1. Thể chế nhà nước, chế độ chính trị CHLB Đức

Đức là một nước cộng hòa liên bang, nghị viện, và dân chủ đại diện. Hệ thống chính trị Đức được vận hành theo khuôn khổ được quy định trong văn bản hiến pháp năm 1949 mang tên Luật cơ bản. Sửa đổi theo thường lệ cần có đa số hai phần ba của cả lưỡng viện quốc hội; các nguyên tắc cơ bản của hiến pháp được biểu thị trong các điều khoản về đảm bảo nhân phẩm, cấu trúc liên bang và pháp quyền có giá trị vĩnh viễn.

Tổng thống là nguyên thủ quốc gia và chủ yếu được trao trách nhiệm và quyền lực tượng trưng. Chức vụ này được bầu ra bởi Hội nghị Liên bang, một thể chế gồm các thành viên của Quốc hội Liên bang và một số lượng bình đẳng đại biểu từ các bang. Chức vụ cao thứ nhì theo thứ tự ưu tiên của Đức là Chủ tịch Quốc hội Liên bang, là người do quốc hội bầu ra và chịu trách nhiệm giám sát các phiên họp thường nhật của cơ cấu. Chức vụ cao thứ ba và người đứng đầu chính phủ là Thủ tướng, do tổng thống bổ nhiệm sau khi được quốc hội bầu ra.

 2. Các đảng chính trị

Ở Đức có khoảng 37 đảng đăng ký hoạt động, nhưng chỉ có một số đảng lớn có ghế trong QHLB và thay nhau cầm quyền. Các chính đảng lớn gồm CDU/CSU (Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo/ Xã hội Thiên chúa giáo), SPD (Xã hội Dân chủ), FDP (Tự do Dân chủ), đảng Xanh và đảng Cánh tả (trước đây là đảng XHCN thống nhất – SED).

Đảng Xã hội Dân chủ (SPD): là đảng cánh tả lớn nhất và cũng là chính đảng lâu đời nhất ở Đức được thành lập năm 1863. Sau khi bị cấm trong thời kỳ chủ nghĩa phát xít, đảng được tái lập năm 1945. Với chương trình Godesberg năm 1959, đảng chính thức không còn là một đảng công nhân mà là một đảng quần chúng. Niềm tin của đảng là “Tự do, Công bằng và Đoàn kết”.

 Đảng Cánh tả: là đảng kế thừa của Đảng XHCN thống nhất Đức (SED), là đảng lãnh đạo CHDC Đức trước đây. Đảng dựa trên lý tưởng XHCN, ủng hộ phong trào cánh tả và phần nào phong trào dân chủ xã hội.

Liên minh dân chủ Thiên chúa giáo và xã hội Thiên chúa giáo (CDU/CSU): Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU): là đảng cánh hữu lớn nhất ở Đức, thành lập năm 1945 và có khuynh hướng bảo thủ. Đảng Liên minh xã hội Thiên chúa giáo (CSU) có đường lối bảo thủ tương tự nhưng chỉ hoạt động tại Bang Bayern. Hai đảng này cùng nhau tạo thành một đảng phái chung trong Quốc hội Liên bang Đức, thường được gọi chung là “liên minh” hay “các đảng liên minh”.

Đảng Dân chủ Tự do (FDP): thành lập năm 1948. Đảng FDP ủng hộ quyền tự do cá nhân, đặc biệt trong các vấn đề kinh tế và quyền công dân. FDP là đối tác Liên minh nhỏ, nhưng tham gia Chính phủ liên bang nhiều nhiệm kỳ. Tại cuộc bầu cử Quốc hội Liên bang tháng 9/2013, đảng FDP đã thất bại thảm hại (4,3%) và lần đầu tiên vắng mặt trong Quốc hội kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2.

