1. Vì sao cần bảo về nhân quyền?

Nhân quyền là quyền lợi quan trọng không thể xâm phạm, tuy nhiên trong hiện thực, có nhiều vi phạm nhân quyền khác nhau xảy ra hàng ngày. Trong trường hợp xảy ra sự vi phạm nhân quyền, người bị hại phải được cứu trợ. Câu châm ngôn pháp lý “ở đâu có quyền ở đó có cứu trợ” đã thể hiện rằng nếu quyền không đi kèm với sự bảo trợ khi bị vi phạm thì quyền đó cũng là vô nghĩa.

Vậy khi bị vi phạm quyền con người thì cần thiết phải có sự bảo trợ như thế nào? Người bị vi phạm nhân quyền là người bị người khác làm tổn thương về phẩm giá con người, bị làm cản trở sinh tồn của nhân cách, cho nên trước hết cần loại bỏ tổn hại rồi sau đó khôi phục quyền lợi, lợi ích và phẩm giá cho người bị hại. Vì thế bảo trợ nhân quyền trước hết là phải loại bỏ hành vi xâm phạm nhân quyền, bồi thường tổn hại, bù đắp lợi ích đã mất, khôi phục tính quan hệ giữa hai bên bằng việc xin lỗi của người gây hại đối với người bị hại. Hơn nữa, chế tài đối với người gây hại cũng là một loại chính sách bảo trợ. Ngoài ra, theo nghĩa rộng, những nỗ lực nhằm phòng chống vi phạm nhân quyền trong tương lai như giáo dục nhân quyền, tuyên truyền phổ biến nhân quyền cũng thuộc phạm trù bảo trợ nhân quyền.

2. Một chế độ bảo trợ quyền con người mới

Trên thế giới, từ những năm 70 của thế kỷ XX đã có xu hướng nỗ lực tìm ra một chế độ bảo trợ quyền con người dưới một hình thức mới ngoài tư pháp và hành chính. Trong xu hướng này các thiết chế mới đang được thành lập để tăng cường thực hiện quyền con người và giải quyết các vướng mắc, đó là:

- Các ủy ban quốc gia độc lập về quyền con người được thực hiện một cách hiệu quả. Nhiều ủy ban có vai trò rất quan trọng, chẳng hạn như ở New Zealand và Nam Phi.

- Các thành viên giám sát đầu tiên là ở Thụy Điển giúp con người không bị các viên chức chính phủ xâm phạm quyền.

- Có một nửa số Quốc hội trên thế giới có bộ phận hoạt động về quyền con người, đem lại sự hỗ trợ và các tiêu chí đảm bảo quyền con người (Human Development Report 2000).

3. Cơ quan nhân quyền quốc gia

Cơ quan nhân quyền quốc gia là cơ quan quốc gia chuyên xử lý các vấn đề bảo trợ nhân quyền, độc lập với cơ quan hành chính đã có, ở nhiều nước cơ quan này tồn tại dưới hình thức ủy ban nhân quyền, và ủy ban nhân quyền nói ở đây là các cơ quan mang đặc trưng của từng nước, hoàn toàn khác biệt vối ủy ban nhân quyền theo quy ước và ủy ban nhân quyền quốc tế của Liên hợp quốc (đã được cải tổ thành Hội đồng nhân quyền vào năm 2006). Việc lập ra cơ quan nhân quyền trong nước - tiêu biểu là ủy ban nhân quyền - được Liên hợp quốc khuyến khích, và trong vòng 30 năm qua đã ra đời ở rất nhiều nước.

Rất nhiều người nhầm lẫn khi đồng nhất “cơ quan nhân quyền quốc gia” (National Human Rights Institutions - NHRIs) với các tổ chức phi chính phủ (NGO), thậm chí với các tổ chức đối lập với nhà nước. Thực chất, các NHRIs là một thiết chế có tính chất của cơ quan nhà nước (quasi-governmental agency), có chức năng tư vấn, hỗ trợ các nhà nước trong việc bảo vệ, thúc đẩy nhân quyền. Nó có một vị thế rất đặc biệt, không giống với các NGO, đồng thời cũng không giống các cơ quan nhà nước thông thường. Cụ thể, các NHRIs:

- Không phải là một NGO (vì không hoàn toàn độc lập với chính phủ);

- Không phải là một cơ quan lập pháp (vì không có chức năng đại diện, không có quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật…);

- Không phải là một cơ quan tư pháp (vì không có chức năng tài phán);

- Cũng không hẳn là một cơ quan hành chính (trong một số trường hợp, NHRI được đặt trong/dưới một cơ quan hành pháp, nhưng nó được hưởng mức độ độc lập nhất định về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và hoạt động).

