Điều 2 Bộ luật dân sự có quy định:

Điều 2. Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự

1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền dân sự được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.

2. Quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

1. Quyền dân sự là gì?

- Quyền dân sự được hiểu là cách xử sự được phép của người có quyền năng trong các quan hệ dân sự để thực hiện, bảo vệ lợi ích của mình. Quyền dân sự của các chủ thể trong các quan hệ pháp luật dân sự khác nhau là có nội dung khác nhau. Chủ thể quyền trong các quan hệ dân sự có thể có những cách xử sự khác nhau sao cho phù hợp với nội dung, mục đích của quyền năng đó. Ví dụ như quyền kết hôn với người khác khi đáp ứng đủ các điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.

Điều 8. Điều kiện kết hôn

1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.

2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

- Thông qua hành vi của mình để thỏa mãn quyền của mình. Các chủ thể khác có nghĩa vụ phải tôn trọng và phải đảm bảo điều kiện để các cá nhận thực hiện quyền của mình.

Khi đáp ứng đủ các điều kiện kết hôn theo quy định của luật thì cá nhân có thể tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ thực hiện đăng ký kết hôn.

Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định, nếu thấy đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình, công chức tư pháp - hộ tịch ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ hộ tịch. Hai bên nam, nữ cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn; công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.

Trường hợp cần xác minh điều kiện kết hôn của hai bên nam, nữ thì thời hạn giải quyết không quá 05 ngày làm việc.

- Khi quyền dân sự bị xâm phạm thì chủ thể quyền có thể sử dụng các biện pháp mà pháp luật quy định, cho phép hoặc yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền bảo vệ.

Khi có đủ các điều kiện kết hôn, muốn kết hôn mà người khác ngăn cản, đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để ngăn cản việc kết hôn thì người này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm đ khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP:

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

....

Cản trở kết hôn, yêu sách của cải trong kết hôn hoặc cản trở ly hôn.

2. Một số quyền dân sự của công dân.

Thứ nhất, quyền sống. Quyền này được quy định cụ thể tại Điều 19 Hiến pháp 2013.

Thứ hai, quyền đời tư, được quy định tại Điều 21, Điều 22 Hiến pháp.

Thứ ba, quyền khiếu nại, tố cáo.

Thứ tư, quyền tự do và an ninh cá nhân, quyền không bị tra tấn, dùng nhục hình.

Thứ năm, quyền tự do cư trú, đi lại.

Thứ sáu, quyền bình đẳng giới.

3. Thế nào là công nhận quyền dân sự?

“Công nhận” theo Từ điển Tiếng Việt là sự thừa nhận trước mọi người một điều gì đó là phù hợp với sự thật, với lẽ phải hoặc với thể lệ, luật pháp. Theo đó việc công nhận quyền dân sự là sự thừa nhận của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam rằng mọi người đều có quyền dân sự, các quyền dân sự này được nhà nước ghi nhận phù hợp với các nước trên thế giới. Các quyền dân sự được ghi nhận cụ thể tỏng Hiến pháp và pháp luật.

Ví dụ:

Quyền được sống được ghi nhận trong Hiến pháp 2013, cụ thể là Điều 19:

Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật.

Trong Bộ luật lao động 2019 ghi nhận quyền của người lao động:

- Làm việc; tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp; không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

- Hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có hưởng lương và được hưởng phúc lợi tập thể;

- Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; yêu cầu và tham gia đối thoại, thực hiện quy chế dân chủ, thương lượng tập thể với người sử dụng lao động và được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình; tham gia quản lý theo nội quy của người sử dụng lao động;

- Từ chối làm việc nếu có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe trong quá trình thực hiện công việc;

- Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

- Đình công;

4. Quyền dân sự được tôn trọng, bảo vệ và đảm bảo như thế nào?

"Tôn trọng" là tỏ thái độ đánh giá cao, cho là không được vi phạm, xúc phạm đến.

"Bảo vệ" chống lại mọi sự huỷ hoại, xâm phạm để giữ cho được nguyên vẹn, bênh vực bằng lí lẽ để giữ vững ý kiến, quan điểm.

