Mục lục bài viết
1. Địa điểm giải quyết tranh chấp trọng tài.
Địa điểm giải quyết tranh chấp là nơi Hội đồng trọng tài tiến hành giải quyết tranh chấp theo sự thỏa thuận lựa chọn của các bên hoặc do Hội đồng trọng tài quyết định nếu các bên không có thỏa thuận. Nếu địa điểm giải quyết tranh chấp được tiến hành trên lãnh thổ Việt Nam thì phán quyết phải được coi là tuyên tại Việt Nam mà không phụ thuộc vào nơi Hội đồng trọng tài tiến hành phiên họp để ra phán quyết đó.
Tại Điều 11 Luật trọng tài thương mại 2010 quy đinh địa điểm giải quyết tranh chấp Trọng tài như sau:
- Các bên có quyền thoả thuận địa điểm giải quyết tranh chấp; trường hợp không có thoả thuận thì Hội đồng trọng tài quyết định. Địa điểm giải quyết tranh chấp có thể ở trong lãnh thổ Việt Nam hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam.
- Trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác, Hội đồng trọng tài có thể tiến hành phiên họp tại địa điểm được xem là thích hợp cho việc trao đổi ý kiến giữa các thành viên của Hội đồng trọng tài, việc lấy lời khai của người làm chứng, tham vấn ý kiến các chuyên gia hoặc tiến hành việc giám định hàng hoá, tài sản hoặc tài liệu khác.
Khoản 1 Điều 20 Luật Mẫu UNCITRAL 2006 quy định: “Các bên được tự do thỏa thuận nơi tiến hành trọng tài. Nếu không thoả thuận, nơi tiến hành tố tụng trọng tài sẽ được Hội đồng trọng tài quyết định căn cứ vào hoàn cảnh của vụ kiện, có tính tới sự thuận tiện cho các bên”. Khoản 2 Điều 20 quy định thêm: “Dẫu có quy định của khoản 1 của điều này, Hội đồng trọng tài có thể, trừ khi các bên có thoả thuận khác, tổ chức tại địa điểm được xem là thích hợp cho việc hỏi ý kiến các ủy viên, cho việc mời nhân chứng, chuyên gia hoặc các bên hoặc việc giám định hàng hoá, tài sản khác hoặc văn bản”.
Tương tự Luật Mẫu, khoản 1 Điều 1043 Luật Trọng tài Đức 1998 quy định: “Các bên tự do thỏa thuận nơi tiến hành trọng tài. Nếu không có thỏa thuận, nơi tiến hành trọng tài được xác định bởi Hội đồng trọng tài trên cơ sở có chú ý tới hoàn cảnh của vụ việc, kể cả sự thuận tiện cho các bên”. Khoản 2 Điều 1043 còn quy định thêm: “Bất kể quy định tại khoản 1, trừ khi các bên có thoả thuận khác, Hội đồng trọng tài có thể họp ở bất kỳ địa điểm nào mà Hội đồng cho là phù hợp để mở phiên xử, nghe nhân chứng, chuyên gia, hoặc các bên, tham khảo ý kiến các thành viên Hội đồng, hoặc giám định tài sản hay tài liệu”. Điều 28 Luật Trọng tài Ai Cập 1994 quy định: “Các bên tham gia trọng tài có thể thỏa thuận về địa điểm trọng tài ở Ai Cập hoặc ở nước ngoài. Trong trường hợp các bên không thoả thuận, Hội đồng trọng tài sẽ xác định nơi trọng tài được tổ chức, có xem xét tới hoàn cảnh của vụ việc và sự thuận tiện cho các bên, điều này không ảnh hưởng tới quyền lực của Hội đồng Trọng tài trong việc nhóm họp ở bất kỳ nơi nào được xem là phù hợp cho việc kiểm soát bất kỳ giai đoạn tố tụng trọng tài nào, như mở phiên xét xử các bên, việc trình bày của nhân chứng và chuyên gia, xem xét các tài liệu, xác minh tài sản hoặc tiền mặt, tổ chức thảo luận giữa các trọng tài viên...”.