4. Lý do cần thành lập cơ quan nhân quyền quốc gia

Người ta cũng thường nêu ra hai lý do cần thành lập cơ quan nhân quyền quốc gia. Thứ nhất, thành lập nhằm mục tiêu hỗ trợ cho hoạt động bảo trợ nhân quyền có hiệu quả, đơn giản và nhanh chóng, bổ khuyết những hạn chế và khiếm khuyết của bảo trợ nhân quyền qua đường tư pháp. Cơ quan này không phải là toà án cho nên không bị bó buộc về mặt thủ tục, có thể tiến hành những hoạt động bảo trợ nhân quyền đa dạng và linh hoạt. Hơn nữa, với hoạt động bảo trợ của cơ quan này, về mặt nguyên tắc là không tốn kém về kinh tế, quá trình diễn ra không công khai, nên hạn chế mức thấp nhất những gánh nặng về mặt tâm lý. Thứ hai, do không nằm trong khuôn khổ một cơ quan hành chính nên hình thức ủy ban (hoặc hội đồng) của cơ quan nhân quyền quốc gia có thể bảo trợ tổng hợp nhờ vào sự tập hợp và phát huy năng lực của các chuyên gia giàu kiến thức và kinh nghiệm về vấn đề nhân quyền. Cơ quan hành chính cho đến nay ở nước nào cũng vậy, ít nhiều được chia theo hàng dọc về các loại vụ việc nên không thể xử lý vấn đề nhân quyền một cách tổng hợp liên kết, đan xen. Các cơ quan hành chính không thích hợp với việc đáp ứng năng động với nhiều loại vấn đề nhân quyền như là một hợp thể dạng công ty chuyên doanh tổng hợp. Vì vậy yêu cầu đặt ra với một cơ quan nhân quyền quốc gia là phải mang tính chất của một công ty tổng hợp, tiếp nhận bảo trợ nhiều loại hình vi phạm nhân quyền.

5. Một số mô hình về cơ quan nhân quyền quốc gia

Các Ủy ban nhân quyền quốc gia thông thường thuộc nhánh hành pháp, do Chính phủ thành lập nhưng có tính độc lập tương đối với các cơ quan hành pháp khác và có thể có nhiệm vụ báo cáo thường kỳ với cơ quan lập pháp. Ủy viên của các ủy ban nhân quyền quốc gia có thể có chuyên môn khác nhau, tuy nhiên đều phải có uy tín, kinh nghiệm, được bầu ra trên cơ sở tính đến tính đại diện cho vùng, miền, nhóm người, đảng phái… của quốc gia.

Các Cơ quan Thanh tra Quốc hội thông thường thuộc nhánh lập pháp, được Nghị viện thành lập nhưng có tính độc lập tương đối với Nghị viện. Về bản chất, Thanh tra Quốc hội không phải là cơ quan giám sát nhánh hành pháp, mà chỉ đóng vai trò là cơ quan trung gian giữa các cá nhân và các chính phủ (giống các ủy ban nhân quyền) trong các vấn đề nhân quyền. Chức năng chính của Cơ quan Thanh tra Quốc hội là bảo vệ sự công bằng và tính pháp lý trong hoạt động hành chính công (bao gồm nhưng rộng hơn việc bảo vệ quyền con người). Cơ quan Thanh tra Quốc hội có thể là một cá nhân hoặc một nhóm cá nhân (văn phòng/cơ quan thanh tra Quốc hội). Mặc dù các Cơ quan Thanh tra Quốc hội trên thế giới không hoàn toàn giống nhau về cách thức tổ chức nhưng khá đồng nhất về chức năng, nhiệm vụ và thủ tục hoạt động.

