1. Tư tưởng nhân quyền của Aristotle trong tác phẩm “Chính trị”

Dưới cái nhìn của Aristotle, mọi công dân có đạo đức đều có quyền cai trị. Nhiệm vụ của công dân là phải đảm bảo cho sự an toàn của chế độ. Quan niệm về đức hạnh công dân của ông cho đến nay vẫn còn được áp dụng trong việc giáo dục và đào tạo con người. Con người với tư cách thành viên của xã hội đều cần phải có ý thức về bản thân và trách nhiệm đối với xã hội. Bất kỳ chế độ nào cũng yêu cầu công dân của mình có đầy đủ những phẩm chất mà Aristotle đã nêu ra từ thời kỳ cổ đại.

Sống trong một thời đại có quá nhiều biến động lớn lao trong đời sống chính trị, Aristotle thấu hiểu tâm trạng và khát vọng của con người. Từ đó, ông đã đưa ra nhiều luận điểm sâu sắc về nhân quyền với mục đích xây dựng một nền chính trị mang lại “điều tốt nhất” cho con người. Tư tưởng nhân quyền trong tác phẩm “Chính trị” của Aristotle được thể hiện ở những nội dung sau đây.

2. Quyền công dân được thể hiện rõ trong vai trò của Nhà nước

Aristotle mở đầu tác phẩm “Chính trị” bằng lập luận rằng: “Mỗi quốc gia là một loại cộng đồng, và mỗi cộng đồng được thành lập hướng đến với một số điều tốt đẹp; vì con người luôn luôn hành động để đạt được những gì mà họ cho là tốt. Tuy nhiên, nếu tất cả các cộng đồng đều hướng đến một số mục tiêu tốt đẹp nào đó thì nhà nước hoặc cao nhất là cộng đồng chính trị, là bộ phận cao nhất, và bao gồm tất cả phần còn lại, hướng đến điều tốt đẹp ở mức độ cao hơn và nhắm đến mức độ cao nhất” [1, tr.7] và lý do để nhà nước tồn tại là để giúp cho công dân sống một đời sống “tốt”. Chính những lập luận đầu tiên về mục đích tối cao của việc hình thành và duy trì sự tồn tại của nhà nước là mang lại cuộc sống tốt cho con người đã đưa Aristotle chỉ ra quyền lợi của công dân khi sống trong một thành bang. Nhà nước là hình thức hoàn thiện nhất của cuộc sống, giúp con người thực hiện được những nhu cầu sống của mình. Như vậy, ở đây đã có sự tương tác giữa công dân với nhà nước hay nói cách khác là giữa con người chính trị và thể chế chính trị trong quan điểm của Aristotle. Một mặt, con người cần đến nhà nước như là phương tiện để đạt đến cuộc sống cao đẹp với đầy đủ những quyền công dân của mình; nhưng mặt khác, chính những ước vọng trên sẽ duy trì sự tồn tại của nhà nước đó.

     Theo Aristotle, con người khác với tất cả các loài động vật khác: “Con người tự bản chất là một động vật chính trị” [1, tr.5] mang đặc trưng chính trị hơn là đặc trưng quần thể xã hội: các hoạt động hiệp tác xã hội của con người đòi hỏi phải có tổ chức chính trị. Con người với khả năng lập luận hợp lý của mình đã tự nhận thấy rằng, khi sống trong cộng đồng con người có thể thực hiện được lợi ích của mình thông qua hành động tập thể. Nhờ hành động hợp tác con người có thể đạt được nhiều lợi ích mà nếu chỉ là hành động với tư cách là cá nhân anh ta không thể nào có được. Và đỉnh cao nhất của hoạt động tập thể của con người trong cộng đồng đó chính là nhà nước. Nhà nước là một hình thức hoàn hảo của cộng đồng người. Chỉ có trong một cộng đồng chính trị, con người mới có đủ điều kiện để phát triển cái bản chất cố hữu của mình: khả năng lập luận hợp lý và hành động có hợp tác – cái mà tất cả các động vật phi chính trị khác không có. “Những ai không sống được trong xã hội, hoặc những ai không có nhu cầu bởi vì anh ta tự cho mình là đầy đủ rồi thì anh ta chắc chắn phải là một con thú hay một vị thần: anh ta không phải là một phần của một nhà nước” [1, tr.6]. Với định nghĩa của mình thì Aristotle nhấn mạnh sự cần thiết tham gia của cá nhân vào đời sống công cộng của nhà nước – thị thành. Qua đó, lợi ích của công dân luôn gắn chặt với lợi ích của cộng đồng. Công dân chỉ có thể thực hiện những quyền của mình khi anh ta tồn tại trong một cộng đồng người nhất định. Đối với Aristotle, quyền của công dân được thể hiện trong những lợi ích mà nhà nước – một cộng đồng hoàn hảo nhất mang lại cho họ.

