1. Tâm lý bị cáo

Bị cáo là người hoặc pháp nhân đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử, Khoản 1, Điều 61 Bộ luật TTHS 2015. Cách cư xử của bị cáo tại phiên tòa phần lớn phụ thuộc vào các yếu tố như phẩm chất tâm lý của bị cáo, thế giới quan của bị cáo, thái độ của bị cáo đối với hậu quả của hành vi phạm tội mà bị cáo gây ra, kinh nghiệm tiếp xúc với cơ quan tiến hành tố tụng, thái độ đối với phần buộc tội của Viện kiểm sát trong bản cáo trạng mà bị cáo đã được tống đạt trước khi diễn ra phiên xét xử... Ngoài ra, tính chất công khai, trực tiếp và các điều kiện của hoạt động xét xử có ảnh hưỏng nhất định đến tâm lý bị cáo, làm hình thành ở họ những đặc điểm sau đây trong tâm lý.
 

1.1. Về mặt nhận thức 

Nhận thức của bị cáo có sự chủ động và định hướng. Do đã được tiếp xúc và làm quen với tài liệu của cơ quan điều tra, bị cáo biết được hành vi phạm tội của mình đã bị làm sáng tỏ đến mức độ nào, mình cần phải cung cấp những thông tin gì tại phiên toà. Bị cáo có thể hình dung trước được những câu hỏi mà Hội đồng xét xử sẽ đặt ra cho họ và chuẩn bị trước câu trả lời. Do hoàn toàn chủ động về thông tin nên trong nhiều trường hợp, bị cáo thường tập trung tư duy để tìm cách lý giải các thông tin đã được xác định theo hướng có lợi cho bị cáo. Cũng có thể, bị cáo sẽ cung cấp các thông tin mới, nhằm làm thay đổi mô hình của vụ án, giảm nhẹ tội cho mình.
Tóm lại, do đã có được sự định hướng trong nhận thức, bị cáo có thể chủ động chuẩn bị cho mình những phương án trả lời, những thông tin sẽ cung cấp tại phiên toà.
 

1.2. Về hành vi xử sự

Do đã làm quen với hoạt động tố tụng trong suốt qúa trình điều tra, và do không còn bị hạn chế các thông tin cần thiết, bị cáo đã chủ động cân nhắc, suy tính và lựa chọn một cách thức hành động phù hợp tại phiên toà. Trong hành vi, bị cáo đã có sự bình tĩnh và chủ động hơn so với bị can. Bị cáo đã có thời gian để dự đoán những tình huống có thể xảy ra và cân nhắc trước cách xử sự.
 Bị cáo hiểu rằng, thái độ của họ tại phiên toà có thể dẫn tới giảm nhẹ hình phạt dành cho họ. Vì thế, một trong những hành vi thường thấy ở bị cáo, là họ luôn có xu hướng xử sự tỏ ra thành khẩn và ăn năn hối hận để có được  thiện cảm của Hội đồng xét xử và những người có mặt tại phiên xét xử.
Tại phiên toà, bị cáo bị tác động của điều kiện ngoại cảnh. Yếu tố này có thể dẫn đến sự thay đổi trong thái độ của bị cáo, từ đó dẫn đến thay đổi hành vi xử sự. Chẳng hạn, phản ứng của những người có mặt tại phiên toà có thể làm cho bị cáo lúng túng, mất bình tĩnh. Sự có mặt của những người thân tại phòng xử án cũng có thể ảnh hưởng đến hành vi của bị cáo (khuôn mặt đau khổ của người mẹ già, khuôn mặt non nớt của những đứa con, sự đau đớn của người bị hại... tất cả những cái đó gây một tác động tâm lý rất lớn). Có thể tại đây, tất cả những tác động đó làm bị cáo thấy rằng, cần phải trở thành con người lương thiện, không thể sống theo những suy nghĩ lệch lạc trước đây của mình. Bị cáo hối hận thật sự và thành khẩn nhận tội. Thẩm phán cần phải có được sự nhạy cảm cần thiết để nhận ra sự thay đổi này ở bị cáo. Nó sẽ giúp cho thẩm phán có những quyết định sáng suốt khi cân nhắc hình phạt đối với bị cáo.
 

1.3. Về trạng thái tâm lý

Giống như trạng thái tâm lý của bị can trong giai đoạn điều tra thì ở bị cáo trong giai đoạn xét xử cũng có sự căng thẳng về tâm lý, đôi khi dẫn đến trạng thái bị kích động. Tuy nhiên nguyên nhân dẫn đến sự căng thẳng ở bị cáo lại hoàn toàn khác với nguyên nhân dẫn đến căng thẳng ở bị can. Cụ thể như sau: 
- Thứ nhất, do sự tác động của điều kiện ngoại cảnh, của những người có mặt. Chẳng hạn như phản ứng của quần chúng nhân dân, sự có mặt của người thân. Nếu như ở giai đoạn tố tụng trước thì bị cáo chỉ tiếp xúc với một lượng người ít như Điều tra viên, Kiểm sát viên... thì tại phiên tòa bị cáo phải đứng trước nhiều người gồm cả chủ thể tiến hành và đông đảo những người tham gia, theo dõi phiên tòa.
- Thứ hai, do xuất hiện những thông tin mới có liên quan đến vụ án mà bị cáo không lường trước được (sự thay đổi lời khai của bị cáo khác, của người làm chứng, hoặc xuất hiện những sự kiện mới, tài liệu mới).
- Thứ ba, do lời khai của các đương sự có liên quan, sự có mặt của họ làm tái hiện lại hành vi phạm tội mà bị cáo đã thực hiện, điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến trạng thái tâm lý của bị cáo.
Như vậy, yếu tố chủ yếu dẫn đến những diễn biến tâm lý đặc trưng của bị cáo tại phiên toà là sự chủ động trong nhận thức và tác động của điều kiện ngoại cảnh do tính chất công khai, trực tiếp của hoạt đông xét xử. Là chủ thể tiến hành xét xử, thẩm phán phải biết tận dụng được những yếu tố trên để phục vụ cho mục đích tố tụng của mình.
 

2. Tâm lý người làm chứng

Người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng. Tâm lý của người làm chứng trong giai đoạn xét xử về cơ bản khác tâm lý của người làm chứng trong giai đoạn điều tra. Tâm lý của người làm chứng trong giai đoạn xét xử bị chi phối bởi nhiều yếu tố như: sự xuất hiện công khai tại phiên tòa, thời gian diễn ra phiền tòa từ lúc điều tra đến khi đưa vụ án ra xét xử; áp lực từ dư luận và những người theo dõi phiên tòa...Cụ thể tâm lý của người làm chứng trong giai đoạn xét xử như sau: 
 

2.1. Về nhận thức

- Tại phiên toà, nhận thức của người làm chứng đã chủ động hơn so với khi họ tham gia điều tra. Quá trình cung cấp lời khai tại cơ quan điều tra đã giúp cho người làm chứng có thể hình dung được những vấn đề cần phải trình bày tại phiên toà, họ có thể đã đoán được, Toà án sẽ đặt ra cho họ những câu hỏi như thế nào và chuẩn bị trước câu trả lời. Có thể thấy, tại phiên toà, việc cung cấp chứng cứ của người làm chứng trở nên chủ động hơn so với giai đoạn điều tra. Lời khai của người làm chứng là lời khai lặp lại, do vậy, họ trình bày lưu loát và dễ hiểu hơn. 
- Tại phiên toà, người làm chứng có thể cung cấp những thông tin mới. Qúa trình hình thành lời khai của người làm chứng không kết thúc ở giai đoạn điều tra. Sau khi cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra, người làm chứng vẫn tiếp tục suy nghĩ về diễn biến của vụ án. Mặt khác, tại phiên toà, họ có điều kiện nghe lời khai của các chủ thể khác như: lời khai của bị cáo, người bị hại và của các nhân chứng khác. Tất cả các yếu tố trên tác động đến trí nhớ của người làm chứng, làm cho họ có thể cung cấp những thông tin mới so với ở giai đoạn điều tra.
- Lượng thông tin mà người làm chứng cung cấp tại phiên toà có thể giảm so với lượng thông tin mà họ đã cung cấp cho cơ quan điều tra. Sau khi cung cấp lời khai ở cơ quan điều tra, có một số tình tiết có thể được người làm chứng cho là không quan trọng vì họ thấy điều tra viên không ghi vào biên bản, thì tại phiên toà họ sẽ không đưa ra các thông tin đó. Đồng thời, do người làm chứng đã đoán được những điều cần phải trình bày, họ suy nghĩ trước cách diễn đạt. Điều này có thể dẫn đến những thiếu hụt, sai lệch nhất định trong lời khai của họ. Khi xét hỏi người làm chứng, Hội đồng xét xử phải tính đến tình tiết này để đặt ra các câu hỏi, và tạo các điều kiện để họ có thể trình bày hết những gì họ biết, phòng ngừa sự thiếu hụt các thông tin quan trọng do sai lầm của cơ quan điều tra và sự nhận định chủ quan của người làm chứng.
 