Đảng Xanh: ra đời từ các phong trào xã hội mới cuối thập kỷ 1970 như phong trào phụ nữ, phong trào hòa bình và phong trào sinh thái. Năm 1983, Đảng được bầu vào Quốc hội Liên bang lần đầu tiên. Năm 1990, đảng Xanh hoà nhập với phong trào nhân dân Đông Đức (Liên minh 90) trở thành Liên minh 90/ Xanh. Đảng Xanh là lực lượng đang nổi lên, ngày càng thu hút nhiều sự ủng hộ do nhu cầu cấp thiết về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các đảng phái khác: một số đảng khác có khuynh hướng cực hữu như Người Cộng hoà (REP), Liên minh Nhân dân Đức (DVU), Dân chủ quốc gia Đức (NPD), v.v…đều là các đảng nhỏ, chưa từng có ai đại diện trong Quốc hội Liên bang trong 60 năm qua, nhưng có thời điểm có chân trong quốc hội một số bang. Các đảng này phát triển khá mạnh ngay sau khi tái thống nhất nước Đức do lợi dụng tâm lý bất bình của người dân với chính sách nhập cư của Chính phủ, song hiện nay có xu hướng suy yếu.

3. Đặc trưng mô hình của Nhà nước pháp quyền CHLB Đức

Có thể nói, cấu trúc NNPQ của Đức được thể hiện trên một bức tranh “bảy sắc cầu vòng” phong phú, đa dạng của hệ thống chính trị được mệnh danh là “nhà nước của các đảng phái” với nhiều ý nghĩa từ cấp liên bang đến các bang trên cơ sở quy định trong 102 điều, từ Điều 20 đến Điều 104 LCB 1949.

Tầm quan trọng được ưu tiên hàng đầu về tổ chức nhà nước là 7 cơ quan hiến pháp (Quốc hội liên bang; Hội đồng liên bang; Ủy ban hỗn hợp; Hội nghị liên bang; Tổng thống liên bang; Chính phủ liên bang; Tòa án Hiến pháp liên bang) được thành lập có ý nghĩa to lớn, thiết yếu, cơ bản, với những đặc điểm sau:

3.1. Cộng hòa liên bang Đức là nhà nước dân chủ

Điểm qua về nền dân chủ, tự do trong lịch sử nước Đức: Nhà nước cộng hòa Weimar (1918-1933) đánh dấu sự nổi tiếng với nền dân chủ nghị viện (mặc dù do hạn chế về mặt lịch sử nên không hoàn toàn thành công), Hiến pháp Weimar 1919 và “Tòa án nhà nước” để giải quyết các “tranh chấp hiến pháp” của Vương quốc Đức. Trong Nghị viện cộng hòa thời đó đã có tới 6 đảng phái chính trị khác nhau. Những truyền thống quý báu được kế thừa và phát triển kể cả khi thành lập nước CHLB Đức vào năm 1949, vốn được khẳng định tại khoản 1 Điều 20 LCB cho đến ngày nay.

Nền dân chủ được thể hiện trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là trong hệ thống và phương thức bầu cử, trong các cơ quan nhà nước, cơ quan công quyền và các tổ chức, hiệp hội, cơ quan khác, trường học…

Có thể lấy một trong nhiều ví dụ để minh họa: theo quy định của pháp luật về thi hành án của CHLB Đức thì tù nhân cũng có chế độ nghỉ phép hàng năm và có tài khoản để tích lũy khoản tiền trong thời gian lao động, cải tạo để khi ra tù tái hòa nhập tốt vào đời sống xã hội.

3.2. Cộng hòa liên bang Đức là nhà nước liên bang

Nhà nước liên bang được quy định tại khoản 1 Điều 20 LCB.

Từ năm 1949 đến 03/10/1990, CHLB Đức gồm 11 bang. Sau sự kiện lịch sử đáng nhớ - ngày 03/10/1990 nước Đức tái thống nhất một cách nhanh chóng trong hòa bình, dẫn tới lãnh thổ CHDC Đức trước đó nay hình thành 5 bang mới. Mỗi bang trở thành “một nhà nước địa phương” với cơ cấu, tổ chức gần như cấp liên bang, tuy mức độ, quy mô và thẩm quyền giới hạn: Quốc hội bang, chính phủ bang gồm nhiều bộ, hệ thống pháp luật trong các lĩnh vực về trật tự an toàn xã hội, giáo dục phổ thông, đại học, hành chính, Tòa án hiến pháp bang…

Để bảo đảm ý nghĩa về mặt xã hội, sự công bằng, bình đẳng trên nguyên tắc “phân chia và kiểm soát tốt quyền lực” giữa cơ quan nhà nước cấp trung ương cũng như địa phương, các bang đều có đại diện tại Hội đồng liên bang, Ủy ban hỗn hợp, Tòa án tối cao liên bang…

3.3. Cộng hòa liên bang Đức là nhà nước xã hội

Khoản 1 Điều 20 LCB cũng khẳng định CHLB Đức là nhà nước xã hội, vì lẽ đó nhân phẩm con người được đặt lên hàng đầu và quy định tại khoản 1 Điều 1, tiếp theo là các quy định về quyền cơ bản của công dân.