     Vì cho rằng bản năng tự nhiên của con người là sống quần tụ với nhau để được đời sống tốt đẹp hơn lúc sống đơn lẻ, “con người về bản chất là một động vật chính trị. Và do đó, con người, ngay cả khi họ không đạt được sự giúp đỡ của nhau, thì vẫn mong muốn sống chung với nhau, chứ không phải sở thích chung mang họ lại với nhau khi họ đạt được bất kỳ biện pháp nào để tồn tại tốt” [1, tr.59] nên Aristotle khẳng định mục đích tối hậu của quốc gia là hướng tới một đời sống tốt và các mối dây ràng buộc xã hội chỉ là phương tiện để đạt tới mục đích này mà thôi. Do đó, những ai qua tài năng và hành động của mình, cống hiến nhiều cho quốc gia, thì sẽ được hưởng nhiều vinh dự hơn. Chế độ nào đạt được mục đích này là chế độ đúng đắn; ngược lại, chế độ nào chỉ phục vụ cho quyền lợi của giới cầm quyền là chế độ bất công, vì quốc gia là sự kết hợp của những con người tự do và bình đẳng. “Chính phủ có liên quan đến lợi ích chung là được thành lập phù hợp với nguyên tắc nghiêm ngặt của công lý, và do đó là các hình thức thật; nhưng những chính phủ chỉ quan tâm đến sở thích của các nhà lãnh đạo là những dạng chính phủ khiếm khuyết và biến thái, bởi vì các chính phủ đó là chuyên chế, trong khi đó nhà nước là một cộng đồng của những người tự do” [1, tr.60]. Như vậy, Aristotle đã lấy tiêu chuẩn để xác định các hình thức nhà nước kiểu mẫu là khả năng phụng sự lợi ích chung. Thể chế nhà nước nào lấy lợi ích xã hội làm cứu cánh, thì được liệt vào hình thức kiểu mẫu; ngược lại, thể chế nhà nước nào tuyệt đối hóa quyền lực của cá nhân hay của một nhóm thiểu số thì bị quy về hình thức lệch lạc.

3. Quyền được giáo dục của con người

Aristotle đã chỉ ra vai trò của nhà nước là đào tạo các công dân về mặt đức hạnh. Nhiệm vụ chính của nó là giáo dục công dân đi đến hoạt động một cách ngay thẳng, dạy cho họ nhằm tới một mục tiêu cao thượng của cuộc sống và vững bước trong cuộc sống đó. Người công dân sẽ là người can đảm, điềm tĩnh, tự do, cao thượng, thực hiện công bằng, cư xử như những người bạn hoàn hảo, tóm lại là những con người “đẹp và tốt”. Việc giáo dục công dân trở thành những người dân đạo đức là điều hết sức quan trọng. Khi một đất nước có được những công dân vừa học thức lại vừa đức hạnh thì dĩ nhiên đất nước đó phải trở nên tốt đẹp hơn. Đây cũng là quyền rất cơ bản của công dân trong tư tưởng của ông. Theo Aristotle, để đào tạo người công dân trở thành những con người “đẹp và tốt” thì phải có sự kết hợp giữa luật pháp và giáo dục.

