Mục lục bài viết
1. Hội đồng Kinh tế và Xã hội (ECOSOC)
Hội đồng Kinh tế và Xã hội (ECOSOC): ECOSOC bao gồm 54 nước thành viên, do ĐHĐ bầu ra (Điều 61 Hiến chương). Các chức năng cơ bản của ECOSOC (Điều 62 Hiến chương) bao gồm: (a)…tiến hành những nghiên cứu và báo cáo về những vấn đề quốc tế trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hoá và kiến nghị về các vấn đề này cho ĐHĐ, các nước thành viên Liên hợp quốc và các cơ quan chuyên môn hữu quan; (b)…đưa ra những khuyến nghị nhằm thúc đẩy sự tôn trọng các quyền và tự do cơ bản của con người; (c)… chuẩn bị dự thảo các điều ước quốc tế về những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình để trình lên ĐHĐ”; (d)… triệu tập các hội nghị quốc tế về những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình, theo các thủ tục do Liên hợp quốc quy định”. ECOSOC có vai trò quan trọng bậc nhất trong cơ chế của Liên hợp quốc về quyền con người. Trong việc xây dựng bộ máy, cơ quan này đã thiết lập ra Uỷ ban quyền con người (UNCHR), Uỷ ban về vị thế của phụ nữ và Uỷ ban ngăn ngừa tội ác và tư pháp hình sự. Đây là những cơ quan chuyên môn có vai trò như những "động cơ" trong bộ máy quyền con người Liên hợp quốc. Những cơ quan này có chức năng rất rộng, từ việc nghiên cứu các vấn đề; đề xuất xây dựng bộ máy, các chương trình, hoạt động; soạn thảo các văn kiện cho đến giám sát thực hiện các văn kiện quốc tế về quyền con người. ECOSOC còn có một chức năng quan trọng được quy định trong Điều 60 Hiến chương, đó là điều hành cơ chế hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kinh tế và xã hội, mà một trong những mục tiêu của cơ chế này là thúc đẩy sự tôn trọng và tuân thủ trên phạm vi toàn cầu các quyền và tự do cơ bản của mọi người, không phân biệt chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hoặc tôn giáo (điểm c Điều 55 Hiến chương). Cơ chế này bao gồm rất nhiều cơ quan, tổ chức liên chính phủ thuộc hệ thống Liên hợp quốc như Văn phòng Cao uỷ Liên hợp quốc về người tỵ nạn (UNHCR), Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO), Tổ chức Văn hoá, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO)… Trong việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người, ECOSOC là cơ quan chính tổ chức hoạt động nghiên cứu, soạn thảo các văn kiện quốc tế về quyền con người (thông qua các cơ quan giúp việc) để trình lên Đại hội đồng Liên hợp quốc. Ngoài ra, cơ quan này cũng có quyền thông qua các nghị quyết về quyền con người mà có liên quan đến chức năng, thẩm quyền của mình. Trong hoạt động giám sát, ECOSOC đã thiết lập và điều hành việc thực hiện những thủ tục giám sát quan trọng về quyền con người theo các Nghị quyết 728 F (XXVIII), 227 (X), 474 A (XV), 607 (XXI), 1235 (XLII) và 1503 (XLCIII) (hiện các thủ tục này đã được thay đổi hoặc chuyển sang trực thuộc chức năng của UNHRC ). Ngoài ra, ECOSOC cũng là cơ quan thiết lập Uỷ ban về các quyền kinh tế, xã hội, văn hoá - một trong các ủy ban công ước - có trách nhiệm giám sát thực hiện ICESCR.
