Luật sư tư vấn:

1. Quy định về đối thượng tham gia BHYT là trẻ em dưới 6 tuổi

Thẻ bảo hiểm y tế là một loại hình bảo hiểm được nhà nước cấp cho mỗi một cá nhân trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam. Thẻ bảo hiểm y tế sẽ không hướng tới lợi nhuận và được nhà nước tổ chức để phục vụ bảo vệ nhu cầu về sức khỏe của người có trách nhiệm tham gia.

Nhà nước đã đưa ra những chính sách về bảo hiểm y tế cho mỗi cá nhân vô cùng có lợi như :

- Những người có công với cách mạng và một số nhóm đối tượng xã hội đặc biệt được Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế.

- Có chính sách ưu đãi đối với hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm y tế, không phải đóng thuế để bảo toàn và tăng trưởng quỹ.

- Nhà nước tạo điều kiện để tất cả mọi người, các tổ chức cá nhân đều được tham gia bảo hiểm y tế.

Có 05 nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo quy định của Pháp luật bao gồm:

- Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng;

- Nhóm do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng;

- Nhóm do ngân sách nhà nước đóng;

- Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng;

- Nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình.

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 12, Luật Bảo hiểm y tế, trẻ em dưới 6 tuổi thuộc nhóm đối tượng tham gia BHYT do ngân sách nhà nước đóng. Theo đó, trẻ em dưới 6 tuổi sẽ không phải đóng các khoản phí tham gia BHYT và được làm thẻ BHYT miễn phí.

 

2. Thủ tục cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

- Tờ khai đăng ký khai sinh (theo mẫu);

- Giấy chứng sinh do cơ sở y tế nơi trẻ em sinh ra cấp. Nếu không có giấy chứng sinh thì có thể thay thế bằng các văn bản khác như:

+ Văn bản xác nhận của người làm chứng nếu trẻ sinh ra ở ngoài cơ sở y tế; không có người làm chứng thì có giấy cam đoan về việc sinh là có thật;

+ Biên bản về việc trẻ em bị bỏ rơi thay cho giấy chứng sinh nếu trẻ em bị bỏ rơi...

- Tờ khai tham gia bảo hiểm y tế (theo mẫu).

Bước 2: Nộp hồ sơ

Người có yêu cầu nộp 01 bộ hồ sơ gồm những giấy tờ nêu trên tại Bộ phận Một cửa của Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã. Nếu không có điều kiện trực tiếp đến UBND cấp xã để nộp hồ sơ thì có thể ủy quyền cho người khác làm thay.

Tuy nhiên, khi ủy quyền làm khai sinh cho trẻ, cha, mẹ trẻ phải lưu ý các quy định nêu tại Thông tư 04/2020/TT-BTP sau đây:

- Việc ủy quyền phải lập thành văn bản, được chứng thực theo quy định trừ trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì không phải chứng thực văn bản ủy quyền;

- Ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em không phải có văn bản ủy quyền của cha, mẹ trẻ nhưng phải thống nhất với cha, mẹ trẻ về các nội dung khai sinh.

Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ

- Công chức Tư pháp tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn người dân lựa chọn, đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu. Việc hướng dẫn phải chính xác, đầy đủ, rõ ràng.

- Công chức Tư pháp viết giấy nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cho người dân. Trong giấy hẹn trả kết quả phải ghi rõ yêu cầu của người dân, giấy tờ nộp trong hồ sơ và thời gian trả kết quả.

Bước 4: Đăng ký khai sinh và chuyển liên thông cấp thẻ BHYT

- Thực hiện đăng ký khai sinh ngay trong ngày. Nếu không giải quyết được thì giải quyết trong ngày làm việc tiếp theo.

- Sau khi đăng ký khai sinh, công chức Tư pháp, hộ tịch lập hồ sơ cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 06 tuổi gồm Tờ khai tham gia BHYT, Danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT và chuyển toàn bộ hồ sơ nêu trên cho Bảo hiểm xã hội (BHXH) cấp huyện.

