hiệu quả, các quyền và tự do cơ bản của công dân được bảo đảm. Nhà nước pháp quyền là nhà nước nơi những người được ủy giao trọng trách quản lý và điều hành xã hội, hay nói chung là những người được giao cho việc cai trị, phải thông qua cơ chế phổ thông đầu phiếu, do người dân bầu ra, dù bằng hình thức bầu trực tiếp hay qua hình thức đại diện. Montesquieu đặc biệt nhấn mạnh đến sự phân chia giữa các nhánh quyền lực nhà nước và về mối quan hệ giữa cơ quan lập pháp (nghị viện/quốc hội), với cơ quan hành pháp (chính phủ) và cơ quan tư pháp (tòa án) để hạn chế sự tùy tiện hay vượt quá giới hạn của bất cứ quyền lực nào, nhất là quyền hành pháp. NNPQ được thực hiện thông qua mô hình dân chủ điển hình nhất là dân chủ nghị viện, theo đó quyền lập pháp (nghị viện) hạn chế quyền lực của phía hành pháp (chính phủ). Như vậy chính phủ không thể tự do hành động theo sở thích của mình và phải luôn có được sự hậu thuẫn của nghị viện, nơi thể hiện ý chí và nguyện vọng của dân chúng. Tương tự như vậy, quyền tư pháp cho phép tạo ra sự đối trọng với một số quyết định của chính phủ, đồng thời giúp công dân bảo vệ được các quyền và tự do trong trường hợp các quyền ấy bị tùy tiện tước đi bởi cơ quan hành pháp.
4. Các trường phái lý luận về Nhà nước pháp quyền
Trên thế giới hiện nay có ba trường phái chính hay quan niệm khác nhau về NNPQ đại diện cho ba truyền thống tư tưởng triết học - chính trị và tư duy pháp lý châu Âu:
- Rechtsstaat (Đức);
- Des L’Etat de Droit (Pháp);
- Rule of Law (Anh).
Quan niệm NNPQ của truyền thống Đức (Rechtsstaat) xem NNPQ là một nhà nước trong đó các quy phạm pháp luật được sắp xếp có trật tự sao cho quyền lực phải chịu sự giới hạn. Theo đó, mỗi quy phạm có được hiệu lực từ sự tuân thủ các quy phạm cao hơn. Sự tồn tại một trật tự có thứ bậc các quy phạm tạo nên một trong những đảm bảo quan trọng bậc nhất của nhà nước pháp quyền. Trong khuôn mẫu đó, thẩm quyền của các cơ quan nhà nước phải được xác định một cách rõ ràng và các quy phạm mà những cơ quan này tạo ra chỉ có hiệu lực với điều kiện tuân thủ toàn bộ các quy phạm có hiệu lực cao hơn. Cao nhất của hệ thống các quy phạm pháp luật là hiến pháp.
Trong một NNPQ, quyền lực của nhà nước bị hạn chế để bảo vệ công dân khỏi việc thực thi quyền lực một cách tùy tiện, công dân được hưởng các quyền tự do dân sự một cách hợp pháp và họ có thể sử dụng hệ thống tòa án để bảo vệ các quyền ấy. Một đất nước không thể là một nền dân chủ tự do nếu trước hết không phải là một NNPQ.
NNPQ theo quan điểm của châu Âu lục địa (continental law), dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa thực chứng pháp luật (positive law) và theo quan điểm các nhà tư tưởng Đức, theo đó pháp luật ra đời gắn liền với nhà nước, với sự hình thành và phát triển của nhà nước, nhà nước và pháp luật không thể tách rời. Chính vì vậy, khái niệm NNPQ được cấu thành từ hai từ “reich” (luật, pháp quyền) và “state” (nhà nước).
Quan điểm NNPQ theo truyền thống Anglo-American (Anh - Mỹ) (rule of law). Quyền lực nhà nước về bản chất là quyền lực của nhân dân; quyền lực của nhân dân là cơ sở, nguồn gốc của quyền lực nhà nước. Trong quan hệ với nhân dân, nhà nước không có quyền mà chỉ thực hiện sự uỷ quyền của nhân dân mà thôi; công dân trao cho nhà nước các quyền lực thông qua một khế ước xã hội và hoàn toàn có quyền rút lại khế ước ấy trong chừng mực nhà nước tước đi các quyền tự nhiên thiêng liêng của công dân. Vai trò của pháp luật tự nhiên là xác lập các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của mọi quyền lực nhà nước để bảo vệ các quyền tự nhiên cơ bản của con người. Vì vậy, NNPQ là nhà nước được hình thành bằng luật tự nhiên và có nhiệm vụ tối thượng là bảo vệ các quyền tự nhiên của tất cả mọi người.
Rule of Law là nguyên tắc mà ở đó tất cả mọi người và mọi thiết chế đều phải phục tùng và chịu trách nhiệm giải trình đối với luật pháp và được áp dụng, thực thi công bằng đối với họ.
