1. Điều kiện kinh doanh dịch vụ giới thiệu sản phẩm quảng cáo đến công chúng 

Theo khoản 1 Điều 2 Luật Quảng cáo năm 2012 thì quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân.

Cũng theo Điều Luật, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo là những tổ chức, cá nhân thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình quảng cáo theo hợp đồng cung ứng dịch vụ quảng cáo với người quảng cáo.

Xem thêm: Mẫu hợp đồng dịch vụ quảng cáo thương mại 

Theo Phụ lục IV ban hành kèm theo Luật Đầu tư năm 2020 thì kinh doanh dịch vụ giới thiệu sản phẩm quảng cáo đến công chúng không phải là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Cho dù vậy thì việc kinh doanh ngành nghề này vẫn cần phải đáp ứng những điều kiện nhất định, đặc thù của Luật Quảng cáo. Theo đó tại Điều 20 Luật Quảng cáo năm 2012 có quy định điều kiện để có thể kinh doanh hoạt động quảng cáo gồm có: 

- Thứ nhất đối với những hàng hóa, dịch vụ thông thường thì phải đáp ứng điều kiện:

+ Quảng cáo về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh

+ Quảng cáo cho các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải có các tài liệu chứng minh về sự hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật.

+ Quảng cáo tài sản mà pháp luật quy định tài sản đó phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng thì phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản.

- Thứ hai là đối với những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thì cần phải đảm bảo những điều kiện sau đây:

+ Quảng cáo thuốc được phép quảng cáo theo quy định của pháp luật về y tế; phải có giấy phép lưu hành tại Việt Nam đang còn hiệu lực và tờ hướng dẫn sử dụng do Bộ Y tế phê duyệt

+ Quảng cáo mỹ phẩm phải có phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về y tế

+ Quảng cáo hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế phải có giấy chứng nhận đăng ký lưu hành do Bộ Y tế cấp

+ Quảng cáo phân bón, chế phẩm sinh học phục vụ trồng trọt, thức ăn chăn nuôi, chế phẩm sinh học phục vụ chăn nuôi phải có giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm hoặc văn bản tự công bố chất lượng sản phẩm.

 

2. Đặc điểm của quảng cáo thương mại

- Quảng cáo là một loại thông tin có tính đơn phương, không dành riêng cho ai, có vận dụng mọi biện pháp và phương tiện thông tin đại chúng nhằm hỗ trợ một sản phẩm, một nhãn hiệu, một doanh nghiệp nào đó được nêu ra trong quảng cáo. Quảng cáo có tính thông tin một chiều từ phía người ra thông cáo, nhằm mục tiêu đã định là định hướng thái độ ứng xử của khách hàng. Trong quảng cáo, không có đối thoại mà chỉ là độc thoại, thường là tự đề cao mình. Đặc điểm này của quảng cáo có thể mang lại phiền toái rắc rối cho công chúng trong việc đánh giá tính chính xác, trung thực của thông tin. Nếu luật pháp không có cách thức kiểm soát thỏa đáng, doanh nghiệp sẽ sử dụng quảng cáo để phát ngôn tùy ý, ảnh hưởng tới lợi ích của người tiêu dùng và thương nhân khác.

- Đối tượng của hoạt động quảng cáo có thể là hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có khả năng mang lại lợi nhuận cho tổ chức, cá nhân hoặc các dịch vụ, thông tin nhằm thực hiện mục tiêu chính trị, văn hóa, xã hội nào đó. Khi quảng cáo về hoạt động kinh doanh của thương nhân, quảng cáo gắn với mục đích sinh lợi và do đó, có bản chất là hoạt động quảng cáo thương mại.

- Quảng cáo thương mại là một bộ phận của hoạt động quảng cáo nói chung. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng hoạt động quảng cáo đương nhiên là quảng cáo thương mại bởi vì các hoạt động giới thiệu, quảng bá khác không liên quan đến hàng hóa, dịch vụ thương mại, không liên quan đến thương nhân và không có mục đích sinh lời, thực chất chỉ là hoạt động có tính chất thông tin.

- Luật Quảng cáo của Việt Nam ghi nhận rõ nét bản sắc thương mại của quảng cáo khi coi quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng: sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin tức thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân.

