Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

1. Căn cứ pháp lý

2. Nơi nhận bảo hiểm thất nghiệp

Em xin chào luật sư. Em quê ở Hà Tĩnh, làm việc 3 năm ở Hà Nội. Hiện tại em đã lấy chồng và sinh con tại Hà Nam và cũng đã nghỉ việc tại Hà Nội. Vậy em xin hỏi luật sư muốn làm bảo hiểm thất nghiệp thì về Hà Nam có được không ạ? Hay là em phải lên trung tâm giới thiệu việc làm trên Hà Nội để xin giấy chuyển về Hà Nam làm bảo hiểm thất nghiệp ạ? Mong luật sư giúp đỡ. Em xin chân thành cảm ơn.
Theo căn cứ quy định tại Luật Việc làm năm 2013, thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp được thực hiện như sau:

Điều 46. Hưởng trợ cấp thất nghiệp

1. Trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập.

2. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày trung tâm dịch vụ việc làm tiếp nhận đủ hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp; trường hợp không đủ điều kiện để hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp thì phải trả lời bằng văn bản cho người lao động.

3. Tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện việc chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Đồng thời, theo Nghị định số 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp có quy định về hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp:
Điều 17. Nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp
1. Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đúng quy định tại Điều 16 của Nghị định này cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.
Như vậy, bạn chỉ cần chuẩn bị đủ hồ sơ cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương muốn nhận trợ cấp thất nghiệp là có thể nhận trợ cấp thất nghiệp được.
Hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp bao gồm:
Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.
Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ sau đây xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc:
+ Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;

+ Quyết định thôi việc;

+ Quyết định sa thải;

+ Quyết định kỷ luật buộc thôi việc;

+ Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
- Sổ bảo hiểm xã hội

2. Mượn hồ sơ người khác để ký hợp đồng lao động

Chào quý anh chị. Em có câu hỏi thắc mắc mong anh chị bớt chút thời gian tư vấn giúp em. Chuyện là em có một người bạn mượn hồ sơ của em để xin việc. Nhưng bây giờ anh đó muốn nghỉ việc và hưởng bảo hiểm xã hội cũng như bảo hiểm thất nghiệp. Liệu việc này có ảnh hưởng và liên quan đến em không? Và khi giải quyết bảo hiểm thì em sẽ là người đại diện giải quyết hay là anh ấy? Khi làm bảo hiểm thất nghiệp thì có trùng với thời gian bảo hiểm xã hội của em không? Em cảm ơn quý anh chị.

Theo thông tin bạn cung cấp, người bạn mượn hồ sơ của bạn để kí kết hợp đồng lao động. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của bạn liên quan đến bảo hiểm xã hội. Trong trường hợp này, người bạn đó phải thực hiện thủ tục xin cấp lại sổ bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Quyết định 595/QĐ-BHXH do phải thực hiện thủ tục điều chỉnh nội dung ghi trên sổ bảo hiểm xã hội (thay đổi họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, dân tộc, quốc tịch... đã ghi trên sổ BHXH). Thành phần hồ sơ sẽ bao gồm:

- Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).

- Hồ sơ kèm theo (Mục 3,4 Phụ lục 01).

Và Bảng kê thông tin (Mẫu D01-TS) do người sử dụng lao động lập.

Hồ sơ này sẽ được gửi về cơ quan quản lý bảo hiểm địa phương để xác minh và cấp lại sổ bảo hiểm xã hội cho người làm hồ sơ yêu cầu.

Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý, hành vi mượn hồ sơ của người khác để ký kết hợp đồng lao động là hành vi vi phạm pháp luật. Theo Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định:
Điều 17. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

2. Chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

3. Chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

4. Gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

5. Sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp không đúng pháp luật.

6. Cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, người sử dụng lao động.

7. Truy cập, khai thác trái pháp luật cơ sở dữ liệu về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

8. Báo cáo sai sự thật; cung cấp thông tin, số liệu không chính xác về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Hành vi của người bạn của bạn đã vi phạm khoản 4 Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Đối với hành vi này, Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi vi phạm hành chính lĩnh vực bảo hiểm xã hội và mới nhất là Nghị định 12/2022/NĐ-CP có quy định:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người lao động có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa làm sai sự thật những nội dung có liên quan đến việc hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Không thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định khi người lao động có việc làm trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp;

c) Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không thông báo theo quy định với Trung tâm dịch vụ việc làm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: có việc làm; thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; hưởng lương hưu hằng tháng; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên.

