Mục lục bài viết
- 1. Có được xây dựng nhà trên đất đang thế chấp trong Ngân hàng không?
- 2. Trình tự thủ tục xây dựng nhà trên đất đang thế chấp trong ngân hàng
- 2.1 Thủ tục với Ngân hàng:
- 2.2 Thủ tục xin cấp phép xây dựng tại cơ quan nhà nước:
- 3. Hồ sơ, thủ tục xóa thế chấp sổ đỏ
- 3.1 Hồ sơ xóa đăng ký thế chấp Sổ đỏ
- 3.2 Thủ tục xóa đăng ký thế chấp Sổ đỏ
- 4. Thể hiện thông tin xóa đăng ký thế chấp
>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi: 1900 6162
Luật sư tư vấn:
Chúng tôi đưa ra nội dung trả lời như sau:
1. Có được xây dựng nhà trên đất đang thế chấp trong Ngân hàng không?
Thế chấp tài sản là gì?
Về phương diện ngữ nghĩa, thế chấp tài sản là việc một bên dùng một tài sản để thay thế, chấp hành một nghĩa vụ trước đó.
Trong thực tế, khi các bên có nghĩa vụ đối vởi nhau thường áp dụng một biện pháp nào đó để bảo đảm quyền lợi cho người có quyền. Thế chấp tài sản là một ưong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ do pháp luật quy định theo đó, các bên trong quan hệ nghĩa vụ lựa chọn sử dụng để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ.
Thế chấp tài sản là việc một bên dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên kia và không chuyển giao tài sản đó cho bên nhận thể chấp.
Căn cứ quy định tại Điều 321 Bộ luật Dân sự năm 2015 về các quyền của bên thế chấp như sau:
- Khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản thế chấp, trừ trường hợp hoa lợi, lợi tức cũng là tài sản thế chấp theo thỏa thuận.
- Đầu tư để làm tăng giá trị của tài sản thế chấp.
- Nhận lại tài sản thế chấp do người thứ ba giữ và lấy giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp do bên nhận thế chấp giữ khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp chấm dứt hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.
- Được bán, thay thế, trao đổi tài sản thé chấp, nếu tài sản đó là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Trong trường hợp này, quyền yêu cầu bên mua thanh toán tiền, số tiền thu được, tài sản hình thành từ số tiền thu được, tài sản được thay thế hoặc được trao đổi trở thành tài sản thế chấp.
- Trường hợp tài sản thế chấp là khi hàng thì bên thế chấp được quyền thay thế hàng hóa trong kho, nhưng phải bảo đảm giá trị của hàng hóa trong kho đúng như thỏa thuận.
- Được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nếu được bên nhận thế chấp đồng ý hoặc theo quy định của luật.
- Được cho thuê, cho mượn tài sản thế chấp nhưng phải thông báo cho bên thuê, bên mượng biết về việc tài sản cho thuê, cho mượng đang được dùng để thế chấp và phải thông báo cho bên nhận thế chấp biết.
Như vậy, theo quy định trên, đối với tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, bạn vẫn được quyền làm tăng giá trị tài sản thế chấp, trong đó có việc xây dựng nhà trên đất.
2. Trình tự thủ tục xây dựng nhà trên đất đang thế chấp trong ngân hàng
2.1 Thủ tục với Ngân hàng:
Do đất này bạn đang thế chấp trong Ngân hàng, nên về thủ tục, ngoài việc xin giấy phép xây dựng tại UBND, bạn cần thông báo cho Ngân hàng về việc xây dựng nhà trên đất về đề nghị Ngân hàng tạo điều kiện cung cấp các hồ sơ, tài liệu để bạn có thể thực hiện được việc xin Giấy phép xây dựng. Thông thường, Ngân hàng sẽ yêu cầu bạn ký thêm phụ lục hợp đồng để thế chấp cả ngôi nhà mới xây dựng trên đất nhằm tránh tranh chấp phát sinh sau này khi xử lý tài sản thế chấp.
2.2 Thủ tục xin cấp phép xây dựng tại cơ quan nhà nước:
Căn cứ vào Thông tư số 15/2016/TT-BXD, nếu đất của gia đình bạn đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 93 Luật xây dựng 2014 về Điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ, bạn tiến hành làm hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép xây dựng đến Ủy ban nhân dân cấp huyện (Căn cứ Điểm c, Khoản 2, Điều 17 Thông tư 15/2016/TT-BXD). Hồ sơ bao gồm:
i) Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng theo mẫu tại Phụ lục số 1 Thông tư 15/2016/TT-BXD.
ii) Bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
iii) Bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính hai bộ bản vẽ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt theo quy định của pháp luật xây dựng gồm:
+ Bản vẽ mặt bằng công trình trên lô đất tỷ lệ 1/50 – 1/500 kèm theo sơ đồ vị trí công trình;
+ Bản vẽ mặt bằng các tầng, các mặt đứng và mặt cắt chính của công trình tỷ lệ 1/50 –1/200;
+ Bản vẽ mặt bằng móng tỷ lệ 1/50 – 1/200 và mặt cắt móng tỷ lệ 1/50 kèm theo sơ đồ đấu nối hệ thống thoát nước mưa, xử lý nước thải, cấp nước, cấp điện,thông tin tỷ lệ 1/50 – 1/200.