2. Hội đồng Quản thác
Hội đồng Quản thác (Trusteeship Council): Hội đồng Quản thác (HĐQT) là một trong các cơ quan chính của Liên hợp quốc, được thành lập để trợ giúp ĐHĐ trong việc thực hiện các chức năng của Liên hợp quốc liên quan đến hệ thống quản thác quốc tế, trừ những khu vực được xác định là có tính chiến lược thuộc trách nhiệm của HĐBA. Theo Điều 86 Hiến chương, cơ quan này bao gồm tất cả các nước thành viên quản lý các lãnh thổ quản thác và các thành viên được ghi rõ tên trong Điều 23, nhưng không quản lý các lãnh thổ quản thác167. Chức năng của HĐQT là thực hiện các mục tiêu cơ bản của chế độ quản thác được quy định trong Điều 76 Hiến chương mà có một trong những quy định trực tiếp liên quan đến quyền con người (điểm c Điều 76 đã nói ở trên). Ngoài ra, trên thực tế, các mục tiêu khác (bao gồm tạo điều kiện phát triển về mọi mặt cho nhân dân các lãnh thổ quản thác để họ tiến tới khả năng tự quản và độc lập; bảo đảm cho nhân dân ở các lãnh thổ này có quyền bình đẳng về mọi mặt với công dân các nước quản thác) cũng liên quan mật thiết đến quyền con người. HĐQT có trách nhiệm xem xét báo cáo của các nước quản lý các lãnh thổ quản thác trình lên và báo cáo với HĐBA. Nó cũng xem xét các đơn đề nghị và khiếu nại của các cá nhân và nhóm xã hội tại các lãnh thổ này gửi tới liên quan đến tình hình của các lãnh thổ quản thác; đồng thời, đưa ra những ý kiến tư vấn với các nước quản lý các lãnh thổ này. Nó cũng có thể thực hiện các chuyến khảo sát tới các lãnh thổ quản thác để thu thập tình hình và thực hiện những hành động khác phù hợp với các hiệp định về quản thác. HĐQT bao gồm các nước Trung Quốc, Pháp, Liên bang Nga (trước đây là Liên Xô), Anh và Hoa Kỳ. Khi mới thành lập, cơ quan này giám sát 11 lãnh thổ quản thác ở nhiều khu vực trên thế giới, tuy nhiên, hiện tại các lãnh thổ này đều đã được trao trả độc lập nên trên thực tế HĐQT đã chấm dứt hoạt động.
3. Toà án Công lý Quốc tế
Toà án Công lý Quốc tế (International Court of Justice – ICJ): Theo Điều 1 Quy chế của Tòa án (là một phần của Hiến chương Liên hợp quốc), ICJ là cơ quan xét xử chính của Liên hợp quốc1. Điều 2 Quy chế Tòa án quy định: “ICJ có cơ cấu là một hội đồng các thẩm phán độc lập, không căn cứ vào quốc tịch, tuyển chọn trong số những người có phẩm chất đạo đức tốt, đáp ứng được các yêu cầu đề ra ở nước họ, được chỉ định giữ chức vụ xét xử cao nhất hoặc là những luật gia có uy tín trong lĩnh vực luật quốc tế”. Theo Điều 36 Quy chế, ICJ có thẩm quyền xét xử các tranh chấp pháp lý mà các bên nêu ra liên quan đến Hiến chương Liên hợp quốc và các điều ước quốc tế do Liên hợp quốc ban hành. Như vậy, về nguyên tắc, ICJ cũng có chức năng xem xét, xử lý các tranh chấp về quyền con người. Tuy nhiên, khác với các cơ chế khác, chủ thể đưa các tranh chấp về quyền con người ra ICJ giải quyết phải là các quốc gia thành viên Liên hợp quốc (chứ không thể là các cá nhân, nhóm cá nhân, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ...). Thêm vào đó, việc xử lý tranh chấp bởi ICJ được dựa trên cơ sở tranh tụng giữa các bên có liên quan trước phiên toà, trong khi việc xử lý các tình huống về quyền con người bởi ĐHĐ và HĐBA dựa trên cơ sở thảo luận và biểu quyết trong tập thể các thành viên của hai cơ quan này. Thông thường, các vụ việc chỉ đưa ra ICJ giải quyết nếu được cả hai bên tranh chấp đồng ý. Ngoài ra, ICJ có thẩm quyền thụ lý các vụ việc trong hai tình huống đó là: (i) Khi hai bên tranh chấp đã chấp nhận thẩm quyền của tòa án được giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc thực hiện một điều ước quốc tế mà cả hai bên là thành viên; (ii) Khi cả hai bên tranh chấp đã tuyên bố chấp thuận “điều khoản lựa chọn ở Điều 36 Quy chế của Tòa án mà trao quyền cho Tòa án giải quyết các tranh chấp trong việc áp dụng luật pháp quốc tế. Hiện tại có khoảng một nửa số điều ước quốc tế về quyền con người quy định việc một nước thành viên có thể đệ trình lên ICJ yêu cầu giải quyết các tranh chấp của nước mình với các quốc gia thành viên khác, liên quan đến việc giải thích, áp dụng hoặc tuân thủ các điều ước đó. Trên thực tế, đã có một số vụ tranh chấp và các vấn đề phức tạp về quyền con người được đưa ra trước ICJ, cụ thể như vấn đề quyền có nơi cư trú, quyền của những người ngoại kiều, quyền của trẻ em, vấn đề duy trì chế độ quản thác với Tây Nam Phi (tên goi của Namibia trước đây), vấn đề bắt giữ các nhà ngoại giao và nhân viên lãnh sự quán Mỹ ở Iran, vấn đề tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật nhân đạo quốc tế… Ngoài chức năng xét xử, Điều 96 của Hiến chương còn quy định ICJ có chức năng tư vấn; theo đó, ĐHĐ và HĐBA có thể yêu cầu ICJ đưa ra những kết luận tư vấn về bất kỳ vấn đề pháp lý nào. Các cơ quan khác của Liên hợp quốc, nếu được Đại hội đồng cho phép, cũng có thể hỏi ý kiến ICJ về những vấn đề pháp lý đặt ra trong phạm vi hoạt động của mình. Từ trước đến nay, đã có một số lần ĐHĐ và HĐBA yêu cầu và nhận được ý kiến tư vấn của ICJ về các vấn đề quyền con người, trong đó có vấn đề tính pháp lý của các bảo lưu với Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng; vị thế của các báo cáo viên đặc biệt do Tiểu ban thúc đẩy và bảo vệ quyền con người chỉ định…
4. Ban Thư ký Liên hợp quốc
Ban Thư ký Liên hợp quốc (the United Nation Secretariat): Ban Thư ký là cơ quan hành chính của Liên hợp quốc. Người đứng đầu của cơ quan này là Tổng Thư ký Liên hợp quốc. Với vị thế là cơ quan hành chính cao nhất của Liên hợp quốc, Ban Thư ký có chức năng cung cấp dịch vụ hành chính cho tất cả các cơ quan Liên hợp quốc, trong đó có các cơ quan quyền con người. Trong số các cơ quan trong Ban Thư ký, có các bộ phận trực tiếp hoạt động trên lĩnh vực quyền con người mà quan trọng nhất là Văn phòng Cao uỷ Liên hợp quốc về quyền con người và Bộ phận vì sự tiến bộ của phụ nữ của Cục Phát triển xã hội và các vấn đề nhân đạo. Các cơ quan này cung cấp những dịch vụ văn phòng và điều phối các chương trình hoạt động về quyền con người trong cả hệ thống Liên hợp quốc. Tổng Thư ký, với tư cách là viên chức hành chính cao nhất của Liên hợp quốc, có thẩm quyền chỉ đạo mọi công việc và hoạt động của Ban Thư ký. Tổng thư ký có thể đưa ra những định hướng cho các hoạt động quyền con người của Liên hợp quốc, tham gia và điều hành các cuộc hội nghị, hội thảo hoặc các cuộc họp của các cơ quan Liên hợp quốc về quyền con người, chỉ định các đại diện đặc biệt của mình để xem xét, nghiên cứu tình hình quyền con người ở một quốc gia, khu vực… Sau Hội nghị thế giới lần thứ hai về quyền con người tổ chức tại Viên (Áo) vào tháng 6 năm 1993 trong đó đưa ra các cam kết của cộng đồng quốc tế về việc tăng cường bảo vệ quyền con người trên phạm vi toàn cầu, ĐHĐ đã thông qua Nghị quyết A/RES/48/141 ngày 20-12-1993 thành lập chức vụ Cao uỷ Liên hợp quốc về quyền con người (High Commissioner for Human Rights). Cao ủy Liên hợp quốc về quyền con người có hàm Phó Tổng thư ký, do Tổng thư ký chỉ định và được Đại hội đồng chấp thuận, làm việc với nhiệm kỳ bốn năm, có thể ra hạn thêm một nhiệm kỳ tiếp theo.