     Thật vậy, trong “Chính trị” Aristotle đã thể hiện quan điểm đề cao vai trò của pháp luật trong việc quản lý xã hội và giáo hóa con người khi cho rằng khi tách rời khỏi luật pháp và công lý, thì con người là động vật tồi tệ nhất; “bởi vì con người, khi đã hoàn thiện, là động vật cao nhất, nhưng khi tách rời khỏi luật pháp và công lý, thì con người là động vật tồi tệ nhất, bởi vì sự bất công được trang bị kỹ là nguy hiểm hơn, và con người từ khi sinh ra đã có đôi tay nghĩa là có sự thông minh và đạo đức, những điều này có thể được con người sử dụng cho những mục đích tồi. Vậy nên, nếu con người không có đức hạnh, thì con người là động vật xấu xa và man rợ nhất, tham lam và ham muốn nhiều. Tuy nhiên, công lý là dây buộc của con người trong các nhà nước, vì quản lý sự công bằng, quyết định công bằng là gì, đó là nguyên tắc thiết lập trật tự trong xã hội chính trị” [1, tr.6].

     Bên cạnh đó, Aristotle còn dành sự quan tâm đặc biệt đến giáo dục, được thể hiện trong Quyển VIII. Theo ông, giáo dục là nhiệm vụ của quốc gia, các nhà lập pháp nên hướng sự chú ý của mình vào việc giáo dục thanh niên và nhà nước phải xây dựng một hệ thống giáo dục đồng nhất cho mọi công dân. Aristotle xem giáo dục có liên quan với trí tuệ hay với đạo đức đức hạnh. Ông đề nghị bốn môn học cho chương trình giáo dục: đọc viết, thể dục, âm nhạc, và hội họa. Trong số đó, đọc viết và hội họa được coi là hữu ích cho những mục đích của cuộc sống; các bài tập thể dục được cho là để truyền tải lòng can đảm [1, tr.182]. Âm nhạc là một môn học quan trọng, không phải chỉ là môn học để giải trí, mà là môn học để sử dụng thì giờ nhàn rỗi một cách đúng đắn. Hơn thế nữa, bản chất của âm nhạc là sự hòa hợp âm thanh, và do đó sẽ khiến cho tâm hồn dễ đạt được sự cân bằng giữa tình cảm và lý trí.

     Aristotle cho rằng trẻ em cần được dạy những điều hữu ích và thực sự cần thiết. Việc giáo dục cần được quan tâm đặc biệt để trẻ em phát triển về thể chất cũng như đức tính: không nên để trẻ nhỏ từ 5 đến 7 tuổi ở gần dân nô lệ và tuyệt đối cấm không cho nghe những lời tục tĩu hoặc những hình ảnh dâm ô. Điều này quan trọng đến nỗi nhà nước phải ra luật cấm trên toàn quốc. Ông qui định cái phải làm từ lúc sơ sinh, những bài tập luyện mà người ta phải hay không phải bắt trẻ làm cho đến 7 tuổi. Sau 7 tuổi, giáo dục trẻ em nên chia làm hai giai đoạn: từ 7 tuổi đến dậy thì và từ dậy thì tới 21 tuổi. Đồng thời, Aristotle cũng đề nghị là dạy cho trẻ em phát triển thể chất trước khi phát triển tinh thần; cho nên, trẻ em nên được học các bài tập thể dục trước, vì huấn luyện thể chất sẽ giúp trẻ em phát triển các tập quán tốt như kỷ luật tự giác; rồi đến âm nhạc; sau cùng mới đến các môn học về tri thức. Không nên xem việc học nhằm đạt được mục đích cá nhân, mà nhằm vươn đến tinh thần tự do và năng lực tự lựa chọn. Ngoài ra, Aristotle đánh giá cao phương pháp đối thoại, tính tự nguyện trong giáo dục, nhằm hình thành nhân cách của con người tự chủ và linh hoạt.

