Mục lục bài viết
- 1. Khái quát chung
- 2. Đối tượng, nhiệm vụ nghiên cứu của tâm lý học tội phạm
- 2.1 Đối tượng nghiên cứu của tâm lý học tội phạm
- 2.2 Nhiệm vụ nghiên cứu của tâm lý học tội phạm
- 3. Các phương pháp nghiên cứu của tâm lý học tội phạm
- 3.1 Phương pháp quan sát
- 3.2 Phương pháp đàm thoại (trò chuyện)
- 3.3 Phương pháp nghiên cứu lý lịch
- 3.4 Phương pháp thực nghiệm
- 3.5 Phương pháp nghiên cứu sản phẩm hoạt động
- 3.6 Phương pháp tổng hợp các tài liệu một cách khái quát
1. Khái quát chung
Tâm lý học tội phạm là một khoa học: Cuối thế kỷ XIX tâm lý học mới ra đời (1879), trước thời kỳ này đã xuất hiện ít nhiều tác giả, tác phẩm đề cập đến một số vấn đề thuộc về tâm lý của tội phạm: Tác giả người Đức C.Eccart-Sgaiden (1752-1803) đã viết "Những vấn đề tâm lý trong xét xử tội phạm", M.M. Sêrbatốp (1733-1790). Trong các tác phẩm của mình ông đề nghị: khi soạn thảo pháp luật phải chú ý đến đặc điểm cá nhân của nhân cách con người, một trong những vấn đề đầu tiên là tăng cường miễn chấp hành hình phạt. Ông đã đánh giá cao yếu tố lao động trong việc cải tạo, cảm hóa và giáo dục người phạm tội. Năm 1792 nhà triết học người Đức I.Kh.Saumann (1768-1821) xuất bản cuốn sách "Những suy nghĩ về tâm lý học hình sự", đã đề cập đến sự cần thiết vận dụng tâm lý học vào lĩnh vực điều tra tội phạm... Vào cuối thế kỷ XIX ở Nga xuất hiện nhiều công trình nghiên cứu về tâm lý học tư pháp, trong đó có L.E.Vladimirốpva với tác phẩm "Các đặc điểm tâm lý của người phạm tội trong nghiên cứu hiện đại".
Năm 1898, nhà tội phạm học Grans Gross đã có tác phẩm "Tâm lý học tội phạm", đã xác định "tâm lý học tư pháp là một ngành tâm lý học ứng dụng. Cần có ngành khoa học tâm lý ứng dụng đặc trưng để nắm bắt những quy tắc điều khiển các quá trình tâm lý trong hoạt động tư pháp". Có thể coi năm 1898 là sự ra đời của tâm lý học tội phạm.
Tiếp theo tâm lý học hành vi, tâm lý học phân tâm và tâm lý học hoạt động là những trường phái đã có những công trình nghiên cứu ít nhiều đề cập tới cơ chế của hành vi phạm tội vào đầu những năm của thế kỷ XX. Kể từ đó đến nay, tâm lý học tội phạm luôn được quan tâm nghiên cứu và không ngừng phát triển, đáng chú ý có một số công trình sau: “Bảo vệ tâm lý và tự biện hộ trong sự phát sinh hành vi phạm tội” của A.R.Ratinôv và G.Kh.Ephơrêmôva, "Những khía cạnh xã hội - tâm lý của tội phạm vị thành niên” của A.I. Đôngôva (1981), “Động cơ hành vi phi pháp của vị thành niên” của A.P. Tudốp (1982); "Sự sai lệch xã hội” do các nhà khoa học Liên xô (cũ) biên soạn 1984 và đã được tác giả Đức Uy dịch ra tiếng Việt: "Sự sai lệch chuẩn mực xã hội".
Kết quả của các nghiên cứu về tâm lý người phạm tội, nguồn gốc của tâm lý của tội phạm, cơ chế hành vi phạm tội, đã được ứng dụng rộng rãi trong công tác phòng ngừa, phát hiện và điều tra, xử lý tội phạm nhằm giữ gìn an ninh trật tự (ANTT).
