Mục lục bài viết
1. Tâm lý học tư pháp là gì?
Khái niệm hoạt động tư pháp
Hoạt động tư pháp là việc của các cơ quan chuyên chính được Nhà nước sử dụng như Công an, Viện kiểm sát, Tòa án thực hiện các hoạt động trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, được pháp luật tố tụng quy định để đấu tranh phòng chống tội phạm hình sự và bảo vệ các lợi ích của Nhà nước, của các tổ chức xã hội và công dân. Nói một cách khái quát thì “hoạt động tư pháp là hoạt động tố tụng điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án do các cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án thực hiện trong khuôn khổ của pháp luật tố tụng quy định nhằm bảo vệ các quyền lợi của Nhà nước, của các tổ chức xã hội và công dân”.
Khái niệm tâm lý học tư pháp
Tâm lý học tư pháp là tâm lý học chuyên ngành về hoạt động tư pháp, nghiên cứu các hiện tượng, các đặc điểm và các quy luật tâm lý biểu hiện trong quá trình thực hiện tội phạm, trong điều tra, truy tố xét xử và thi hành án, đồng thời soạn ra các phương pháp tâm lý để sử dụng trong hoạt động tư pháp.
Tâm lý học tư pháp là tâm lý học chuyên ngành được ứng dụng trong hoạt động tư pháp. Khi mới xuấ hiện, tâm lý học tư pháp chủ yếu nghiên cứu các quy luật tâm lý biểu hiện bên trong hoạt ư động xét xử đặc biệt là xét xử các vụ án hình sự.
Tâm lý học Tư pháp là một ngành tâm lý học ứng dụng nghiên cứu các quy luật và các đặc điểm tâm lý của con người biểu hiện trong các quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh.
Tâm lý học Tư pháp nghiên cứu các quy luật và các đặc điểm tâm lý của con người trong hoạt động tư pháp nhằm hướng tới các mục đích sau:
– Cung cấp tri thức về những chủ thể tham gia vào quá trình giải quyết vụ án hình sự & giáo dục, cải tạo người phạm tội.
– Góp phần xây dựng, áp dụng các biện pháp giáo dục, cảm hóa người phạm tội.
– Góp phần phòng ngừa tội phạm thông qua kiến nghị những biện pháp tác động tích cực đến tâm lý con người, khắc phục biểu hiện tâm lý tiêu cực.
2. Phân biệt bị can và bị cáo
Tiêu chí | Bị can | Bị cáo |
Khái niệm | Người đã bị khởi tố về hình sự, có quyết định khởi tố của viện kiểm sát | Bị cáo là người đã bị Toà án quyết định đưa ra xét xử, xác định rõ thời điểm |
Quyền | – Được biết mình bị khởi tố về tội gì.– Được giải thích về quyền và nghĩa vụ.– Trình bày lời khai.– Đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu.– Đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định.– Tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa.– Được nhận quyết định khởi tố; quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn; bản kết luận điều tra; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án; bản cáo trạng, quyết định truy tố; các quyết định tố tụng khác theo quy định.– Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. | – Được nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử; quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn; quyết định đình chỉ vụ án; bản án, quyết định của Tòa án; các quyết định tố tụng khác theo quy định.– Tham gia phiên toà.– Được giải thích về quyền và nghĩa vụ.– Đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định.– Đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu.– Tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa.– Trình bày ý kiến, tranh luận tại phiên tòa.– Nói lời sau cùng trước khi nghị án.– Kháng cáo bản án, quyết định của Toà án.– Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. |
