1. Ý nghĩa của việc nghiên cứu nhân cách

Ngày nay vấn đề nhân cách đang trở thành trung tâm nghiên cứu của các ngành khoa học như triết học, đạo đức học, giáo dục học, xã hội học, tâm lý học... Do đó, có rất nhiều trường phái đưa ra nhiều quan niệm khác nhau về nhân cách. Tuy nhiên vẫn chưa có một trường phái nào giải quyết một cách thỏa đáng, toàn diện bản chất của nhân cách.
Có thể nói, nhân cách là vấn đề trung tâm của khoa học tâm lý và là một "mắt xích" quan trọng trong nhiều môn khoa học xã hội khác nữa, vì thế nắm vững vấn đề nhân cách giúp ta hiểu rõ hơn các vấn đề xã hội lịch sử, nhất là trong hoạt động tư pháp. 
Nếu cán bộ tư pháp không nghiên cứu nhân cách của những người tham gia tố tụng thì không thể đạt được các mục đích của hoạt động này: xác minh sự thật khách quan, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, cải tạo và cảm hóa người phạm tội, đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm.
Nghiên cứu nhân cách của người phạm tội có mục đích không chỉ vạch ra những phẩm chất tâm lý tiêu cực của họ mà còn có mục đích là chỉ ra cho họ những phẩm chất tâm lý tích cực ở họ, để giúp họ phát huy những phẩm chất này. Đây là cơ sở của công tác cải tạo và cảm hóa người phạm tội.
Đối tượng nghiên cứu là nhân cách của bị can, bị cáo, người làm chứng, người bị hại, người bị tình nghi, v.v...
Nghiên cứu nhân cách của bị can, sẽ giúp điều tra viên xác định các phương pháp tác động tâm lý tới họ, đồng thời thấy được sự thay đổi hành vi của bị can do tác động từ bên ngoài, cũng như tìm ra "chiến thuật, phương pháp" đối phó của bị can.
Nghiên cứu nhân cách của bị cáo tại phiên tòa, sẽ tạo điều kiện cho hội đồng xét xử giải quyết một số vấn đề về hình phạt, sự cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi xã hội, về việc xác định chế độ cho bị cáo.
 