Ngoài hai dạng phổ biến kể trên, ở một số nước còn thành lập các cơ quan chuyên trách về một vấn đề nhân quyền cụ thể hoặc quyền của một số nhóm xã hội nhất định, cụ thể như các ủy ban quốc gia về người thiểu số, người bản địa, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người lao động di trú…

6. Nguyên tắc chung về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhân quyền quốc gia

Mặc dù tồn tại dưới nhiều hình thức, song các NHRIs đều tuân thủ những nguyên tắc chung về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhân quyền quốc gia (các Nguyên tắc Pa-ri). Các Nguyên tắc Pa-ri là một văn kiện quốc tế có tính khuyến nghị (không có hiệu lực ràng buộc về pháp lý), được Đại hội đồng LHQ thông qua theo Nghị quyết 48/134 ngày 20/12/1993 tại thủ đô nước Pháp, trong đó xác định một tập hợp những nguyên tắc nền tảng cho việc thành lập, tổ chức và hoạt động của các NHRIs trên thế giới2. Văn kiện này đề cập đến các vấn đề: thẩm quyền và trách nhiệm của NHRIs; cơ cấu tổ chức và những bảo đảm về tính độc lập và đa nguyên của NHRIs; những cách thức hoạt động của NHRIs; các nguyên tắc bổ sung liên quan đến vị thế của NHRIs có thẩm quyền xử lý những khiếu nại vi phạm nhân quyền.

Về thẩm quyền, theo các Nguyên tắc Pa-ri, các NHRIs phải được pháp luật quốc gia giao quyền và nhiệm vụ thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền càng rộng càng tốt. Về chức năng, các NHRIs đóng vai trò: tư vấn (theo yêu cầu) cho Chính phủ, Nghị viện và các cơ quan nhà nước khác về các vấn đề lập pháp, hành pháp, tư pháp và thực tiễn liên quan đến bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền; soạn thảo và cung cấp cho các cơ quan kể trên báo cáo về tình hình nhân quyền quốc gia (khái quát và trên những vấn đề cụ thể); thúc đẩy việc bảo đảm sự hài hòa của pháp luật và thực tiễn quốc gia với các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền; vận động nhà nước tham gia các điều ước quốc tế về nhân quyền; hỗ trợ xây dựng các báo cáo quốc gia về nhân quyền trình các cơ quan LHQ; hợp tác với các cơ quan nhân quyền của LHQ và các cơ quan, tổ chức quốc gia hoạt động trên lĩnh vực nhân quyền; hỗ trợ xây dựng các chương trình nghiên cứu, giảng dạy nhân quyền ở quốc gia; phổ biến kiến thức, thông tin về nhân quyền.

Về thành phần, các NHRIs thường bao gồm đại diện của nhiều tầng lớp, nhóm lợi ích trong xã hội, ví dụ như các NGOs hoạt động trên lĩnh vực nhân quyền và chống phân biệt đối xử, bao gồm các tổ chức công đoàn; các tổ chức nghề nghiệp (luật sư, nhà báo, bác sĩ..); các cơ sở học thuật (trường đại học, viện nghiên cứu…); các chuyên gia có uy tín; thành viên của các Nghị viện; chuyên viên của các cơ quan chính phủ...

Tính độc lập (tương đối) là yếu tố không thể thiếu của các NHRIs. Theo các Nguyên tắc Pa-ri, các NHRIs cần phải có tính độc lập với các cơ quan nhà nước khác; mức độ độc lập càng cao càng tốt. Có nhiều yếu tố bảo đảm cho tính độc lập của NHRIs, trong đó bao gồm: được cung cấp trụ sở, trang thiết bị làm việc; được nhận tài trợ để thực hiện những hoạt động thích hợp; việc thành lập, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ được quy định trong luật.

Các NHRIs thường hoạt động theo những phương thức sau: xem xét giải quyết mọi vấn đề thuộc thẩm quyền, bất kể do chủ thể nào đề xuất; tiếp xúc với bất kỳ ai, thu thập bất kỳ thông tin, tài liệu nào cần thiết để giải quyết các tình huống thuộc thẩm quyền; trực tiếp hồi đáp ý kiến công chúng hoặc thông qua bất kỳ cơ quan thông tin đại chúng nào; họp định kỳ hoặc bất kỳ các thành viên đương nhiệm khi cần thiết; thành lập các nhóm công tác khi cần thiết; duy trì quan hệ tham vấn với các cơ quan khác có chức năng thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền; phát triển quan hệ với các NGOs hoạt động trên lĩnh vực nhân quyền.

LUẬT MINH KHUÊ (Sưu tầm & Biên tập)