Mục lục bài viết
1. Khái niệm chế độ tài sản theo thỏa thuận
Chế độ tài sản vợ chồng là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ tài sản của vợ chồng, bao gồm các quy định về căn cứ xác lập tài sản, quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng; nguyên tắc phân chia tài sản giữa vợ chồng. Việc quy định chế độ tài sản vợ chồng ở các quốc gia là khác nhau tùy thuộc vào chế độ kinh tế, xã hội cũng như tập quán, thuần phong, mỹ tục. Pháp luật Hôn nhân và Gia đình thường quy định hai chế độ tài sản vợ chồng: Một là theo pháp luật, hai là theo thỏa thuận.
Chế độ tài sản theo pháp luật là việc pháp luật đề ra các hình thức xác lập và thực hiện các quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với khối tài sản của họ.
Chế độ tài sản theo thỏa thuận là việc vợ chồng tự thỏa thuận và thỏa thuận cùng với nhau về việc xác lập và thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với tài sản của họ. Vợ chồng có thể lựa chọn một trong các chế độ tài sản do pháp luật quy định hoặc tự thiết lập một chế độ riêng với điều kiện không trái với quy định của pháp luật. Có rất nhiều cách gọi khác nhau về thỏa thuận của vợ chồng liên quan đến tài sản như: hôn ước, hợp đồng tiền hôn nhân hay thỏa thuận tài sản của vợ chồng,…
2. Đặc điểm của chế độ tài sản theo thỏa thuận ở Việt Nam
- Tài sản giữa vợ chồng sau khi hết hôn gồm khối tài sản được người vợ hoặc người chồng tạo lập trước thời kỳ hôn nhân, khối tài sản được vợ chồng tạo lập trong thời kỳ hôn nhân, khối tài sản được tặng cho riêng, được tặng cho chung và các hoa lợi lợi tức phát sinh từ các khối tài sản này.
- Luật Hôn nhân và gia đình 2000 mặc dù thừa nhận chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận là cần thiết và đem lại nhiều lợi ích nhưng chỉ quy định duy nhất một chế độ tài sản vợ chồng theo pháp luật. Việc này đem lại nhiều hạn chế. Thứ nhất, quy định của Luật hiện hành không bảo đảm quyền tự định đoạt của chủ sở hữu tài sản được quy định trong Hiến pháp và Bộ luật Dân sự. Về nguyên tắc, mỗi cá nhân có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu của mình theo ý chí của mình, miễn sao không xâm phạm đến lợi ích của người khác, không trái với đạo đức xã hội. Thứ hai, việc chỉ áp dụng một chế độ hôn sản pháp định cho tất cả các trường hợp không đáp ứng được nhu cầu của một số cặp vợ chồng. Thực tế, có những trường hợp mà hai người kết hôn muốn tất cả tài sản mà mỗi bên có trước khi kết hôn cũng như trong thời kỳ hôn nhân đều là tài sản chung; ngược lại, có những trường hợp mà người kết hôn có nhiều tài sản riêng có nguồn gốc từ gia đình mình, có con riêng hoặc vì lý do kinh doanh riêng, nên muốn thực hiện một chế độ tách riêng tài sản và thỏa thuận với nhau về việc đóng góp cho đời sống chung của gia đình. Đến Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 đã quy định hai cách thức xác lập chế độ tài sản vợ chồng hoặc theo pháp luật hoặc theo thỏa thuận. Cụ thể tại Điều 28 có quy định:
“Vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận.”
- Về hình thức: Thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng phải được lập thành văn bản và phải được công chứng, chứng thực.
- Thời điểm xác lập: Thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.
- Chế độ tài sản thỏa thuận của vợ chồng ở Việt Nam có những đặc điểm về nội dung sau:
Thứ nhất, trong văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng, trước hết vợ, chồng cần xác định rõ những tài sản nào là tài sản riêng của mỗi bên và những tài sản nào là tài sản chung của vợ chồng. Vì khi xác định được phạm vi các loại tài sản, quyền sở hữu của mỗi bên thì vợ, chồng sẽ thỏa thuận và thống nhất được với nhau các quyền cũng như nghĩa vụ đối với từng loại tài sản.
