Mục lục bài viết
1. Điều kiện nhập khẩu gia súc về Việt Nam
Căn cứ vào khoản 6 Điều 2 Luật Chăn nuôi năm 2018, "gia súc" được đinh nghĩa như sau: Gia súc là các loại động vật có vú, có bốn chân được con người thuần hóa và chăn nuôi. Ta có thể kể đến các động vật được xếp vào nhóm gia súc như: trâu, bò, lừa, ngựa, dê, cừu, lợn, thỏ, chó, mèo,.....
Vậy nhập khẩu gia súc cụ thể là nhập khẩu cái gì?. Vì nhập khẩu gia súc có thể hiểu là nhập khẩu gia súc sống, sản phẩm từ gia súc (thịt, nội tạng,....) để làm thực phẩm, để gia công, chế biến hàng xuất khẩu hay nhập khẩu đực giống, tinh, phôi giống gia súc. Do đó, bài viết sẽ đề cập đến: (1) nhập khẩu gia súc sống và sản phẩm từ gia súc để làm thực phẩm; (2) nhập khẩu đực giống, tinh, phôi giống gia súc.
* Điều kiện nhập khẩu gia súc sống và sản phẩm từ gia súc để làm thực phẩm
Theo quy định tại Điều 78 Luật Chăn nuôi năm 2018, Điều 44 Luật Thú y năm 2015 và Điều 29 Nghị định 13/2020/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi, khi nhập khẩu gia súc sống để làm thực phẩm thì cần đáp ứng những điều kiện sau:
+ Được cơ quan có thẩm quyền của nước xuất xứ xác nhận sử dụng làm thực phẩm
+ Trong quá trình chăn nuôi không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Những loại chất cấm này được liệt kê, quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư 21/2019/TT-BNNPTNT hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về thức ăn chăn nuôi
+ Gia súc nhập khẩu cần đảm bảo về sức khỏe; xuất phát từ vùng, cơ sở được công nhận an toàn dịch bệnh hoặc không có bệnh nguy hiểm theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới và Việt Nam. Đồng thời, phải có giấy chứng nhận kiểm dịch do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp đáp ứng yêu cầu vệ sinh thú y của Việt Nam
Đối với sản phẩm từ gia súc để dùng làm thực phẩm phải thỏa mãn điều kiện nhập khẩu sau:
+ Có đầy đủ hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đáp ứng được chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh.
+ Có giấy chứng nhận kiểm dịch do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp đáp ứng yêu cầu theo quy định.
+ Được giết mổ, sơ chế, chế biến tại cơ sở sản xuất đã đăng ký xuất khẩu vào Việt Nam.
Việc nhập khẩu vật nuôi để làm thực phẩm hay các sản phẩm từ gia súc đều cần phải thực hiện một cách nghiêm túc, cẩn thận và theo đúng quy định của pháp luật. Điều này xuất phát từ sức khỏe của con người và thậm chí cả về vấn đề kinh tế, xã hội. Ví dụ khi nhập khẩu những con lợn mà trong quá trình chăn nuôi tổ chức, cá nhân cho những con lợn đó ăn những thức ăn có chứa những thành phần cấm dẫn đến tình trạng của chúng không được tốt, nhiều bệnh, có nguy cơ chết,...; do đó trường hợp ta ăn vào có thể mắc số bệnh; cũng như tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng đến khí hậu, kinh tế,....
* Điều kiện nhập khẩu đực giống, tinh, phôi giống gia súc
Theo quy định tại Điều 19, Điều 20 Luật Chăn nuôi năm 2018, khi nhập khẩu giống vật nuôi và sản phẩm giống vật nuôi cần đảm bảo điều kiện như sau: Giống vật nuôi và sản phẩm giống vật nuôi cần đảm bảo về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng giống, mục đích sử dụng để nhân giống, tạo giống.
2. Thủ tục nhập khẩu gia súc sống và sản phẩm từ gia súc
Căn cứ vào Điều 45, 46, 47 Luật Thú y năm 2015; Chương VI Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn vệ sinh thực phẩm; Mục 2 Thông tư 38/2015/TT-BTC quy định về thủ tục hải quan (được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC) và Điều 8, Điều 9 Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4 Điều 1 Thông tư 35/2018/TT-BNNPTNT):
Bước 1: Xác định và chuẩn bị hồ sơ đăng ký kiểm dịch
Trước khi nhập khẩu thì chủ hàng phải gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký kiểm dịch, bao gồm:
+ Văn bản đề nghị hướng dẫn kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu của tổ chức, cá nhân (mẫu 19 Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT)
+ Đối với động vật, sản phẩm động vật thuộc đối tượng quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan khác thì phải nộp văn bản hoặc giấy phép theo quy định.