Nghĩa vụ | Phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát; trong trường hợp vắng mặt không có lý do chính đáng thì có thể bị áp giải; nếu bỏ trốn thì bị truy nã. | Phải có mặt theo giấy triệu tập của Toà án; trong trường hợp vắng mặt không có lý do chính đáng thì có thể bị áp giải; nếu bỏ trốn thì bị truy nã. |
3. Đặc điểm tâm lý của bị can
Đặc điểm tâm lý của bị can ảnh hưởng trực tiếp tới lời khai cũng như sự tham gia của bị can trong các hoạt động tố tụng. Luật sư nhận lời bào chữa cho bị can cần phải nắm được những đặc điểm tâm lý của bị can, từ đó Luật sư sẽ chủ động tác động điều chỉnh để thực hiện các hoạt động bào chữa đạt được kết quả như mong muốn. Khách hàng của Luật sư đang trong hoàn cảnh bị tước đi một số quyền công dân cơ bản, bị áp dụng biện pháp ngăn chặn để điều tra, ở bị can xuất hiện những biểu hiện tâm lý phổ biến, đó là: Tâm trạng hoang mang, lo lắng, nhiều bị can ở tâm trạng đầy sợ hãi khi bị tạm giam với các đối tượng lưu manh, cộm cán giang hồ trong nhà tạm giữ. Bị can luôn mong muốn tìm hiểu sự hiểu biết của CQĐT về vụ án đến đầu và diễn biến hoạt động điều tra như thế nào. Họ còn mong muốn được giảm nhẹ TNHS hoặc giảm nhẹ hình phạt; Xuất hiện các mâu thuẫn nội tâm khi tiếp xúc với Luật sư; Trạng thái đau khổ, ân hận; Trạng thái bị quan, chán chường, thất vọng…
Trạng thái bị quan, chán chường, thất vọng
Đây là biểu hiện tâm lý đặc trưng của bị can. Họ cho rằng việc mình bị khởi tố bị can là cuộc đời coi như đã hết, không còn tương lại, mọi hi vọng sụp đổ, chịu sự trừng phạt của pháp luật là điều không thể tránh khỏi… Do đó, ở những bị can này luôn có thái độ phó mặc cho số phận, không quan tâm đến hoạt động điều tra, thậm chí có thể thúc đẩy họ có phản ứng tiêu cực đó là tự sát. Trạng thái tâm lý này là biểu hiện dạng tâm lý tiêu cực điển hình làm cho cá nhân không còn hưng phấn với tác động xung quanh. Đối với hoạt động bào chữa của Luật sư thì trạng thái tâm lý này của bị can là rất bất lợi, họ thường từ chối giao tiếp, từ chối tiếp xúc, do đó khó tiến hành hoạt động trợ giúp pháp lý, bào chữa cho khách hàng khó có được hiệu quả khi mà khách hàng bất hợp tác. Nắm bắt được trạng thái tâm lý này, giúp Luật sư thực hiện các kỹ năng mềm của mình trong hoạt động bào chữa, bảo vệ cho khách hàng đang rơi vào trạng thái tâm lý bất ổn đó.
Trạng thái tâm lý sốt ruột, nóng vội, mong muốn tìm hiểu sự hiểu biết của CQĐT về vụ án và diễn biến hoạt động điều tra về bị can bị tạm giam trong vụ án hình sự
Sự lo sợ sẽ phải chịu hình phạt thúc đẩy bị can tìm hiểu xem CQĐT đã biết những gì, tiến trình điều tra như thế nào… để căn cứ vào đó đưa ra những lời khai có lợi cho họ. Từ chỗ muốn tìm hiểu sự hiểu biết của CQĐT để quyết định lời khai, ở bị can nảy sinh một loạt nhu cầu: Muốn gặp gia đình, người thân, muốn liên lạc với bên ngoài, muốn “có bạn”, dò hỏi tình hình thông qua việc gặp gỡ Luật sư… Do đó, Luật sư cần nắm rõ các nhu cầu này để có những phản ứng, cách thức làm việc phù hợp trong quá trình tiếp xúc với bị can.