Bước 5: Thực hiện cấp thẻ BHYT

Ngay sau khi nhận được hồ sơ UBND cấp xã chuyển đến, BHXH cấp huyện kiểm tra hồ sơ đã nhận:

- Nếu hồ sơ đủ thì thực hiện cấp thẻ BHYT cho trẻ trong thời hạn 10 ngày và chuyển cho UBND cấp xã.

- Hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa đúng thì ngay sau khi nhận được hồ sơ, BHXH cấp huyện thông báo cho UBND cấp xã biết để hoàn thiện (chậm nhất trong 02 ngày làm việc) và gửi lại cho mình.

Bước 6: Nhận kết quả

Thời hạn thực hiện liên thông khai sinh và cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 06 tuổi tối đa không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày nộp đủ hồ sơ.

Người nộp hồ sơ đến UBND cấp xã để nhận kết quả liên thông. Nếu muốn nhận kết quả qua bưu điện, qua dịch vụ chuyển phát thì đăng ký với UBND cấp xã và phải trả phí dịch vụ.

 

3. Các trường hợp được đổi thẻ BHYT, cấp mới

Căn cứ theo Khoản 1, Điều 19, Luật Bảo hiểm y tế năm các trường hợp được đổi thẻ BHYT gồm có:

- Rách, nát hoặc hỏng;

- Thay đổi nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu;

- Thông tin ghi trong thẻ không đúng.

Trường hợp đổi thẻ BHYT thì chủ thẻ trực tiếp thực hiện các thủ tục đổi thẻ BHYT. 

 

4. Thủ tục đổi thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi

Trẻ dưới 6 tuổi không thể tự mình làm các thủ tục xin cấp lại thẻ, vì vậy bố mẹ hoặc người giám hộ sẽ là người thay mặt bé làm các thủ tục này. Hồ sơ và thủ tục xin đổi thẻ BHYT (cấp lại thẻ BHYT) được thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Điều 19, Luật Bảo hiểm y tế năm 2008.

 

4.1 Hồ sơ đổi thẻ BHYT

Để đổi thẻ BHYT cho trẻ, bố mẹ chuẩn bị hồ sơ xin cấp lại thẻ BHYT bao gồm:

- Đơn đề nghị đổi thẻ của người tham gia BHYT (bố mẹ/ người giám hộ là người đại diện viết);

- Thẻ bảo hiểm y tế;

- Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS)

Trong trường hợp đổi thẻ BHYT do thông tin ghi trên thẻ không đúng bố/mẹ cần mang các giấy tờ cần thiết (giấy khai sinh của trẻ, giấy xác nhận hộ nghèo, sổ hộ khẩu, Chứng minh thư của bố/mẹ người làm hồ sơ đổi thẻ…) để có thể thực hiện điều chỉnh thông tin. 

 

4.2 Thủ tục đổi thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi

Thủ tục đổi thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi được thực hiện theo quy định của Pháp luật. 

Bước 1: Nộp hồ sơ đổi thẻ BHYT 

Theo quy định tại Điều 10, Thông tư liên tịch 05/2015/TTLT-BTP-BCA-BYT, việc cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 06 tuổi được thực hiện liên thông với thủ tục đăng ký khai sinh tại bộ phận một cửa của UBND cấp xã. Bố/mẹ của trẻ dưới 06 tuổi nộp hồ sơ xin cấp lại thẻ BHYT tại UBND cấp xã và công chức tư pháp, hộ tịch sẽ tiếp nhận hồ sơ, chuyển hồ sơ và lệ phí cho cơ quan BHXH cấp huyện.

Bên cạnh đó theo Khoản 3, Điều 3, Quy định về quản lý thu BHYT ban hành kèm theo Quyết định 959/QĐ-BHXH ngày 9/9/2015, quy định trách nhiệm của BHXH cấp huyện như sau: “Cấp mới, cấp lại, đổi thẻ BHYT cho người tham gia BHYT do BHXH huyện thu, các trường hợp BHXH tỉnh ủy quyền cho BHXH huyện cấp thẻ BHYT; cấp lại, đổi thẻ BHYT các trường hợp đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tại huyện.”