2. Định nghĩa nhân cách

Nhân cách và sự hình thành nhân cách là vấn đề trung tâm của tâm lý học, được nhiều tác giả quan tâm nghiên cứu. Tuy vậy đến nay vẫn chưa có định nghĩa nghĩa thống nhất. Dù xem xét ở góc độ nào, chúng ta cũng phải dựa vào quan điểm mác xít về bản chất xã hội của nhân cách. Nhân cách là thước đo mặt xã hội trong sự phát triển cá thể của con người. Nó biểu hiện cụ thể thông qua mức độ tham gia của con người vào nền văn hóa xã hội. Nhân cách là những đặc điểm tâm lý xã hội nói lên giá trị xã hội, cốt cách làm người. Khi xem xét nhân cách thì phải xem xét các quan hệ xã hội lịch sử cụ thể, vị trí của cá nhân trong hệ thống các mối quan hệ xã hội, địa vị của họ trong cơ cấu xã hội, đặc trưng về các quyền con người và tự do của nó.
- Có nhiều định nghĩa về nhân cách. Đề tài khoa học thuộc chương trình khoa học công nghệ cấp nhà nước KX - 07: “Con người Việt nam mục tiêu động lực của sự phát triển kinh tế- xã hội”, đã quan niệm: Nhân cách là sự phù hợp giữa hệ giá trị, thang đo và th¬ước đo giá trị của cá nhân với xã hội - sự phù hợp càng cao thì nhân cách càng lớn. Điều này có thể suy ra: nhân cách gồm những giá trị xã hội - những điều tốt đẹp được xã hội thừa nhận và người nào cũng có nhân cách chỉ khác nhau ở mức độ phù hợp hệ giá trị, thang đo và thước đo giá trị của cá nhân với xã hội.
Theo quan điểm Mác xít về bản chất xã hội của nhân cách. Nhân cách là những đặc điểm tâm lý xã hội nói lên giá trị xã hội, cốt cách làm người hay nhân cách chính là thước đo mặt xã hội trong sự phát triển cá thể con người.
"Nhân cách là tổ hợp những thuộc tính tâm lý của cá nhân, biểu hiện ở bản sắc và giá trị xã hội của người ấy"
"Nhân cách của một cá nhân không sinh ra cùng một lúc khi cá nhân ấy ra đời mà phải được hình thành dần dần bằng hoạt động và giao lưu của từng người trong suốt cuộc đời" Chúng ta chỉ có thể nói đến con người như một nhân cách bắt đầu từ một thời kỳ nào đó trong quá trình phát triển của nó. Nhà tâm lý học Nga X.L.Rubinstein đã viết "con người là cá tính do nó có những thuộc tính đặc biệt, không lặp lại, con người là nhân cách do nó xác định được quan hệ của mình với những người xung quanh một cách có ý thức". 
Nhân cách người phạm tội là những đặc điểm tâm lý không phù hợp với những chuẩn mực xã hội và luôn trái ngược với lợi ích của Nhà nước và cộng đồng
Nhân cách người phạm tội không phải tự nhiên mà có và cũng không phải do bẩm sinh di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, mà nhân cách người phạm tội được hình thành trong quá trình thực hiện tội phạm, quá trình tác động qua lại giữa cá nhân với môi trường sống xã hội tiêu cực.
Như vậy suy ra: Nhân cách của người phạm tội thiếu sự phù hợp giữa hệ thống giá trị, thang đo và th¬ước đo giá trị của cá nhân với xã hội; bị "lấn át" bởi tâm lý tội phạm.
“Lấn át” được hiểu: 
+ Tâm lý tội phạm chỉ lấn át nhân cách trong tình huống, hoàn cảnh nào đó. 
Hiện nay, tội phạm dã man vô nhân tính và bạo hành gia đình xuất phát từ những nguyên nhân “không đáng có” và bột phát tức thì đang có xu hướng tăng nhanh. Một sinh viên vừa trúng tuyển vào trường Đại học, phạm tội giết người. Đối tượng này ở nhờ nhà bác ruột và trong một lần cãi vã đã cầm dao đâm chết con của bác. Hành vi ấy của đối tượng là không thể tha thứ nhưng nguyên nhân sâu xa của hành vi trên là do đối tượng bị ức chế, dồn nén. Những mâu thuẫn giữa đối tượng và gia đình người bác đã tồn tại từ lâu, lần gây án là một lần bột phát. Đôi khi điều kiện sống không tốt lại nảy sinh tâm lý chán đời, hận đời, căm thù số phận nên dễ có nguy cơ phạm tội khi gặp tâm lý kích thích. Nhiều vụ đồng giới giết nhau vì trong tình huống không thỏa mãn sinh lý, hay chồng giết vợ chỉ vì không được “quan hệ tình dục”.
Cho nên để phòng chống tội phạm cần phải có cơ chế dự báo tình huống và phát hiện sớm hoàn cảnh sống khó khăn, ức chế tâm sinh lý có nguy cơ dễ dẫn con người đến  phạm tội.Tổ chức lôi kéo họ trở lại thế cân bằng tâm, sinh lý trước khi họ phạm tội.
+ Tâm lý tội phạm lấn át nhân cách có tính chất “th¬ường xuyên”, kiểu lấn át này thường thấy ở kẻ phạm tội tái phạm nhiều lần, có tính chất “chuyên nghiệp”, cuộc sống chủ yếu là hoạt động phạm tội.  
 