Tâm lý mong muốn được giảm nhẹ TNHS hoặc giảm nhẹ hình phạt của bị can
Trong thực tế, cũng có những bị can không trốn tránh TNHS, không xin giảm hình phạt dù là mức án cao nhất. Những bị can này trong quá trình tiếp xúc với Luật sư thường có thái độ buông xuôi, bất cần, không mong muốn có người bào chữa cho mình. Nhưng trong đa số các trường hợp, các bị can đều có mong muốn được giảm nhẹ hình phạt. Mong muốn này đã chi phối các đặc điểm tâm lý khác và làm nảy sinh ở những bị can khác nhau những thái độ khai báo khác nhau: Đối với những bị can phạm tội lần đầu, lỗi vô ý, hoặc bị can bị lôi kéo, cưỡng ép hoặc do kém hiểu biết pháp luật mà phạm tội thì mong muốn này thường thúc đẩy bị can khai báo thành khẩn để hưởng lượng khoan hồng. Nhưng đối với các bị can thuộc dạng phạm tội chuyên nghiệp, lưu manh, côn đồ, những bị can phạm tội cố ý và không bị bắt quả tang, thì mong muốn này lại thúc đẩy các đối tượng khai báo quanh co, chống đối lại CQĐT ngay cả khi CQĐT đã có đủ tài liệu làm rõ hành vi phạm tội của họ, với bản tính đó thì họ cũng sẽ không hợp tác với Luật sư trong quá trình tiến hành bào chữa.
Xuất hiện mâu thuẫn nội tâm trong chính con người mỗi bị can
Trong hoàn cảnh tố tụng, bị can thường có mâu thuẫn nội tâm do hai khuynh hướng đối lập nhau, đó là vừa muốn tiếp xúc, gặp gỡ Luật sư để được bảo đảm quyền bào chữa, có bị can muốn thông qua gặp gỡ Luật sư để thăm dò tin tức, tìm hiểu sự hiểu biết của CQĐT và tiến trình điều tra, gửi lời đến gia đình, bạn bè, người thân; đồng thời, vừa muốn né tránh, không gặp gỡ Luật sư vì sợ bộc lộ “sơ hở”, ngại chia sẻ thông tin, tâm lý phòng vệ đặc biệt trong trường hợp đối với Luật sư do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định. Biểu hiện tâm lý này sẽ gây ra những khó khăn, thách thức trong việc thực thi nhiệm vụ bào chữa của Luật sư. Nhưng về mặt khách quan, điều này phản ánh thái độ của bị can có hưng phấn, có tính tích cực trong phản ứng với hoàn cảnh hiện tại của bản thân mà không phải buông xuôi, phó mặc cho hoàn cảnh. Đây là một điều kiện tâm lý cần thiết để Luật sư có thể tiến hành những tác động tâm lý tới bị can nhằm bảo đảm được các nguyên tắc tố tụng trong quá trình bào chữa cho bị can.
Trạng thái tâm lý đau khổ, ân hận
Sau khi bị khởi tố, phần nhiều bị can xuất hiện trạng thái đau khổ, ân hận về hành vi phạm tội của mình. Trạng thái tâm lý này thường xuất hiện ở những bị can nhất thời phạm tội phạm tội do lỗi vô ý hoặc phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh… Đối với những bị can này, sau khi phạm tội thường tự nhận thức được sai lầm của mình, do đó họ rất ân hận và có mong muốn được sửa chữa, khắc phục phần nào hậu quả, lỗi lầm mà mình đã gây ra. Khi ở vào trạng thái tâm lý này, bị can thường có thái độ khai báo thành khẩn, nhưng do ân hận, đau khổ về hành vi của mình, tư duy và trí nhớ của họ bị giảm sút nên thường cung cấp thông tin thiếu logic, thiếu đầy đủ, không được chính xác. Luật sư cần thực hiện những tác động tâm lý để đưa họ về trạng thái tâm lý ổn định.