Như vậy, bố/mẹ/ người giám hộ của trẻ cũng có thể đến tại Cơ quan BHXH cấp huyện thực hiện nộp hồ sơ cấp mới, cấp lại, đổi thẻ BHYT cho trẻ.

Bước 2: Giải quyết hồ sơ

Trường hợp nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa của UBND cấp xã, UBND cấp xã có trách nhiệm chuyển hồ sơ lên BHXH cấp huyện để giải quyết. Tùy thuộc điều kiện thực tế, UBND cấp xã có thể chuyển trước thông tin của người tham gia BHYT đến cơ quan BHXH cấp huyện thông qua mạng điện tử.  Sau khi cơ quan BHXH cấp huyện nhận được thông tin sẽ gửi giấy hẹn trả kết quả về cho bộ phận một cửa của UBND xã thông báo đến người làm đơn.

Trường hợp nộp trực tiếp tại BHXH cấp huyện nếu hồ sơ hợp lệ sẽ được cấp phiếu hẹn trả kết quả. Trường hợp này thời gian giải quyết hồ sơ thường sẽ nhanh hơn và không mất thời gian chuyển thông tin.

Bước 3: Thời gian cấp lại, đổi thẻ BHYT và nhận thẻ

Sau khi nhận được giấy hẹn người làm đơn theo giấy hẹn tới nhận thẻ BHYT mới. Theo quy định hiện hành thời gian cấp lại, đổi thẻ BHYT như sau:

- Trường hợp trẻ thay đổi thông tin: thời gian nhận không quá 03 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.

- Trường hợp trẻ không thay đổi thông tin hoặc người tham gia đang điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh: trả trong ngày khi nhận đủ hồ sơ theo quy định.

Trong thời gian chờ đổi thẻ BHYT, trẻ thực hiện khám bệnh chữa bệnh BHYT vẫn được hưởng nguyên quyền lợi. Khi đi khám phải xuất trình giấy hẹn đổi thẻ và một loại giấy tờ chứng minh về nhân thân của trẻ như sổ hộ khẩu, giấy khai sinh… (theo quy định tại Khoản 3, Điều 15, Nghị định 146/2018/NĐ-CP). 

 

5. Giá trị của thẻ BHYT dành cho trẻ em dưới 6 tuổi ?

Theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 2Nghị định 105/2014/NĐ-CP hướng dẫn luật BHYT"Trường hợp trẻ em đủ 72 tháng tuổi mà chưa đến kỳ nhập học thì thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng đến ngày 30 tháng 9 của năm đó mà không phải đóng bảo hiểm y tế."

Công văn 7149/BYT-BH ngày 13 tháng 12 năm 2017 hướng dẫn:

"2. Về giá trị sử dụng của thẻ BHYT đối với trẻ em:

- Theo quy định hiện hành, trường hợp trẻ em đủ 72 tháng tuổi mà chưa đến kỳ nhập học thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến hết ngày 30 tháng 9 của năm đó (điểm d khoản 3 Điều 16 Luật BHYT được sửa đổi, bổ sung năm 2014).

- Trường hợp “thẻ BHYT hết hạn và có thẻ BHYT mới thuộc nhóm đối tượng khác (học sinh, thân nhân...); Trẻ em trên 6 tuổi thẻ hết hạn nhưng chưa được cấp thẻ mới hoặc không có thẻ tiếp nối”, thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định 105/2014/NĐ-CP."

 Căn cứ vào các quy định trên, khi con bạn đủ 6 tuổi vào tháng 5/2018 mặc dù thời hạn ghi trên thẻ BHYT đã hết nhưng giá trị sử dụng của thẻ vẫn còn đến thời điểm 30/09/2018. Đến thời điểm con bạn bắt đầu nhập học, cháu sẽ bắt buộc phải tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Nếu gia đình bạn đóng BHXH cho cháu theo diện hộ gia đình thì mức đóng sẽ thấp hơn.

Trên đây là nội dung tư vấn của công ty Luật Minh Khuê, Mọi ý kiến đóng góp, xin vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật bảo hiểm xã hội: 1900.6162 để được giải đáp. Trân trọng!