- Tuy nhiên trong pháp luật quảng cáo hiện hành của Việt Nam, việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi cũng được coi là hoạt động quảng cáo và tuân thủ pháp luật về quảng cáo.

 

3. Vai trò của quảng cáo thương mại

Quảng cáo làm cho sản phẩm khác biệt với các đối thủ cạnh tranh, làm cho người tiêu dùng phân biệt được sản phẩm của công ty và đâu là sản phẩm cạnh tranh. Đây là chức năng rất quan trọng của quảng cáo, nó quyết định tính sống còn của sản phẩm trên thị trường. 

Để thông tin, hướng dẫn cách sử dụng sản phẩm. Chức năng này thường được sử dụng cho những sản phẩm phức tạp, cần có hiểu biết nhất định mới có thể sử dụng được như thuốc, mỹ phẩm, máy móc, chức năng này được trình bày qua các brochure, tờ bướm, catalog.

Trải qua quá trình hình thành và phát triển lâu dài, quảng cáo thương mại ngày càng giữ vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội. Quảng cáo thương mại có những vai trò sau:

- Đối với thương nhân: Quảng cáo thương mại là một công cụ hữu hiệu để xúc tiến thương mại. Đối với sản phẩm mới xuất hiện hoặc sắp tung ra thị trường thì giúp giới thiệu thông tin đến người tiêu dùng gây được chú ý của họ, tìm kiếm cơ hội thi lợi nhuận. Đối với các sản phẩm đã có mặt và quen thuộc thì duy trì sự tín nhiệm, lòng trung thành của người tiêu dùng đối với sản phẩm. Thúc đẩy việc bán sản phẩm để chiếm lĩnh thị trường, thu lợi nhuận, tăng doanh số bán hàng.

+ Hàng năm công ty điện tử viễn thông quân đội Viettel chi không dưới vài tỷ đồng cho hoạt động quảng cáo, để có được mẫu quảng cáo truyền hình” Nâng niu bàn chân Việt” thậm chí để được khán giả yêu thích, Biti’s bỏ ra chi phí 15.000 USD, thậm chí lên tới hàng triệu USD. Bên cạnh vai trò giới thiệu hàng hóa, dịch vụ đến với công chúng, quảng cáo còn góp phần củng cố và phát triển thế lực của công ty trên thị trường, đánh bóng tên tuổi của mình “Giá như mọi thứ đều bền như Electroluc”.

- Đối với người tiêu dùng: Vai trò đầu tiên mà quảng cáo thương mại mang lại đó là thông tin về hàng hóa, sản phẩm dịch vụ đồng thời mang tới cho họ sự lựa chọn và quyết định mua hay sử dụng sản phẩm hàng hóa dịch vụ đó. Tùy từng lứa tuổi, sở thích, giới tính, nhu cầu khách hàng có thể dễ dàng tìm thấy cho mình loại mặt hàng phù hợp nhất: Có thể thấy ví dụ rất điển hình ở mặt hàng sữa, đối với bé còn nhỏ, các bà mẹ có thể chọn sữa Cô gái Hà Lan 1,2,3 lớn hơn có thể chọn 4,5,6 người già có thể chọn Anlenne.

- Đối với nền kinh tế: Đặc biệt trong giai đoạn cạnh tranh thương mại mạnh mẽ như hiện nay, vai trò của quảng cáo thương mại là không thể phủ định. Quảng cáo thương mại là một hình thức xúc tiến thương mại, đóng vai trò là cầu nối giữa người bán hàng và người mua, người sản xuất với người tiêu dùng. Góp phần thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ hàng hóa dịch vụ trên thị trường, gián tiếp thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao tính cạnh tranh và tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho nền kinh tế, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của nền kinh tế thị trường của quốc gia đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Bài viết trên Luật Minh Khuê đã gửi tới bạn đọc chi tiết về vấn đề Điều kiện kinh doanh dịch vụ giới thiệu sản phẩm quảng cáo đến công chúng. Trong bài viết có mục nào chưa hiểu hay bạn đọc có bất kỳ thắc mắc về vấn đề pháp lý có thể liên hệ qua số tổng đài 1900.6162 hoặc qua email: lienhe@luatminhkhue.vn để được hỗ trợ.