5. Nhiệm vụ của Cao uỷ Liên hợp quốc về quyền con người
Theo Điều 4 của Nghị quyết nêu trên, Cao ủy Liên hợp quốc về quyền con người có những nhiệm vụ: (i) Thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người cho tất cả mọi người; (ii) Đưa ra những kiến nghị cho các cơ quan có thẩm quyền của Liên hợp quốc trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người; (iii) Thúc đẩy và bảo vệ quyền được phát triển; (iv) Cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các hoạt động về quyền con người trong hệ thống Liên hợp quốc; (v) Điều phối các chương trình giáo dục và thông tin về quyền con người của Liên hợp quốc; (vi) Đóng vai trò tích cực nhằm loại bỏ những trở ngại cho việc hiện thực hóa các quyền con người; (vii) Đóng vai trò tích cực nhằm ngăn chặn những vi phạm quyền con người; (viii) Tham gia vào đối thoại với các chính phủ với mục đích tăng cường tôn trọng các quyền con người; (ix) Hỗ trợ các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người; (x) Điều phối các hoạt động về quyền con người trong hệ thống Liên hợp quốc; (xi) Xây dựng, củng cố hoạt động của bộ máy quyền con người của Liên hợp quốc. Dưới quyền điều hành trực tiếp của Cao ủy Liên hợp quốc về quyền con người là Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về quyền con người (Office of the High Commissioner for Human Rights - OHCHR). Theo chương trình cải cách bộ máy Liên hợp quốc, ngày 15-9-1997, Trung tâm quyền con người của Liên hợp quốc (the UN Centre for Human Rights) được sát nhập trở thành một bộ phận của OHCHR. Về nhân sự lãnh đạo, bên cạnh Cao ủy, OHCHR còn có một Phó Cao ủy (mang hàm tương đương trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc) giúp việc. Phó Cao ủy chịu trách nhiệm điều hành OHCHR khi Cao ủy vắng mặt cũng như thực hiện một số công việc về chuyên môn và hành chính do Cao ủy giao phó. Về tổ chức, ngoài văn phòng chính ở Giơnevơ, OHCHR có một văn phòng ở New York, thực hiện nhiệm vụ đại diện cho Cao ủy và triển khai các hoạt động của OHCHR tại trụ sở chính của Liên hợp quốc. Văn phòng chính của OHCHR ở Giơnevơ được chia thành các bộ phận, trong đó có Ban Nghiên cứu và Quyền Phát triển (Research and Right to Development Branch), Ban về các Điều ước và Ủy ban về quyền con người (Treaties and Commission Branch), Ban về xây dựng năng lực (Capacity Building Branch). Ngoài ra, OHCHR còn có các văn phòng ở những khu vực chính trên thế giới và ở một số quốc gia. Theo Báo cáo hoạt động của OHCHR năm 2007, cơ quan này có tổng số 942 nhân viên, trong đó 442 người làm việc tại Geneva, 16 người làm việc tại New York, 484 người làm việc trên thực địa và ở 9 văn phòng khu vực, 11 văn phòng quốc gia (dự kiến sẽ còn được tăng lên).1 Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, OHCHR hiện có văn phòng khu vực tại Băngcốc (Thái Lan) với 7 nhân viên và một văn phòng quốc gia tại Campuchia với 25 nhân viên.