1. Khái niệm về cổ đông được hiểu thế nào ?

Xin chào công ty Luật Minh Khuê, tôi có một vấn đề cần được giải đáp như sau: Cách đây 2 ngày, khi tôi đang ngồi ở quán cà phê thì có một người lân la tới làm quen. Họ trao đổi với tôi rằng muốn mời tôi hợp tác góp vốn thành lập công ty với họ, sau đó tôi sẽ trở thành cổ đông của doanh nghiệp, được chia lợi tức đều đặn hàng tháng, nhiều hơn để tiền gửi vào ngân hàng. Nhưng tôi chưa hiểu gì về cổ đông ? 

Mong Quý công ty giải đáp.

 

Trả lời:

Luật doanh nghiệp năm 2020 có quy định về khái niệm cổ đông như sau:

Điều 4. Giải thích từ ngữ

3. Cổ đông là cá nhân, tổ chức sở hữu ít nhất một cổ phần của công ty cổ phần.

Như vậy, có thể hiểu, cổ đông là người góp vốn vào công ty cổ phần, dưới hình thức mua lại số cổ phần đã phát hành hoặc quy đổi cổ phần theo Điều lệ của công ty hoặc luật doanh nghiệp. Số lượng cổ đông tối thiểu trong công ty cổ phần là 3 người, không có giới hạn về mức tối đa.

Trường hợp này của bạn, chúng tôi chia thành hai trường hợp như sau:

- Trường hợp 1: Bạn góp vốn để sáng lập công ty

Trường hợp bạn góp vốn để sáng lập công ty, bạn sẽ trở thành cổ đông sáng lập của doanh nghiệp và đương nhiên được sở hữu những cổ phần ưu đãi mà cổ đông sáng lập nhận được.

- Trường hợp 2: Công ty đã thành lập và chào bán cổ phần. Bây giờ bạn mới mua cổ phần để tham gia vào hoạt động của công ty.

Trường hợp công ty đã thành lập, và chào bán cổ phần phổ thông. Khi bạn mua số cổ phần này, bạn sẽ trở thành cổ đông phổ thông của doanh nghiệp. Cổ đông phổ thông được tham dự và biểu quyết tất cả các vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông; được nhận cổ tức; được chuyển nhượng cổ phần cho người khác; được nhận một phần tài sản tương ứng với số cổ phần góp vào công ty khi công ty giải thể, sau khi công ty đã thanh toán cho chủ nợ và cổ đông loại khác.

Cổ đông có nghĩa vụ thanh toán đủ số cổ phần đã cam kết mua và khi đó, cổ đông chỉ chịu những rủi ro công ty gặp phải trong kinh doanh đến hết giá trị cổ phần mà họ sở hữu. Tuy vậy, mức độ thực hiện các quyền và nghĩa vụ nói trên của các cổ đông hoàn toàn phụ thuộc vào loại cổ phần và số lượng cổ phần mà cổ đông sở hữu. Căn cứ vào loại cổ phần do cổ đông sở hữu mà Luật doanh nghiệp phân biệt thành cổ đông phổ thông, cổ đông ưu đãi cổ tức, cổ đông ưu đãi hoàn lại, cổ đông ưu đãi biểu quyết.

 

2. Phân loại cổ đông như thế nào ?

Xin chào Luật sư, Tôi là An, hiện đang cư trú tại Vĩnh Phúc. Thời gian gần đây, tôi có nhận được lời chào mời mua cổ phần của công ty cổ phần trên địa bàn Hà Nội, được hứa hẹn về việc phân chia lợi nhuận cao và có thể hoàn trả lại cổ phần cho doanh nghiệp tùy thích. Tin tưởng vào việc này, tôi đã ký hợp đồng mua cổ phần. Nhưng thời gian dịch bệnh gần đây, công ty làm ăn thua lỗ, tôi không được phân chia chút lợi nhuận nào. Khi tôi đề nghị được hoàn trả lại số cổ phần, công ty không đồng ý, vì trả lời tôi là cổ phần của tôi là cổ phần phổ thông, không phải là cổ phần ưu đãi hoàn lại, cổ đông phổ thông như tôi không được quyền lợi gì.

Vậy có bao nhiêu loại cổ phần? Và tôi phải làm gì?

 

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến bộ phận Hỗ trợ khách hàng của công ty chúng tôi. Về vấn đề của bạn, chúng tôi xin trả lời như sau:

Có rất nhiều cách phân loại cổ đông, tùy thuộc vào từng tiêu chí, mức độ, loại cổ phần mà cổ đông sở hữu để phân loại.

- Dựa vào thời điểm tham gia thành lập doanh nghiệp: cổ đông có thể chia ra thành cổ đông sáng lập và cổ đông khác;

- Dựa vào loại cổ phần mà cổ đông sở hữu: cổ đông có thể chia thành cổ đông phổ thông, cổ đông ưu đãi.

Trường hợp của bạn, nếu bạn muốn được hoàn lại cổ phần, bạn phải mua cổ phần ưu đãi hoàn lại do doanh nghiệp phát hành.