3. Đặc điểm tâm lý của nhân cách

3.1 Khái quát chung

Đặc điểm tâm lý của nhân cách được hiểu như là tổng hợp các phẩm chất cá nhân tương đối ổn định qui định các hình thức hành vi điển hình. So sánh về mặt thực tế giữa nhân cách của tội phạm với nhân cách của công dân nghiêm chỉnh chấp hành luật pháp đã cho phép phát hiện một số nét khác biệt căn bản về nhân cách. Khi nghiên cứu hệ thống chuẩn mực giá trị, Ratinop và các đồng sự đã đưa ra sự khác biệt căn bản giữa tội phạm và công dân chấp hành luật pháp ở trình độ phát triển ý thức pháp luật trong quan hệ với các thiết chế khác nhau của xã hội.
Ở các công dân chấp hành luật pháp có sự đồng tình tối đa đối với luật hình sự cũng như thực tiễn áp dụng luật, điều mà thể hiện yếu nhất ở các tội phạm mặc dù đôi lúc những kẻ tội phạm còn hiểu biết rõ về luật hơn. Mức độ lĩnh hội, hấp thụ các giá trị và chuẩn mực pháp luật với tư cách là “cái gì của mình” ở tội phạm thể hiện ít hơn so với các công dân khác. Động cơ cơ bản để kiềm chế tội phạm tiến hành các hành vi chống đối pháp luật chỉ là sự sợ hãi các hậu quả tai hại chứ không phải là sự chấp thuận với các chuẩn mực và qui định của pháp luật.
Trong thái độ đánh giá với các cơ quan pháp luật thì có sự khác biệt căn bản. Tội phạm đánh giá hoạt động thực tiễn trừng phạt như là cái gì đó đặc biệt khắc nghiệt, nhất là đối với các dạng tội danh mà bản thân họ đã bị xử thì họ có thái độ không tin tưởng đối với cơ quan tư pháp. Những tội phạm vụ lợi thường có thái độ hoài nghi đối với những quyết định của cơ quan pháp luật. 
Việc nghiên cứu chuẩn mực của nhân cách tội phạm vẫn chưa đủ để làm rõ bản chất tâm lý của nhân cách tội phạm, từ đó, để làm rõ nguyên nhân hành vi tội phạm. Antonhan đã nghiên cứu các đặc trưng tâm lý của tội phạm và các phạm trù riêng biệt của chúng. Ông đã nghiên cứu tội phạm hình sự chung như: giết người, hiếp dâm, côn đồ, ăn cắp, ăn cướp, ăn cắp tài sản cũng như là gây thương tích nghiêm trọng. 
Khi so sánh giữa hai nhóm phạm tội và không phạm tội đã có sự khác biệt căn bản về tâm lý, điều này đã qui định hành vi chống pháp luật của họ. Antonhan nhận xét: “Khái niệm nhân cách tội phạm có thể “chứa” nội dung tâm lý này bởi vì những nét tâm lý này đã tham gia vào sự hình thành diện mạo đạo đức của nhân cách, có cơ sở để khẳng định rằng tội phạm khác với người không phạm tội chính là ở pháp luật - đạo đức” . 
 

