Hiện con trai chung của chúng tôi cháu mới được 3 tháng 3 ngày. Nhưng nay do cảm nhận không thể hòa hợp được nữa nên tôi muốn ly hôn. Trong thời gian chung sống, chồng tôi có nợ tiền bên ngoài, số nợ hơn 300tr. Chồng tôi đã có nhờ tôi đứng ra vay tiền cho chồng tôi tại ngân hàng VP Bank, Công ty tài chính Prudential, HD Bank, và Home Credit , với tổng số tiền là gần 150tr, ngoài ra vào cuối tháng 5/2016 , chồng tôi còn nhờ tôi đứng ra ký vay số tiền 40tr của bạn tôi có giấy vay nợ 2 vợ chồng ký. hiện nay, tôi đag nuôi con 1 mình , không nhận được sự hỗ trợ, tôi có nói chồng tôi trả nợ số tiền trên nhưng chồng tôi lật mặt nói không hề nợ ko hề biết bảo tôi phải tự đi trả. Tôi có đầy đủ bằng chứng là các cuộc hội thoại chồng tôi nhờ tôi vay trên facebook. Tôi muốn hỏi các luật sư : Vậy tôi cần phải làm gì để buộc chồng tôi phải trả số nợ trên hay có trách nhiệm với việc trả nợ ( tôi không cần chồng trợ cấp cho con ) và làm cách nào để tôi có thể dành hoàn toàn quyền nuôi con ạ ( vì tôi không muốn con lớn lên ảnh hưởng tâm lý khi biết có một người cha như vây ) Xin nói rõ thêm, Hiện chồng tôi đang là sĩ quan quân đội ( lương 1 tháng khoảng 5tr đồng - và đang có khoản nợ vay hơn 300tr ngoài số nợ tôi đã đứng ra vay cho ) . Còn tôi đang làm ở công ty tư nhân, Thu nhập 1 tháng khoảng gần 10tr và làm thêm ngoài khoảng gần 3tr đồng. Rất mong sớm nhận được câu trả lời rõ ràng của luật sư hoặc có thể gặp trực tiếp trao đổi giúp tôi có thủ tục ly hôn nhanh và theo nguyện vọng của tôi nhất. Trân trọng cảm ơn!
Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật hôn nhân công ty Luật Minh Khuê.
Luật sư tư vấn luật hôn nhân, gọi: 1900.6162
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
I. Cơ sở pháp lý:
- Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014
II. Nội dung tư vấn
Theo quy định tại Điều 471 BLDS:
"Điều 471. Hợp đồng vay tài sản
Hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định." Theo đó, bên vay tiền có nghĩa vụ trả tiền vay theo quy định tại khoản 1 Điều 474 BLDS quy định: "Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thoả thuận khác."
Theo thông tin mà bạn cung cấp, bạn có vay tiền thông qua hai loại hợp đồng đó là hợp đồng kí với các tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng; thứ hai là loại hợp đồng vay tiền thông thường. Việc xác định bên vay tài sản căn cứ vào người đứng tên trên các giấy tờ pháp lý, hợp đồng vay tài sản. Căn cứ vào thông tin mà bạn cung cấp, bạn là người đứng tên trong các hợp đồng vay tín dụng với các tổ chức tín dụng như ngân hàng VP Bank, Công ty tài chính Prudential, HD Bank, và Home Credit. Do đó, trong các hợp đồng trên, bạn là đại diện của bên vay tài sản theo quy định của pháp luật dân sự. Đối với hợp đồng vay mà hai vợ chồng bạn cùng kí thì bên vay tiền là bạn và chồng bạn. Do đó, bạn cũng là người có nghĩa vụ trả tiền cho bên cho vay.