     Chính phủ cũng phải kiểm soát nền giáo dục. Muốn chính thể được lâu dài, nền giáo dục phải thích hợp. Những kẻ xuất chúng phải được huấn luyện để trở thành những nhà cai trị. Toàn dân phải được huấn luyện để biết tuân theo pháp luật. Nền giáo dục còn có tác dụng thống nhất quốc gia, vượt lên trên những vấn đề chia rẽ địa phương.

     Nếu người thầy của ông là Plato chỉ chú trọng đến việc giáo dục các chiến binh và nhà cai trị tương lai thì ông đã xác định đối tượng của giáo dục một cách rộng rãi. Những người tài giỏi cần phải giáo dục để trở thành nhà cai trị, còn dân chúng cần phải được giáo dục để sống và hành động tuân thủ pháp luật. Như vậy, quyền được giáo dục để phát triển một cách toàn diện cả về thể chất, tinh thần và trí tuệ đã được Aristotle quan tâm ngay từ thời cổ đại.

4. Quyền được tham gia vào chính sự

Aristotle đã tiến một bước cao hơn trong tư tưởng về quyền con người khi cho rằng, đối với các thành viên của thành bang, nếu họ là những công dân thực sự thì phải tham gia vào những cơ hội mà chúng tạo ra. “Người có khả năng tham gia vào các thảo luận hoặc quản lý tư pháp của bất kỳ quốc gia nào được cho nhờ chúng ta mới trở thành công dân của nhà nước đó; và nói chung, nhà nước là một thực thể của công dân đủ cho các mục đích của cuộc sống” [1, tr.53]. Aristotle cho rằng tư cách công dân của một người không được tạo nên chỉ vì người đó sinh ra và cư trú trên một đất nước nào đó. Công dân trong chế độ Dân chủ thì khác với công dân trong chế độ Quả đầu. Tư cách công dân chỉ cần có một tiêu chuẩn để xác định: công dân là người có quyền tham gia chính sự và giữ những chức vụ trong chính quyền, “có nhiều loại công dân khác nhau, và người là một công dân trong ý nghĩa cao nhất là người có danh dự trong nhà nước” [1, tr.59]. Với việc khẳng định mọi công dân có đạo đức đều có quyền cai trị, tức là được phép tham gia vào những công việc của thành bang, Aristotle đã trở thành người đầu tiên đưa ra những tư tưởng về quyền con người một cách cơ bản nhất mà cho đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị. Tư tưởng nhân quyền trong thời đại văn minh được bắt đầu từ những nền móng đầu tiên mà Aristotle đã vạch ra cách đây khoảng 2.500 năm. Trong nhà nước lý tưởng, Aristotle đã chỉ ra “đời sống tốt đẹp nhất cho quốc gia và cá nhân là đời sống đức hạnh được trang bị bởi những cái tốt vật chất ngoại tại, và thể chất, những điều kiện cần thiết để cho con người có thể tham dự vào các hoạt động đem lại sự tốt lành cho quốc gia”. Đó chính là điều cốt lõi trong tư tưởng về quyền con người của ông.