3.2 Đặc điểm tâm lý nhân cách của từng loại tội phạm 

Các kết quả nghiên cứu đã cho phép xây dựng bức tranh tâm lý tội phạm với những nét nhân cách điển hình đối với chúng.
Trước tiên là tội phạm có sự thích ứng xã hội kém, sự không thỏa mãn về địa vị của mình trong xã hội, chúng thể hiện rõ nét sự xung đột bộc lộ trong sự tự kiểm soát kém hành động của mình, ở các hành vi không suy nghĩ, ở sự không trưởng thành về mặt xúc cảm và tính ấu trĩ. 
Các chuẩn mực pháp luật - đạo đức không có ảnh hưởng căn bản đến hành vi của họ. Những người này thường không hiểu xã hội yêu cầu gì ở họ, hoặc hiểu nhưng không muốn thực hiện những yêu cầu đó, bởi vì ở chúng đã có sự biến dạng đối với sự kiểm soát chuẩn mực. Họ đánh giá tình huống xã hội không phải từ góc độ đạo đức yêu cầu pháp lý mà là từ tình cảm cá nhân, sự giận dữ cũng như ý muốn của mình. Hay nói cách khác, đặc trưng cơ bản của họ là sự rối loạn cơ chế thích ứng xã hội. 
Ngoài ra, họ còn có khiếm khuyết trong lĩnh vực giao tiếp: không có khả năng thiết lập quan hệ với những người xung quanh, không biết nhìn từ góc độ của người khác, không biết nhìn bản thân từ phía ngoài. Điều này dẫn đến việc suy giảm khả năng định hướng phù hợp và tạo điều kiện xuất hiện các ý tưởng đầy xúc cảm gắn liền với những quan niệm về sự thù địch từ những người xung quanh đối với mình. Tất cả những cái này đã tạo ra những nét tính cách như không cởi mở, tính xa lạ, khép kín bản thân, mặt khác lại là tính hung hãn và đa nghi. Kết quả là việc đánh giá đúng đắn tình huống ngày càng khó khăn. Ngoài ra, do hành động bị qui định bởi các tâm thế xúc cảm, còn hành vi của mọi người xung quanh được xem xét như là cái gì đó nguy hiểm đe dọa nhân cách, do đó, đã dẫn đến phương pháp tìm lối thoát có tính chống pháp luật.
Các nét tâm lý trên thể hiện khác nhau đối với các loại tội phạm, điển hình nhất là đối với các loại tội phạm tham ô. Khác với các loại tội phạm khác, những kẻ tham ô là có tính thích ứng cao đối với các tình huống xã hội, họ định hướng tốt đối với các chuẩn mực xã hội cũng như yêu cầu xã hội, biết kiềm chế, có thể kiểm soát tốt hành vi của mình. Họ tỏ ra dễ giao thiệp, không gặp khó khăn trong việc xác lập các quan hệ xã hội, nhiều người trong họ thể hiện rõ nhu cầu địa vị - thích làm thủ lĩnh, thích được công nhận. Họ ít có sự căng thẳng tâm lý, thể hiện mức độ cao của sự nhập tâm các chuẩn mực xã hội.
 

3.2.1 Tội phạm vụ lợi - bạo lực

Là một nhóm riêng với các đặc điểm tâm lý rõ nét, chúng có mức độ kiểm soát về mặt trí tuệ và ý chí thấp nhất. Đặc trưng của họ là sự thù địch cao đối với môi trường xung quanh, hành vi tội phạm đó là sự chỉ rõ hành động của chúng, chúng rất khó chấp nhận các chuẩn mực đạo đức pháp lý. Các nét ấu trĩ thể hiện ở khuynh hướng thoã mãn trực tiếp nhu cầu cá nhân, kết hợp với sự vi phạm sự điều chỉnh chuẩn mực hành vi chung, với sự không kiểm soát và tính bất ngờ của hành vi. Họ còn có sự xa lạ với môi trường xã hội cùng với đó là giảm thiểu khả năng đánh giá phù hợp hoàn cảnh, có độ cứng nhắc chung và độ lì của xúc cảm.
 

3.2.2 Tội phạm trộm cắp

giống với tội phạm vụ lợi - bạo lực, nhưng đặc trưng tâm lý của chúng được thể hiện yếu hơn, họ thích ứng với xã hội hơn, ít xung động hơn, ở họ ít có độ cứng nhắc và độ lì về xúc cảm. Tội phạm trộm cắp thường có hành vi linh hoạt nhất và có mức độ lo lắng ít nhất, họ rất quảng giao, có kỹ năng giao tiếp tốt và có khuynh hướng xác lập quan hệ với mọi mgười, tính hung hãn thấp, có khả năng kiểm soát bản thân, đối với chúng ít có sự tự trách bản thân vì những hành vi đã làm. 
 

