Mục lục bài viết
1. Chính trị
Các đảng chính trị lớn ở Myanmar gồm Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ và Liên đoàn Dân tộc Shan vì Dân chủ, dù các hoạt động của họ bị chế độ quản lý chặt chẽ. Nhiều đảng khác, thường đại diện cho lợi ích của các dân tộc thiểu số thực sự có tồn tại. Tại Myanmar ít có khoan dung chính trị cho phe đối lập và nhiều đảng đã bị đặt ngoài vòng pháp luật. Đảng Thống nhất Quốc gia đại diện cho quân đội, và được sự ủng hộ của một tổ chức to lớn tên gọi Hiệp hội Liên đoàn Đoàn kết và Phát triển. Theo nhiều tổ chức, gồm cả Human Rights Watch và Amnesty International, chính quyền này có bản thành tích nhân quyền kém cỏi. Không có tòa án độc lập tại Myanmar và đối lập chính trị với chính phủ quân sự không hề được khoan dung. Truy cập Internet tại Myanmar bị hạn chế chặt chẽ thông qua các phần mềm lọc các trang web có thể truy cập đối với công dân, hạn chế đa số các trang đối lập chính trị và ủng hộ dân chủ. Lao động cưỡng bức, buôn người và lao động trẻ em là điều thông thường, và bất đồng chính trị không được khoan dung.
Năm 1988, quân đội Myanmar đã dùng vũ lực đàn áp các cuộc biểu tình phản đối sự quản lý kinh tế yếu kém và sự áp bức chính trị. Ngày 8 tháng 8 năm 1988, quân đội nổ súng vào những người biểu tình trong vụ việc được gọi là cuộc Nổi dậy 8888 (Cuộc biểu tình 8888). Tuy nhiên, cuộc biểu tình năm 1988 đã dọn đường cho cuộc bầu cử Quốc hội Nhân dân năm 1990. Kết quả của cuộc bầu cử sau đó đã bị chính quyền bác bỏ. Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, do Aung San Suu Kyi lãnh đạo, thắng hơn 60% số phiếu và 80% ghế trong quốc hội trong cuộc bầu cử 1990, cuộc bầu cử đầu tiên được tổ chức trong 30 năm. Aung San Suu Kyi được quốc tế công nhận là một nhà hoạt động vì dân chủ tại Myanmar, đoạt Giải Nobel Hòa bình năm 1991. Bà đã nhiều lần bị quản thúc tại gia. Dù có lời kêu gọi trực tiếp từ Kofi Annan tới Than Shwe và áp lực của ASEAN, hội đồng quân sự Myanmar vẫn kéo dài thời hạn quản thúc tại gia đối với Aung San Suu Kyi thêm một năm ngày 27 tháng 5 năm 2006 theo Luật Bảo vệ Quốc gia năm 1975, trao cho chính phủ quyền cầm giữ hợp pháp bất kỳ người nào. Hội đồng quân sự ngày phải đối mặt với sự cô lập quốc tế. Vào tháng 12 năm 2005, lần đầu tiên tình trạng của Myanmar đã được thảo luận không chính thức tại Liên hiệp quốc. ASEAN cũng đã bày tỏ sự thất vọng của mình với chính phủ Myanmar. Tổ chức này đã thành lập Cuộc họp kín liên nghị viện ASEAN để bàn bạc về sự thiếu dân chủ tại Myanma. Sự thay đổi chính trị lớn ở nước này hiện vẫn khó xảy ra, vì sự ủng hộ từ các cường quốc trong vùng, đặc biệt là Trung Quốc.
Ngày 30 tháng 3 năm 2016, ông Htin Kyaw, một đồng minh thân cận của bà Aung San Suu Kyi chính thức trở thành tổng thống dân sự đầu tiên của Myanmar, chấm dứt gần 50 năm đất nước Myanmar nằm dưới sự cai trị của giới độc tài quân sự.
2. Kinh tế
Ngày nay, Myanmar thiếu cơ sở hạ tầng cần thiết. Trao đổi hàng hóa chủ yếu qua biên giới với Thái Lan, và đó cũng là đầu mối xuất khẩu ma tuý lớn nhất, và dọc theo Sông Ayeyarwady. Đường sắt cũ kỹ và mới ở mức kỹ thuật sơ khai, hiếm khi được sửa chữa từ khi được xây dựng trong thập niên 1800. Đường giao thông thường không được trải nhựa, trừ tại các thành phố lớn. Thiếu hụt năng lượng là điều thường thấy trong nước, kể cả tại Yangon. Myanmar cũng là nước sản xuất thuốc phiện lớn thứ hai thế giới, chiếm 8% tổng lượng sản xuất toàn cầu và là nguồn cung cấp các tiền chất ma tuý lớn gồm cả amphetamines. Các ngành công nghiệp khác gồm sản phẩm nông nghiệp, dệt may, sản phẩm gỗ, vật liệu xây dựng, kim cương, kim loại, dầu mỏ và khí ga. Việc thiếu hụt nguồn nhân công trình độ cao cũng là một vấn đề ngày càng tăng đối với kinh tế Myanma.