Chúng ta nghe nói nhiều về thuật ngữ “quyền lực nhà nước”, thế nhưng trong NNPQ thì “tất cả quyền lực thuộc về nhân dân” (khoản 2 Điều 20 LCB) hay còn gọi là “nhà nước dân sự”, vì vậy nhân dân phải là “đối tượng điều chỉnh đầu tiên của pháp luật” (từ Điều 1 đến Điều 19 LCB) mà “hiến pháp của hiến pháp” lần lượt thể hiện: bảo vệ nhân phẩm, tự do cá nhân, tự do ngôn luận, bảo vệ hôn nhân và gia đình, bảo vệ quyền sở hữu…

Cộng hòa liên ban Đức bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội tốt nổi tiếng thế giới, trong đó nguyên tắc công bằng xã hội là tâm điểm, mục đích của NNPQ, không bị thay đổi và có hiệu lực vô thời hạn. Nhiệm vụ, trách nhiệm của nhà nước thật lớn lao trong nhiều lĩnh vực, trong đó không thể không kể đến việc bảo vệ bà mẹ và trẻ em (khoản 4 Điều 6 LCB); bình đẳng nam nữ trong việc làm và tiền lương; chế độ bảo hiểm xã hội, chăm sóc y tế ưu việt, tôn trọng, giúp đỡ người tàn tật, trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp xã hội, trợ cấp tiền nhà ở; các lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo vệ môi trường, thực hiện tốt mục tiêu cải thiện, nâng cao điều kiện sống của người dân.

4. Quốc hội liên bang trong Nhà nước pháp quyền CHLB Đức

Quốc hội CHLB Đức khóa XX (2021-2025) vừa được kiện toàn sau cuộc bầu cử ngày 26/9/2021 có 736 nghị sĩ (số lượng lớn nhất từ trước đến nay, đứng thứ hai thế giới) do Đảng Xã hội dân chủ đứng đầu, liên minh với Đảng Xanh và Đảng Dân chủ tự do để có đa số tuyệt đối nhằm thành lập Chính phủ liên bang.

Vốn duy trì và phát triển truyền thống đa nguyên, cởi mở, Quốc hội liên bang hiện tại có 8 đảng phái chính trị: Đảng Liên minh dân chủ thiên chúa giáo (CDU) 152 ghế, Đảng Xã hội dân chủ (SPD) 206 ghế; Đảng Con đường khác cho nước Đức (AfD) 83 ghế; Đảng Dân chủ tự do (FDP) 92 ghế; Đảng Cánh tả (Die Linke) 39 ghế; Đảng Xanh (Gruenen) 118 ghế; Đảng Liên minh xã hội thiên chúa giáo Đức (CSU) 45 ghế và Đảng Dân tộc ít người gốc Đan Mạch (SSW) 1 ghế.

Cơ sở của bức tranh đa màu sắc trên đây là truyền thống dân chủ như đã nêu trên và quy định tại khoản 1 Điều 22 LCB khi Hiến pháp liên bang khẳng định việc thành lập một đảng phái chính trị là quyền tự do của mỗi người; tuy nhiên, điều lệ, nội dung hoạt động phải phù hợp với nguyên tắc dân chủ, phải công khai tài chính  tài sản của đảng; ngược lại, nếu vi hiến, đảng phái chính trị đó sẽ bị Tòa án Hiến pháp liên bang tuyên bố cấm hoạt động vĩnh viễn.