3.2.3 Tội phạm hiếp dâm

Đặc trưng tâm lý của những người phạm tội hiếp dâm, đó là khuynh hướng trở thành chủ đạo, chiếm ưu thế và vượt khó khăn. Ở họ độ nhạy cảm thấp với các quan hệ con người (lạnh nhạt, hờ hững) đồng thời ít thể hiện sự tự phân tích cũng như khả năng đặt mình vào vị trí người khác. Sự kiểm soát hành vi một cách trí tuệ cũng thấp như ở tội phạm vụ lợi - bạo lực. Điển hình ở chúng là cố tình thể hiện mẫu hành vi kiểu đàn ông, điều này thể hiện ở tính chất của hành vi mà chúng thực hiện : động cơ sinh lý được thể hiện ít nhất mà chủ yếu là sự khẳng định vai trò đàn ông. Họ có đặc trưng là tính xung động cứng nhắc, xa lạ xã hội và sự rối loạn trong việc thích ứng xã hội.
 

3.2.4 Tội phạm giết người

Tất cả những loại tội phạm trên được thể hiện rõ nét nhất ở những tội phạm giết người, nhưng chúng cũng có một số tính chất riêng: những tội phạm giết người thường là những những người xung động, với mức độ lo sợ cao và độ kích thích xúc cảm lớn mà trước tiên là tập trung vào những xúc cảm bản thân còn trong hành vi thì chỉ tuân thủ theo lợi ích của mình. Chúng không có quan niệm về giá trị cuộc sống người khác và cũng không có sự đồng cảm rõ nét, chúng không ổn định trong các mối quan hệ xã hội và hay có hướng xung đột đối với những người xung quanh. Khác với những loại tội phạm khác, những kẻ giết người có sự không ổn định về xúc cảm, tính phản ứng của hành vi cao, có tính chủ quan (thành kiến) rõ nét trong việc nhận thức và đánh giá những gì xung quanh, về mặt nội tâm thể hiện sự không có tổ chức, độ lo lắng cao đã sinh ra những nét như là đa nghi, thù hằn kết hợp với những căng thẳng và dễ nổi nóng.
Atonhan nhận xét: “Những kẻ giết người cảm nhận môi trường như là cuộc thù địch, do đó, chúng khó có sự đánh giá đúng đắn về tình huống và bản thân, sự đánh giá này lại dễ thay đổi do sự tác động của những xúc cảm, độ thụ cảm cao đối với các nhân tố của con người với nhau dễ dẫn tới cá nhân chúng dễ bị kích thích trong bất kì quan hệ xã hội nào được cảm nhận như là đe dọa đối với chúng”. 
Những người này thường có quan niệm cứng nhắc, khó thay đổi, mọi khó khăn mà họ gặp phải trong cuộc sống được xem như là kết quả của những hành động thù địch, khi gặp thất bại thì họ đổ lỗi cho người khác nhằm rũ bỏ trách nhiệm của mình.