Nông nghiệp chiếm 59,5% GDP và 65,9% lao động. Công nghiệp chế biến chiếm 7,1% GDP và 9,1% lao động; khai khoáng 0,5% GDP và 0,7% lao động; xây dựng 2,4% GDP và 2,2% lao động; thương mại 23,2% GDP và 9,7% lao động; tài chính, dịch vụ và công chính 1,5% GDP và 8,1% lao động. GDP/đầu người: 2.399 USD (1995); GNP/đầu người: 2610 USD (1996).
Xuất khẩu (1997-98) 5,4 tỉ kyat (nông sản 26,9%, gỗ và cao su 15,7%). Bạn hàng chính: Singapore 13,2%; Thái Lan 11,9%; Ấn Độ 22,6%; Trung Quốc 10,6%; Hồng Kông 5,8%.
Nhập khẩu (1997-98) 12,7 tỉ kyat (máy móc và thiết bị vận tải 28,6%, tư liệu sản xuất 48%, hàng tiêu dùng 4,3%). Bạn hàng chính: Singapore 31,1%, Thái Lan 9,8%, Trung Quốc 9,4%, Malaysia 7%.
Tính đến năm 2016, GDP của Myanmar đạt 68.277 tỷ USD, đứng thứ 73 thế giới, đứng thứ 25 châu Á và đứng thứ 7 Đông Nam Á.
3. Dân tộc và tôn giáo
Myanmar rất đa dạng về chủng tộc dân cư. Dù chính phủ công nhận 135 dân tộc khác nhau, con số thực thấp hơn nhiều. Người Bamar chiếm khoảng 68% dân số, 10% là người Shan. Người Kayin chiếm 7% dân số, người Rakhine chiếm 4%. Người Hoa chiếm gần 3% dân số. Người Môn, chiếm 2% dân số, là nhóm người có quan hệ dân tộc và ngôn ngữ với người Khmer. Người Ấn chiếm 2%. Số còn lại là người Kachin, Chin và các nhóm thiểu số khác.
Myanmar có bốn ngữ hệ chính: Hán-Tạng, Nam Á, Tai-Kadai và Ấn-Âu. Các ngôn ngữ thuộc hệ Hán-Tạng được sử dụng nhiều nhất. Chúng gồm tiếng Myanma, tiếng Karen, Kachin, tiếng Chin và tiếng Hoa. Ngôn ngữ Tai-Kadai chính là tiếng Shan. Tiếng Môn là ngôn ngữ Nam Á chính được sử dụng ở Myanmar. Hai ngôn ngữ Ấn-Âu chính là tiếng Pali, ngôn ngữ dùng trong nghi thức của Phật giáo Nguyên Thủy và tiếng Anh.
Phật giáo tại Myanmar chủ yếu là phái Nguyên Thủy hòa trộn với những đức tin bản địa. 89% dân số nước này theo Phật giáo Nguyên Thủy, gồm người Bamar, Rakhine, Shan, Mon và Hoa. 4% dân số là tín đồ Cơ Đốc giáo, chủ yếu là những cư dân vùng cao như Kachin, Chin và Kayin, và Âu Á bởi vì các nhà truyền giáo thường tới các vùng này. Đa số tín đồ Cơ Đốc giáo là Tin Lành, đặc biệt là phái Baptist của Giáo đoàn Baptist Myanmar. 4% dân số theo Hồi giáo, chủ yếu là dòng Sunni. Hồi giáo thường phát triển trong các cộng đồng dân cư Ấn Độ, Ấn Miến, Ba Tư, Ả Rập, Panthay và Rohingya. Những người dân theo Hồi giáo và Cơ Đốc giáo không có vị trí quan trọng trong xã hội và thường sống cô lập. Một số nhỏ dân cư theo Hindu giáo.
4. Quyền con người ở Myanmar
Trong suốt thời kỳ lịch sử hiện đại cho đến tận bây giờ, Myanmar vẫn chưa thật sự ổn định về mặt chính trị. Đất nước đang đi trên lộ trình tiến tới dân chủ gồm 7 bước, chính quyền hiện tại vẫn là chính quyền quân sự, nhưng sẽ trở thành chính quyền dân sự sau cuộc bầu cử cuối năm 2010. Những sự kiện và thực trạng như thảm họa nhân đạo sau cơn bão Nargis năm 2008, nạn buôn lậu ma túy, buôn người, các quyền tự do ngôn luận và tự do chính kiến bị cấm đoán, v.v... luôn được các tổ chức quốc tế đưa ra như những ví dụ nổi bật về tình hình thực thi quyền con người ở Myanmar. Dù sao, Hiến pháp mới được thông qua năm 2008 của Myanmar đã thừa nhận các quyền tự do cơ bản của con người: quyển được bình đẳng trước pháp luật, quyền được đối xử không phân biệt, các quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng, quyền sống, bảo vệ khỏi tệ nô lệ và lao động cưỡng bức, các quyền an sinh như giáo dục, y tế... Với việc tham gia tích cực vào các cơ chế bảo vệ quyền con người mới được hình thành của ASEAN, Myanmar được kỳ vọng sẽ cải thiện được tình hình thực thi quyền con người trong nước mình.