Trường hợp thiết kế xây dựng của công trình đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định, các bản vẽ thiết kế quy định tại Khoản này là bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp các bản vẽ thiết kế xây dựng đã được các cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định.
iv) Đối với công trình xây dựng có công trình liền kề phải có bản cam kết của chủ đầu tư bảo đảm an toàn đối với công trình liền kề.
Đối với nhà ở riêng lẻ dưới 03 tầng và có tổng diện tích sàn xây dựng nhỏ hơn 250 m2, hộ gia đình có thể tự tổ chức thiết kế và chịu trách nhiệm về an toàn của công trình và các công trình lân cận.
Như vậy, mặc dù đất đang thế chấp trong ngân hàng, gia đình bạn vẫn được xây nhà trên đất. Tuy nhiên bạn cần phải thống báo với Ngân hàng về việc muốn xây nhà trên đất, yêu cầu Ngân hàng cung cấp bản sao các giấy tờ và bạn nộp 02 bộ hồ sơ như hướng dẫn ở trên đến UBND cấp quận huyện để thực hiện việc xin Giấy phép xây dựng.
3. Hồ sơ, thủ tục xóa thế chấp sổ đỏ
3.1 Hồ sơ xóa đăng ký thế chấp Sổ đỏ
- Thành phần hồ sơ:
Điều 47 Nghị định 102/2017/NĐ-CP quy định về hồ sơ xóa đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất như sau:
TT | Thành phần hồ sơ |
1 | Phiếu yêu cầu xóa đăng ký (01 bản chính) |
2 | Văn bản đồng ý xóa đăng ký biện pháp bảo đảm của bên nhận bảo đảm (01 bản chính hoặc 01 bản sao không có chứng thực kèm bản chính để đối chiếu) hoặc văn bản xác nhận giải chấp của bên nhận bảo đảm (01 bản chính hoặc 01 bản sao không có chứng thực kèm bản chính để đối chiếu) trong trường hợp phiếu yêu cầu xóa đăng ký chỉ có chữ ký của bên bảo đảm |
3 | Bản chính Giấy chứng nhận đối với trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm mà trong hồ sơ đăng ký có Giấy chứng nhận |
4 | Văn bản ủy quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực hoặc 01 bản sao không có chứng thực kèm bản chính để đối chiếu). |
Lưu ý: Trường hợp xóa đăng ký thế chấp khi Cơ quan thi hành án dân sự hoặc Văn phòng thừa phát lại đã kê biên, xử lý xong tài sản bảo đảm thì người yêu cầu đăng ký nộp 01 bộ hồ sơ xóa đăng ký thế chấp như sau: - Phiếu yêu cầu xóa đăng ký (01 bản chính) - Bản chính Giấy chứng nhận đối với trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm mà trong hồ sơ đăng ký có Giấy chứng nhận - Văn bản xác nhận kết quả xử lý tài sản bảo đảm của cơ quan thi hành án dân sự hoặc Văn phòng thừa phát lại (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực hoặc 01 bản sao không có chứng thực kèm bản chính để đối chiếu). - Văn bản ủy quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực hoặc 01 bản sao không có chứng thực kèm bản chính để đối chiếu). |
- Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
3.2 Thủ tục xóa đăng ký thế chấp Sổ đỏ
Căn cứ Điều 48 Nghị định 102/2017/NĐ-CP, thủ tục xóa đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất được thực hiện như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ
- Địa phương đã thành lập bộ phận một cửa thì nộp tại bộ phận một cửa.
- Địa phương chưa thành lập bộ phận một cửa thì nộp trực tiếp tại Văn phòng đăng ký đất đai (nếu là tổ chức) hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương) nếu là hộ gia đình, cá nhân.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ
Bước 3: Giải quyết yêu cầu
Văn phòng đăng ký đất đai ghi nội dung xóa đăng ký vào Sổ địa chính và Giấy chứng nhận.
* Thời gian thực hiện: Không quá 03 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không quá 13 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Thời gian trên không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.
4. Thể hiện thông tin xóa đăng ký thế chấp
* Nơi thể hiện thông tin: Theo điểm a khoản 3 Điều 20 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, Trang bổ sung Giấy chứng nhận sẽ thể hiện thông tin thay đổi nội dung đã đăng ký hoặc xóa đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Hay nói cách khác, thông tin xóa đăng ký thế chấp được ghi rõ tại Trang bổ sung của Giấy chứng nhận.
* Nội dung xóa đăng đăng ký thế chấp:
Điểm c khoản 5 Điều 18 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT quy định trường hợp xóa đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thì ghi như sau:
“c) Trường hợp xóa đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hoặc tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thì ghi "Xóa nội dung đăng ký thế chấp ngày …/.../... (ghi ngày đã đăng ký thế chấp trước đây) theo hồ sơ số... (ghi mã hồ sơ thủ tục đăng ký)".”
Như vậy, nội dung xóa đăng ký thế chấp được thể hiện rõ tại Trang bổ sung Giấy chứng nhận và có đóng dấu đỏ.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900 6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.