1. Chứng chỉ tin học, chứng chỉ ngoại ngữ là gì?

Do ảnh hưởng của xu thế hội nhập và cuộc cách mạng công nghệ 4.0, việc ứng dụng công nghệ thông tin và ngoại ngữ hiện nay là vấn đề quan trọng trong tất cả các ngành nghề, lĩnh vực của đời sống xã hội. Ở một số các ngành nghề nhất định, tiêu chí tuyển dụng còn được đưa ra với những yêu cầu về chứng chỉ tin học văn phòng và chứng chỉ ngoại ngữ để có thể đáp ứng được công việc. 

Chứng chỉ tin học cơ bản là chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân nhằm xác nhận trình độ, năng lực suử dụng công nghệ thông tin theo chuẩn kĩ năng sử dụng công nghệ thông tin quy định tại thông tư số 03/2014/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông. Theo đó, người đủ kỹ năng trình độ để được cấp loại chứng chỉ này phải nắm rõ nền tảng kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin, hiểu và thực hiện ddược các thao tác cơ bản trên máy tính, sử dụng thành thạo bộ phần mềm tin học văn phòng thông dụng như Micorosoft Word, Excel, Powerpoint và biết cách sử dụng, khai thác Internet một cách an toàn và hiệu quả.

Chứng chỉ ngoại ngữ được hiểu là loại giấy tờ xác nhận về kỹ năng sử dụng ngoại ngữ. Ngoại ngữ ở đây là tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Pháp,... Trong đó, chứng chỉ tiếng Anh là loại chứng chỉ thông dụng nhất và được sử dụng hoặc yêu cầu nhiều nhất hiện nay. Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ban hành ngày 24/01/2014 quy định về khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. 

Yêu cầu về chứng chỉ tin học văn phòng cơ bản và chứng chỉ ngoại ngữ là một trong những tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ. Việc yêu cầu các kỹ năng về tin học cũng như ngoại ngữ luôn là những vấn đề quan trọng. Tuy nhiên, việc yêu cầu các loại chứng chỉ này có thực sự cần thiết và khách quan trong quá trình đánh giá năng lực của ứng viên dự tuyển các kỳ thi tuyển công chức, viên chức hay không?

Trước đây, quy định về chứng chỉ tin học và chứng chỉ ngoại ngữ là yếu tố bắt buộc cho việc tuyển dụng công chức, viên chức. Tuy nhiên, nhận thấy việc yêu cầu chứng chỉ tin học là không thực sự cần thiết và gây nhiều tốn kém thì thời gian gần đây đã có nhiều vị trí công chức được loại bỏ yêu cầu này đối với các ứng viên dự tuyển. Các nguyên nhân cơ bản có thể kể đến việc trước khi sinh viên tốt nghiệp, tại một số trường đại học có yêu cầu chuẩn đầu ra đối với ngoại ngữ, tin học khá cao. Điều đó phù hợp với tiêu chí về trình độ đối với vị trí, lĩnh vực nghề nghiệp đó. Cho nên việc quy định thêm loại chứng chỉ đánh giá này không còn quá cần thiết, nếu không muốn nói là dư thừa. Bên cạnh đó, hiện nay việc bỏ thời gian, công sức, tiền bạc để có được các loại chứng chỉ trên khá là tốn kém, chưa kể đến hiện nay ngày càng xuất hiện nhiều tổ chức, cá nhân làm giả giấy tờ này. 

>> Xem thêm: Quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với cán bộ công chức 

 

2. Quy định về tuyển công chức, viên chức

Theo Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức sửa đổi năm 2019, công chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Tổ chưc chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc , hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

Việc tuyển dụng công chức, viên chức được thực hiện theo hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển. Cụ thể quy định về tuyển dụng công chức, viên chức nằm trong Nghị định số 161/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạn viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng không được đưa ra các điều kiện, tiêu chuẩn trái với quy định của pháp luật, không được phân biệt loại hình đào tạo, văn bàngư, chứng chỉ, trường công lập, trường ngoài công lập. 

