1. Giới thiệu tác giả
Giáo trình Luật Thuế - Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh do TS. Nguyễn Thị Thủy làm chủ biên, cùng sự tham gia biên soạn của tập thể tác giả là giảng viên trường Đại học luật thành phố Hồ Chí Minh gồm: PGS.TS. Nguyễn Văn Vân; TS. Nguyễn Thị Thủy; ThS. Nguyễn Thị Thu Hiền; TS. Phan Thị Thành Dương; ThS. Trần Minh Hiệp; ThS. Phan Phương Nam.
2. Giới thiệu hình ảnh sách
Giáo trình Luật Thuế - Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh
Tác giả: TS. Nguyễn Thị Thủy làm chủ biên
Nhà xuất bản Hồng Đức - Hội luật gia Việt Nam
3. Tổng quan nội dung sách
Nhằm mục đích nâng cao chất lượng đào tạo và cải tiến phương pháp giảng dạy đối với chương trình đào tạo cử nhân Luật tại Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Nhà trường tổ chức biên soạn Giáo trình Luật Thuế.
Nội dung cơ bản của Giáo trình bao gồm: Lý luận chung về thuế và pháp luật thuế Việt Nam; pháp luật thuế thu vào hàng hóa dịch vụ; pháp luật thuế thu vào thu nhập; pháp luật thuế thu vào việc sử dụng một số tài sản của nhà nước; pháp luật về quản lý thuế.
Cuốn giáo trình được biên soạn với cấu trúc chương mục như sau:
Chương 1. Lý luận chung về thuế và pháp luật thuế Việt Nam
1. Những vấn đề cơ bản về thuế
- Khái niệm, đặc điểm của thuế
- Vai trò của thuế
- Phân loại thuế
2. Những vấn đề cơ bản về pháp luật thuế
- Khái niệm pháp luật thuế
- Những nội dung cơ bản của một đạo luật thuế
3. Quan hệ pháp luật thuế
- Khái niệm quan hệ pháp luật thuế
- Chủ thể tham gia quan hệ pháp luật thuế
- Quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật thuế
Chương 2. Pháp luật thuế thu vào hàng hóa dịch vụ
1. Giới thiệu chung về thuế thu vào hàng hóa, dịch vụ
- Khái niệm
- Đặc điểm
- Vai trò của thuế thu vào hàng hóa, dịch vụ
2. Nội dung cơ bản của pháp luật thuế thu vào hàng hóa, dịch vụ
- Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu
- Thuế tiêu thụ đặc biệt
- Thuế giá trị gia tăng
- Thuế bảo vệ môi trường
Chương 3. Pháp luật thuế thu vào thu nhập
1. Khái quát chung về thuế thu vào thu nhập
- Khái niệm thuế thu vào thu nhập
- Vai trò của thuế thu vào thu nhập
- Đặc trưng của thuế thu vào thu nhập
2. Nội dung pháp luật thuế thu vào thu nhập ở Việt Nam
- Thuế thu nhập doanh nghiệp
- Thuế thu nhập cá nhân
Chương 4. Pháp luật thuế thu vào việc sử dụng và khai thác một số tài sản nhà nước
1. Khái quát chung
- Khái niệm
- Đặc điểm
2. Pháp luật thuế sử dụng đất nông nghiệp
- Khái niệm
- Đối tượng chịu thuế
- Người nộp thuế
- Căn cứ tính thuế
- Chế độ miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp
- Chế độ quản lý thuế sử dụng đất nông nghiệp
3. Pháp luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp
- Khái niệm
- Đối tượng chịu thuế
- Người nộp thuế
- Căn cứ tính thuế
- Các trường hợp miễn, giảm thuế
- Chế độ quản lý thuế sử dụng đất phi nông nghiệp
4. Pháp luật thuế tài nguyên
Chương 5. Pháp luật về quản lý thuế
1. Khái quát chung về quản lý thuế
2. Nội dung của hoạt động quản lý thuế
4. Đánh giá bạn đọc
Cuốn giáo trình Luật thuế được biên soạn giới thiệu tới người học những nội dung cơ bản của pháp luật thuế Việt Nam.
Cuốn sách là học liệu quan trọng, cần thiết đối với sinh viên Luật trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và là tài liệu tham khảo hữu ích đối với bạn đọc có nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu về vấn đề này nói chung.