Những kẻ giết người rất coi trọng cái gọi là danh dự cá nhân, họ có tính tự ái bệnh hoạn kết hợp với sự đánh giá quá cao và không phù hợp về bản thân, cảm xúc thường xuyên về việc người khác có tài sản/tiền nhiều hơn mình một cách không xứng đáng đã làm cho họ mong muốn nảy sinh khát vọng bảo vệ quyền lợi của mình và họ có thể sẽ đóng vai trò “những người đấu tranh vì sự công bằng”. Bởi vậy sự giết người “công bằng” đó họ có thể thực hiện không chỉ khi cướp bóc (dường như để phân phối lại của cải) mà còn vì sự trả thù hay ghen tuông, thậm chí cả khi có những hành vi côn đồ để bảo vệ danh dự cá nhân. 
Những tội phạm giết người có đặc trưng suy thoái về mặt xúc cảm, xa lạ về mặt tâm lý, khó khăn trong việc xác lập các mối quan hệ, không cởi mở, không quảng giao, họ thường cảm thấy khó khăn trong việc lĩnh hội các chuẩn mực đạo đức pháp lý, thường thì họ hay tiến hành tội ác đối với những người hoặc tình huống mà có sự kích động tích lũy, khi không nhìn thấy (không muốn nhìn thấy) biện pháp khác để giải quyết xung đột.
Họ thường chia tính cách người khác theo kiểu sơ đồ mà đặc trưng đối với họ đó là tính hung hãn, thù địch (tính trả thù), điều đó dẫn tới việc họ bắt đầu tiếp nhận những người xung quanh như là thù địch và hung hãn. Do đó, khi thực hiện hành vi bạo lực, những kẻ giết người cho rằng chúng đang bảo vệ danh dự mình cũng như lợi ích của người khác. Hành vi bạo lực của chúng thường thực hiện theo nguyên tắc “chập mạch” thậm chí một nguyên cớ nhỏ cũng có thể tạo ra những hành động có tính tàn phá.
Các nghiên cứu của V.V.Popop - nhà tâm lý học làm việc ở trại giam, đã cho thấy tất cả những kẻ này đều bị chấn thương tâm lý ở mức độ nặng do nguyên nhân từ những hành vi đã làm, do bị kết án tử hình đang chờ đợi sẽ bị thi hành hay không. Những tình cảm nặng nề phổ biến ở những người chịu hình phạt chung thân thường do các nguyên nhân sau:
+ Cảm giác tội lỗi trước người bị hại và thân nhân;
+ Cảm giác tội lỗi trước bản thân và người thân của mình;
+ Không có liên lạc với người thân hoặc do sự cắt đứt quan hệ với người thân;
+ Do mất tự do;
+ Do cảm nhận sự thất bại cá nhân, không có khả năng thay đổi gì trong tình thế hiện nay;
+ Do hạn chế giao tiếp với những người đồng phạm;
+Do không có tương lai được ra tù;
+ Do sự thay đổi lối sống thường ngày và sự đơn điệu trong tù.
Có một dạng phạm tội làm cho xã hội luôn bị chấn động – đó là dạng hãm hiếp - giết người hàng loạt, đang trở thành phổ biến trong thời gian gần đây.
Những kẻ cuồng sát hiếp dâm thường theo dõi nạn nhân và bất ngờ tấn công, làm cho nạn nhân bị sốc, đã hãm hiếp và gây vô số thương tích trên thân thể nạn nhân, mổ bụng, lôi nội tạng ra ngoài, giày xéo cơ quan sinh dục của nạn nhân.. Những hành vi này làm mọi người kinh hoàng vì sự man rợ, tàn bạo bất thưng và vô nghĩa của chúng, nhất là trong số nạn nhân có trẻ em.
 

