1. Khái niệm tranh chấp dân sự?

Tranh chấp dân sự được hiểu là những mâu thuẫn, xung đột giữa các cá nhân, tổ chức trong các quan hệ về nhân thân hoặc tài sản.

Khi tham gia các quan hệ dân sự, tranh chấp xảy ra là điều không ai muốn. Tuy nhiên, khi có tranh chấp xảy ra, làm như thế nào để bảo vệ quyền lợi của mình và giảm thiểu tối đa việc ảnh hưởng xấu đến quan hệ hai bên, ít tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc là điều tiên quyết cần để ý đến.

 

2. Các loại tranh chấp dân sự?

Theo quy định tại Điều 26 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về Những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, ta có thể hiểu Tranh chấp dân sự gồm những loại tranh chấp sau đây​:

Điều 26. Những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án

1. Tranh chấp về quốc tịch Việt Nam giữa cá nhân với cá nhân.

2. Tranh chấp về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản.

3. Tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự.

4. Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 30 của Bộ luật này.

5. Tranh chấp về thừa kế tài sản.

6. Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

7. Tranh chấp về bồi thường thiệt hại do áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính không đúng theo quy định của pháp luật về cạnh tranh, trừ trường hợp yêu cầu bồi thường thiệt hại được giải quyết trong vụ án hành chính.

8. Tranh chấp về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước theo quy định của Luật tài nguyên nước.

9. Tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai; tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng rừng theo quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng.

10. Tranh chấp liên quan đến hoạt động nghiệp vụ báo chí theo quy định của pháp luật về báo chí.

11. Tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.

12. Tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

13. Tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

14. Các tranh chấp khác về dân sự, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

 

3. Giải quyết tranh chấp là gì?

Giải quyết tranh chấp là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét và ra quyết định xử lí các tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, trên cơ sở xem xét các tài liệu, chứng cứ có trong vụ việc tranh chấp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Toà án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp dân sự

Những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án được quy định tại điều 26 BLTTDS năm 2015 bao gồm:

– Tranh chấp về quốc tịch Việt Nam giữa cá nhân với cá nhân.

– Tranh chấp về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản.

Bao gồm tranh chấp các quyền về chiếm hữu, sử dụng định đoạt hoặc tranh chấp về bồi thường thiệt hại với tài sản. Trong trường hợp đối tượng của việc tranh chấp là các vật khác nhau của thế giới vật chất nhưng không phải tài sản theo quy định của pháp luật dân sự thì tòa án không có thẩm quyền thụ lý giải quyết.

– Tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự.

Là sự mâu thuẫn, bất đồng ý kiến giữa các bên tham gia quan hệ Hợp đồng; liên quan đến việc thực hiện (hoặc không thực hiện) các quyền và nghĩa vụ theo Hợp đồng. Ngoài ra tòa án cũng có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp phát sinh từ các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự như cầm cố, đặt cọ, ký ước…

– Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 30 của Bộ luật này.

Đối với tài sản là động sản và bất động sản, các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ thuộc thẩm quyền dân sự tòa án bao gồm tranh chấp về quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghệ và quyền đối với quyền đối với giống cây trồng. Ngoài ra còn tranh chấp về hợp đồng chuyển giao công nghệ cũng thuộc thẩm quyền của tòa án.

– Tranh chấp về thừa kế tài sản.

Tòa án có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về thừa kế như yêu cầu tòa án buộc người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại, thanh toán các khoản chi từ tài sản do người chết để lại, thanh toán các khoản chi từ di sản thừa kế. Xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác.

– Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Là tranh chấp xảy ra mà trước đó người bị thiệt hại và người gây thiệt hại không có quan hệ hợp đồng hoặc có quan hệ hợp đồng nhưng thiệt hại xảy ra không có liên quan tới hợp đồng giữa các bên.

– Tranh chấp về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước theo quy định của Luật tài nguyên nước.

– Tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai; tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng rừng theo quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng.

– Tranh chấp liên quan đến hoạt động nghiệp vụ báo chí theo quy định của pháp luật về báo chí.
Là nhưng tranh chấp liên quan đến hoạt động báo chí mà pháp luật quy định thuộc thẩm quyền của tòa án như tranh chấp về việc không đăng bài cải chính, những tin tức xúc phạm danh dự, nhân phẩm công dân, bồi thường thiệt hại …thì được tòa án thụ lý giải quyết.

– Tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.

– Tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

Trường hợp này tài sản bị cưỡng chế thi hành án có tranh chấp giải quyết theo quy định tại khoản 1 Điều 75 luật thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014.

– Tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
Tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự quy định tại điều 102 luật thi hành án dân sự 2008 sửa đổi bổ sung năm 2014

– Các tranh chấp khác về dân sự, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

Trong quyết định của Tòa án về việc giải quyết tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động phải trình bày đầy đủ nội dung vụ việc tranh chấp, những chứng cứ và những tình tiết đã được chứng minh, những căn cứ pháp luật mà Tòa án dựa vào đó để giải quyết các tranh chấp, quyết định về việc giải quyết tranh chấp, mức án phí mà đương sự phải chịu, quyền kháng cáo của đương sự...