Như vậy, việc yêu cầu về chứng chỉ tin học văn phòng, chứng chỉ ngoại ngữ đối với công chức, viên chức chỉ đặt trong khuôn khổ quy định của pháp luật. Cơ quan, tổ chức, đơn vị tuyển dụng sẽ không được đòi hỏi thêm các chứng chỉ này trong nội dung tiêu chí, yêu cầu khi tuyển dụng công chức, viên chức nếu tại vị trí đó pháp luật không yêu cầu các loại chứng chỉ này. Quy định này nhằm đơn giản hóa các thủ tục về hành chính, tăng cường tính công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng trong công tác tuyển dụng. Từ đó, thắt chặt mối liên kết giữa thẩm quyền tuyển dụng và thẩm quyền tuyển dụng công chức, viên chức theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng.

>> Xem thêm: Công chức sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ giả thì bị xử lý thế nào?

 

3. Quy định về việc bỏ yêu cầu về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trong tuyển dụng công chức 

Hiện nay, việc bỏ yêu cầu về chứng chỉ tin học văn phòng và chứng chỉ ngoại ngữ trong tuyển dụng viên chức, công chức được áp dụng trên 11 chức danh, bao gồm:

- Giáo viên;

- Công chức hành chính, văn thư theo Thông tư số 02/2021/TT-BNV;

- Công chức thi hành án dân sự theo Thông tư số 06/2021/TT-BTP;

- Viên chức ngành di sản văn hóa theo Thông tư số 16/2021/TT-BVHTTDL;

- Công chức quản lý thị trường theo Thông tư số 22/2022/TT-BTC;

- Viên chức ngành y tế theo Thông tư số 03/2022/TT-BYT;

- Công chức kế toán, thuế, hải quan theo Thông tư số 29/2022/TT-BTC;

- Viên chức thư viện theo Thông tư số 02/2022/TT-BVHTTDL;

- Viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin, an tàn thông tin theo Thông tư số 08/2022-BTTTT;

- Viên chức âm thanh viên, phát thanh viên, kỹ thuật dựng phim, quay phim thuộc chuyên ngành Thông tin và Truyền thông theo Thông tư số 07/2022/TT-BTTTT sửa đổi thông tư số 46/2017/TT-BTTTT;

- Viên chức chuyên ngành văn hóa cơ sở theo thông tư 03/2022/TT-BVHTTDL.

Ngoài ra, Bộ Nội vụ và các cơ quan có thẩm quyền còn đề xuất việc bỏ quy định  bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ của 74 ngạch công chức và 155 chức danh nghề nghiệp viên chức; bỏ quy định về chứng chỉ tin học của 74 ngạch công chức và 142 chức danh nghề nghiệp viên chức. 

Việc bỏ yêu cầu về các chứng chỉ tin học và chứng chỉ ngoại ngữ đã tạo ra sự đồng tình ủng hộ của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị tuyển dụng và các cá nhân tham gia tuyển dụng. Bởi việc loại bỏ các yêu cầu trên đem lại nhiều lợi ích về việc tiết kiện thời gian, công sức và kinh tế. Thông qua đó rút gọn được các thủ tục hành chính phức tạp và không thực sự cần thiết.

Tuy nhiên với việc bãi bỏ quy định về chứng chỉ trong các vị trí tuyển dụng trên cũng đòi hỏi các vấn đề về chất lượng đào tạo các kỹ năng tin học văn phòng và trình độ ngoại ngữ cho mặt bằng chung các trường đại học trên cả nước. Để đạt được mục tiêu ấy, việc đào tạo và thi chuẩn đầu ra đối với tin học và ngoại ngữ cần được quan tâm, tổ chức và giám sát một cách chặt chẽ. Nếu đạt được mục tiêu đó, việc đòi hỏi các loại chứng chỉ này sẽ ngày càng được hạn chế đi, tạo điều kiện nâng cao năng lực thực chất của người lao động, công chức, viên chức trong thời gian tới.

Mọi vướng mắc pháp lý, Hãy gọi: 1900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến.