1. Khái quát chung

Mỗi một nhóm tuổi đều có những đặc trưng tâm lý. Đặc trưng hành động của thiếu niên được giải thích bởi các mẫu hành vi vốn cố hữu của chúng. Nói cách khác đó là phản ứng của thiếu niên.
 

2. Phản ứng sự giải phóng - xu hướng tư giải phóng khỏi các sự bảo hộ “quấy nhiễu”

quản lý lãnh đạo hoặc che chở của người lớn (bố mẹ, thầy giáo) . Phản ứng này có thể được áp dụng không chỉ đối với những người lớn tuổi mà còn đối với những gì do người lớn đề ra như qui định, trật tự và luật pháp, đối với tất cả những gì được coi trọng và tôn trọng trong xã hội – các lý tưởng, đạo đức, các giá trị tinh thần. Phản ứng này là một trong các hình thức tự khẳng định đối với thiếu niên, ở thiếu niên nam thể hiện rõ hơn so với thiếu niên nữ. Các nhân tố thúc đẩy sự gia tăng của tự giải phóng đó là sự kèm cặp thái quá của người lớn, sự kiểm soát có tính vụn vặt những hành vi của trẻ, lấy mất sự tự lập tối thiểu, coi trẻ như con nít, có thái độ coi thường đối với hứng thú và ý muốn của trẻ. Sự phản ứng này rất đa dạng, có thể từ sự “nổi loạn” ngẫu nhiên không thường xuyên chống quyền lực của cha mẹ cho đến sự thể hiện hàng ngày khuynh hướng hành động “độc lập” theo ý của mình.
 

3. Phản ứng say mê sở thích 

Đây là đặc trưng rõ nhất đối với lứa tuổi thiếu niên. Dưới góc độ tâm lý say mê là một dạng của động cơ nằm giữa đam mê và hứng thú. Khác với hứng thú, say mê mang màu sắc xúc cảm và có động lực thúc đẩy mạnh hơn. Trẻ có thể bỏ mọi thời gian rãnh rỗi thậm chí thời gian học tập nghỉ ngơi để dành cho sự say mê của mình. Tuỳ thuộc vào mục đích thì có thể chia làm các loại say mê sau :
- Say mê về mặt trí tuệ và thẩm mỹ - thể hiện ở hứng thú sâu sắc đối với kỹ thuật, điện tử, vẽ, âm nhạc, phát minh, chế tạo…. Thông thường trẻ có sự thích thú đối với bản thân quá trình làm việc còn việc đạt được mục đích chỉ ở vị trí thứ yếu.
- Say mê về những vật thể chân tay : Đó là tất cả những gì góp phần củng cố sức chịu đựng, sự nhanh nhạy, khéo léo và một số kỹ năng nhất định, thông thường đó là các dạng thể thao, lái xe máy hoặc ô tô, đan thêu (ở trẻ gái). Ở đây kết quả sẽ đem lại sự thỏa mãn lớn
- Say mê có tính thủ lĩnh : Thể hiện ở xu hướng trở thành đầu tàu giữa những người cùng tuổi.
- Say mê góp nhặt : Thể hiện chủ yếu ở việc sưu tầm đồ chơi, tem, đồng tiền…
- Say mê tự kỉ : Thể hiện ở việc muốn mình thành trung tâm của sự chú ý, mà điều này thể hiện thông qua vẻ ngoài hấp dẫn, độc đáo hoặc là đồ đạc sang trọng hoặc có những đồ quí giá hoặc tham gia những hoạt động có tính thời thượng, có tính mốt (như trong cách ăn mặc, học tập…)
Mục tiêu chủ yếu của tất cả những say mê này đó là phô trương kết quả, toả sáng bằng tính độc đáo của  những say mê của mình.
- Say mê những trò chơi đỏ đen : Sự say mê này có nguồn gốc từ sự ham muốn làm giàu và thể hiện trong sức hút đối với trò chơi cờ bạc, xổ số hoặc đặt cược. Chúng có màu sắc về xúc cảm thể thao. Ngoài việc do kết quả tạo nên sự thỏa mãn thì trẻ cũng có được sự thỏa mãn thông qua cảm giác mạo hiểm. 
 

4. Phản ứng tạo nhóm cùng với bạn bè đồng lứa

Được đặc trưng bởi sự hấp dẫn bản năng của các thiếu niên về hướng gắn bó, liên kết, hợp nhất cùng với những người cùng tuổi. Các nhóm thiếu niên có cùng một loại khuynh hướng thể hiện ở các điểm như là cùng chung lãnh thổ, có sự đấu tranh giành quyền kiểm soát đối với lãnh thổ của mình : sân, khu phố…. có biểu tượng thô sơ ( ngôn ngữ riêng, biệt hiệu, các dấu hiệu trên quần áo….)
 

5. Phản ứng từ chối

Đặc trưng cho trẻ em nói chung nhưng thường gặp ở thiếu niên. Xuất hiện khi có sự thay đổi lớn của hoàn cảnh (xa gia đình, bị đưa vào trại giáo dưỡng, chuyển sang chỗ ở mới…) và thể hiện ở việc từ chối các quan hệ và trò chơi.
 

6. Phản ứng đối lập 

Xuất hiện như là sự phản đối tích cực chống các nhu cầu thái quá đối với thiếu niên (học giỏi toàn diện trong tất cả các lĩnh vực thể thao, âm nhạc, vẽ….), cũng như là hậu quả của việc giảm đột ngột sự quan tâm thường ngày từ phía cha mẹ và người thân. Phản ứng này có thể thể hiện một cách đa dạng từ việc bỏ học đi lang thang cho đến ăn cắp và ý định tự tử mang tính biểu diễn và không nghiêm chỉnh.
 

7. Phản ứng mô phỏng  

Thể hiện trong sự bắt chước một mẫu nào đó, thông thường thì trẻ bắt chước ai đó trong nhóm bạn của mình, những người tương đối nổi tiếng trong bạn đồng niên hoặc những người có điểm nổi bật nào đó và thường là người thành đạt, hoặc những người là thần tượng của thanh niên. Mô hình mà trẻ bắt chước thường do nhóm mà trẻ tham gia và đồng nhất hóa bản thân (nhóm hữu quan) qui định. Người lớn cũng có thể là khách thể của sự bắt chước nếu được sự kính trọng và tôn trọng của thiếu niên. Đôi lúc mẫu mực của bắt chước lại là những nhân vật tiêu cực, đã từng chịu án và bao quanh mình cái lãng mạn hình sự.
 

8. Phản ứng bắt chước tiêu cực  

Thể hiện ở tất cả hành vi được xây dựng theo mô hình đối lập đối với mô hình mẫu mực (cơ chế tạo thành phản lực), ví dụ trẻ thể hiện từ chối mọi tiện nghi gia đình đưa ra, làm quen với các trường nổi tiếng, thích mặt quần áo rách rưới, chơi với những bạn yếu kém. Toàn bộ những hành vi đó như là sự đối lập với lý tưởng mà cha mẹ chúng tạo ra. Hoặc trường hợp lúc nhỏ trẻ thấy mọi người chê cười bố say rượu, mặc dù sau này chúng có thể tránh khỏi nhưng vẫn có thái độ thù ghét.
 

9. Phản ứng bù đắp  

Thể hiện ở việc trẻ yếu kém ( ốm yếu, không có khả năng chơi thể thao), có thể bù đắp trong các lĩnh vực khác bằng học tập thật giỏi hoặc hiểu biết về các lĩnh vực thể thao. Ngược lại những trẻ không học tập tốt lại bù đắp bằng những hành động dũng cảm với các trẻ đường phố.
 

10. Phản ứng bù đắp thái quá  

Thể hiện ở khuynh hướng kiên trì đối với những yếu kém, ví dụ trẻ ốm yếu thì cố gắng học giỏi. Để chứng tỏ phản ứng theo cơ chế ngược những trẻ nhút nhác lại có những hành động côn đồ, hung hăng dữ dội.
Một số đặc điểm của nhân cách đã có một vai trò quan trọng trong việc hình thành hành động lệch chuẩn của trẻ vị thành niên (sự khiếm khuyết xã hội hóa ). Trong các nghiên cứu cho thấy tính chuẩn bị cao thậm chí tối đa đối với những phản ứng bệnh lý vô xã hội trước các điều kiện không thuận lợi của thiếu niên với những sự biến thái tính cách. Biến thái tính cách thiếu niên là một dạng cực đoan của chuẩn mực. Ở đây các nét riêng của tính cách đã được gia tăng đặc biệt và do đó đã có sự nhạy cảm lựa chọn đối với các tác động có tính tâm lý, đồng thời lại có sự ổn định thậm chí quá mức đối với các nhân tố khác.
Có một số dạng biến thái tính cách – đó là những nét được thể hiện rõ nhất, đưa thiếu niên (trong các điều kiện nhất định) hướng tới việc phủ nhận thích ứng xã hội hóa và thúc đẩy hành động chống xã hội:
 