2.2. Về hành vi xử sự

Tại phiên tòa, người làm chứng có thể chịu ảnh hưởng của tác động ngoại cảnh mà hành vi có những đặc trưng sau:
- Họ có thể thay đổi thái độ khai báo, thay đổi lời khai. Nếu ở giai đoạn điều tra, người làm chứng không có điều kiện giao tiếp với các chủ thể khác, thì sang giai đoạn xét xử, họ đã có sự giao lưu tại phòng xử án. Trước khi Hội đồng xét xử làm việc, các nhân chứng có thể gặp gỡ nhau, hoặc có sự giao tiếp với những người khác. Thông qua sự giao tiếp đó, những người làm chứng có thể ảnh hưởng đến nhau, hoặc chịu ảnh hưởng của những người có mặt trong phòng xử án, hoặc chịu ảnh hưởng của dư luận xã hội mà thay đổi thái độ đối với người phạm tội, từ đó dẫn đến thay đổi lời khai. Trong quá trình xét hỏi người làm chứng các chủ thể tiến hành xét xử cần tuân thủ nghiêm các quy định về hỏi người làm chứng như việc hỏi bắt buộc phải được tiến hành riêng với từng người làm chứng và không để cho người làm chứng khác biết được nội dung xét hỏi, và trong trường hợp cần thiết, Tòa án quyết định hỏi người làm chứng qua mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 311, Bộ luật TTHS 2015 để đảm bảo sự ổn định trong tâm lý của họ.
- Do những ức chế về tâm lý dưới ảnh hưởng của điều kiện ngoại cảnh, hành vi của người làm chứng có thể trở nên thụ động. Ở giai đoạn điều tra, người làm chứng cung cấp thông tin về vụ án trong điều kiện chỉ có họ với điều tra viên. Do vậy, họ không bị ức chế về tâm lý. Tại phiên toà, việc cung cấp lời khai của người làm chứng diễn ra trong sự có mặt của đông đảo những người khác. Tính chất công khai của phiên toà, sự tập trung chú ý của nhiều người... có thể ảnh hưởng xấu đến việc cung cấp lời khai của người làm chứng, gây ức chế về tư duy, xúc cảm, làm cho người làm chứng e ngại, rụt rè, không muốn khai báo.
 

2.3. Về trạng thái tâm lý

Tại phiên toà, người làm chứng thường có trạng thái tâm lý căng thẳng hơn so với ở giai đoạn điều tra, có thể do các nguyên nhân sau:
- Người làm chứng có thể cảm thấy không được an toàn khi khai báo do sự có mặt của nhiều người đặc biệt sự có mặt của các bị cáo và họ có thể sợ bị trả thù;
- Sự có mặt của bị cáo hoặc người bị hại có thể gây đến cho người làm chứng những xúc cảm trái ngược, làm hình thành những xu thế khác nhau trong tâm lý người làm chứng. Chẳng hạn, khi bị cáo là ân nhân của người làm chứng thì việc họ phải cung cấp chứng cứ về hành vi phạm tội trong sự có mặt của bị cáo sẽ có thể làm cho người làm chứng bị căng thẳng.
- Phản ứng của những người có mặt có thể làm xuất hiện ở người làm chứng những ức chế trong tâm lý.
Lời khai của ngươì làm chứng tại phiên toà là nguồn chứng cứ quan trọng. Việc phân tích và hiểu được các biểu hiện tâm lý của người làm chứng, nguyên nhân của chúng giúp cho người cán bộ xét xử có những tác động phù hợp đến tâm lý người làm chứng.
Tóm lại, xét xử vụ án hình sự là một hoạt động phức tạp. Trong nó có nhiều đặc điểm đặc trưng về tâm lý. Việc phân tích, làm sáng tỏ các yếu tố tâm lý trong hoạt động xét xử có ý nghĩa quan trọng, giúp cho người cán bộ xét xử có thể phòng ngừa các tác động tiêu cực có thể xảy ra trong hoạt động này.
 

3. Tâm lý người bị hại

Tại phiên tòa bị hại, hoặc người đại diện cho họ được trình bày những tình tiết của vụ án có liên quan đến họ. Sau đó, hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, người bào chữa và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại hỏi thêm về những điểm mà họ trình bày chưa đầy đủ hoặc có mâu thuẫn. Tại khoản 1, Điều 192, Bộ luật TTHS 2015 quy định về sự có mặt của bị hại hoặc người đại diện của họ, thì bị hại và người đại diện của họ không bắt buộc phải có mặt tại phiên Tòa nếu có đơn xin yêu cầu xét xử vắng mặt hợp pháp và sự vắng mặt của họ không làm khó khăn cho quá trình xét xử vụ án và được Hội đồng xét xử đồng ý. Tuy nhiên ở đây khi xem xét tâm lý của bị hại trong giai đoạn xét xử là xem xét bị hại có mặt, có tham dự phiên xét xử thì tâm lý của bị hại có một số đặc điểm sau:
 