 

3. Trách nhiệm của cổ đông đến đâu ?

Cổ đông phổ thông được tham dự và biểu quyết tất cả các vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông; được nhận cổ tức; được chuyển nhượng cổ phần cho người khác; được nhận một phần tài sản tương ứng với số cổ phần góp vào công ty khi công ty giải thể, sau khi công ty đã thanh toán cho chủ nợ và cổ đông loại khác. Khác với cổ đông phổ thông, cổ đông ưu đãi biểu quyết có số phiếu biểu quyết nhiều hơn so với cổ đông phổ thông nhưng không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác. Cổ đông ưu đãi cổ tức được trả cổ tức với mức cao hơn so với mức cổ tức của cổ đông phổ thông hoặc mức ổn định hàng năm nhưng cổ đông ưu đãi cổ tức không được tham dự và biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông; không có quyền đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát. Cổ đông ưu đãi hoàn lại có thể yêu cầu công ty hoàn lại vốn góp bất kì lúc nào hoặc theo các điều kiện hoàn vốn được ghi tại cổ phiếu của cổ phần ưu đãi hoàn lại. Cũng giống cổ đông ưu đãi cổ tức, cổ đông ưu đãi hoàn lại không được tham dự và biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông; không có quyền đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.

Người mua cổ phần để góp vốn vào công ty cổ phần được gọi là cổ đông (chỉ cần mua ít nhất một cổ phần), cổ đông có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Số lượng cổ đông trong công ty cổ phần tối thiểu là 03, không hạn chế số lượng tối đa. Khái niệm cổ đông luôn gắn liền với khái niệm cổ phần, cổ đông là chủ thể của quyền tài sản. Thông thường, các cổ phần đều bình đẳng, nhưng pháp luật cũng cho phép Điều lệ công ty quy định các cổ phần ưu đãi. Ví dụ: tại Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020 (Luật doanh nghiệp năm 2020) của Việt Nam quy định:

“Cổ đông là cá nhân, tổ chức sở hữu ít nhất một cổ phần của công ty cổ phần."

Nếu dựa vào việc ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập, pháp luật chia các cổ đông thành: cổ đông sáng lập và cổ đông khác. Nếu dựa vào việc nắm giữ các loại cổ phần khác nhau, pháp luật phân loại cổ đông thành: cổ đông phổ thông và cổ đông ưu đãi, cổ đông ưu đãi gồm: cổ đông ưu đãi biểu quyết, cổ đông ưu đãi cổ tức, cổ đông ưu đãi hoàn lại, cổ đông ưu đãi khác do điều lệ công ty quy định (ví dụ cổ phần ưu đãi tích luỹ, cổ phần ưu đãi dồn lãi, cổ phần ưu đãi thanh lý). Mỗi loại cổ đông này nắm giữ một loại cổ phần tương ứng. Các cổ đông ưu đãi có một số đặc quyền khác nhau nhưng về cơ bản vẫn có chung các quyền và nghĩa vụ trên nền tảng các quyền và nghĩa vụ của cổ đông phổ thông đã được pháp luật, Điều lệ công ty quy định.

Điều 115. Quyền của cổ đông phổ thông

1. Cổ đông phổ thông có quyền sau đây:

a) Tham dự, phát biểu trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua người đại diện theo ủy quyền hoặc hình thức khác do Điều lệ công ty, pháp luật quy định. Mỗi cổ phần phổ thông có một phiếu biểu quyết;

b) Nhận cổ tức với mức theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông;

c) Ưu tiên mua cổ phần mới tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần phổ thông của từng cổ đông trong công ty;

d) Tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120, khoản 1 Điều 127 của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

đ) Xem xét, tra cứu và trích lục thông tin về tên và địa chỉ liên lạc trong danh sách cổ đông có quyền biểu quyết; yêu cầu sửa đổi thông tin không chính xác của mình;

e) Xem xét, tra cứu, trích lục hoặc sao chụp Điều lệ công ty, biên bản họp Đại hội đồng cổ đông và nghị quyết Đại hội đồng cổ đông;

g) Khi công ty giải thể hoặc phá sản, được nhận một phần tài sản còn lại tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần tại công ty.

2. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty có quyền sau đây:

a) Xem xét, tra cứu, trích lục sổ biên bản và nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm và hằng năm, báo cáo của Ban kiểm soát, hợp đồng, giao dịch phải thông qua Hội đồng quản trị và tài liệu khác, trừ tài liệu liên quan đến bí mật thương mại, bí mật kinh doanh của công ty;

b) Yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này;

c) Yêu cầu Ban kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết. Yêu cầu phải bằng văn bản và phải bao gồm các nội dung sau đây: họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với cổ đông là tổ chức; số lượng cổ phần và thời điểm đăng ký cổ phần của từng cổ đông, tổng số cổ phần của cả nhóm cổ đông và tỷ lệ sở hữu trong tổng số cổ phần của công ty; vấn đề cần kiểm tra, mục đích kiểm tra;

d) Quyền khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.

3. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều này có quyền yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp sau đây:

a) Hội đồng quản trị vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao;

b) Trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ công ty.

4. Yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông quy định tại khoản 3 Điều này phải bằng văn bản và phải bao gồm các nội dung sau đây: họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với cổ đông là tổ chức; số lượng cổ phần và thời điểm đăng ký cổ phần của từng cổ đông, tổng số cổ phần của cả nhóm cổ đông và tỷ lệ sở hữu trong tổng số cổ phần của công ty, căn cứ và lý do yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông. Kèm theo yêu cầu triệu tập họp phải có các tài liệu, chứng cứ về các vi phạm của Hội đồng quản trị, mức độ vi phạm hoặc về quyết định vượt quá thẩm quyền.

5. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty có quyền đề cử người vào Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát. Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác thì việc đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát thực hiện như sau:

a) Các cổ đông phổ thông hợp thành nhóm để đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát phải thông báo về việc họp nhóm cho các cổ đông dự họp biết trước khi khai mạc Đại hội đồng cổ đông;

b) Căn cứ số lượng thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát, cổ đông hoặc nhóm cổ đông quy định tại khoản này được quyền đề cử một hoặc một số người theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông làm ứng cử viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát. Trường hợp số ứng cử viên được cổ đông hoặc nhóm cổ đông đề cử thấp hơn số ứng cử viên mà họ được quyền đề cử theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông thì số ứng cử viên còn lại do Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và các cổ đông khác đề cử.

6. Quyền khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.

 

4. Cổ phần có bao nhiêu loại ?

Có rất nhiều loại cổ phần, tùy theo tính chất của mỗi loại mà cổ phần được phân chia như sau:

- Dựa vào thời điểm chào bán: Có cổ phần đã bán và cổ phần chưa bán.

Cổ phần đã bán là cổ phần được quyền chào bán đã được các cổ đông thanh toán đủ cho công ty. Khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, cổ phần đã bán là tổng số cổ phần các loại đã được đăng ký mua.

Cổ phần chưa bán là cổ phần được quyền chào bán và chưa được thanh toán cho công ty. Khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, cổ phần chưa bán là tổng số cổ phần các loại chưa được đăng ký mua.

- Dựa vào ưu đãi của cổ phần có thể phân chia thành cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi.

Điều 114 Luật doanh nghiệp 2020 quy định về các loại cổ phần như sau:

Điều 114. Các loại cổ phần

1. Công ty cổ phần phải có cổ phần phổ thông. Người sở hữu cổ phần phổ thông là cổ đông phổ thông.

2. Ngoài cổ phần phổ thông, công ty cổ phần có thể có cổ phần ưu đãi. Người sở hữu cổ phần ưu đãi gọi là cổ đông ưu đãi. Cổ phần ưu đãi gồm các loại sau đây:

a) Cổ phần ưu đãi cổ tức;

b) Cổ phần ưu đãi hoàn lại;

c) Cổ phần ưu đãi biểu quyết;

d) Cổ phần ưu đãi khác theo quy định tại Điều lệ công ty và pháp luật về chứng khoán.

3. Người được quyền mua cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi hoàn lại và cổ phần ưu đãi khác do Điều lệ công ty quy định hoặc do Đại hội đồng cổ đông quyết định.

4. Mỗi cổ phần của cùng một loại đều tạo cho người sở hữu cổ phần đó các quyền, nghĩa vụ và lợi ích ngang nhau.

5. Cổ phần phổ thông không thể chuyển đổi thành cổ phần ưu đãi. Cổ phần ưu đãi có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ thông theo nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.

6. Cổ phần phổ thông được dùng làm tài sản cơ sở để phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết được gọi là cổ phần phổ thông cơ sở. Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết có lợi ích kinh tế và nghĩa vụ tương ứng với cổ phần phổ thông cơ sở, trừ quyền biểu quyết.

 

5. Công ty cổ phần có bắt buộc phải lập sổ đăng ký cổ đông ?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, công ty cổ phần phải lập và lưu giữ sổ đăng ký cổ đông từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sổ đăng ký cổ đông có thể là văn bản giấy, tập dữ liệu điện tử ghi nhận thông tin về sở hữu cổ phần của các cổ đông công ty.

Các nội dung chủ yếu của sổ đăng ký cổ đông bao gồm:

- Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty;

- Tổng số cổ phần được quyền chào bán, loại cổ phần được quyền chào bán và số cổ phần được quyền chào bán của từng loại;

- Tổng số cổ phần đã bán của từng loại và giá trị vốn cổ phần đã góp;

- Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với cổ đông là tổ chức;

- Số lượng cổ phần từng loại của mỗi cổ đông, ngày đăng ký cổ phần.

Mọi vướng mắc pháp lý về cổ đông hoặc trong lĩnh vực doanh nghiệp, Hãy gọi ngay: 1900.6162 để được Luật sư của công ty luật Minh Khuê tư vấn pháp luật doanh nghiệp trực tuyến. Trân trọng cảm ơn!