Đối với trường hợp của vợ chồng bạn, sau khi ly hôn, nghĩa vụ trả tiền đối với các bên cho vay được thực hiện theo quy định tại Điều 60 Luật HNGĐ 2014:
"Điều 60. Giải quyết quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba khi ly hôn
1. Quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba vẫn có hiệu lực sau khi ly hôn, trừ trường hợp vợ chồng và người thứ ba có thỏa thuận khác.
2. Trong trường hợp có tranh chấp về quyền, nghĩa vụ tài sản thì áp dụng quy định tại các điều 27, 37 và 45 của Luật này và quy định của Bộ luật dân sự để giải quyết."
Theo thông tin mà bạn cung cấp, hiện tại khi bạn muốn ly hôn thì chồng bạn lại không muốn trả khoản tiền vay trong thời gian hôn nhân mà bắt bạn một mình trả nợ. Tranh chấp về nghĩa vụ trả tiền giừa bạn và chồng bạn sẽ được giải quyết theo quy định của Luật HNGĐ và BLDS.
Về nghĩa vụ trả nợ của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, khoản 1 Điều 37 Luật HNGĐ quy định vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản khi nghĩa vụ đó phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập. Mặt khác, bạn nói rằng bạn có các bằng chứng chứng minh việc chồng bạn và bạn đã thỏa thuận về việc vay nợ thông qua các cuộc hội thoại đã được ghi lại về việc nhờ bạn đứng tên trên các hợp đồng vay. Do đó, cả hai vợ chống bạn đều có nghĩa vụ đối với các khoản vay của các tổ chức và cá nhân trên.
Khoản 2 Điều 27 cũng quy định, trong trường hợp vợ chồng có nghĩa vụ chung về tài sản đối với người thứ ba thì vợ, chồng có trách nhiệm liên đới đối với các khoản nợ. Theo đó, bên cho vay tiền có quyền yêu cầu bạn hoặc chồng bạn trả tiền cho họ tất cả số tiền vay, người còn lại phải thực hiện nghĩa vụ hoàn trả cho bên kia. Trong trường hợp, chồng bạn không thực hiện trách nhiệm hoàn trả tiền cho bạn sau khi bạn đã thực hiện nghĩa vụ trả tiền cho bên cho vay bạn có thể khởi kiện đòi tài sản theo quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự. Những cuộc hội thoại ghi lại nội dung về việc nhờ vay tiền của chồng bạn mà bạn đã nêu sẽ là chứng cứ để tòa án giải quyết yêu cầu của bạn. Bạn nộp đơn khởi kiện tại Tòa án cấp huyện nơi chồng bạn cư trú.
Về quyền nuôi con sau khi ly hôn, Luật HNGĐ quy định cha mẹ có quyền ngang nhau trong việc chăm sóc, giáo dục con. Việc chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn được thực hiện theo quy định tại Điều 81 Luật HNGĐ:
"Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con."
Căn cứ theo quy định trên, cả bạn và chồng cũ của bạn sau khi ly hôn vẫn có quyền, nghĩa vụ trong việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Tuy nhiên, vì con bạn mới chỉ hơn 3 tháng tuổi, do đó, sau khi ly hôn bạn là người có quyền trực tiếp nuôi con. Tuy nhiên, bạn cũng phải tôn trọng quyền của chồng bạn đối với việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con bạn theo quy định tại khoản 2 Điều 83 Luật HNGĐ:
"Điều 83. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
1. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.
2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con."
Theo đó, bạn không được quyền cản trở chồng cũ của bạn đến thăm con bạn hay việc bạn toàn quyền nuôi con, không cho cha con họ gặp mặt nhau theo như yêu cầu được. Bạn chỉ được yêu cầu tòa án hạn chế quyền của chồng cũ bạn đối với con bạn nếu anh này thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 85 Luật HNGĐ:
"1. Cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên trong các trường hợp sau đây:
a) Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;
b) Phá tán tài sản của con;
c) Có lối sống đồi trụy;
d) Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội."
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.
Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua email:Tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình miễn phí qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật Hôn nhân và gia đình.