Quy tắc tố tụng của Tòa án Trọng tài Quốc tế Luân Đôn cũng dành cho Hội đồng Trọng tài sự chủ động cần thiết trong việc quyết định địa điểm trọng tài nếu các bên không có thoả thuận về vấn đề này, Điều 16 nêu rõ: “Các bên có thể thỏa thuận bằng văn bản địa điểm của trọng tài. Nếu các bên không thỏa thuận, địa điểm trọng tài sẽ là Luân Đôn, trừ khi Toà án Trọng tài Quốc tế Luân Đôn cân nhắc đến mọi hoàn cảnh, và sau khi đã trao cho các bên một cơ hội đưa ra ý kiến bằng văn bản rằng địa điểm trọng tài ở nơi khác sẽ phù hợp hơn”. Điều 18 Quy tắc trọng tài 2012 của ICC cũng có quy định tương tự như trong Luật Mẫu UNCITRAL về địa điểm trọng tài.
Như vậy việc chọn địa điểm là do các bên có quyền thoả thuận trường hợp không có thoả thuận thì Hội đồng trọng tài quyết định. Địa điểm giải quyết tranh chấp có thể ở trong lãnh thổ Việt Nam hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam.
2. Các trường hợp thoả thuận trọng tài vô hiệu.
Các trường hợp thoả thuận trọng tài vô hiệu quy định tại Điều 18 Luật Trọng tài Thương mại:
"1. Tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài quy định tại Điều 2 Luật Trọng tài Thương mại.
2. Người xác lập thoả thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
3. Người xác lập thoả thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ Luật Dân sự.
4. Hình thức của thoả thuận trọng tài không phù hợp với quy định tại Điều 16 Luật Trọng tài Thương mại.
5. Một trong các bên bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép trong quá trình xác lập thoả thuận trọng tài và có yêu cầu tuyên bố thoả thuận trọng tài đó là vô hiệu.
6. Thỏa thuận trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật".
Thoả thuận trọng tài bị coi là không thể thực hiện được là các trường hợp theo Điều 4 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP:
a) Trung tâm trọng tài nơi các bên đã có thoả thuận giải quyết tranh chấp đã chấm dứt hoạt động mà không có tổ chức kế thừa và các bên không có thoả thuận thay thế;
b) Trọng tài viên trọng tài vụ việc mà các bên đã có thoả thuận lựa chọn không thể tham gia giải quyết tranh chấp vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan; hoặc Tòa án không thể tìm được Trọng tài viên như các bên yêu cầu và các bên không có thoả thuận thay thế;
c) Trọng tài viên trọng tài vụ việc mà các bên đã có thoả thuận lựa chọn từ chối hoặc Trung tâm trọng tài từ chối việc chỉ định Trọng tài viên và các bên không có thoả thuận thay thế;
d) Các bên có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài nhưng lại thỏa thuận áp dụng Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài khác mà điều lệ của Trung tâm trọng tài các bên chọn không cho phép và các bên không thỏa thuận được về việc lựa chọn Quy tắc tố tụng trọng tài thay thế.
e) Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng có điều khoản về thỏa thuận trọng tài được ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hóa, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn nhưng khi phát sinh tranh chấp, người tiêu dùng không đồng ý lựa chọn Trọng tài giải quyết tranh chấp”.
3. Thỏa thuận trọng tài rồi có được kiện ra Tòa án hay không?
Theo quy định tại Điều 6 Luật Trọng tài Thương mại 2010 thì "Trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại Tòa án thì Tòa án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc thoả thuận trọng tài không thể thực hiện được".
Khoản 1 Điều 43 Luật Trọng tài Thương mại: “Trước khi xem xét nội dung vụ tranh chấp, Hội đồng trọng tài phải xem xét hiệu lực của thỏa thuận trọng tài; thỏa thuận trọng tài có thể thực hiện được hay không và xem xét thẩm quyền của mình. Trong trường hợp vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì Hội đồng trọng tài tiến hành giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật Trọng tài Thương mại. Trường hợp không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc xác định rõ thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được thì Hội đồng trọng tài quyết định đình chỉ việc giải quyết và thông báo ngay cho các bên biết”.
Như vậy, khi hai bên đã có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thì Tòa án sẽ từ chối thụ lý đơn khởi kiện mà không cần xem xét thỏa thuận trọng tài là vô hiệu hay thỏa thuận trọng tài không thực hiện được.
Việc xem xét thỏa thuận trọng tài vô hiệu hay thỏa thuận trọng tài không thực hiện được là thẩm quyền của trọng tài thương mại. Trường hợp Hội đồng trọng tài ra quyết định đình chỉ việc giải quyết tranh chấp theo quy định khoản 1 Điều 43 Luật Trọng tài Thương mại, các bên có thể khởi kiện ra Tòa án để giải quyết tranh chấp.