Thứ hai, trên cơ sở xác định nội dung về tài sản trong thỏa thuận trước đó vợ và chồng thỏa thuận về các quyền của mỗi bên đối với tài sản chung, tài sản riêng cũng như những nghĩa vụ riêng, nghĩa vụ chung về tài sản hai bên phải gánh chịu và những nhu cầu thiết yếu của gia đình sẽ được đảm bảo bằng tài sản chung hay tài sản riêng. Bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình là nghĩa vụ của vợ, chồng; trong trường hợp vợ chồng thỏa thuận tài sản bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình là tài sản chung nhưng tài sản chung không đủ thì vợ, chồng cần thỏa thuận việc có đóng góp tài sản riêng của mối bên và đóng góp bao nhiêu vào tài sản chung để đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho gia đình.
Thứ ba, thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng được lập trước khi kết hôn và có hiệu lực kể từ ngày vợ, chồng thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn theo trình tự, điều kiện và quy định của pháp luật. Xuất phát từ nhu cầu của mỗi bên, vợ chồng có thể thỏa thuận các điều kiện được đưa ra khi chấm dứt chế độ tài sản theo thỏa thuận và xác định trong những trường hợp nào một bên hoặc cả hai bên vợ chồng có quyền yêu cầu chấm dứt chế độ tài sản này. Khi chấm dứt chế độ tài sản theo thỏa thuận, tài sản sẽ được chia cho vợ chồng theo thủ tục (thỏa thuận hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết) hoặc theo thỏa thuận của vợ chồng và nguyên tắc chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản đó. Về nguyên tắc tài sản có thể chia theo cách thức chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân hoặc theo nguyên tắc phân chia khác do hai vợ chồng tự thỏa thuận thống nhất với nhau. Và khi có tranh chấp xảy ra, việc giải quyết tranh chấp được ưu tiên áp dụng theo thỏa thuận của vợ chồng.
Thứ tư, ngoài những nội dung chủ yếu nêu trên, trong nội dung của thỏa thuận vợ, chồng có thể thỏa thuận những nội dung khác (ví dụ như vấn đề cấp dưỡng cho cha, mẹ, con …) liên quan đến chế độ tài sản của vợ chồng phù hợp với nhu cầu và hoàn cảnh của mỗi bên.
3. Ý nghĩa của chế độ tài sản theo thỏa thuận
- Phản ánh sự tiến bộ trong xã hội của một quốc gia: Bản thân chế độ tài sản theo thỏa thuận phản ánh sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Hệ thống pháp luật dưới chế độ phong kiến của nước ta thường mang nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ, người phụ nữ hầu như không có quyền gì trong gia đình. Người chồng có quyền “mặc nhiên” đại diện cho quyền lợi của gia đình, có quyền ký kết bất kỳ hợp đồng nào liên quan đến tài sản của vợ chồng, dù có giá trị hay không, đều đương nhiên được coi là có hiệu lực (Điều 96 – Dân luật Bắc Kỳ). Ở thời đó không có sự bình đẳng giữa vợ và chồng. Việc pháp luật các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng thừa nhận chế độ thỏa thuận về tài sản của vợ chồng đã phản ánh tư tưởng tiến bộ. Bởi lẽ, để thực hiện và đạt được các quyền tự do, bình đẳng trong các quan hệ nhân thân giữa vợ chồng (họ, tên, tôn giáo, dân tộc, quốc tịch, chỗ ở, nghề nghiệp…) thì trước hết phải có bình đẳng thực sự trong quan hệ về tài sản giữa vợ và chồng. Nguyên tắc vợ chồng bình đẳng với nhau về mọi phương diện là một trong các nguyên tắc cơ bản theo hệ thống pháp luật về Hôn nhân và Gia đình của Nhà nước xã hội chủ nghĩa.
- Thể hiện sự mềm dẻo, linh hoạt của pháp luật: Từ khi Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 ra đời vợ chồng đã có thêm một sự lựa chọn khi quyết định về chế độ tài sản. Việc thừa nhận chế độ tài sản thỏa thuận giữa vợ chồng thể hiện sự linh hoạt trong pháp luật đồng thời cho thấy sự tiến bộ trong tư duy của các nhà làm luật. Bởi lẽ không nhất thiết vợ chồng chỉ nhất nhất tuân theo pháp luật mà họ còn được tự do ý chí trong việc quyết định chế độ tài sản của mình. Và tất nhiên sự tự quyết này cũng được đặt trong một giới hạn nhất định tránh sự lung tung, bừa bãi.
- Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba khi tham gia quan hệ với vợ, chồng: Khi tham gia giao dịch với người thứ ba, bản thân vợ, chồng phải thông báo cho bên thứ ba biết nếu như trước đó vợ chồng đã thỏa thuận về chế độ tài sản. Điều này sẽ tạo nên sự rành mạch, rõ ràng trong giao dịch bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bên thứ ba.
- Phân định rạch ròi tài sản của mỗi bên: Khi chế độ này được lựa chọn thì các bên buộc phải cung cấp thông tin về những nguồn tài sản mà mình đang sở hữu, trên cơ sở đó xác lập nên văn bản thỏa thuận quy định rõ đâu là tài sản riêng và đâu là tài sản đưa vào tài sản chung, tài sản phục vụ nhu cầu đời sống. Nhờ vậy mỗi bên vợ, chồng phân định rạch ròi về tài sản để phục vụ cho nhu cầu riêng và chung của mình. Trong cuộc sống vợ chồng cũng hạn chế được nhiều cãi vã. Đặc biệt đề phòng được tình trạng một trong hai bên kết hôn chỉ vì tài sản của bên còn lại.
- Bảo vệ tài sản của mỗi bên vợ, chồng: Ngoài việc thỏa thuận về tài sản thì trong văn bản thỏa thuận còn quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên đối với tài sản chung, riêng. Chính vì vậy, tài sản của mỗi bên sẽ được bảo vệ chặt chẽ hơn.
- Dễ dàng hơn khi tranh chấp phát sinh: Khi vợ chồng cùng thỏa thuận với nhau để lựa chọn áp dụng một chế độ tài sản cho mình thì khi xảy ra tranh chấp, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ căn cứ vào những nội dung mà hai bên vợ chồng đã thỏa thuận để xem xét tính hợp pháp, hợp lý mà giải quyết tranh chấp. Trong trường hợp họ không thỏa thuận chế độ tài sản mà mặc nhiên được điều chỉnh bởi chế độ tài sản của vợ chồng theo pháp định, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ căn cứ vào nội dung đã được quy định trong các văn bản pháp luật liên quan để giải quyết, phân xử. Văn bản thỏa thuận về tài sản này sẽ là căn cứ để Tòa án xác định đâu là tài sản riêng, đâu là tài sản chung và đâu là tài sản phát sinh thêm để giải quyết tranh chấp. Nếu có khi ly hôn, văn bản thỏa thuận về tài sản được xem như luật riêng của các bên. Từ đó, Tòa án chỉ cần căn cứ vào sự thỏa thuận của các bên nếu như sự thỏa thuận đó hợp pháp.
- Tạo sự thuận lợi cho hoạt động riêng của mỗi bên: Phần lớn các vấn đề phát sinh cãi vã của các cặp vợ chồng xuất phát từ vấn đề tiền bạc như quyết định ai là người giữ tiền sau hôn nhân, bất đồng quan điểm trong việc sử dụng tiền,.. thì lúc này khi đã áp dụng chế độ thỏa thuận, tài sản của cả hai trở nên rạch ròi, một trong hai bên có thể sử dụng tài sản riêng để phục vụ các nhu cầu cá nhân của mình.
- Hội nhập cùng thế giới: Xác định tài sản của vợ chồng dựa trên cơ sở hôn ước được xuất phát từ quan niệm của nhà làm luật ở các nước phương Tây. Theo họ, hôn nhân thực chất là một loại hợp đồng dân sự, hôn nhân chỉ khác với các loại hợp đồng dân sự thông thường khác ở tính chất “long trọng” trong thiết lập và trong việc chấm dứt. Đã là hợp đồng thì không thể không tôn trọng sự tự thỏa thuận của các bên. Bên cạnh đó, nhà làm luật ở các nước phương tây cũng đề cao quyền tự do cá nhân, quyền tự định đoạt đối với tài sản của vợ, chồng. Với quan niệm trên, tự do lập hôn ước đã trở thành một nguyên tắc và là giải pháp đầu tiên khi quy định chế độ tài sản của vợ chồng trong pháp luật về Hôn nhân và Gia đình ở hầu hết các nước phương Tây. Ngày nay thì không chỉ gói gọn ở phạm vi các nước phương Tây mới quy định về chế độ tài sản thỏa thuận. Việc chúng ta thừa nhận điều ấy thể hiện chúng ta không đi ngược lại với sự phát triển của nhân loại. Ngoài ra, xu hướng kết hôn ở nước ngoài đang có xu hướng tăng cao nên rất cần thiết phải thừa nhận chế định này nhằm bảo vệ cho công dân nước mình và cả nước bạn.