Ở CHLB Đức, nguyên tắc cơ cấu, tổ chức các cơ quan nhà nước, cơ quan công quyền ở trung ương và địa phương luôn gắn với phương châm quyền lực không được tập trung vào một cá nhân, cơ quan, tổ chức “quá mức cho phép”. Đây là kết quả của bài học quý báu được đúc kết sau khi nước Đức trải qua hai cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai. Ví dụ: Chủ tịch Quốc hội liên bang thuộc Đảng Xã hội dân chủ, nhưng 1 trong 2 người đại diện thuộc Đảng Liên minh dân chủ thiên chúa giáo; 3 phó chủ tịch quốc hội thuộc 3 đảng phái chính trị khác nhau: Đảng Xanh, Đảng Cánh tả và Đảng Dân chủ tự do.

Một tiêu chí đặt ra trong khi thực hiện nhiệm vụ lập pháp là Quốc hội liên bang phải luôn gắn nội dung các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành vào trật tự pháp luật thống nhất, phù hợp vời hiến pháp; kỹ thuật lập pháp phải bảo đảm tính khúc chiết, nội dung phải minh bạch, rõ ràng; các quy định phải “nhìn xa, trông rộng”, thực tế, dễ áp dụng, tránh sửa đổi, bổ sung nhiều.

Trong quá trình hoạt động, Quốc hội liên bang thực hiện “chức năng kép” không kém phần quan trọng là kiểm tra, giám sát hoạt động của Chính phủ liên bang, kể cả việc sử dụng Ủy ban điều tra của Quốc hội (Điều 44 LCB) - một công cụ hữu hiệu trong trường hợp thành viên Chính phủ liên bang vi phạm pháp luật. Tương ứng, quốc hội 16 bang trên toàn nước Đức kiểm soát quyền lực chính phủ của các bang.

Để giúp Quốc hội thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, năm 2021 Quốc hội liên bang Đức biên chế đến 4.500 cán bộ đảm nhận công việc thư ký, kỹ thuật, phục vụ cùng với 1.700 cộng tác viên khoa học; như vậy, số lượng này gần gấp 10 lần số nghị sĩ quốc hội!

Tại CHLB Đức, vốn từ lâu đã thành thông lệ: đảng đối lập trong Quốc hội liên bang thực hiện công bố kết quả kiểm tra, giám sát Chính phủ liên bang trước công luận. Phương thức này thể hiện tính chất dân chủ, công khai và minh bạch.

5. Hội đồng liên bang trong Nhà nước pháp quyền CHLB Đức

Hội đồng liên bang có 69 thành viên, là “quốc hội của chính phủ các bang” đại diện cho chính phủ 16 bang trên toàn nước Đức; có quyền tham gia vào quy trình lập pháp liên bang và các công việc của Liên minh châu Âu. Số lượng thành viên mỗi bang tỷ lệ thuận với dân số của bang, dựa trên nguyên tắc “phân chia và kiểm soát tốt quyền lực” để tất cả các bang đều có đại diện.

6. Ủy ban hỗn hợp trong Nhà nước pháp quyền CHLB Đức

Ủy ban hỗn hợp giữa Quốc hội liên bang và Hội đồng liên bang gồm 48 thành viên (tỷ lệ 2/3 và 1/3) theo quy định tại Điều 53 LCB. Ủy ban hỗn hợp có vai trò và ý nghĩa to lớn, đặc biệt trong trường hợp khẩn cấp cả nước có chiến tranh và Quốc hội liên bang không thể nhóm họp kịp thời. Việc thành lập và thủ tục của Ủy ban hỗn hợp được quy định trong Quy chế làm việc do Quốc hội liên bang ban hành, tuy nhiên cần được sự đồng thuận của Hội đồng liên bang.

7. Chính phủ liên bang trong Nhà nước pháp quyền CHLB Đức

Ngày 08/12/2021, Chính phủ CHLB Đức gồm Thủ tướng Chính phủ và 16 bộ được thành lập, trong đó có 7 nữ bộ trưởng, được cơ cấu từ liên minh 3 đảng phái chính trị: Đảng Dân chủ xã hội (trong đó có Thủ tướng Chính phủ), Đảng Xanh (trong đó có Phó Thủ tướng) và Đảng Dân chủ tự do. Qua đó cho thấy năng lực, vai trò của phụ nữ trong chính phủ mới tiếp tục được kế thừa và phát huy, sự bình đẳng giới được thể hiện rõ nét. Thủ tướng Chính phủ là người thuộc Đảng Xã hội dân chủ, nhưng Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao lại là thành viên thuộc Đảng Xanh…