Bước 2: Nộp hồ sơ tới Cục Thú y và nhận kết quả
Chủ hàng có thể nộp hồ sơ đăng ký kiểm dịch quan cổng thông tin một cửa quốc gia hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc gửi qua thư điện tử, fax sau đó gửi bản chính hoặc gửi trực tiếp.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, căn cứ vào tình hình dịch bệnh, hệ thống quản lý giám sát dịch bệnh, giám sát vệ sinh thú y của nước xuất khẩu thì Cục Thú y sẽ có văn bản đồng ý kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu và hướng dẫn tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu.
Trường hợp không đồng ý thì phải có văn bản trả lời rõ ràng lý do vì sao từ chối, không đồng ý.
Nếu động vật, sản phẩm động vật từ quốc gia, vùng lãnh thổ lần đầu tiên đăng ký nhập khẩu vào Việt Nam hoặc từ quốc gia, vùng lãnh thổ có nguy cơ cao về dịch bệnh động vật thì phải được Cục Thú y tiến hành phân tích nguy cơ theo quy đinh,
Bước 3: Chuẩn bị và nộp hồ sơ khai báo kiểm dịch
Sau khi Cục Thú y có văn bản đồng ý và hướng dẫn kiểm dịch thì trước khi hàng đến cửa nhập khẩu, chủ hàng sẽ gửi 01 bộ hồ sơ khai báo kiểm dịch tới cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu, hồ sơ bao gồm:
+ Đơn khai báo kiểm dịch (Mẫu 03 Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT)
+ Giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất khẩu
Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ khai báo kiểm dịch hợp lệ, cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu sẽ ra quyết định và thông báo cho tổ chức, cá nhân đăng ký kiểm dịch về địa điểm, thời gian tiến hành kiểm dịch.
Bước 4: Làm các thủ tục hải quan và kiểm tra an toàn vệ sinh
Tổ chức, cá nhân chuẩn bị hồ sơ hải quan gồm có: (1) Tờ khai hải quan hoặc chứng từ thay thế tờ khai hải quan và (2) Các chứng từ có liên quan (tùy từng trường hợp mà người khai phải nộp hoặc xuất trình hợp đồng mua bán hàng hóa, hóa đơn thương mại, chứng từ vận tải, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, văn bản thông báo kết quả kiểm tra hoặc miễn kiểm tra,......)
Khi làm thủ tục hải quan, tổ chức, cá nhân đồng thời chuẩn bị hồ sơ để kiểm tra thực phẩm nhập khẩu.
+ Trường hợp kiểm tra giảm:
Tổ chức, cá nhân sẽ nộp hồ sơ đến cơ quan kiểm tra nhà nước hoặc Cổng thông tin một cửa quốc gia phân hệ Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương gồm có: Bản tự công bố sản phẩm; 03 thông báo kết quả xác nhận đạt yêu cầu nhập khẩu liên tiếp theo phương thức kiểm tra thông thường hoặc bản sao chứng thực hoặc bản chính hợp pháp hóa lãnh sự một trong các Giấy chứng nhận GMP, HACCP, ISO 22000, IFS, BRC, FSSC 22000 hoặc tương đương còn hiệu lực tại thời điểm nộp; Bản chính Giấy chứng đáp ứng yêu cầu thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp.
Cơ quan hải quan có trách nhiệm chọn ngẫu nhiên tối đa 5% trên tổng số lô hàng nhập khẩu thuộc diện kiểm tra giảm trong vòng 01 năm để kiểm tra hồ sơ theo quy định.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan hải quan có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ và thông quan hàng hóa. Trường hợp yêu cầu bổ sung hồ sơ thì phải nêu rõ lý do và căn cứ pháp lý của việc yêu cầu.