Mọi người đều phải có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác. Quyền luôn đi liền với nghĩa vụ, quyền của mình là nghĩa vụ của người khác. Ví dụ như quyền được bảo vệ về tính mạng, sức khỏe của con người, người khác không được xâm phạm sức khỏe, tính mạng của người khác nếu không tùy theo mức độ có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Các quyền dân sự được ghi nhận trong Hiếp pháp - đạo luật có giá trị pháp lý cao nhất của Việt Nam, các văn bản pháp luật khác không được trái với Hiến pháp. Căn cứ theo quy định tại Điều 11 Bộ Luật Dân sự 2015 xác định khi quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân bị xâm phạm thì chủ thể có thể thực hiện biện pháp tự bảo vệ theo quy định của pháp luật hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện các phương thức bảo vệ quyền dân sự .

Thứ nhất, công nhận, tôn trọng, bảo vệ và đảm bảo quyền dân sự của mình.

Theo đó, cá nhân, pháp nhân nếu phát hiện quyền dân sự của mình bị vi phạm thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận, tôn trọng và thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền dân sự của mình một cách hợp pháp nhằm đảm bảo tối đa quyền và lợi ích của mình.

Thứ hai, buộc bên có hành vi xâm phạm chấm dứt hành vi.

Đây là biện pháp hầu hết các chủ thể thực hiện đầu tiên khi phát hiện có hành vi xâm phạm đến quyền lợi của mình bằng việc yêu cầu các bên có hành vi vi phạm buộc phải chấm dứt hành vi vi phạm. Ví dụ: Nếu có người đăng ảnh, thông tin xấu liên quan đến bản thân trên mạng xã hội, thì mình có quyền yêu cầu bên đó gỡ những hình ảnh và thông tin đó xuống.

Thứ ba, buộc bên vi phạm xin lỗi.

Là việc yêu cầu các chủ thể có hành vi vi phạm thực phải xin lỗi, cải chính công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm đính chính lại những thông tin sai lệch, khôi phục lại danh dự, uy tín cho chủ thể bị xâm phạm.

Thứ tư, buộc thực hiện nghĩa vụ.

Là việc yêu cầu bên chủ thể có nghĩa vụ phải thực hiện đúng theo những nghĩa vụ mà hai bên đã giao kết, xác lập trong hợp đồng, biên bản thỏa thuận, giấy xác nhận,…và đã được các cá nhân, tổ chức có thẩm quyền chứng minh là đúng. Ví dụ: mua hàng mà không có tiền, bên bán hàng có quyền yêu cầu bên mua trả tiền.

Thứ năm, bồi thường thiệt hại.

Khi gây thiệt hại cho người khác thì người gây thiệt hại có trách nhiệm bồi thường. Các khoản bồi thường bao gồm: thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần. Pháp luật không quy định cụ thể mức bồi thường nên hai bên sẽ căn cứ vào những thiệt hại thực tế xảy ra và điều kiện kinh tế của mỗi bên để thỏa thuận khoản bồi thường.

Thứ sáu, hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.

Việc hủy quyết định của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền phải do một cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện.

Thứ bảy, các yêu cầu khác theo quy định của pháp luật.

5. Quyền dân sự có bị hạn chế không? Bị hạn chế trong trường hợp nào?

Theo khoản 2 Điều 2 Bộ luật dân sự 2015:

"Quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng".

Theo nguyên lý dân chủ và công bằng, Nhà nước và pháp luật luôn công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền dân sự của mọi cá nhân, tổ chức. Nhưng trong những trường hợp cần thiết hoặc vì những yêu cầu đặc biệt liên quan đến “quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”, thì có những quyền dân sự sẽ bị hạn chế.

Vì an toàn xã hội thì pháp luật cấm buôn bán một số các mặt hàng như ma túy nhằm bảo vệ sức khỏe công đồng.

Công dân có quyền tự do đi lại nhưng nếu thực hiện hành vi phạm tội thì sẽ bị hạn chế quyền tự do đi lại bằng biện pháp áp dụng hình phạt tù có thời hạn. Thời gian phạt tù tùy thuộc vào mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội.

Hay công dân có quyền tự do cư trú nhưng lại không được cư trú tại những nơi có vị trí trọng yếu, liên quan đến an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, khi phải hạn chế quyền dân sự của một chủ thể nhất định, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải tuân thủ theo quy định của pháp luật mà không thể tùy tiện. Những hạn chế về quyền dân sự phải được quy định cụ thể trong luật.

Ví dụ liên quan đến việc thu hồi quyền sử dụng đất , trong Luật đất đai 2013 đã ghi rõ các trường hợp phải thu hồi, thẩm quyền thu hồi và thủ tục thu hồi như thế nào.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.