5. Quyền công dân gắn liền với nghĩa vụ công dân

Người công dân trong quan điểm của Aristotle không chỉ có những quyền nhất định mà còn phải có nghĩa vụ đối với thành bang. Ông đã gắn chặt quyền và nghĩa vụ với nhau khi nói về bản chất công dân. Ông đưa ra hình ảnh so sánh, những người thủy thủ trên một con tàu giữ cho con tàu được an toàn, đi được tới mục tiêu đã định. Công dân cũng vậy, mục đích tối hậu là giữ cho sự an toàn của chế độ và đó là “đức hạnh” chung của mọi công dân. Aristotle nói “sự cứu giúp cộng đồng là công việc chung của tất cả bọn họ. Cộng đồng này là hiến pháp, do đó đạo đức của công dân phải có liên quan đến hiến pháp mà ông ta là một thành viên trong đó” [1, tr.55]. Công dân, dù giữ chức vụ lãnh đạo hay chỉ là dân thường, cũng cần phải có kiến thức và khả năng để biết lãnh đạo cũng như biết tuân phục. “Một công dân tốt phải có khả năng của cả hai (cai trị và tuân thủ), ông nên biết làm thế nào để cai trị như một người tự do, và làm thế nào để tuân thủ như một người tự do – đây là những đạo đức của một người công dân” [1, tr.57]. Riêng đối với nhà lãnh đạo, Aristotle còn đòi hỏi phải có thêm một đức tính ngoài những đức tính mà mọi công dân đều có: “Những ai chưa bao giờ học cách tuân lời thì không thể trở thành một chỉ huy tốt được” [1, tr.57] và “Người cai trị tốt là một người tốt và khôn ngoan, và rằng ai là một nhà chính trị thì sẽ phải là một người khôn ngoan. Sự khôn ngoan là đặc tính của người cai trị” [1, tr.56]. Ông cho rằng, việc công dân thực hành đức hạnh chính là việc thực hiện nghĩa vụ của mình đối với nhà nước. Sở dĩ ông luôn đề cao đức hạnh của công dân và đạo đức của người cai trị là vì theo ông đạo đức và chính trị không tách rời nhau, xem đạo đức là cơ sở để tìm hiểu chính trị. Nghệ thuật chính trị được xây dựng trên cơ sở hiểu biết về con người, về đức hạnh công dân và đức hạnh nói chung. Khái niệm công dân hẹp hơn khái niệm con người, vì vậy phẩm chất của một công dân tốt thuộc về tất cả mọi người, nhưng phẩm chất của người tốt chưa hẳn thuộc về tất cả công dân. Vì thế nhà chính trị phải vừa là một công dân, vừa là một con người, vừa có đức hạnh công dân, vừa có đức hạnh con người nói chung. Tóm lại, nhà chính trị phải là một nhân cách cao thượng.

     Trong nhà nước lý tưởng, Aristotle đã chỉ ra công dân là những người tự do có cùng gốc gác ưu tú mới là thành phần được tham gia vào chính sự. Thành phần lao động bình dân, vì không có thì giờ nhàn rỗi để học hành thành người có đức hạnh nên không thể tham gia chính sự. Tuy nhiên, thành phần này cũng là công dân và trên nguyên tắc phải được tham gia chính sự. Đây là một vấn nạn cho mô hình nhà nước lý tưởng của Aristotle cho nên ông chủ trương rằng: thành phần lao động sẽ gồm những nô lệ. Như vậy, mô hình nhà nước lý tưởng của Aristotle sẽ gồm hai thành phần: công dân thuộc giai cấp ưu tú quý tộc và lao động là nô lệ. Những công dân trẻ tuổi lo việc quốc phòng, trung niên lo việc cai trị và lão niên lo việc tế tự. Theo cách sắp xếp này, công dân sẽ tuần tự theo lứa tuổi của mình mà phục vụ quốc gia.

     Như vậy, Aristotle đã dành cho người công dân những quyền hết sức cơ bản và cao quý; nhưng đồng thời, ông cũng đặt ra những tiêu chuẩn mà công dân cần phải có và những nhiệm vụ mà công dân phải thực hiện. Quyền lợi phải luôn đi đôi với nghĩa vụ. Những tư tưởng mà ông đã đặt ra về quyền con người được xem như là những bước đi đầu tiên của loài người trong việc thực hiện nhân quyền. Đó là một trong những đóng góp lớn lao mà ông đã để lại cho hậu thế trong lĩnh vực tư tưởng.

Tài liệu tham khảo:

1. Vũ Văn Viên (1998), Triết học Aristotle, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội;

2. Khoa học Xã hội Việt Nam, số 9 – 2019. ISSN: 1013-4238  - Tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)