Và bên cạnh đó, Nghị định còn quy định về biện pháp khắc phục là phải nộp lại cho tổ chức bảo hiểm xã hội số tiền bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp đã nhận do thực hiện hành vi vi phạm. Nếu người bạn của bạn chưa nhận tiền trợ cấp thất nghiệp thì nên thực hiện hồ sơ điều chỉnh thông tin trên sổ BHXH để tránh bị coi là thực hiện hành vi lừa đảo để trục lợi từ quy định của pháp luật. Sau khi thực hiện điều chỉnh thông tin trên sổ BHXH thì sổ bảo hiểm xã hội của mỗi người là tách biệt hoàn toàn và không ảnh hưởng đến nhau, bạn vẫn bảo lưu được thời gian tham gia bảo hiểm xã hội trước đó, và thời gian người bạn kia làm việc tại công ty sẽ được tính vào thời gian tham gia BHXH của người đó chứ không phải của bạn.

3. Rút sổ bảo hiểm khi chưa làm đủ thời gian trong hợp đồng lao động

Em chào công ty. Em có một vấn đề đang thắc mắc: Em làm cho công ty tư nhân ký hợp đồng lao động 12 tháng, tuy nhiên em chỉ đóng bảo hiểm được 10 tháng rồi nghỉ. Vậy em làm thủ tục rút sổ bảo hiểm có thể nhận được tiền bảo hiểm thất nghiệp hay không? Nếu có nhận được thì số tiền em được hưởng sẽ là bao nhiêu? Em xin cảm ơn ạ.
Căn cứ theo quy định tại Luật Việc làm năm 2013 thì điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được xem xét như sau:

Điều 49. Điều kiện hưởng

Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:

a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;

b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;

3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;

4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:

a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;

b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;

c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;

đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;

e) Chết.

Như vậy, hợp đồng lao động của bạn là hợp đồng 12 tháng, được coi là hợp đồng lao động có xác định thời hạn. Tuy nhiên, bạn chỉ tham gia bảo hiểm thất nghiệp có 10 tháng. Vì vậy, bạn không đủ điều kiện để được hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể thực hiện thủ tục rút bảo hiểm xã hội một lần. Đối với thủ tục rút bảo hiểm xã hội một lần, Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định: Nếu người lao động sau 1 năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH và không tiếp tục đóng BHXH, nếu có yêu cầu thì được hưởng BHXH một lần. Mức hưởng BHXH một lần đối với trường hợp thời gian đóng BHXH chưa đủ một năm thì mức hưởng sẽ bằng số tiền đã đóng, tối đa bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

4. Nhận bảo hiểm thất nghiệp sau thời gian nghỉ thai sản

Xin chào luật sư. Em muốn hỏi em đã đóng bảo hiểm được 15 tháng thì nghỉ sinh con, sau đó hết thời gian nghỉ thai sản 6 tháng vì phải ở nhà chăm con nên không có điều kiện đi làm được nữa. Nay em muốn nhận trợ cấp thất nghiệp thì có được không ạ? Em xin cảm ơn luật sư.

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho công ty luật Minh Khuê. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi xin trả lời như sau:

Theo Điều 49 Luật Việc làm năm 2013 quy định về điều kiện người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp đã được nêu ở trên và Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm thì: người lao động phải đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp được nêu trong Điều 49 và phải nộp hồ sơ cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương trong thời hạn 3 tháng kể từ khi chấm dứt hợp đồng lao động. Như vậy, nếu tính từ thời điểm bạn chấm dứt hợp đồng lao động đến bây giờ mà chưa quá 3 tháng thì bạn hoàn toàn có thể lập hồ sơ để hưởng trợ cấp thất nghiệp, còn nếu đã quá 3 tháng thì bạn sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp nữa. Thời gian bạn đã tham gia BHXH sẽ được bảo lưu để làm căn cứ tính bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp cho lần tiếp theo. 

Trên đây là toàn bộ tư vấn của công ty luật Minh Khuê. Trường hợp trong nội dung bài viết có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung bài viết khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số:1900.6162 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.

Trân trọng./.

Công ty luật Minh Khuê.