5. Kết luận
Hy vọng những chia sẻ trên đây của chúng tôi sẽ là một nguồn tư liệu đánh giá chất lượng sách hiệu quả tin cậy của bạn đọc. Nếu thấy chia sẻ của chúng tôi hữu ích, bạn hãy lan tỏa nó đến với nhiều người hơn nhé! Chúc các bạn đọc sách hiệu quả và thu được nhiều thông tin hữu ích từ cuốn sách “Giáo trình Luật Thuế - Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh"
Giáo trình được biên soạn năm 2016, đến nay các chính sách về thuế đã có nhiều thay đổi, với sự ra đời của Luật quản lý thuế năm 2019. Do đó, khi hoc tập, bạn đọc lưu ý cập nhật thêm những quy định mới tại Luật quản lý thuế 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Luật Minh Khuê chia sẻ dưới đây nội dung về lịch sử hình thành và phát triển của thuế để bạn đọc tham khảo:
Lịch sử hình thành và phát triển của thuế
Trong thời kỳ sơ khai của xã hội loài người (xã hội công xã nguyên thủy) với nền sản xuất chủ yếu là săn bắt, hái lượm, sản phẩm làm ra được chia đều cho các thành viên công xã. Mỗi thành viên trong xã hội đều bình đẳng như nhau và không phải đóng góp của cải của mình. Lúc này, tuy các cộng đồng đều có thủ lĩnh của mình nhưng những thủ lĩnh này chỉ được cộng đồng trao cho quyền hạn mang tính xã hội chứ không là quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước. Trong xã hội đó cũng chưa có nhà nước, chưa có pháp luật và đương nhiên là trong xã hội đó cũng chưa có “thuế”.
Trải qua một quá trình lịch sử lâu dài, con người ngày càng sáng tạo ra các công cụ, phương tiện sản xuất mới, các phương thức sản xuất ngày càng phát triển cùng với sự chuyên môn hóa trong sản xuất, sản phẩm tạo ra không chỉ đáp ứng nhu cầu hiện tại của con người mà còn dư thừa. Sản phẩm dư thừa ngày càng nhiều, phát sinh chế dộ chiếm hữu tư nhân, hình thành giai cấp. Mâu thuẫn giai cấp gay gắt dẫn đến đấu tranh giai cấp.Trong cuộc đấu tranh giai cấp đó, giai cấp nào thắng thế sẽ lập ra một thiết chế gọi là nhà nước để thống trị các giai cấp còn lại. Nhà nước ra đời trên nền tảng kinh tế - chính trị đó.
Để duy thì sự tồn tại của nhà nước (mà đại diện là giai cấp thống trị) và thực hiện các chức năng quản lý xã hội cần phải có nguồn tài chính đủ lớn. Mà nguồn tài chính thu được từ đâu? Câu trả lời chính là thu từ sự đóng góp của người dân trong xã hội, sự đóng góp này được gọi là thuế. Đó là yêu cầu đầu tiên quyết định sự ra đời của thuế. Như vậy, thuế ra đời là để đáp ứng nhu cầu chi tiêu của nhà nước.
=> Thuế ra đời, tồn tại và phát triển cùng với sự ra đời và phát triển của nhà nước và pháp luật. Sự xuất hiện và phát triển của thuế gắn liền với mỗi giai đoạn lịch sử và lợi ích của nhà nước mà giai cấp thống trị đang cầm quyền. Mác nói rằng: Thuế là cơ sở tồn tại của nhà nước.
Một số quan điểm khác nhau về thuế:
* Thuyết khế ước xã hội:
Khế ước là gì? Khế ước hiểu một cách chung nhất là sự thỏa thuận giữa hai hay nhiều chủ thể về việc các chủ thể được hưởng những quyền và phải thực hiện những nghĩa vụ nhất định.
Theo thuyết khế ước xã hội, thuế là nghĩa vụ trong hợp đồng được thiết lập giữa nhà nước với cư dân trong xã hội. Hay thuế là kết quả của sự thoả thuận giữa nhân dân mà đại diện của họ chính là các đại biểu dân chúng trong Nghị viện hoặc Quốc hội và Nhà nước. Như vậy, trong khế ước xã hội đó, quan hệ thuế được hiểu như sau:
+ Nhân dân phải có nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước.
+ Nhà nước có nghĩa vụ cung cấp, đảm bảo cho nhân dân các dịch vụ như: an ninh, quốc phòng, giáo dục…
* Hạn chế của thuyết khế ước: thực tế thì thuế:
+ Trong quan hệ pháp luật thuế không có sự tương ứng quyền và nghĩa vụ giữa các bên.
+ Trong quan hệ pháp luật thuế không có sự thỏa thuận giữa nhà nước và nhân dân. Ngay từ khi nhà nước ra đời, nhà nước đã sử dụng quyền lực của giai cấp thống trị bóc lột giai cấp bị trị thông qua chế độ thuế khóa nặng nề,
+ Trong quan hệ pháp luật thuế không có hợp đồng cụ thể thuần túy giữa các bên.