3.2.5 Tội phạm về hãm hiếp - giết người hàng loạt

Hãm hiếp - giết người hàng loạt có những đặc điểm sau:
+ Số lượng nạn nhân không dưới 2 người 
+ Nạn nhân thường là trẻ em, trẻ thiếu niên và phụ nữ
+ Phần lớn các vụ án này được thực hiện vô cùng dã man
+ Tất cả những trường hợp giết người đều đi cùng với hãm hiếp
+ Đa số các trường hợp, việc lựa chọn nạn nhân có tính ngẫu nhiên.
+ Các vụ giết người này có chu kỳ và phương tiện gây án khác nhau
+ Đôi lúc có hiện tượng tội phạm ăn thịt nạn nhân
Về đặc điểm tâm lý của những tội phạm này là: chúng có đặc trưng nhạy cảm dễ bị tổn thương, căng thẳng nội tâm, lo lắng, đa nghi, thù dai, độ hung hãn cao. Tâm thế hung hãn, tính không nhẫn nại, thù địch đã làm cho chúng không thay đổi khuôn mẫu hành vi, thích ứng xã hội kém. Ngoài ra chúng còn có tính xung động, thực hiện hành động trực tiếp khi xuất hiện các nhu cầu – kích động,  tính ích kỷ cao kết hợp với việc tập trung đến những gì thuộc về cá nhân mình, hờ hững đối với tình cảm và hứng thú của người khác, đôi lúc chúng có cảm giác mình là người đặc biệt, thường xuyên mong muốn tự khẳng định bản thân, muốn mọi người chú ý tới mình.
Những kẻ hãm hiếp – giết người hàng loạt có đặc điểm : xu hướng vô thức tạo khoảng cách giữa mình và thế giới xung quanh. Điều này có thể giải thích như là sự phá hủy lâu dài và sâu sắc quan hệ với môi trường xung quanh. Bản thân tội phạm coi môi trường này như là một cái gì đó có tính chất thù địch, luôn có tính đe dọa đối với chúng. Hiện tượng này gắn liền với tính đa nghi, thù dai, nhạy cảm cao đối với các tác động bên ngoài, không hiểu những gì xung quanh, từ đó gia tăng trạng thái lo lắng và sợ chết. 
 

4. Kết luận chung

Đa số những tội phạm chủ ý có những nét tâm lý đồng nhất như: tính xung động, tính hung hãn, phi xã hội, siêu nhạy cảm đối với quan hệ liên nhân cách, thái độ lạnh nhạt, xa lạ, sự thích ứng xã hội kém. 
Đặc trưng tâm lý của tội phạm có thể xem xét như là những gì có thể tạo điều kiện cho việc thực hiện tội ác, hay nói cách khác đó là những phẩm chất cá nhân hạ ngưỡng mầm mống phạm tội.
Khi xem xét về các khía cạnh đạo đức tâm lý tội phạm, có thể khẳng định như Antonhan rằng: “Nhân cách của tội phạm khác với nhân cách của công dân chấp hành pháp luật ở nội dung có tính tiêu cực của hệ thống giá trị chuẩn mực, những đặc điểm tâm lý ổn định mà sự kết hợp của chúng có ý nghĩa mầm mống tội phạm và đặc trưng cho chính những kẻ tội phạm. Đặc điểm của bộ mặt tâm lý đạo đức này là một trong những nhân tố để tạo ra tội do họ thực hiện, nhưng điều này không phải là sự tâm lý học hóa các nguyên nhân của tính tội phạm, bởi vì, các đặc diểm đạo đức được hình thành dưới ảnh hưởng của các quan hệ xã hội mà cá nhân đó tham dự, hay nói cách khác, đặc điểm đạo đức là nguồn gốc xã hội”.
Đặc điểm tâm lý của nhân cách tội phạm thực hiện do sơ suất. Các nghiên cứu đã xác định rằng những người thực hiện hành vi tội phạm khác với các đặc điểm do chủ ý, đối với họ đặc trưng là phản ứng mang tính chất hướng nội đối với tình huống cùng quẫn, tức là cảm giác có lỗi vì đã không thành công, mất đi bản thân mình. Điều này khác với nhóm tội phạm chủ ý có khuynh hướng buộc tội những người xung quanh. Tội phạm không chủ ý cũng có đặc trưng là độ sợ hãi cao, họ còn có những tính chất như không tự tin vào bản thân, khuynh hướng xúc động mạnh khi gặp stress và tự kiểm soát quá mạnh. Trong các tình huống khẩn cấp thì họ dễ mất bình tĩnh và có khuynh hướng phản ứng có tính xúc cảm hơn là lý trí và bình tĩnh đối với những hiểm hoạ. Tất cả những điều này dẫn đến sự phá vỡ tính tổ chức của hành động trong tình huống sự cố, dẫn tới sự gia tăng việc sai lầm. Những người này ở trong trạng thái say rượu sẽ làm tăng tối đa khả năng gây tai nạn giao thông.