2. Đối tượng, nhiệm vụ nghiên cứu của tâm lý học tội phạm
2.1 Đối tượng nghiên cứu của tâm lý học tội phạm
Đối tượng nghiên cứu của tâm lý học tội phạm là nghiên cứu tâm lý người phạm tội và tâm lý phạm tội thông qua hoạt động phạm tội. Đối tượng nghiên cứu này gồm nhiều nội dung, trong đó có những nội dung chủ yếu:
- Nghiên cứu các hiện tượng, các đặc điểm tâm lý nảy sinh trong quá trình hoạt động phạm tội. Việc nghiên cứu, phân tích tâm lý hoạt động phạm tội có ý nghĩa quan trọng, giúp làm rõ các yếu tố liên quan đến quá trình thực hiện tội phạm như: thái độ, động cơ, mục đích cũng như diễn biến và hậu quả tâm lý ở cá nhân khi thực hiện tội phạm.
- Nghiên cứu nguồn gốc của tâm lý tội phạm: Tội phạm là một hiện tượng phức tạp. Việc phát hiện, ngăn chặn, giảm thiểu tội phạm không thể tiến hành một cách có hiệu quả nếu không nghiên cứu đầy đủ các yếu tố làm phát sinh, phát triển tội phạm hay một hành vi phạm tội cụ thể.
- Nghiên cứu nhân cách người phạm tội: Những lệch lạc trong nhân cách người phạm tội và các yếu tố tác động làm hình thành và suy thoái nhân cách. Những nghiên cứu này làm cơ sở cho việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa, điều tra, xét xử và giáo dục cải tạo người phạm tội, giúp họ tái hòa nhập với xã hội.
- Nghiên cứu về tâm lý của nhóm phạm tội - chủ thể tội phạm hoạt động theo nhóm. Việc nghiên này phục vụ có hiệu quả công tác phòng chống nhóm phạm tội, nhất là loại tội phạm có tổ chức.
- Nghiên cứu tâm lý của chủ thể từng loại tội phạm để có giải pháp phòng chống có hiệu quả từng loại tội phạm đó.
2.2 Nhiệm vụ nghiên cứu của tâm lý học tội phạm
Hiện nay, tâm lý học tội phạm tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Kế thừa những hạt nhân hợp lý của các trường phái tâm lý học về tội phạm, cơ chế của hành vi phạm tội, để có giải pháp phòng chống tội phạm có hiệu quả.
- Làm rõ các quy luật hình thành và phát triển các hiện tượng tâm lý tiêu cực dẫn cá nhân đi vào con đường phạm tội. Trên cơ sở đó xác định phương hướng phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất tội phạm xảy ra.
- Nghiên cứu những hiện tượng tâm lý của người phạm tội trước, trong và sau khi thực hiện hành vi phạm tội cụ thể để nêu ra những chỉ dẫn về phương diện tâm lý phục vụ công tác phòng ngừa, điều tra và xử lý tội phạm.
- Nghiên cứu những hiện tượng tâm lý liên quan tới các hoạt động phòng ngừa tội phạm trong giai đoạn hiện nay. Vì tâm lý tội phạm và tội phạm có tính xã hội - lịch sử.
- Góp phần hoàn thiện hệ thống lý luận của tâm lý học nói chung và tâm lý học tội phạm nói riêng, nhằm đáp ứng những yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của hoạt động bảo vệ pháp luật.
3. Các phương pháp nghiên cứu của tâm lý học tội phạm
3.1 Phương pháp quan sát
Phương pháp quan sát được dùng trong nhiều khoa học, trong đó có tâm lý học. Quan sát là quá trình tri giác có chủ định nhằm xác định những đặc điểm, của sự vật, hiện tượng nào đó.
Phương pháp quan sát trong nghiên cứu tâm lý người là quá trình tri giác có chủ định những hành vi của con người trong điều kiện tự nhiên, để xác định tâm lý của họ.
Phương pháp này có thể phán đoán được các diễn biến nội tâm của đối tượng và các vấn đề khác cần quan tâm. Chẳng hạn, việc quan sát có thể được tiến hành trong quá trình kiểm tra thân thể của bị can: Các dấu vết, dị tật, dị dạng qua đó hiểu biết nhất định về sức khỏe (nhất thanh, nhì sắc), nghề nghiệp, thói quen của bị can. Thông qua quan sát các hoạt động của đối tượng, nét mặt và các biểu hiện khác của họ như cách ăn mặc, tác phong, lời nói, cử chỉ, hành lý, đồ dùng,v.v... có thể phán đoán thái độ của đối tượng đối với hành vi mà họ đã thực hiện.
