1. Hiểu thế nào là khủng bố?

Căn cứ khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống khủng bố 2013 quy định về khủng bố như sau: Khủng bố là một, một số hoặc tất cả hành vi sau đây của tổ chức, cá nhân nhằm chống chính quyền nhân dân, ép buộc chính quyền nhân dân, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc gây ra tình trạng hoảng loạn trong công chúng. cụ thể các hành vi như sau:

-  Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể hoặc đe dọa xâm phạm tính mạng, uy hiếp tinh thần của người khác;

- Chiếm giữ, làm hư hại, phá hủy hoặc đe dọa phá hủy tài sản; tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

- Hướng dẫn chế tạo, sản xuất, sử dụng hoặc chế tạo, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán vũ khí, vật liệu nổ, chất phóng xạ, chất độc, chất cháy và các công cụ, phương tiện khác nhằm phục vụ cho việc thực hiện hành vi quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này;

- Tuyên truyền, lôi kéo, xúi giục, cưỡng bức, thuê mướn hoặc tạo điều kiện, giúp sức cho việc thực hiện hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 3 Luật này

- Thành lập, tham gia tổ chức, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện đối tượng nhằm thực hiện hành vi quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 3 Luật này;

- Các hành vi khác được coi là khủng bố theo quy định của điều ước quốc tế về phòng, chống khủng bố mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Như vậy, trường hợp được xem là khủng bố khi thực hiện những hành vi nêu trên.

 

2. Dùng súng vào trụ sở công an bị truy cứu trách nhiệm hình sự như thế nào?

Hành vi dùng súng tấn công vào trụ sở công an được xem là hành vi vi phạm một trong hai tội đó là Tội bạo loạn hoặc Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân. Tùy từng động cơ, mục địch phạm tội mà chúng ta đưa ra mức xử phạt vi phạm cho cá nhân, tổ chức thực hiện. Cụ thể cùng tìm hiểu hai tội nêu trên như sau:

2.1. Tội bạo loạn 

Căn cứ tại Điều 112 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 20 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định về tội bạo loạn như sau: người nào hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực có tổ chức hoặc cướp phá tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau:

Khung 1: người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình;

Khung 2: người đồng phạm khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm;

Khung 3: người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Theo pháp luật hình sự thì Tội bạo loạn là người hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực có tổ chức hoặc cướp phá tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chống chính quyền nhân dân.

 

2.2. Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân

 Đối với tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, pháp luật hình sự Việt Nam quy định cụ thể mức phạt như sau:

Theo Điều 113 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi khoản 21 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định về tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân như sau: 

Khung 1: người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức hoặc người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Khung 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

- Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố;

- Cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố;

- Xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe của cán bộ, công chức hoặc người khác; chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

- Tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Khung 3:  phạm tội trong trường hợp đe dọa thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này hoặc có hành vi khác uy hiếp tinh thần của cán bộ, công chức hoặc người khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

 Khung 4: khủng bố cá nhân, tổ chức nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế nhằm gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì cũng bị xử phạt theo Điều này.

Khung 5: người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Dựa vào các quy định của pháp luật nêu tại mục 2.1 và 2.2 có thể đưa ra kết luận như sau: đối với hành vi nổ súng tấn công trụ sở công an, cá nhân, tổ chức phạm tội sẽ xác định tội phạm dựa trên mục đích, động cơ do cơ quan có thẩm quyền điều tra và các yếu tố cấu thành tội phạm để định tội danh trong trường hợp xác đinh có xâm phạm tính mạng, sức khỏe người khác và xâm phạm tài sản của các chủ thể: 

- Nếu trường hợp dùng súng tấn công vào trụ sở công an xã nếu có gây thương vong, thương tích, tự do thân thể, tinh thần bị xâm hại ... cho các cán bộ công an hoặc cho người khác, hoặc là phá hoại tài sản của trụ sở công an với mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân. Nói tóm lại, đối tượng tác động của tội này đó là tính mạng, sức khoẻ, tinh thần của bất cứ người nào trong trụ sở của cơ quan thì đây có thể được xem là hành vi khủng bố. Người nổ súng tấn công vào trụ sở công an xã có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân theo quy định tại Điều 113 Bộ luật Hình sự năm 2015 và hình phạt  cao nhất có thể phạt tù 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

- Nếu trong trường hợp dùng súng công khai chiếm đoạt hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, của cá nhân người khác cũng nhằm mục đích chống lại chính quyền nhân dân và mục tiêu là hướng tới là trụ sở cơ quan nhà nước, trụ sở của các tổ chức, doanh trại quân đội, kho tàng, nhà máy, tài sản của công dân, người thi hành công vụ v.v..  Hành vi cụ thể có thể là bắn phá, đốt hoặc chỉ là bao vây, chiếm đóng trụ sở cơ quan nhà nước, trụ sở của các tổ chức hoặc là đe dọa, bắt giam, tra tấn cán bộ, công chức, người thi hành công vụ hoặc công khai chiếm đoạt tài sản thì có thể truy cứu về tội bạo loại. Mức sử phạt đối với tội này cao nhất là phạt tù 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Như vậy có thể thấy tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân và tội bạo loạn là hai tội được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. 

Người phạm tội ở đây là công dân Việt Nam, người nước ngoài hoặc người không có quốc tịch từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự và đã thực hiện hành vi phạm tội. Họ thực hiện hành vi phạm tội này đã  nhận thức được tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, thấy trước được hậu quả của tội phạm là gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc xâm phạm đến tự do thân thể, uy hiếp tinh thần của người khác và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra  với mục đích của người phạm tội là chống chính quyền nhân dân

Công ty Luật Minh Khuê mong muốn gửi đến quý khách hàng những thông tin tư vấn hữu ích. Nếu quý khách hàng đang gặp phải bất kỳ vấn đề pháp lý nào hoặc có câu hỏi cần được giải đáp, hãy liên hệ với Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline 1900.6162. Hoặc quý khách hàng gửi yêu cầu chi tiết qua email: lienhe@luatminhkhue.vn  để được hỗ trợ và giải đáp thắc mắc nhanh chóng. Xin trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý khách hàng!

Bài viết liên quan: Hình thức xử lý khi xúc phạm danh dự, khủng bố tinh thần của người khác ? Tội làm nhục người khác có bị đi tù không?