1. Giá thú là gì?

Giá thú là là sự phối hợp giữa nam và nữ nhằm mục đích thiết lập nên một gia đình chính thức, cùng nhau sinh sống, chung thuỷ, giúp đỡ tương trợ lẫn nhau, sinh để con cái để duy trì nòi giống... Sự phối hợp này nếu tuân thủ theo các điều kiện pháp luật đã quy định, thì được pháp luật công nhận và bảo hộ. Sau khi đã làm giá thú, nếu vợ chồng muốn bỏ nhau, phải thực hiện thông qua thủ tục ly hôn. Giá thú được coi là một chế định pháp lí và pháp luật có các quy định cụ thể về điều kiện để lập giá thú, hình thức giá thú, hiệu lực giá thú, phân loại các giá thụ trong những trường hợp, hoàn cảnh nhất định.

Việc phát sinh trường hợp con ngoài giá thú xảy ra thuộc một trong các trường hợp sau:

  1. Người con ấy có cả cha và mẹ là người độc thân, nghĩa là cả hai chưa trong một mối quan hệ hôn nhân hợp pháp nào;
  2. Cha hoặc mẹ là trong một mối quan hệ hôn nhân hợp pháp khác mà người còn lại là người độc thân.

 

2. Nguồn gốc giá thú

Thuật ngữ “giá thú" bắt nguồn từ gốc chữ Hán (chữ "giá" có nghĩa là con gái về nhà chồng: chữ "thú" có nghĩa là lấy vợ; giá thú là việc con trai, con gái lấy nhau thành vợ chồng). Giá thú là thuật ngữ pháp lí được sử dụng trong pháp luật dân sự Việt Nam thời phong kiến, thời Pháp thuộc và ở nền Nam Việt Nam trong giai đoạn trước năm 1975. Thuật ngữ này tương đương thuật ngữ “hôn nhân" (khi sử dụng là danh từ) và thuật ngữ “kết hôn” (khi sử dụng là động từ) trong Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam hiện đại (Xt. Kết hôn).

Nghiên cứu nguồn gốc xuất xứ và quá trình phát triển của thuật ngữ “giá thứ” trong đời sống xã hội, cũng như trong lịch sử pháp luật Việt Nam qua các thời đại cho thấy, mặc dù không có điều khoản nào định nghĩa về hôn nhân hay giá thú, song các quy định cụ thể về: các điều kiện nội dung giá thú, hình thức giá thú, các chế tài khi không tuân thủ các điều kiện lập giá thú; hiệu lực của giá thú... đã phản ánh rõ nét quan niệm của các nhà lập pháp về chế định giá thú. Ở mỗi thời kì, các quan niệm này có những điểm không đồng nhất, nhưng về cơ bản, nó tôn trọng sự tự nguyện của cả hai bên nam nữ, tính hợp pháp và hợp lí, hợp tình khi lập giá thú, ghi nhận quá trình hôn nhân giữa hai người con trai và con gái.

Theo quan niệm của pháp luật thời phong kiến (thông qua Quốc triều hình luật - Luật Hồng Đức thời Lê và Hoàng Việt luật lệ - Luật Gia Long thời Nguyễn) thì giá thú là sự kết hợp giữa một người con trai và một người con gái, được pháp luật thừa nhận với mục đích lập gia đình, sinh con để nối dõi và thờ phụng tổ tiên. Quan niệm về giá thú thời kì này, là sự kết hợp, giao hiếu giữa hai họ và liên quan mật thiết đến nền tảng của đại gia đình hơn là cái gia đình nhỏ mà hai bên trai, gái lập ra sau khi lấy nhau. Hơn nữa, mục đích của giá thú là sinh con để kế truyền hậu thế và thờ cúng trong tông miếu, bởi vậy, nếu phụ nữ không sinh được con, thì chồng có quyền tự ý bỏ vợ. Cùng với quan niệm “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” đã làm cho vai trò tự nguyện ưng thuận của trai, gái khi giá thú bị xem nhẹ và dường như bị lãng quên trong vô vàn các quyền lợi tối trọng của đại gia đình, trong sự liên minh giao hiếu giữa hai họ.

Theo quan niệm của pháp luật thời kì Pháp thuộc:

(qua Bộ dân luật giản yếu năm 1883, Bộ dân luật Bắc Kỳ năm 1931 và Hoàng Việt Trung Kỳ hộ luật năm 1986), giá thú là chỉ việc trai, gái lấy nhau thành vợ chồng trước mặt viên hộ lại, phát sinh ra những nghĩa vụ tương hỗ cho hai bên về phương diện đồng cư, lập thành gia đình, sống trung thành và tương trợ lẫn nhau.

Pháp luật không bắt buộc hai bên trai, gái phải cử hành hôn lễ theo tục lệ hay tôn giáo. Các lễ này tuỳ thuộc ý muốn của các bên đương sự và không bắt buộc.

Việc giá thú trước mặt viên hộ lại phải được ghi vào sổ giá thú và lập thành chứng thư giá thú. Bản giá thú phải được niêm yết, công bố tại công sở, nơi cư trú, tạm trú của hai người trai, gái trong thời hạn 10 ngày trước khi làm hôn lễ. Do chấp nhận chế độ đa thê, pháp luật quy định hai loại giá thú:

Giá thú chính thất: là giá thú ghi nhận việc đàn ông cưới vợ cả (hay còn gọi là giá thú đệ nhất cấp).