4. Khả năng áp dụng chế độ tài sản thỏa thuận tại Việt Nam
Mặc dù pháp luật đã có quy định nhưng không nhiều người lựa chọn chế độ tài sản thỏa thuận. Nó xuất phát từ những lý do sau:
- Sự hạn chế trong quy định của pháp luật Việt Nam:
Điều 47 của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định:
“Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn”.
Tuy nhiên Luật Hộ tịch Việt Nam 2014 tại khoản 2 Điều 8 lại yêu cầu:
“Giấy chứng nhận kết hôn phải có các thông tin sau: họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú; thông tin về giấy tờ chứng mình nhân thân của hai bên nam và nữ; ngày, tháng, năm đăng ký kết hôn; chữ ký hoặc điểm chỉ của hai bên nam nữ và xác nhận của cơ quan đăng ký hộ tịch”.
Như vậy pháp luật Việt Nam nên bổ sung thông tin về tình trạng tài sản của vợ chồng trên giấy đăng ký kết hôn nếu trước đó vợ chồng đã thỏa thuận về chế độ tài sản. Có như thế vừa đảm bảo quyền lợi của người thứ ba khi tiếp cận thông tin liên quan đến quan hệ tài sản vợ chồng lại vừa đảm bảo được sự thống nhất trong quy định của pháp luật.
Ở Australia, chế độ tài sản thỏa thuận có áp dụng cả đối với hôn nhân đồng giới tuy nhiên Việt Nam hiện nay lại chưa công nhận hôn nhân đồng giới, điều này không phù hợp với sự tiến bộ của thế giới hiện nay.
Ngoài ra có thể thấy một vài điểm nên xem xét thay đổi ở pháp luật Việt Nam. Điều 47 của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định rằng các bên có quyền xác lập thỏa thuận về chế độ tài sản nhưng phải lập trước khi kết hôn. Vì đã là thỏa thuận thì sẽ buộc phải có sự đồng tình từ cả hai bên đồng thời không trái với quy định của pháp luật vậy thì tại sao ta không mở rộng thời điểm lập văn bản thỏa thuận để việc thỏa thuận được linh hoạt hơn? Pháp luật của Cộng hòa Dân chủ Đức quy định các bên không thể lập ra những thỏa thuận riêng về chế độ tài sản, nhưng trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thực hiện điều đó trong một giới hạn nhất định. Pháp luật Úc quy định các bên có thể giao kết thỏa thuận về chế độ tài sản trước hôn nhân, trong thời kỳ hôn nhân (bao gồm cả ly thân) và sau khi ly hôn (quy định chi tiết tại Điều 90B và 90C Đạo luật Gia đình Úc). Ở Hoa Kỳ còn cho phép các cặp vợ chồng lập một thỏa thuận tương tự như hôn ước trong thời kì hôn nhân. Trong khi đó ở Việt Nam việc vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận chỉ diễn ra trước khi kết hôn, khi đã kết hôn rồi thì vợ chồng không thể lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận giữa vợ chồng nữa mà chỉ có thể sửa đổi, bổ sung một phần hoặc toàn bộ nội dung của chế độ tài sản đã được thỏa thuận trước đó hoặc chuyển sang áp dụng chế độ tài sản theo luật định. Đây cũng là quy định ta nên xem xét để sửa đổi cho hoàn thiện hơn. Bên cạnh đó Điều 48 luật Hôn nhân và Gia đình hiện hành và Điều 15 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP mới chỉ cho phép các bên thỏa thuận về tài sản trong khi đó những vấn đề như con cái, nhân thân thì chưa thấy được nhắc đến. Trong khi pháp luật của nhiều nước trên thế giới thậm chí còn cho phép quy định mức phạt nếu một trang hai bên vi phạm quyền và nghĩa vụ của vợ chồng. Điều này góp phần làm giảm thiểu các hiện tượng tiêu cực giữa vợ chồng như ngoại tình, bạo lực gia đình,…
- Pháp luật chưa tiếp cận đến người dân: Trước hết đó là về công tác tuyên truyền pháp luật nước ta chưa thực sự đạt được hiệu quả cao. Do vậy cần tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới người dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; mở rộng nhiều phong trào, cuộc thi liên quan đến pháp luật nói chung và luật Hôn nhân và Gia đình nói riêng. Bên cạnh đó, người dân chúng ta cũng đang thờ ơ với pháp luật. Bản thân các quốc gia phát triển như Mỹ, Pháp, Nhật thường kết hôn rất muộn vì họ coi trọng sự nghiệp, khi bản thân đã có trong tay một khối tài sản kếch xù họ mới nghĩ đến vấn đề yên bề gia thất. Cho nên những người như thế thường có xu hướng rạch ròi trong việc quyết định tài sản mà mình làm ra, một phần cũng là vì sau khi kết hôn họ còn vẫn muốn tiếp tục phát triển sự nghiệp của bản thân. Ở Việt Nam thanh niên thường kết hôn sớm khi bản thân chưa có nhiều tài sản nên họ không thường quan tâm đến chế độ tài sản thỏa thuận.