Phương pháp quan sát có một số đặc điểm đặc thù sau:
- Chủ thể tiến hành quan sát cũng có thể trở thành người bị quan sát. Có nghĩa là, khi ta tiếp xúc với một đối tượng để thu thập thông tin, thì họ (đặc biệt là bị can, bị cáo) cũng rất muốn biết ta đang nghĩ gì, muốn gì ở họ. Vì vậy, họ cũng tiến hành quan sát ta để có được những thông tin cần thiết về chủ thể đang quan sát mình.
- Việc sử dụng phương pháp quan sát có thể gặp những trở ngại nhất định, vì đối tượng của quan sát có thể có những động tác giả để che đậy nội tâm của mình. Đối với người phạm tội hoặc những người có thái độ không thành khẩn thì khi tiếp xúc với người cán bộ tư pháp, họ luôn có ý thức che giấu những diễn biến nội tâm của mình. Họ có thể dùng những động tác giả bên ngoài để đánh lạc hướng chủ thể quan sát. Chẳng hạn, một bị cáo tại phiên toà có thể khóc nức nở và thể hiện sự hối hận một cách rất “nghệ thuật” mặc dù thật tâm anh ta không hề hối cải.
- Điều kiện của hoạt động tư pháp có thể gây những tác động lớn đối với tâm lý của các chủ thể tham gia. Vì vậy, tâm lý của họ thường bộc lộ dưới rất nhiều sắc thái khác nhau. Chẳng hạn, cũng là thái độ khai báo của người làm chứng, khi khai báo tại cơ quan điều tra, họ có thể tích cực và chủ động. Nhưng tại phiên toà, sự chú ý của nhiều người có thể gây cho người làm chứng tâm lý e ngại, làm cho họ trở nên thụ động hơn khi khai báo.
Từ những đặc thù trên, khi sử dụng phương pháp này, ta cần chú ý những vấn đề sau:
- Xác định rõ mục đích, nội dung và kế hoạch quan sát. Phương pháp quan sát thường đạt hiệu quả cao khi ta đã có những giả thiết nhất định về đối tượng, quan sát là để kiểm tra giả thiết đó.
- Không nên để lộ cho đối tượng bị quan sát biết được mục đích của người quan sát. Nếu họ biết được mục đích của người quan sát, họ có thể mất tự nhiên, không thoải mái, thậm chí giả tạo, đóng kịch.
- Sự biểu hiện của tâm lý là rất đa dạng và phụ thuộc vào tình huống. Do đó, ta cần tiến hành quan sát đối tượng nhiều lần trong những tình huống khác nhau.
- Tính hợp lý khi sử dụng phượng tiện lưu giữ kết quả quan sát và lưu giữ kết quả quan sát một cách chi tiết, khách quan và không được có định kiến khi quan sát đối tượng.
- Cán bộ điều tra phải là người có năng lực quan sát tốt, nhanh chóng, nhạy bén phát hiện vấn đề, có khả năng hệ thống hóa và so sánh các kết quả quan sát với kết quả do các phương pháp khác đem lại.
3.2 Phương pháp đàm thoại (trò chuyện)
Là phương pháp nghiên cứu trong đó nhà nghiên cứu tiếp xúc với "đối tượng" để đặt ra những câu hỏi và dựa vào trả lời của họ để trao đổi, hỏi thêm nhằm thu thập những thông tin về vấn đề cần nghiên cứu.
Có thể đàm thoại trực tiếp hoặc gián tiếp qua phương tiện thông tin tuỳ sự liên quan của đối tượng với điều ta cần biết. Có thể hỏi thẳng hay hỏi đường vòng.
Tiến hành phương pháp này thường gặp những khó khăn:
+ Không phải ai cũng có thể trình bày ý nghĩ, sự việc một cách mạch lạc, rõ ràng cho dù họ rất muốn làm việc đó.
+ Mức độ tự nguyện nói ra sự thật trong những hoàn cảnh khác nhau đều khác nhau.
Muốn đàm thoại thu được tài liệu tốt, nên :
+ Xác định rõ mục đích, yêu cầu (vấn đề cần tìm hiểu)
+ Tìm hiểu trước thông tin về đối tượng đàm thoại với một số đặc điểm của họ.
+ Có một số kế hoạch trước để hướng câu chuyện.