4. Ngôn ngữ giải quyết tranh chấp trong trọng tài
Ngôn ngữ giải quyết tranh chấp trọng trọng tài là ngôn ngữ mà hội đồng trọng tài cũng như các bên tranh chấp phải sử dụng trong toàn bộ quá trình trọng tài giải quyết tranh chấp bao gồm tố tụng trọng tài cũng như các văn bản, tài liệu, chứng cứ... được sử dụng trong quá trình xét xử trọng tài. Cũng giống như xác định địa điểm giải quyết tranh chấp, việc xác định ngôn ngữ giải quyết tranh chấp trong trọng tài cần đảm bảo tôn trọng quyền tự định đoạt của các bên cũng như đảm bảo sự thuận lợi cho các bên. Việc sử dụng ngôn ngữ thuận lợi hơn cho một bên tranh chấp sẽ không đảm bảo sự công bằng trong xét xử trọng tài. Nếu như trọng tài nội địa chỉ xét xử tranh chấp không có yếu tố nước ngoài và như vậy ngôn ngữ được sử dụng trong trọng tài công bằng nhất là tiếng bản xứ thì đối với trọng tài quốc tế ngôn ngữ trọng tài công băng thường không phải là tiếng bản xứ của một bên tranh chấp mà phải là ngôn ngữ được các bên tranh chấp đều cho là thuận tiện trong giải quyết tranh chấp.
Căn cứ Điều 10 Luật trọng tài thương mại năm 2010 quy định về ngôn ngữ và địa điểm của hình thức tranh chấp bằng trọng tài thương mại như sau:
"1. Đối với tranh chấp không có yếu tố nước ngoài, ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài là tiếng Việt, trừ trường hợp tranh chấp mà ít nhất một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trường hợp bên tranh chấp không sử dụng được tiếng Việt thì được chọn người phiên dịch ra tiếng Việt.
2. Đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, tranh chấp mà ít nhất một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên không có thỏa thuận thì ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài do Hội đồng trọng tài quyết định."
Như vậy, đối với tranh chấp không có yếu tố nước ngoài, ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài là Tiếng Việt, hai bên thỏa thuận sử dụng tiếng Anh khi giải quyết tranh chấp thì điều khoản này sẽ bị vô hiệu.
Xuất phát từ quan điểm như vậy, pháp luật trọng tài trên thế giới hầu như đều cho phép các bên tranh chấp thỏa thuận về ngôn ngữ và số lượng ngôn ngữ sử dụng trong quá trình trọng tài đồng thời chỉ rõ phạm vi sử dụng ngôn ngữ trọng tài. Mặc dù các bên tranh chấp được thỏa thuận về ngôn ngữ và số lượng ngôn ngữ sử dụng trong quá trình trọng tài song cần lưu ý là quy tắc tố tụng của một số tổ chức trọng tài trên thế giới lại hạn chế số lượng ngôn ngữ có thể được sử dụng. Vì vậy các bên tranh chấp cần nghiên cứu kỹ quy tắc tố tụng của tổ chức trọng tài mà họ mong muốn giải quyết tranh chấp ở đó để thỏa thuận về ngôn ngữ trọng tài. Trên thực tế, để đảm bảo sự thuận tiện cho các bên cũng như hội đồng trọng tài trong giải quyết tranh chấp, các bên thường thỏa thuận sử dụng một ngôn ngữ trong tố tụng trọng tài. Đôi khi các bên thỏa thuận thêm việc sử dụng một ngữ khác dành riêng cho việc trình bày các văn bản, chứng cứ. Nếu các bên tranh chấp vì lý do nào đó không thỏa thuận được ngôn ngữ trọng tài thì hội đồng trọng tài sẽ quyết định.
5. Công nhận thỏa thuận trọng tài khi nào?
Các công ước này đã tạo ra những tiêu chuẩn có tính quốc tế của một thỏa thuận trọng tài; trong đó, các quy định tại Công ước New York 1958 – Công ước được coi là “cột đỡ quan trọng nhất cho sự hiệu quả của trọng tài quốc tế” yêu cầu mỗi quốc gia thành viên có nhiệm vụ phải công nhận và đảm bảo hiệu lực cho một thỏa thuận trọng tài khi những điều kiện sau được đáp ứng:
- Thỏa thuận đó được lập bằng văn bản;
- Thỏa thuận về những tranh chấp đang tồn tại hoặc có thể phát sinh trong tương lai;
- Những tranh chấp này phát sinh từ một quan hệ pháp luật xác định, dù có phải quan hệ hợp đồng hay không; và
- Chúng liên quan đến một vấn đề có thể được giải quyết bằng trọng tài (arbitrability)