+ Trường hợp kiểm tra thông thường:
Trước hoặc khi hàng về đến cửa khẩu thì tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đăng ký kiểm tra thực phẩm gồm có: Giấy đăng ký kiểm tra thực phẩm nhập khẩu (mẫu số 04 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP); Bản tự công bố sản phẩm; 03 bản Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu liên tiếp theo phương thức kiểm tra chặt đối với các lô hàng, mặt hàng được chuyển đổi phương thức từ kiểm tra chặt chẽ sang kiểm tra thông thường (bản chính); Bản sao danh mục hàng hóa; Bản chính Giấy chứng nhận đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan kiểm tra nhà nước có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ và ra thông báo thực phẩm đạt hoặc không đạt yêu cầu nhập khẩu theo mẫu số 05 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP). Trường hợp yêu cầu bổ sung hồ sơ thì phải nêu rõ lý do và căn cứ pháp lý của việc yêu cầu.
+ Trường hợp kiểm tra chặt:
Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ tương tự như trong trường hợp kiểm tra thông thường. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan kiểm tra nhà nước có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, tiến hành lấy mẫu, kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo yêu cầu và ra thông báo thực phẩm đạt hoặc không đạt yêu cầu và ra thông báo thực phẩm đạt hoặc không đạt yêu cầu nhập khẩu theo mẫu số 05 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP. Trường hợp yêu cầu bổ sung hồ sơ thì phải nêu rõ lý do và căn cứ pháp lý của việc yêu cầu.
Tiếp theo, sẽ tiến hành nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
3. Thủ tục nhập khẩu đực giống, tinh, phôi giống gia súc
Theo quy định tại khoản 4 Điều 20 Luật Chăn nuôi năm 2018 và Thông tư 22/2019/TT-BNNPTNT hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về quản lý giống và sản phẩm giống vật nuôi, tổ chức, cá nhân nhập khẩu đực giống, tinh, phôi giống gia súc phải thực hiện trình tự, thủ tục sau:
Trường hợp 1: Tổ chức, cá nhân lần đầu nhập khẩu đực giống, tinh, phôi giống gia súc
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ phải nộp
Tổ chức, cá nhân nhập khẩu lần đầu thì nộp 01 bộ hồ sơ đến Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (thành phần hồ sơ do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định), bao gồm:
+ Đơn đăng ký nhập khẩu đực giống, tinh, phôi giống gia súc (theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 22/2019/TT-BNNPTNT)
+ Lý lịch đực giống, tinh, phôi gia súc nhập khẩu (theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 22/2019/TT-BNNPTNT)
+ Văn bản của cơ quan có thẩm quyền hoặc tổ chức được cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu ủy quyền xác nhận về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng giống, mục đích sử dụng (văn bản là bản chính hoặc bản sao chứng thực kèm theo bản dịch Tiếng Việt có xác nhận của đơn vị nhập khẩu)
Bước 2: Nộp hồ sơ và chờ ngày nhận kết quả
Khi đã chuẩn bị xong hồ sơ thì nộp, gửi đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra.
Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì Bộ sẽ gửi văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
Trong thời hạn 15 ngày từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời bằng văn bản. Nếu từ chối thì sẽ có văn bản nêu rõ lý do.
Trường hợp 2: Tổ chức, cá nhân nhập khẩu tinh, phôi từ lần thứ hai của cùng cá thể giống
Trong trường hợp này, tổ chức, cá nhân chỉ cần thông báo bằng văn bản cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trường hợp 3: Tổ chức, cá nhân nhập khẩu đực giống từ lần thứ hai của cùng giống và cùng cơ sở sản xuất
Đối với trường hợp tổ chức, cá nhân nhập khẩu đực giống từ lần thứ hai của cùng giống và cùng cơ sở sản xuất thì chỉ cần thông báo bằng văn bản cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Sau đó, tổ chức, cá nhân sẽ tiến hành thực hiện thủ tục hải quan: nộp hồ sơ, nộp thuế và lệ phí,...
Trên đây là toàn bộ nội dung bài viết "Điều kiện và thủ tục nhập khẩu gia súc" mà Luật Minh Khuê muốn gửi đến khách hàng. Nếu Quý khách hàng có bất kỳ vướng mắc nào liên quan đến vấn đề này hay vấn đề pháp lý khác thì vui lòng liên hệ tới bộ phận tư vấn pháp luật của Luật Minh Khuê qua số 1900.6162 để được giải đáp kịp thời. Xin chân thành cảm ơn!