4. Tâm lý của bị cáo tại phiên Tòa
So với các giai đoạn tố tụng trước đó, cá nhân với tư cách là bị cáo ở giai đoạn xét xử có tâm lý mang tính ổn định hơn, không còn bỡ ngỡ với hoạt động tố tụng như ở giai đoạn điều tra
Bị cáo đã biết được cơ quan tố tụng có những chứng cứ gì buộc tội mình, họ tự đánh giá được mức độ hình phạt mà bản thân phải chịu. |
Bị cáo luôn mong muốn được Tòa án tuyên án với mức án nhẹ hơn tội danh và hình phạt mà VKS đã truy tố (trừ trường hợp án oan) để kết thúc sớm việc thi hành án và được tự do nên sẵn sàng khai báo tại tòa.
Khi tham gia phiên tòa, bị cáo thường có tâm lý căng thẳng, hoạt động tư duy của bị cáo diễn ra với tốc độ cao theo các diễn biến tại phiên tòa
Nhiều bị cáo có thể rơi vào trạng thái bão hoà cảm xúc, đó là trạng thái tâm lý của con người bị mất tính nhạy cảm đối với kích thích, mất khả năng phản ứng nhanh nhạy, linh hoạt. Đối với bị cáo khi tham dự phiên toà, hiện tượng bão hòa cảm xúc có thể xảy ra như là hệ quả của trạng thái tâm lý căng thẳng quá mức kéo dài trong suốt các giai đoạn của hoạt động tố tụng, từ giai đoạn điều tra cho đến giai đoạn xét xử tại tòa. Ngoài ra, các yếu tố khác dẫn đến hiện tượng bão hoà cảm xúc ở bị cáo bao gồm diễn biến tại phiên toà không đúng như kì vọng của bị cáo; Tác động của dư luận xã hội mạnh mẽ, điều kiện sức khoẻ, biến cố gia đình; Chứng kiến sự đau khổ của người thân tại tòa khiến bị cáo như rơi xuống vực, chưa kể đến phiên tòa có nhiều người tham dự, có cả báo chí, truyền thông… Khi bị rơi vào trạng thái bão hoà cảm xúc, bị cáo sẽ có ứng xử tại phiên toà một cách máy móc, kém tinh nhạy và sáng suốt, do đó, không trình bày được một cách thuyết phục những vấn đề có liên quan đến vụ án như đã thống nhất với Luật sự trước đó; Không trả lời được một cách logic, rõ ràng và mạch lạc các câu hỏi của những người tiến hành tố tụng tại phiên tòa đặt ra.
Bị cáo cố gắng dự đoán trước những câu hỏi của HĐXX, của Kiểm sát viên tại phiên tòa và luôn muốn đề xuất với Luật sư những câu hỏi, những tình huống có thể xảy ra tại tòa nhằm chuẩn bị nội dung trả lời và có những phản ứng sao cho có lợi nhất đối với bản thân.
Nhiều bị cáo ít kinh nghiệm sống, ít va chạm trong cuộc sống, tính tự chủ và kiềm chế cảm xúc yêu khi tham gia phiên tòa có đông người tham gia, nhất là ở các phiên tòa xét xử lưu động. Trước thái độ của bị hại, người bào chữa và thân nhân bị hại, dư luận xã hội về vụ án nên có thể xuất hiện các cảm xúc, lời nói và hành vi bột phá thiếu sáng suốt. Lưu ý, đối với bị cáo là người dưới 18 tuổi có những đặc điểm tâm lý mang tính chất đặc trưng của lứa tuổi (cảm xúc và hành vi dễ bốc đồng theo tình huống phát sinh, hiếu thắng, dễ bị kích động, thích khẳng định mình một cách thái quá). Trong các phiên tòa xét xử đối với người dưới 18 tuổi có những biểu hiện tâm lý trái ngược nhau: Có bị cáo ở phiên tòa thì tỏ ra sợ hãi, hối hận đối với hành vi vi phạm pháp luật của mình, song ngược lại thì cũng có những bị cáo tỏ vẻ “chất anh hùng” của mình, bất cần, không chút sợ hãi, thậm chí có hành vi cố tình cười cợt… thể hiện sự hạn chế trong nhận thức về pháp luật, sự nhận thức chưa đầy đủ hoặc phiến diện về chuẩn mực đạo đức.