11. Dạng quá sôi động

Dạng này từ thuở nhỏ đã thường thể hiện tính sôi nổi, quản giao, rất độc lập thậm chí là dũng cảm và có hướng ngỗ nghịch. Trong các nhóm bạn cùng tuổi thì ham muốn làm thủ lĩnh, thích mạo hiểm phiêu lưu. Tính hiếu động này gây nhiều khó chịu cho người lớn. Bọn cùng lớp thì rất nể thể lực của chúng, về tính biết bảo vệ bạn của mình, tìm được cách giải quyết trong tình huống khó khăn. Mặc dù có tư duy nhanh nhạy nhưng học không đều, lơ đãng và không có kỷ luật. Nét nổi bật của chúng là thường xuyên có tâm trạng vui vẻ, thỉnh thỏang mới có cơn nổi nóng giận dữ do sự đối lập từ phía xung quanh (khuynh hướng muốn dập tắt nghị lực sôi nổi của trẻ và bắt trẻ tuân theo ý chí của người lớn). Chúng có phản ứng giải phóng rõ nét, chúng thể hiện tính độc lập tương đối sớm và không thích sự chăm lo theo kiểu lặt vặt. Chỗ yếu của dạng này là không thích sự chăm lo tỉ mỉ, không chịu nổi hoàn cảnh đơn điệu, không có khả năng chấp hành lâu các qui tắc hành động. Thông thường các xung đột xuất hiện do việc cố giành vị trí lãnh đạo. Khi không có sự kiểm soát và giáo dục cần thiết, thiếu niên dạng này có thể rơi vào đám bạn xấu, sẽ ham thích uống rượu, hút thuốc và bắt đầu sớm có quan hệ tình dục. Thông thường các biện pháp tác động có tính trừng phạt trấn áp không có tác dụng mà ngược lại làm cho trẻ chống lại sự tác động đó. Do đó điều quan trọng không phải là trấn áp mà là định hướng cho trẻ phát triển theo hướng tích cực để chúng xả được các điều khó chịu trong lòng.
 

12. Loại năng động

Đặc trưng là không ổn định về tâm trạng, thường xuyên thay đổi đột ngột trước các tác động thậm chí nhỏ nhất của môi trường. Điều này ảnh hưởng đến thái độ của trẻ đối với môi trường xung quanh. Trẻ có tình cảm sâu sắc đối với những ai tỏ ra yêu mến và tôn trọng chúng. Khi mất người thân chúng rất đau khổ, chúng có sự chung thuỷ trong tình bạn và đối với những ai có sự quan tâm, an ủi trong lúc khó khăn, thích bạn bè, thích những môi trường mới và tìm ở đó ấn tượng mới (khác với nhóm sôi nổi trong môi trường hành động). Phản ứng tự giải phóng thể hiện có chừng mực. Chúng chỉ gia tăng trong môi trường gia đình không thuận lợi khi trẻ bị tách rời khỏi nhà. Sự gắn bó với nhóm cũng thể hiện một cách chừng mực, không có nhu cầu đối với thủ lĩnh. Chỗ yếu của trẻ này là khi có sự từ chối về mặt tình cảm từ những người thân, mất đi hoặc là xa cách với họ, hoàn cảnh không thuận lợi kéo dài kết hợp với sự không quan tâm hoặc thái độ không thiện chí từ những người xung quanh, sự xa cách về mặt xúc cảm, sự khinh rẻ từ những người thân thì có thể đẩy trẻ tới việc tìm kiếm các mối quan hệ xúc cảm trong các nhóm phi xã hội.
 