+ Người dân có quyền mặc cả về thuế không?
Từ sự phân tích trên có thể nhận thấy, thuyết khế ước xã hội chấp nhận quan điểm thuế mang tính đối giá và hoàn trả trực tiếp, nghĩa là nhân dân phải nhận được phần lợi ích một cách trực tiếp từ nhà nước tương ứng với số thuế mà nhân dân đã nộp. Hay nói cách khác rằng, tôi đã nộp thế thì tôi phải được hưởng một phần lợi ích tương ứng với số tiền thuế tôi đã nộp. Vấn đề là: người nộp thuế có được nhà nước cung cấp các quyền và nghĩa vụ tương ứng không? Người không nộp thuế (người nghèo…) có được hưởng các lợi ích do nhà nước cung cấp không? Những vấn đề này chưa được thuyết khế ước xã hội giải quyết triệt để.
Thuyết quyền lực nhà nước:
Theo quan điểm của thuyết này, thuế là sự đóng góp tài chính bắt buộc của người dân nhằm hình thành quỹ ngân sách nhà nước để nhà nước thực hiện các chức năng của mình, không mang tính đối giá và được đảm bảo thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế của nhà nước (bắt buộc các chủ thể từ bỏ một phần lợi ích của mình cho nhà nước).
Đặc điểm của thuyết quyền lực nhà nước:
+ Khẳng định bản chất của thuế là sự đóng góp bắt buộc được đảm bảo bằng sức mạnh cưỡng chế của nhà nước …
+ Khẳng định bản chất của thuế không có tính đối giá và hoàn trả trực tiếp.
- Với quan điểm của thuyết này, thuế sẽ giết chết nguồn thu, người nộp thuế không còn khả năng để tái sản xuất nên sẽ không thu được thuế lâu dài (không đảm bảo nguồn thu trong tương lai).
- Trong xã hội hiện đại, với quan điểm tiến bộ, nhà nước cần phải có chính sách thuế hợp lý nhằm đảm bảo duy trì và bổ sung nguồn thu hợp lý, không bỏ sót đối tượng chịu thuế nhưng cũng cần có chính sách miễn giảm thuế nhằm hộ trợ kịp thời, giúp họ tiếp tục thực hiện hành vi chịu thuế. Có như vậy nguồn thu từ thuế mới ổn định, ngân sách nhà nước mới bền vững.
Thuyết tự nguyện:
Theo thuyết tư nguyện, thuế là một khoản tiền mà nhân dân tự nguyện đóng góp cho quỹ ngân sách nhà nước. Đây là thuyết của giai cấp tư sản muốn lật đổ nhà nước phong kiến với thuyết quyền lực nhằm tranh thủ sự ủng hộ của đại đa số quần chúng nhân dân.
Hạn chế của thuyết tự nguyện:
- Trong bất kỳ một chế độ xã hội nào, không ai tự nguyện từ bỏ lợi ích của mình cho nhà nước trong khi các quyền và lợi ích mà họ nhận được từ hành vi nộp thuế rất mơ hồ, không rõ ràng, không tương xứng.
- Vì thế, đây là một thuyết không tưởng, chưa hiểu rõ được bản chất, đặc điểm của thuế. Thuyết này không đứng trên quan điểm duy vật biện chứng mà mang nặng tính chất siêu hình.. Mục đích cơ bản của thuyết này không phải là xây dựng nền tảng lý luận về thuế mà vì mục đích chính trị để chống lại và lật đổ chế độ phong kiến lỗi thời với chế độ thuế khóa hà khắc.
Từ sự đưa ra và phân tích các thuyết trên, có thể thấy thuế vừa có dấu hiệu của hợp đồng, vừa có dấu hiệu của quyền lực nhà nước,
Kết luận: Thuế là khoản thu bắt buộc mang tính cưỡng chế bằng sức mạnh của nhà nước mà các tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ phải nộp vào ngân sách nhà nước khi có đủ những điều kiện nhất định. Các khoản thu này không mang tính đối giá và hoàn trả trực tiếp cho người nộp thuế. Đây là quan điểm toàn diện, hệ thống và đầy đủ nhất, thể hiện đúng bản chất của thuế, là cơ sở quan trọng để chúng ta di vào phân tích những đặc điểm của thuế.
Lưu ý:
- Giáo trình Luật Thuế của Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 2016.
- Giáo trình Luật Thuế của Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh có giá bìa là 86.000 đồng.