3.1. Về mặt nhận thức

 Tại phiên toà, nhận thức của người bị hại cũng chủ động hơn so với khi họ tham gia điều tra. Quá trình cung cấp lời khai tại cơ quan điều tra đã giúp cho người bị hại có thể hình dung được những vấn đề cần phải trình bày tại phiên toà, họ có thể đã đoán được hội đồng xét xử hỏi gì và chuẩn bị trước những gì mình định trình bày;
Lượng thông tin mà người bị hại cung cấp tại phiên toà có thể giảm so với lượng thông tin mà họ đã cung cấp cho cơ quan điều tra. Bởi vụ án xảy ra đã lâu và có thể làm ảnh hưởng đến trí nhớ của người bị hại, đến sự quan tâm của họ đến vụ án, đặc biệt đối với vụ án mà phải mất nhiều thời gian để điều tra.
 

3.2. Về hành vi xử sự

Đến giai đoạn xét xử thiệt hại của người bị hại có thể được giảm bớt hoặc tăng lên theo thời gian, thiệt hại được bồi thường hoặc chưa được bồi thường khắc phục. Hơn nữa khi tham dự phiên tòa một cách công khai, người bị hại phải tiếp xúc tâm lý với nhiều đối tượng khác nhau, đặc biệt họ phải đối mặt với bị cáo đã xâm phạm đến các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tất cả những điều này đều ảnh hưởng đến hành vi xử sự của người bị hại, làm cho họ có thể trở lên thụ động hơn so với việc cung cấp lời khai trong giai đoạn điều tra;
Tuy nhiên khi quyết định tham dự phiên tòa, người bị hại đã có thời gian để suy nghĩ kỹ hơn về tội phạm đã gây thiệt hại cho họ, đã có sự cân nhắc lợi ích hoặc sự ảnh hưởng khi tham gia phiên tòa cung cấp lời khai so với công việc hàng ngày và từ đó tự chủ trong cung cấp lời khai;
Hành vi xử sự của người bị hại trong giai đoạn xét xử tại phiên tòa ít nhiều còn chịu tác động bởi yếu tố cảm xúc (hậu quả của hành vi phạm tội mang lại) nhưng không nặng nề như ở giai đoạn đoạn điều tra, vì ở giai đoạn điều tra tội phạm xâm hại còn mới xảy ra chưa lâu nên ở họ cảm xúc còn mạnh, sâu sắc, tâm lý căng thẳng hoang mang hơn.
 

3.3. Về trạng thái tâm lý

Khi người bị hại tham gia hoạt động xét xử, họ thường có trạng thái căng thẳng nhưng ở bị hại có sự vững vàng hơn về tâm lý so với ở giai đoạn điều tra. Bởi khi tham dự phiên tòa thông qua quá trình xét hỏi của các chủ thể tiến hành làm sống lại diễn biến hành vi phạm tội đã xảy ra trước đó. Điều này làm cho bị hại như một lần nữa bị tra tấn về tinh thần về những hậu quả trước đó mà bản thân và gia đình phải gánh chịu. Những tổn thương về tinh thần và vật chất theo năm tháng đã được làm dịu đi, nhưng tại phiên tòa một lần nữa họ phải chứng kiến lại. Do vậy khi xét hỏi bị hại, hội đồng xét xử nên cân nhắc đặc điểm này để không làm cho bị hại hoảng loạn và áp lực khi tham dự phiên xét xử;
Người bị hại tồn tại trạng thái bức xúc đối với bị cáo và hành vi phạm tội của bị cáo (mức độ có thể giảm hơn so với giai đoạn điều tra do tâm lý của người bị hại đã ổn định hơn, thiệt hại đã được bồi thường một phần hoặc toàn bộ) nên thường thổi phồng sự thật, cung cấp thông tin không chính xác;
Sợ sệt, lo lắng bị cáo sẽ trả thù do giao tiếp trực tiếp công khai tại phiên tòa và biết được nội dung tố cáo của họ;
Trong một số trường hợp người bị hại bị ám ảnh, xấu hổ, mất bình tĩnh trong một số vụ án xâm hại đến danh dự nên từ chối khai báo hoặc khai báo không hết;
Thương hại, thông cảm hoàn cảnh của bị cáo (do biết được hoàn cảnh của bị cáo, do bị mua chuộc, được bồi thường thỏa đáng) nên khai báo có phần giảm nhẹ hoặc rút đơn yêu cầu (trường hợp khởi tố theo yêu cầu);
Bên cạnh đó sẽ có một lượng nhỏ những người bị hại không quan tâm đến hoạt động xét xử nên xin đề nghị xét xử vắng mặt và đề nghị hội đồng xét xử xem lại lời khai đã khai trong giai đoạn điều tra và được lưu trong hồ sơ vụ án.