Ba nguyên tắc cơ bản và trở thành phổ biến trong truyền thống NNPQ của Anh - Mỹ và thế giới ngày nay được Dicey đưa ra vào năm 1885, đó là :
- Không ai có thể bị trừng phạt hoặc phải chịu đựng một hình phạt ngoại trừ một hành vi trái pháp luật được chứng minh tại tòa; 2) Không ai đứng trên pháp luật và mọi người đều bình đẳng trước pháp luật bất kể địa vị xã hội, kinh tế hay chính trị của họ;
- Nguyên tắc pháp quyền bao gồm những kết quả của các quyết định tư pháp xác định các quyền của cá nhân. Những nguyên tắc cơ bản này đã trở thành tiêu chuẩn quốc tế trong hệ thống pháp luật quốc tế hiện đại, đặc biệt liên quan đến các chế độ bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên phạm vi toàn cầu.
Tiếp nối truyền thống tư duy chính trị - pháp lý dựa trên pháp luật tự nhiên (natural law) của John Locke, các nhà tư tưởng khai sáng Hoa Kỳ, như Thomas Paine, Thomas Jefferson, Madison và Abraham Lincoln,… đã đặc biệt đề cao vai trò của pháp luật, các nguyên tắc pháp quyền, nhất là tính tối cao của hiến pháp, sự phân chia quyền lực, ghi nhận và bảo đảm các quyền và tự do cơ bản của công dân,… Nguyên tắc pháp quyền, Rule of Law, trong tư duy chính trị - pháp lý Hoa Kỳ được xem là xương sống cho việc tổ chức, thiết kế và vận hành của nền dân chủ Hoa Kỳ.
5. Nguyên tắc pháp quyền trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Xuất phát từ cách tiếp cận của Văn kiện Đại hội XII của Đảng, ở nước ta, trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa phải tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền cơ bản sau đây:
Một là, pháp luật phải rõ ràng, công khai, ổn định, đúng đắn và được áp dụng chung, thể hiện các giá trị mà xã hội có, xã hội cần và xã hội ủng hộ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là yếu tố cấu thành nguyên tắc pháp quyền từ phương diện hình thức của pháp luật và là yếu tố đầu tiên cấu thành pháp quyền trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Chính vì thế mà nhiều văn kiện của Đảng và các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước ta đã nhấn mạnh: “Nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp, bảo đảm tốt hơn tính dân chủ, pháp chế, công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật”.
Hai là, quyền lực chính trị của Đảng và quyền lực của Nhà nước được tổ chức và hoạt động trong giới hạn và bị kiểm soát, bị ràng buộc bởi các quy định của Hiến pháp và pháp luật. Đây là yếu tố cấu thành nguyên tắc pháp quyền về nội dung trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Bởi, đây là yếu tố thể hiện chủ quyền tối cao thuộc về nhân dân. Quyền lực chính trị của Đảng lãnh đạo và quyền lực của Nhà nước đều có nguồn gốc, ra đời, tồn tại và phát triển từ quyền lực của nhân dân và do đó, bị giới hạn bởi quyền lực của nhân dân. Chính vì thế mà Hiến pháp năm 2013 là phương tiện để nhân dân giao quyền, ủy quyền quyền lực nhà nước của mình cho Đảng và Nhà nước. Mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ được xác định trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật.
Ba là, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Đây là một nội dung cốt lõi của nguyên tắc pháp quyền, không những ở nước ta mà còn được hầu hết các nhà nước dân chủ và pháp quyền trên thế giới thừa nhận. Trong nhà nước pháp quyền không cho phép bất kỳ một người nào, cơ quan, tổ chức nào đứng trên pháp luật. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt; Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013. Trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta, con người nếu không vi phạm pháp luật thì họ hoàn toàn tồn tại trong trạng thái an toàn về mặt pháp lý khi đối diện với quyền lực nhà nước. Đây là một yếu tố cấu thành không thể thiếu của nguyên tắc pháp quyền.
Bốn là, pháp luật phải được mọi người tôn trọng, bảo vệ và thực thi trong hoạt động của Nhà nước cũng như của toàn xã hội bằng công tác tổ chức thi hành pháp luật. Xây dựng được một hệ thống pháp luật có chất lượng tốt đã là khó, nhưng khó hơn là đưa pháp luật vào cuộc sống và duy trì hiệu lực, hiệu quả trên thực tế. Để đưa pháp luật vào cuộc sống, phải tổ chức thi hành pháp luật, từ tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến việc kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật để bảo vệ pháp luật. Vì thế, pháp quyền không thể có được trên thực tế, nếu pháp luật không được bảo vệ và được thực thi trong hoạt động của Nhà nước và xã hội.
Năm là, khi thực hiện quyền tư pháp, tòa án xét xử độc lập, bảo vệ công lý, công bằng, nhân phẩm, quyền con người, quyền công dân. Quyền tư pháp độc lập với tư cách là một yếu tố cấu thành nguyên tắc pháp quyền trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta, trước hết và chủ yếu là thẩm phán, hội thẩm khi xét xử phải độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Có độc lập, người xét xử mới đưa ra các tài phán vô tư, vì công lý, công bằng, vì quyền con người, quyền công dân. Tất cả các nguyên tắc pháp quyền nói trên có quan hệ mật thiết với nhau, không tách rời nhau, tạo thành một tổng thể thống nhất, cấu thành pháp quyền ở nước ta.