Ngoài Tòa án, các cơ quan, tổ chức khác cũng có thẩm quyền giải quyết đối với một số tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.

Chính quyền địa phương, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức giải quyết các tranh chấp dân sự nhỏ xảy ra ở địa phương hoặc cơ quan, tổ chức mình.

Hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh; Hòa giải viên lao động của cơ quan lao động cấp huyện; Hội đồng hòa giải cơ sở giải quyết một số tranh chấp lao động theo quy định của pháp luật.

Tổ chức trọng tài thương mại giải quyết các tranh chấp kinh doanh, thương mại khi được các bên lựa chọn.

Trong quyết định giải quyết các tranh chấp, các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phải trình bày đầy đủ nội dung vụ việc tranh chấp, những chứng cứ, những tình tiết đã được làm sáng tỏ, những căn cứ pháp luật mà dựa vào đó để giải quyết các tranh chấp, quyết định về việc giải quyết tranh chấp.

 

4. Phương thức giải quyết tranh chấp dân sự?

Hiện nay có bốn cách được thường dùng để giải quyết tranh chấp dân sự là thương lượng, hòa giải và khởi kiện

 

4.1.Thương lượng

Thương lượng là phương thức giải quyết đầu tiên trong quá trình giải quyết tranh chấp. Các bên chủ động gặp gỡ, bàn bạc, thỏa thuận về quyền và lợi ích hợp pháp cũng như nghĩa vụ của mỗi bên.

Pháp luật về giải quyết tranh chấp không có quy định bắt buộc các bên phải tiến hành thương lượng. Tất cả đều phụ thuộc vào thiện chí tự giải quyết của các bên. Phương thức thương lượng rất được các chủ thể ưu tiên lựa chọn vì phương thức này không chịu sự điều chỉnh của pháp luật, không bị bó buộc bởi các quy định về quy trình tổ chức thương lượng, thành phần tham gia, thời gian và không tốn tiền bạc.

Do các bên tự giải quyết nên sẽ giảm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường, uy tín của các bên. Bởi vì không có sự điều chỉnh của quy phạm pháp luật cho nên không có sự cưỡng chế thi hành kết quả thương lượng.

 

4.2. Hòa giải

Hòa giải là việc các bên tiến hành “thương lượng giải quyết tranh chấp” với sự hỗ trợ của người trung gian. Đây cũng được xem là phương thức giải quyết tranh chấp không chịu sự điều chỉnh của pháp luật, được thực hiện hòa toàn dựa trên thiện chí của các bên.

So với việc lựa chọn phương thức thương lượng để giải quyết tranh chấp thì khi tiến hành hòa giải các bên được thỏa thuận lựa chọn ra một bên trung gian, độc lập, có kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để giải quyết tranh chấp, đưa ra các lời khuyên về quyền lợi và nghĩa vụ của các bên.

Người trung gian có thể là cá nhân, tổ chức luật sư, …Ý kiến của người trung gian chỉ mang tính tham khảo. Phương thức hòa giải cũng được các bên lựa chọn vì thủ tục nhanh gọn, các bên có quyền định đoạt, không làm ảnh hưởng đến mối quan hệ hợp tác giữa các bên, không làm mất uy tín của hai bên.

Cũng giống như phương thức thương lượng thì các cam kết, thỏa thuận từ kết quả của quá trình hòa giải không bắt buộc cưỡng chế thi hành mà phụ thuộc vào thiện chí, sự tự nguyện của các bên.

 

4.3. Khởi kiện

Khi các phương thức thương lượng, hòa giải không đem lại kết quả, các chủ thể mới lựa chọn phương thức khởi kiện lên Tòa án để giải quyết.

Đây là phương thức có sự tham gia giải quyết của đại diện quyền lực nhà nước là Tòa án nhân dân. Vì vậy quy trình giải quyết tranh chấp phải tuân thủ quy định chặt chẽ của pháp luật tố tụng. Đồng thời, bản án, quyết định của Tòa án được đảm bảo thi hành bằng hệ thống cơ quan thi hành án của nhà nước.

Khi khởi kiện, các bên phải xác định được ĐỐI TƯỢNG TRANH CHẤP LÀ GÌ. Điều này nhằm giúp việc xác định cơ quan có thẩm quyền giải quyết đồng thời tạo điều kiện để quá trình khởi kiện thuận lợi hơn.

Trong từng trường hợp cụ thể dựa trên mức độ nghiêm trong của vụ việc để lựa chọn phương án giải quyết tranh chấp phù hợp có ảnh hưởng rất lớn kết quả giải quyết tranh chấp, vậy nên sự tham gia của Luật sự trong giải quyết tranh chấp dân sự là rất cần thiết.

Luật Minh Khuê (sưu tầm & biên tập)