13. Loại hướng nội 

Đặc trưng chủ yếu là sự kín đáo, chìm đắm trong thế giới của các ý tưởng, hình tượng, xa rời thực tế. Chúng ít có khả năng xác lập quan hệ với bạn cùng tuổi. Do không có linh cảm phát triển tốt nên ít có khả năng đoán được ý nghĩ mong muốn của người khác, không có khả năng đồng cảm với niềm vui và nỗi khổ của người khác, không thể hiểu được nỗi đau khổ và bất hạnh của người khác. Yếu về linh cảm và đồng cảm đã tạo ra cảm giác lạnh lùng và vô tình. Phản ứng giải phóng của chúng thể hiện một cách độc đáo : trẻ không thể không phát hiện sự quan tâm quá mức, quá chu đáo của người lớn. Tuy chấp hành những trật tự và chế độ sinh hoạt hiện có nhưng lại chống đối một cách kịch liệt mọi can thiệp dù nhỏ nhất đến thế giới bên trong của sự say mê và hứng thú của mình. Phản ứng tạo nhóm với người cùng tuổi thể hiện kém. Tính kín đáo và xa cách đã cản trở các quan hệ, và độ trơ trước ảnh hưởng bên ngoài không cho phép trẻ hoà nhập với nhóm. Điểm yếu của thiếu niên hướng nội là không có khả năng giao tiếp với môi trường xung quanh. Sự giao tiếp đòi hỏi sự quan tâm chân thành, đồng cảm và hiểu biết sâu sắc. Đối với trẻ điều khó chấp nhận đó là sự can thiệp thô bạo vào thế giới thầm kín của những say mê và tưởng tượng, không có khuynh hướng mê rượu, chất kích thích. Một số trường hợp riêng lẻ thì rượu và ma tuý có thể là liều kích thích truyền thông, là phương tiện trợ giúp việc hình thành các mối quan hệ với trẻ cùng tuổi. Hành vi quậy phá ít có trường hợp gây ra sự nguy hiểm ngoại trừ khả năng tạo ảnh hưởng đối với bạn bè. Nếu như có sự vi phạm pháp luật thì thông thường đó là sự hành động đơn nhất để có sự ái mộ của những người cùng tuổi. Những trẻ này có khuynh hướng trộm một mình và chọn “nghề” trộm đòi hỏi phải có kỹ năng tinh xảo, móc túi hoặc xâm nhập vào nhà thông qua những con đường đặc biệt. 
 

14. Loại bị kích thích, dễ bị hưng phấn 

Một vài nét tính cách của loại này đã được phát hiện ngay từ bé, trẻ có thể khóc hàng giờ và rất khó an ủi trẻ, đã thể hiện tính hung bạo tương đối sớm, thích hành hạ động vật, trêu chọc các em bé và nhạo bán chế giễu chúng. Đặc tính chủ đạo của trẻ này là khuynh hướng có tính chu kì của tâm trạng độc ác, buồn rầu cùng với sự bực tức được tích tụ và tìm kiếm những vật (đối tượng) để hả giận. Kết hợp những cái này là tính bùng nổ của xúc cảm mạnh. Nguyên cớ của sự bùng nổ này có thể rất nhỏ nhặt. Trong trạng thái này trẻ có thể ăn nói cục cằn, thóa mạ, đập phá tất cả những gì rơi vào tay mình, ít có trường hợp thể hiện tự hung hãn đối với bản thân. Trạng thái say rượu đi cùng với sự kích thích mang tính hung tợn, có khuynh hướng giày vò người khác. Phản ứng giải phóng ở trẻ thể hiện rất trầm trọng, đôi khi nó có thể dẫn đến sự thể hiện của sự hung dữ cực điểm và thù hằng đối với những người thân thậm chí hoàn toàn tuyệt giao với họ. Đồng thời trẻ lại có khuynh hướng làm vừa lòng cấp trên nếu như điều đó đem lại sự có lợi cho chúng. Phản ứng tạo nhóm kết hợp với khuynh hướng thống trị cùng với ước muốn chiếm vị trí thủ lĩnh vô điều kiện, nhưng khi đã có quyền thì chúng mất đi chừng mực và điều đó tạo ra sự câm phẫn của những người cùng lứa và sẽ bị những bạn cùng lứa loại bỏ. Những trẻ này thích những trò chơi cờ bạc, thích những trò chơi thể thao mang tính sức mạnh (quyền anh, vật…). Chỗ yếu của loại này là không có khả năng kiềm chế được sự tham quyền của mình và sự ghen tị mãnh liệt. Giáo dục trong điều kiện hà khắc thường dễ dẫn đến các phản ứng hung hãn, là cơ sở của những hành vi tội phạm.
 