+ Rất nên linh hoạt trong việc “lái hướng” này để câu chuyện vẫn giữ được lôgíc của nó, vừa đáp ứng yêu cầu của người nghiên cứu. Trong trường hợp cần thiết cần tạo ra một không khí thẳng thắn và tin tưởng để tranh thủ sự hợp tác của những người được hỏi.
+ Nên đưa ra những câu hỏi rành mạch, rõ ràng.
3.3 Phương pháp nghiên cứu lý lịch
Phương pháp nghiên cứu lý lịch hay còn gọi là phương pháp nghiên cứu lai lịch, tiểu sử. Phương pháp này dựa trên cơ sở xem xét quá trình sống và làm việc của người phạm tội trong quá khứ cho đến thời điểm nghiên cứu để dựng lại chân dung của đối tượng thông qua việc hệ thống hóa các quan hệ xã hội của đối tượng. Qua việc dựng lại các quan hệ trên, cán bộ điều tra có cơ sở nắm bắt các đặc điểm của đối tượng như: Trình độ học vấn, nghề nghiệp, kinh nghiệm, vốn sống xã hội, quan điểm chống đối; tìm ra đặc điểm của quá trình hình thành tâm lý của người đó; lý giải những nguồn gốc của các phẩm chất tốt hay phẩm chất tiêu cực của người đó.
Nghiên cứu lý lịch không có nghĩa là chỉ giới hạn trong việc xem xét cuộc sống của bản thân cá nhân đó mà phải nghiên cứu về gia đình, những người thân quen của cá nhân, sự tham gia vào đời sống xã hội (tổ chức xã hội, các đoàn thể) của cá nhân, nghiên cứu những năm tháng ở trường phổ thông và ở các cấp học khác, nghiên cứu các hướng khác nhau của lao động sản xuất và chiến đấu. Trong quá trình đó họ có thành tích, kỷ luật gì, mức độ thành thạo trong lao động, xu hướng nghề nghiệp và thói quen của họ. Các quan hệ khác của đối tượng như bạn bè hay với đồng bọn trong quá trình phạm tội để có đối sách có hiệu quả.
Khi sử dụng phương pháp này, cán bộ điều tra cần: Quan tâm tới các mối quan hệ có ảnh hưởng, tác động lâu dài nhất đến đối tượng. Đây là các mối quan hệ quy định nội dung và phẩm chất của các đặc điểm tương đối ổn định trong nhân cách đối tượng; những biến cố và sự thay đổi lớn trong quá trình sống và hoạt động của đối tượng; thái độ đáp lại của đối tượng trước tác động của các mối quan hệ đó, đối tượng tiếp nhận một cách tiêu cực hay tích cực.
Để việc nghiên cứu có hệ thống các đặc điểm nhân thân của đối tượng, cán bộ điều tra cần thu thập, xác minh và bổ sung thêm nhiều tài liệu làm phong phú và hoàn chỉnh về tiểu sử, lai lịch của đối tượng đó. Cán bộ điều tra phải hệ thống hóa được các mối quan hệ nói lên: Hoàn cảnh sống của bản thân và gia đình đối tượng (đối tượng được sinh ra và lớn lên ở đâu, hoàn cảnh kinh tế của đối tượng và gia đình, thái độ chính trị của đối tượng và các thành viên trong gia đình); quá trình hoạt động của đối tượng, quá trình tiếp nhận và hình thành ý thức, tư tưởng, quan điểm, lối sống và con đường dẫn tới phạm tội; hệ thống các quan hệ xã hội, nhất là các quan hệ phức tạp, tiêu cực có ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng, quan điểm chống đối của đối tượng.
3.4 Phương pháp thực nghiệm
Thực nghiệm là quá trình tác động vào đối tượng một cách chủ động, trong những điều kiện - tình huống đã được khống chế để gây ra ở đối tượng những biểu hiện về quan hệ nhân quả, tính quy luật, cơ cấu, cơ chế của chúng, có thể lặp đi lặp lại nhiều lần và đo đạc, định lượng, định tính một cách khách quan các hiện tuợng cần nghiên cứu.
Điều kiện - tình huống trong phương pháp thực nghiệm có vai trò quan trọng. Chúng là điều kiện để hình thành những hiện tượng tâm lý mà chúng ta cần quan tâm. Thực chất các tình huống này là những vấn đề, những “bài toán” mà nhà nghiên cứu đặt ra cho các đối tượng và căn cứ vào cách giải quyết của họ để xác định đặc điểm của đối tượng nghiên cứu.
