1. Mở đầu

Trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự có nhiều cuộc tranh luận liên quan vấn đề “quyền im lặng" của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo, thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận xã hội. Thực chất việc bảo đảm cho người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo được thông báo và hiểu biết đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình, trong đó có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo đảm quyền con người và có mối quan hệ chặt chẽ với nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm. Việc tạo cơ hội cho người bị buộc tội tiếp cận được với sự hỗ trợ về mặt pháp lý của người bào chữa cũng cần đặt trong bối cảnh, điều kiện lịch sử xã hội, văn hóa, truyền thống pháp lý và mô hình tố tụng hình sự Việt Nam, đáp ứng được đòi hỏi khách quan của yêu cầu bảo vệ quyền con người trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013.

Việc bảo đảm cho người bị buộc tội thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình, trong đó có quyền không buộc chứng minh là mình vô tội, được trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội; tự bào chữa, nhờ người bào chữa đã được thể hiện trong nhiều quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Một vài quy định nổi bật sẽ được phân tích ở các phần dưới đây.

2. Nguyên tắc xác định sự thật của vụ án

Theo quy định tại Điều 15 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về nguyên tắc xác định sự thật của vụ án, người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc chứng minh là mình vô tội.

Nguyên tắc xác đinh sự thật của vụ án được hiểu như sau:

Thứ nhất, quá trình tố tụng hình sự là quá trình nhận thức để tìm ra chân lý (sự thật) của vụ án. Chân lý của vụ án hình sự là toàn bộ sự kiện phạm tội đã xảy ra trên thực tế mà cơ quan tiến hành tố tụng xác định được bằng trình tự, thủ tục luật định.

Xác định sự thật của vụ án là tư tưởng, đòi hòi xuyên suốt quá trình tố tụng hình sự. Đây là nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự Việt Nam. Sự thật của vụ án cần phải xác định là: cố việc phạm tội xảy ra hay không, ai là người phạm tội, hình thức lỗi, mục đích, động cơ phạm tội, các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự...

Thứ hai, nguyên tắc này xuất phát từ thời La mã, khi người thừa nhận: trách nhiệm chứng minh thuộc bên khẳng định chứ không phải bên phủ định. Trong tố tụng hình sự Việt Nam, bên khẳng định một người nào đó có tội chính là các cơ quan tiến hành tổ tụng: Điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án và một số cơ quan khác có thẩm quyền thực hiện một số hoạt động tố tụng. Bởi lẽ, trách nhiệm phát hiện xử lý tội phạm phải thuộc về nhà nước với tư cách người nắm giữ quyền lực công và có chức năng duy trì và bảo vệ trật tự xã hội. Chỉ có nhà nước với công cụ là quyền lực nhà nước và các điều kiện thuận lợi khác như con người, phương tiện kỹ thuật, cơ sở pháp lý... mới có thể xác định được sự thật một cách thuận lợi nhất.

Ngược lại với cơ quan tiến hành tố tụng, người bị buộc tội (người giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị can, bị cáo) không có nghĩa vụ (không bắt buộc) phải chứng minh sự vô tội của mình. Họ có thể chứng minh bằng cách đưa ra chứng cứ, yêu cầu, có thể khai hoặc có thể im lặng. Đây là quyền chứ không phải là nghĩa vụ. Nếu họ thành khẩn khai báo thì được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự chứ không được coi đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: ngoan cố, chối tội.

Thứ ba, yêu cầu phải xác định được sự thật của vụ án nhưng nguyên tắc này không cho phép các cơ quan tiến hành tố tụng xác định sự thật bằng bất cứ biện pháp nào mà đòi hỏi chỉ được áp dụng các biện pháp hợp phá. Đó chính là các biện pháp và thủ tục được Bộ luật Tố tụng hình sự quy định. Ví dụ ngoài các biện pháp điều tra mà Bộ luật Tố tụng hình sự quy định, cơ quan Điều tra không được áp dụng bất cứ biện pháp điều tra nào khác để điều tra.

Thứ tư, nguyên tắc xác định sự thật của vụ án đòi hỏi cơ quan tiến hành tố tụng phải xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ. Đó chính là tôn ưọng sự thật, xác định tât cả các tình tiết của vụ án, không bỏ qua bất cứ tình tiết, chứng cứ nào có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án hình sự.

Mặt khác, người bị buộc tội cũng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Muốn xác định được người bị buộc tội có tội hay không thì phải dựa trên cơ sở những chứng cứ đã thu được trong vụ án để xem xét.

Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, người bị buộc tội có quyền đưa ra những chứng cứ để chứng minh là mình vô tội. Trên cơ sở những chứng cứ rút ra từ những lời khai của người bị buộc tội, kết hợp những chứng cứ khác cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xác định người bị buộc tội có tội hay không có tội.

3. Quyền của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị can, bị cáo

Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt được nghe, nhận lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, quyết định phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, quyết định truy nã; được biết lý do mình bị giữ, bị bắt; được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 58 Bộ luật này; được trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội; tự bào chữa, nhờ người bào chữa (Điều 58). Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo ngoài các quyền liên quan tới việc thông báo các quyết định và lý do bị tạm giữ, bị bắt, tạm giam đều được trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội; tự bào chữa, nhờ người bào chữa (các điều 59, 60, 61)...;

4. Lời nhận tội của bị can, bị cáo

Quan trọng hơn, khoản 2 Điều 98 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định rõ về lời khai của bị can, bị cáo, khẳng định:

“Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án.

Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội”.

Như vậy, ngay cả trong trường hợp nếu bị can, bị cáo nhận tội vì bất cứ lý do gì nhưng lời nhận tội đó không phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án thì không đủ căn cứ buộc tội, kết tội bị can, bị cáo.

Lời khai của của bị can, bị cáo là sự trình bày bằng miệng của của bị can, bị cáo về những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự, cũng như các tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án, được thực hiện trước các cơ quan tiến hành tố tụng, theo thủ tục do pháp luật tố tụng hình sự quy định.

Lời khai của của bị can, bị cáo là nguồn chứng cứ mang tính chất đặc biệt, được quy định bởi địa vị pháp lý của họ trong tố tụng hình sự: i) Bị can, bị cáo là người biết rõ hơn ai hết mình có thực hiện tội phạm hay không và nếu có thực hiện tội phạm, biết rõ về động cơ, mục đích thực hiện tội phạm và những tình tiết khác có liên quan; ii) số phận của bị can, bị cáo phụ thuộc trực tiếp vào kết quả giải quyết vụ án, bởi lẽ, trong trường hợp bị tòa án tuyên có tội, họ có thể bị áp dụng hình phạt hoặc các biện pháp tư pháp hình sự khác.

Lời khai của bị can, bị cáo đề cập những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự, cũng như các tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án, cho nên đây là nguồn chứng cứ quan trọng giúp các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc làm sáng tỏ vụ án.

Trên thực tế, có những vụ án, các bị can, bị cáo thông đồng khai ra những thông tin không chính xác để đánh lừa hướng điều tra của các cơ quan tiến hành tố tụng. Trong những trường hợp như vậy, thông tin về sự nhận tội của bị can, bị cáo dù có phù hợp với các thông tin do các bị can, bị cáo khác đưa ra cũng không thể coi là chứng cứ. Đây là vướng mắc về mặt nhận thức đã xảy ra ở nhiều địa phương. Để khắc phục tình trạng này, cần phải coi chứng cứ về sự nhận tội của bị can, bị cáo cũng là một trong những chứng cứ khác của vụ án và đều cần được kiểm tra, đánh giá như đối với các chứng cứ khác.

5. Trách nhiệm thông báo, giải thích, bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng

Nội hàm của quyền tiếp cận sự hỗ trợ sớm nhất của người bào chữa còn bao hàm là nghĩa vụ của các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng theo quy định của Bộ luật này. Theo khoản 2 Điều 183 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, trước khi tiến hành hỏi cung lần đầu, Điều tra viên phải giải thích cho bị can biết rõ quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 60 của Bộ luật này, việc này phải được ghi vào biên bản. Trường hợp người bị buộc tội, người bị hại thuộc diện được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm giải thích cho họ quyền được trợ giúp pháp lý; nếu họ đề nghị được trợ giúp pháp lý thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thông báo cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước. Việc thông báo, giải thích phải được ghi vào biên bản như được quy định tại Điều 71 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Việc bảo đảm quyền của người bị buộc tội còn thể hiện thông qua trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải báo trước một thời gian hợp lý cho người bào chữa về thời gian, địa điểm tiến hành các hoạt động theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Chỉ trong trường hợp người bào chữa đã được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng báo trước mà không có mặt thì hoạt động tố tụng vẫn được tiến hành, trừ trường hợp quy định tại Điều 291 của Bộ luật TTHS 2015.

LUẬT MINH KHUÊ (Sưu tầm & Biên tập)