5. Quyền bình đẳng của bị cáo trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
Khoản 1 Điều 16 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”. Trong tố tụng hình sự (TTHS) nguyên tắc hiến định này được cụ thể hóa tại Điều 26 Bộ luật TTHS năm 2015. Theo đó, người bào chữa và người tham gia tố tụng khác đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Ở đây, quyền bình đẳng được hiểu là mỗi bên, khi tham gia quá trình xét xử, đều có cơ hội ngang bằng nhau để nêu lên quan điểm của mình và không bên nào được hưởng bất kỳ sự thiên vị thuận lợi nào hơn so với bên còn lại. Tại phiên tòa, dù là bị cáo hay bị hại cũng như những người có liên quan có tư cách khác nhau đều có cơ hội và quyền năng ngang nhau trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, đưa ra yêu cầu và tranh luận dân chủ trước phiên tòa. Tuy nhiên, trong xét xử vụ án hình sự của Tòa án nhân dân, cốt lỗi của quyền bình đẳng là quyền của bên buộc tội và bên gỡ tội có cơ hội, điều kiện như nhau để bảo vệ mình mà không có bất kỳ sự phân biệt nào. Để quyền bình đẳng được bảo đảm thực hiện, Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, người bào chữa và các chủ thể khác phải thực hiện đúng nghĩa vụ của mình.
Bảo đảm quyền bình đẳng của bị cáo trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự của TAND là việc ghi nhận quyền bình đẳng của bị cáo bằng pháp luật. Đồng thời, các chủ thể tham gia tố tụng phải có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật về quyền của bị cáo; ngăn ngừa sự xâm phạm, bảo vệ quyền của bị cáo trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự. Bảo đảm quyền bình đẳng của bị cáo còn phải tạo ra các điều kiện cần thiết, tốt nhất để bị cáo thực hiện quyền của bị cáo một cách đầy đủ, hiệu quả nhất và không bị xâm phạm trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự.
Nội dung bảo đảm quyền bình đẳng của bị cáo trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự gồm:
Một là, bị cáo có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu và tranh luận dân chủ trước tòa.
Hai là, bị cáo có quyền bình đẳng trong việc đánh giá chứng cứ, đưa ra các yêu cầu làm rõ các chứng cứ đã thu thập được và yêu cầu thu thập thêm chứng cứ mới.
Ba là, bị cáo có quyền bình đẳng trong việc trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có quyền tranh luận trước tòa.
Bốn là, bị cáo có quyền bình đẳng trong việc đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi hoặc tự mình hỏi người tham gia phiên tòa nếu được chủ tọa đồng ý.
Năm là, khi có căn cứ cho thấy người tiến hành tố tụng không vô tư, khách quan trong giải quyết vụ án thì bị cáo có quyền yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng.
6. Các yếu tố ảnh hưởng tâm lý bị cáo?
Trong giai đoạn xét xử và xét hỏi tại phiên tòa, bị cáo đã có thời gian bình tĩnh, ổn định tâm lý: họ đã biết được cơ quan tố tụng có gì, chứng cứ đến đâu, họ tự đánh giá được mức độ
Quyền và nghĩa vụ của bị cáo trong giai đoạn xét xử do pháp luật tố tụng hình sự quy định
Nhận thức của bị cáo đối với việc buộc tội của cơ quan điều tra và Viện kiểm sát, sự tự nhận thức, tự đánh giá của bị cáo về hành vi của mình
Dư luận xã hội về vụ án và hoàn cảnh phiên tòa công khai, khả năng bị cáo phải tiếp xúc tâm lý với nhiều người khác nhau.
7. Phương pháp tác động tâm lý được sử dụng trong tố tụng hình sự?
Phương pháp thuyết phục
Phương pháp truyền đạt thông tin
Phương pháp đặt vấn đề và thay đổi vấn đề tư duy
Phương pháp ám thị gián tiếp
Phương pháp mệnh lệnh
Phương pháp giao tiếp tâm lý có điều khiển