Có hai loại thực nghiệm cơ bản là thực nghiệm trong phòng thí nghiệm và thực nghiệm tự nhiên.
Phương pháp thực nghiệm tự nhiên: Nghiên cứu tâm lý con người trong điều kiện hoạt động bình thường của họ. Trong quá trình nghiên cứu, nhà nghiên cứu chỉ thay đổi những yếu tố riêng rẽ của hoàn cảnh mà nghiệm thể hoạt động. Tuỳ theo mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu mà người ta còn phân biệt các thực nghiệm tự nhiên: thực nghiệm nhận định và thực nghiệm hình thành:
Thực nghiệm nhận định: chủ yếu nêu lên thực trạng của vấn đề nghiên cứu ở thời điểm cụ thể. Trong hoạt động tố tụng các thực nghiệm điều tra chủ yếu thuộc loại này. Ví dụ: thực nghiệm diễn lại hành động, việc làm nhằm kiểm tra lời khai của đối tượng, người bị tạm giữ, người làm chứng,v.v...
Thực nghiệm hình thành, còn gọi là thực nghiệm giáo dục, trong đó tiến hành các động tác giáo dục, rèn luyện nhằm hình thành một hiện tượng tâm lí nào đó ở nghiệm thể, thực nghiệm này thường được áp dụng trong quản lý, cải tạo phạm nhân.
Thực nghiệm tự nhiên dù tiến hành trong hoàn cảnh tự nhiên cũng khó có thể khống chế hoàn toàn ảnh hưởng của các yếu tố chủ quan của người bị thực nghiệm vì thế phải tiến hành thực nghiệm một số lần và phối hợp đồng bộ với nhiều phương pháp khác.
3.5 Phương pháp nghiên cứu sản phẩm hoạt động
Đây là phương pháp nghiên cứu những đặc điểm tâm lý của con người thông qua sản phẩm hoạt động của họ. Cơ sở lý luận của phương pháp này là ở chỗ khi hoạt động, con người cùng với quá trình đạt mục đích (tạo ra sản phẩm) đã khách quan hoá tâm lý của mình, đặt dấu ấn lên kết quả hoạt động. Xem các bài viết, sản phẩm làm ra khác của đối tượng, có thể biết được mức độ hiểu biết. suy nghĩ, xúc cảm, kỹ năng, kỹ xảo, sở thích thậm chí cả tính nết, quan điểm của người đó.
Để phát huy hiệu quả nghiên cứu, khi sử dụng phương pháp này cần:
+ Tìm cách “dựng lại” - “hình dung” càng đầy đủ càng tốt quá trình hoạt động đưa đến sản phẩm và hoàn cảnh trong đó sản phẩm được tạo ra.
+ Kết hợp với những phương pháp khác để tìm hiểu thêm các hiện tượng tâm lý khác của đối tượng đã thể hiện trong sản phẩm.
3.6 Phương pháp tổng hợp các tài liệu một cách khái quát
Đây là phương pháp mà cán bộ điều tra thông qua việc tập hợp những tài liệu phản ánh về đối tượng ở những khía cạnh khác nhau trong một mối liên hệ nhất định nhằm xác định những đặc điểm về nhân thân đối tượng ảnh hưởng tới hoạt động lấy lời khai của đối tượng và hoạt động điều tra. Các tài liệu phản ánh về đối tượng có thể thu thập được ở nhiều nguồn, nhiều thời điểm và ở nhiều khía cạnh khác nhau, do đó những thông tin ấy phải được nghiên cứu trong một mối liên kết chặt chẽ, tổng thể để rút ra được những đặc điểm cần thiết mà cán bộ điều tra muốn biết về nhân thân đối tượng.
Trong quá trình sử dụng phương pháp này, cán bộ điều tra cần chú ý:
- Phải xác định rõ nội dung cần nghiên cứu là gì, việc tổng hợp các tài liệu phản ánh về đối tượng sẽ giúp cán bộ điều tra biết được đặc điểm nhân thân nào ở đối tượng và đặc điểm đó có lợi gì cho hoạt động sắp tới của cán bộ điều tra.