- Ảnh hưởng của phong tục tập quán: Thời xưa ông cha ta luôn quan niệm rằng vợ chồng sống với nhau là vì chữ tình, chữ nghĩa nên không có đặt ra chuyện tài sản ai người nấy giữ. Ông cha ta cũng có câu “của chồng công vợ” bởi lẽ cho dù người vợ không làm gì liên quan đến công việc của chồng nhưng lại là hậu phương vững chắc để người chồng yên tâm ra ngoài làm việc. Hơn nữa một đôi nam nữ lấy nhau họ đến với nhau phần nhiều là vì tình cảm chứ không phải vật chất. Chính những lối sống đẹp đẽ, son sắt ấy đã hằn sâu vào tâm hồn người Việt Nam làm họ khó tiếp nhận quan điểm mới. Tuy nhiên xã hội ngày càng phát triển và có nhiều quan điểm cởi mở hơn. Người ta sẽ không quan trọng ai phải là người giữ tiền, ai kiếm tiền và ai quyết định việc chi tiêu trong gia đình. Phụ nữ cũng ngày càng khẳng định được vị trí của bản thân trong xã hội. Họ cũng làm việc, cũng lao động, cũng kiếm tiền và trở thành nguồn thu nhập chính trong gia đình. Chính vì thế, những quan niệm ai giữ tiền và tiêu tiền như thế nào cũng cần được định nghĩa lại. Thực tế, việc vợ chồng tiền ai nấy giữ không có gì đáng chê trách hay bàn tán. Đó cũng là một cách để khẳng định sự bình đẳng giữa vợ và chồng. Khi vợ chồng tiền ai nấy giữ, họ sẽ có trách nhiệm và nghĩa vụ phải tiết kiệm và chi tiêu hợp lý những gì có được từ công sức lao động của bản thân. Bên cạnh đó, việc tự giữ tiền của mình sẽ làm cho mỗi người tự ý thức được vai trò, trách nhiệm chăm sóc gia đình. Trước đây, người ta luôn quan niệm, đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm. Người đàn ông có nhiệm vụ ra ngoài kiếm tiền, còn người phụ nữ sẽ là người gìn giữ hạnh phúc gia đình và quản lý việc chi tiêu sao cho thật hiệu quả và chu toàn nhất. Cũng chính vì điều đó mà rất nhiều người chồng ỷ lại giao toàn bộ việc lo toan công việc gia đình cho vợ, không hiểu được những khó khăn và trách nhiệm nặng nề của người vợ. Vì thế tiền ai nấy giữ giúp cho vợ và chồng có trách nhiệm hơn, hiểu được rằng khi chi tiêu tài sản cũng có nhiều khó khăn không kém khi mình tạo ra nó.
5. Văn bản pháp lý quy định về chế độ tài sản thỏa thuận
Chế độ tài sản thỏa thuận của vợ chồng có thể tìm thấy trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 tại các Điều 46, 47, 48, 49, 50 và 59 và Nghị định số 126/2014/NĐ-CP quy định chi tiết về một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
Luật Minh Khuê (tổng hợp & phân tích)