15. Loại thể hiện

Đặc điểm của loại này là sự ích kỉ vô bờ bến, thèm muốn sự quan tâm chú ý đến cá nhân mình, sự thán phục, ngạc nhiên, đồng cảm của mọi người. Chúng thường xuyên có tính giả dối và mộng mơ, chủ yếu là tạo sự chú ý đối với mọi người xung quanh, thậm chí khi học ở lớp dưới thành tích của chúng phụ thuộc vào việc chúng có được đặt vào vị trí như là một tấm gương hay không. Với mục tiêu tạo sự chú ý, chúng có thể có những hành động vi phạm những qui tắc, hành vi lệch chuẩn, thường là bỏ học, không thích học và làm việc bởi vì chúng cho rằng cuộc đời “tẻ nhạt”, không phù hợp với chúng. Với khuynh hướng hành động có tính khiêu khích nơi công cộng thì thuở nhỏ chúng thường hay bỏ nhà, thích cường điệu tính cách của mình, sử dụng rượu, ma tuý với khối lượng lớn, uống được nhiều loại rượu khác nhau, thậm chí là mô tả khoái cảm đặc biệt khi sử dụng chất kích thích. Chúng có phản ứng đối lập cố hữu đối với việc mất đi thần tượng trong gia đình, thậm chí khi có sự giảm bớt sự quan tâm từ những người thân. Thường thì loại phản ứng này thể hiện bằng các kiểu phá huỷ như uống rượu, sử dụng ma tuý, ăn cắp, tham gia các nhóm phi xã hội. Tất cả những điều này đều làm cho người thân có sự quan tâm trở lại đối với chúng. Phản ứng tạo nhóm với bạn cùng tuổi thường xuyên gắn liền với những tham vọng thủ lĩnh hoặc có một vị trí đặc biệt trong nhóm. Chỗ yếu của loại này là tính ích kỉ, không có khả năng có vị trí quan trọng giữa các bạn cùng tuổi. Vì vậy chúng thường đau khổ về việc mất đi sự quan tâm của những người xung quanh, đặc biệt là những người có vị trí quan trọng đối với chúng. Chúng đau khổ khi có sự xúc phạm đến lòng tự ái hoặc làm mất đi tính đặc biệt của chúng. Tất cả những điều này đều có thể dẫn tới các xúc cảm mạnh gồm có cả sự tự tử giả cũng như sự phá huỷ hành động, tham gia các nhóm phi xã hội.
 

16. Loại không ổn định

Có đặc trưng là từ nhỏ đã thể hiện sự không nghe lời, thích tham gia mọi thứ nhưng lại rất nhác, dễ bị ảnh hưởng bởi các bạn khác, khó tiếp thu các qui tắc hành động đơn giản. Từ những năm đầu đã không  muốn học hành, từ nhỏ đã sớm xuất hiện ham muốn chơi bời, tiêu khiển, khoái lạc, ăn không ngồi rồi, thích bỏ học đi xem phim hoặc đi lang thang. Thời gian rãnh rỗi thì thích tham dự những nơi tụ tập, từ nhỏ đã biết hút thuốc, hầu như cái gì cũng tham dự vào, thích ăn cắp vặt, la cà với những nhóm bạn đường phố. Chúng thích những cảm giác mạnh như : sử dụng rượu bia, ma tuý, thực hiện các hành vi côn đồ. Phản ứng giải phóng của trẻ thể hiện sự thoát  khỏi mọi sự kiểm soát dù nhỏ nhất của cha mẹ để vui chơi giải trí, để có được những sự khoái lạc. Phản ứng nhóm thể hiện sự ham muốn tham gia (từ thuở nhỏ) các nhóm thiếu niên lêu lỏng ngoài phố. Tính nhác gang và không hăng hái không cho phép chúng có vị trí thủ lĩnh trong nhóm nhưng thường chúng là công cụ tích cực của các nhóm phi xã hội. Chúng được thể hiện với tư cách là những kẻ thực hiện. Chúng không quan tâm đến lao động và học tập và chỉ làm việc trong những trường hợp cần thiết. Hoàn cảnh không ai chăm sóc, được dung túng, dễ giải đã mở đường cho lối sống vô tích sự, nhậu nhẹt, tham dự vào các nhóm phi xã hội và đó cũng là chỗ yếu của loại này. 
 