Giá thú thứ thất: là giá thú ghi nhận việc đàn ông lấy vợ lẽ (hay còn gọi là giá thú đệ nhị cấp). Dù là vợ hai, vợ ba, hay vợ bốn... các giá thú này đều gọi là giá thú thứ thất. Pháp luật quy định, tất cả các vợ lẽ, lấy trước hay lấy sau đều có quy chế như nhau. Song, nếu chưa lập giá thú chính thất thì không được lập giá thú thứ thất (chưa lấy vợ chính thì không được lấy vợ thứ).

Hiện nay, thuật ngữ “giá thú” không còn được sử dụng trong Luật hôn nhân và gia đình hiện đại nữa, các nhà lập pháp đã thay thế nó bằng thuật ngữ “hôn nhân" khi sử dụng nó là danh từ và thuật ngữ "kết hôn” khi sử dụng là động từ.

 

3. Khái niệm con ngoài giá thú

Con ngoài giá thú là con được sinh ra khi bố mẹ không đăng ký kết hôn.

Dưới góc độ khoa học: Giá là xuất giá, thú là hôn thú, giá thú là việc con trai và con gái kết hôn trở thành vợ chồng. Theo đó, con ngoài giá thú là con được sinh ra khi bố, mẹ không phải là vợ chồng.

Theo từ điển Tiếng Việt: Con ngoài giá thú được hiểu là con mà cha mẹ không phải là vợ chồng theo quy định của pháp luật.

Theo từ điển Luật học: Không có giải thích khái niệm con ngoài giá thú là gì mà chỉ đưa ra khái niệm là con ngoài hôn nhân tương tự như khái niệm con ngoài giá thú (con có cha mẹ không phải là vợ chồng).

Dưới góc độ pháp lý: Hiện nay không có một văn bản pháp luật nào đưa ra định nghĩa thế nào là con trong giá thú hay con ngoài giá thú. Căn cứ theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình thì pháp luật Việt Nam chỉ công nhận một cuộc hôn nhân hợp pháp khi các bên đủ điều kiện kết hôn và thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền (UBND xã/phường).

Các trường hợp có thể phát sinh con ngoài giá thú bao gồm: Nam, nữ đều còn độc thân có quan hệ tình cảm với nhau, sinh con ra nhưng không đăng ký kết hôn; Nam, nữ (một trong hai bên hoặc cả hai bên) đã kết hôn với người khác nhưng có quan hệ tình cảm với nhau và sinh con; con được sinh ra trong thời gian nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn, bao gồm cả trường hợp vợ chồng đã ly hôn, sau đó sống chung với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn lại.

Ví dụ: A (Nam) đủ 19 tuổi, B (Nữ) đủ 18 tuổi có quan hệ yêu đương với nhau và sống chung với nhau như vợ chồng rất hạnh phúc. Trong thời gian sống thử chung, A và B có một đứa con gái. Tuy nhiên, A, B không đi đăng ký kết hôn nên con của A và B được xác định là con ngoài giá thú.

 

4. Quyền lợi của con ngoài giá thú

Theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình nếu hai chủ thể không đăng ký kết hôn thì hôn nhân không được coi là hợp pháp và sẽ không được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, để đảm bảo lợi ích cho các con sinh ra khi bố mẹ không có hôn nhân hợp pháp, pháp luật vẫn có những quy định để đảm bảo lợi ích cho con giống như một đứa trẻ bình thường khác.

Thứ nhất, Được quyền xác định cha mẹ

Không ai sinh ra mà mất quyền không được nhận bố mẹ vì sinh không trong thời kỳ hôn nhân cả. Việc xác định cha mẹ cho con là quyền của con và cũng là nghĩa vụ. Đây là một trong những căn cứ cơ bản để bảo vệ quyền và lợi ích của con theo quy định.

Tại Điều 101 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con như sau:

Điều 101. Thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con

1. Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợp không có tranh chấp.

2.Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết và trường hợp quy định tại Điều 92 của Luật này.

Quyết định của Tòa án về xác định cha, mẹ, con phải được gửi cho cơ quan đăng ký hộ tịch để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch; các bên trong quan hệ xác định cha, mẹ, con; cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.”

Theo đó, việc đăng ký xác định cho con ngoài giá thú được thực hiện tại UBND cấp xã nơi con cư trú.

Thứ hai, Hưởng các quyền lợi như đứa con bình thường khác

Sau khi được hoàn thiện thủ tục xác nhận cha mẹ cho con thì con ngoài giá thú cũng sẽ có đầy đủ tất cả các quyền lợi của một người con bình thường như: Quyền cư trú, quyền hộ tịch, giám hộ, quyền tài sản, thừa kế…..

Ví dụ 1: Quyền sống chung cùng cha mẹ được pháp luật bảo hộ cho đến khi con thành niên theo Luật Hôn Nhân và Gia Đình 2014.

“Điều 70. Quyền và nghĩa vụ của con

1. Được cha mẹ thương yêu, tôn trọng, thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp về nhân thân và tài sản theo quy định của pháp luật; được học tập và giáo dục; được phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức.

2. Có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình.

3. Con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì có quyền sống chung với cha mẹ, được cha mẹ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc.”

Ví dụ 2: Nghĩa vụ cấp dưỡng khi không sống chung với con được pháp luật quy định cho đến khi con trưởng thành (Điều 118 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).

Về quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ đối với con ngoài giá thú sẽ tuân theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình. Cụ thể tại Điều 15 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì quyền và nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con. Quy định này có nghĩa là dù là con trong giá thú hay con ngoài giá thú thì đều được hưởng những quyền và nghĩa vụ như nhau.

Luật Minh Khuê (sưu tầm & biên tập)