- Lập kế hoạch và lựa chọn các tài liệu, thông tin về đối tượng phù hợp nhằm thu được các kết quả khách quan.
Ví dụ: Muốn nghiên cứu kỹ con người, kể cả các quan hệ cá nhân và thái độ trước đây của bị can, ĐTV có thể thu thập và nghiên cứu ở các tàng thư hình sự, phiếu nhân sự, hồ sơ cán bộ, trích lục tiền án, tiền sự, phiếu xác minh về nhân thân. Đối với những bị can có tiền án, tiền sự thường biết được trình tự của cuộc hỏi cung, quyền và nghĩa vụ của bị can, những thủ thuật hỏi cung của ĐTV thì đòi hỏi ĐTV cần thu thập, nghiên cứu những tài liệu phản ánh thái độ khai báo của bị can trong quá trình hỏi cung trước đây, sự phản ứng của bị can trước những chứng cứ đưa ra, những thủ đoạn và mánh khoé mà bị can thường áp dụng để gây khó khăn cho hoạt động điều tra. Hay đối với những vụ án mà bị can lại chính là cán bộ trong ngành CA thì yêu cầu đặt ra là phải nghiên cứu kỹ đặc điểm nhân thân và nhất là đánh vào điểm yếu của họ mới mong nhanh chóng phá được vụ án này.
Đối với bị can vị thành niên, ĐTV cần xác định tuổi, mức độ phát triển về thể chất và tinh thần, mức độ nhận thức về hành vi phạm tội của bị can; điều kiện sinh sống và giáo dục; có hay không có người lớn xúi giục; nguyên nhân và điều kiện phạm tội. Chẳng hạn, nghiên cứu độ tuổi của con người cho thấy: lời khai của em bé 3 - 4 tuổi thường không đánh giá được, có chăng thì cũng phải hỏi ngay sau khi sự việc vừa xảy ra. Còn các em bé từ 5 - 6 tuổi đã có thể nhớ những sự kiện xảy ra trước đó hàng tuần. Các em từ 7 - 10/11 tuổi được coi như là nhân chứng “lý tưởng”. Đối với các em ở trước tuổi dậy thì hoặc trong độ tuổi dậy thì từ 12 - 14/15 tuổi thì dễ bị xúc động, có những mơ ước và mong đợi. Trí tưởng tượng cũng phát triển theo hướng này và bắt đầu xuất hiện những lời khai dối có ý thức đầu tiên. Như vậy, việc nghiên cứu độ tuổi sẽ phản ánh được chất lượng lời khai của bị can qua đó có thể đánh giá được bị can khai thật hay khai dối nhất là đối với các bị can vị thành niên.
ĐTV được giao nhiệm vụ trước khi xác định, lựa chọn được thủ thuật đấu tranh với từng loại bị can có hiệu quả thì phải dành thời gian, công sức thoả đáng, áp dụng mọi biện pháp có thể để thu thập đầy đủ mọi thông tin cần thiết để tổng hợp về đặc điểm nhân thân của bị can. Chỉ trên cơ sở đó mới có thể xác định được kế hoạch đấu tranh với bị can nói chung và với những bị can không thành khẩn khai báo, khai báo gian dối nói riêng một cách có hiệu quả nhất. Yêu cầu đối với ĐTV trong quá trình tổng hợp các nghiên cứu về nhân thân của bị can là phải tổng hợp một cách khách quan, toàn diện, không nên thiên lệch về thái độ coi thường hay khinh bỉ bị can. Những cái nhìn thiên lệch có thể dẫn tới những sai lầm nghiêm trọng trong tổng hợp tài liệu và các giai đoạn tố tụng tiếp theo.
Trong thực tiễn nghiên cứu tâm lý người phạm tội hiện nay, còn có thêm một số phương pháp được sử dụng, đó là:
+ Phương pháp lấy ý kiến chuyên gia;
+ Phương pháp phỏng vấn sâu;
+ Phương pháp mô tả chân dung tâm lý;
+ Phương pháp thống kê toán học,v.v...
Các phương pháp nghiên cứu tâm lý người khá phong phú. Mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Muốn nghiên cứu hiện tượng tâm lý một cách khoa học khách quan, cần phải xác định rõ mục đích nghiên cứu để trên cơ sở đó mà quyết định lựa chọn những phương pháp nghiên cứu thích hợp và sử dụng phối hợp nhiều phương pháp nghiên cứu.