17. Loại yên ổn 

Nét chủ yếu của dạng này là hoàn toàn chấp nhận những gì xung quanh yêu cầu, trẻ thường mất đi thái độ cá nhân của mình  đối với những gì xung quanh. Bản chất của chúng là sống như mọi người, nghĩ như mọi người, cố gắng sống làm sao như mọi người từ quần áo, nhà cửa, phương tiện đi lại….Trong mọi chuyện chúng thường cố gắng không khác với số đông. Bởi vậy chúng không thể hiện sự chống đối với những gì xung quanh. Trẻ thuộc nhóm nhu nhược này là sản phẩm của môi trường vi mô. Nếu ở trong nhóm tốt chúng sẽ có cố gắng và chấp hành. Còn khi rơi vào môi trường xấu, chúng dần dần tiếp thu tất cả các thói quen, hành vi cũng như cung cách của môi trường đó. Điều đó giải thích tại sao những trẻ loại này do “bạn bè” dễ tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật có tính nhóm. Trẻ này thích buông mạnh thả trôi, không bộc lộ tiềm năng của mình trong học tập và lao động, không có khuynh hướng tích cực độc đáo trong suy nghĩ và hành động. Chúng rất coi trọng vị trí của mình trong nhóm bạn bè thân quen. Chúng coi trọng tính ổn định của nhóm đồng thời cũng không muốn tự chuyển từ nhóm này sang nhóm khác. Phản ứng giải phóng chỉ thể hiện rõ nếu như cha mẹ hoặc người lớn cố gắng tách chúng khỏi môi trường quen thuộc hoặc tách chúng khỏi sự say mê cung cách quần áo, hoạt động của nhóm mà chúng đang theo. Phản ứng nhóm của chúng thể hiện ở việc hoà tan vào nhóm thân quen đồng thời không có nhu cầu trở thành thủ lĩnh. Điểm yếu của chúng là không có khả năng chống đối những ảnh hưởng xấu. Nếu vì lý do nào đó mà nhóm bạn bè xa cách chúng thì chúng dễ rơi vào nhóm bạn bè hư hỏng và uống rượu bia, sử dụng ma tuý, tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật của nhóm và cũng dễ dàng dụ chúng chạy khỏi nhà, đi lang thang hoặc đánh những kẻ khác.
Theo Lisco thì xác suất hay là tần số các vị thành niên biến thái tính cách và tham dự vào các hành vi lệch chuẩn như sau :
- Loại không ổn định : 76%
- Loại bị kích thích : 61%
- Loại thể hiện : 52%
- Loại hướng nội : 44%
- Loại sôi nổi : 36%
- Loại năng động : 36%
Trong khi nghiên cứu trẻ vị thành niên ở trại giáo dưỡng thì các dạng biến thái tính cách thường là không ổn định, bị kích thích. Biểu diễn ở mỗi tính cách này lại có những đặc điểm hành vi lệch chuẩn xác định. Ở trẻ dạng không ổn định thì có hai lứa tuổi của hành vi lệch chuẩn. Nó trùng với thời điểm cấp 1; 2 hoặc cấp 2; 3, trong đó 90% là gắn liền với việc bị kích thích. Ở loại sôi nổi 50% là ở tuổi trước thiếu niên (10 đến 12 tuổi). Ở loại thể hiện thì xuất hiện ở độ tuổi 10 đến 15, ở chúng đã có khuynh hướng ăn cắp, côn đồ, liên quan đến rượu thì có 35%. Ở loại bị kích thích thì giống như loại không ổn định nhưng hành vi của chúng thường là đánh nhau hoặc là có những hành động đánh đập tàn nhẫn. Ở loại hướng nội 60% thuộc về giai đoạn thiếu niên trưởng thành ( 15 đến 16 tuổi) chúng có khuynh hướng tội phạm tình dục.
Động cơ của các hành vi phạm pháp của các dạng trên hoàn toàn có thể khác nhau. Ăn cắp đối với loại không ổn định thường là việc tìm kiếm phương tiện để thỏa mãn sự say mê và khoái lạc. Còn đối với loại sôi nổi thì ăn cắp là để tạo ra uy tín, chứng minh sự dũng cảm và ưu thế đối với bạn cùng tuổi. Loại bị kích thích thì ăn cắp trước tiên là có được tài sản quí, đôi khi là để có được sự mạo hiểm và cảm giác mạnh (cảm giác lạnh buốt), trong quá trình thực hiện ăn cắp đã tạo cho chúng cảm giác sung sướng khó tả. Đối với loại hướng nội thì ăn cắp có tính tượng trưng, ăn cắp để tái lập sự công bằng hoặc là để bổ sung bộ sưu tập của mình.