Bên cạnh đó, có sự đồng thuận rằng chế độ độc tài quân sự cũ ở Myanmar (1962–2010) là một trong những chế độ đàn áp và khắc nghiệt nhất trên thế giới. Vào tháng 11 năm 2012, Samantha Power, trợ lý đặc biệt về nhân quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama, đã viết trên blog của Nhà Trắng trước chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Myanmar rằng: "Lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng chống lại thường dân ở một số khu vực tiếp tục diễn ra, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em." Các thành viên của Liên Hợp Quốc và các tổ chức nhân quyền quốc tế lớn đã đưa ra các báo cáo lặp đi lặp lại và nhất quán về tình trạng vi phạm nhân quyền lan rộng và có hệ thống ở Myanmar. Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã nhiều lần kêu gọi chính quyền quân sự Myanmar tôn trọng nhân quyền vào tháng 11/2009 Đại hội đồng đã thông qua nghị quyết "lên án mạnh mẽ các hành vi vi phạm liên tục về quyền con người và quyền tự do cơ bản" và kêu gọi chính quyền quân sự Myanmar "thực hiện các biện pháp khẩn cấp để chấm dứt vi phạm luật pháp quốc tế về nhân quyền và nhân đạo."
Các tổ chức nhân quyền quốc tế bao gồm Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Tổ chức Ân xá Quốc tế và Hiệp hội Tiến bộ Khoa học Hoa Kỳ đã nhiều lần ghi nhận và lên án các vụ vi phạm nhân quyền trên diện rộng ở Myanmar. Vào tháng 7 năm 2013, Hiệp hội hỗ trợ các tù nhân chính trị chỉ ra rằng có khoảng 100 tù nhân chính trị bị giam giữ trong các nhà tù Myanmar.
5. Tôn giáo ảnh hưởng đến vấn đề thực thi quyền con người
Với quyền bình đẳng nam nữ, được quy định trong Điều 3 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR - 1966) và trong Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW - 1979), các quốc gia Hồi giáo hoặc có đạo Hồi chiếm ưu thế khó mà thực thi giống như các quốc gia khác. Bởi vì những giáo luật Hồi giáo có sự xung khắc với những nguyên tắc bình đẳng nam nữ được đặt ra trong các văn kiện này. Cùng với đó, ngay cả trong đạo Phật cũng có những giới luật không chấp nhận sự tham gia của phụ nữ. Có lẽ đây là lý do khiến cho có một số nước ở Đông Nam Á (như Brunei) vẫn chưa tham gia ICCPR, và vối CEDAW mới chỉ tỏ thái độ dè dặt (như Myanmar, Thái Lan, Malaysia). Báo giới hay nhắc đến những vụ việc phạt bằng roi hay giam cầm đối với những phụ nữ phạm tội ngoại tình theo giáo luật Hồi giáo ở Indonesia hay Malaysia. Đây là những hình thức về mặt nguyên tắc là vi phạm các quyền cấm tra tấn và quyền chông phân biệt đối xử với phụ nữ, nhưng lại được chấp nhận thông qua các toà án tôn giáo ở các quốc gia này.
6. Ảnh hưởng của chính trị đến nhân quyền
Ta có thể nói đến các quyền tự do trong ICCPR và thực tiễn ở Brunei. Ở Brunei, theo như những đánh giá của các tổ chức quốc tế, không có tự do ngôn luận, không có tự do lập hội. Bởi đây là quốc gia quân chủ chuyên chế, nhà vua và hoàng tộc nắm toàn bộ quyền điều hành quốc gia, trong đó có cả quyền đối với các cơ quan ngôn luận. Tuy nhiên, chính quyền Brunei rất ít khi phải chịu sự chỉ trích của báo giổi quốc tế hoặc những tố cáo từ trong nước về tình trạng tự do ở nước mình. Cũng là những vấn đề về bảo vệ quyền tự do và dân chủ cho người dân, những nước như Myanmar còn bị chỉ trích nhiều hơn. Người ta cho rằng nguyên nhân của việc Brunei vẫn hoàn toàn yên ổn trong chế độ chuyên chế, là bởi đây là một đất nước có hệ thống phúc lợi được đảm bảo, người dân được chăm sóc về đời sống, y tế và giáo dục rất chu đáo.
LUẬT MINH KHUÊ (Sưu tầm)