1. Giết người bị xử phạt bao nhiêu năm tù ?

Thưa luật sư, xin cho tôi hỏi tội giết người là phải bị hình sự gì ạ ? Cảm ơn!

>> Luật sư tư vấn pháp luật Hình sự trực tuyến, gọi: 1900.6162

 

Luật sư tư vấn:

Tội giết người được quy định tại Điều 123, Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định như sau:

Điều 123. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

Theo đó, khung hình phạt cụ thể là bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào việc giết người có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ hay tình tiết định khung như thế nào. Do bạn không nêu rõ thông tin nên chúng tôi không thể khẳng định cho bạn được, bạn có thể tham khảo quy định trên cho trường hợp của mình.

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay tới số: 1900.6162 để được giải đáp.

 

2. Tội giết người cấu thành khi nào ?

Thưa luật sư, Tôi muốn hỏi tình huống sau: Tôi đi đám tang gặp a Thanh cũng là khách đi viếng, anh này có uống rượu nhưng chưa xỉn. yêu cầu tôi phải qua bàn kế bên để nhậu chia buồn trong khi tôi đang ngồi uống trà ở bàn khác với nhiều người khác.
Tôi không qua vì thường tôi đi viếng xong là về chứ không thích nhậu nhẹt ở đám tang. Thế thì a Thanh thô tục chưỡi tôi, tôn nhịn và ra về nhà tôi. Khoảng 30 phút sau anh Thanh này chạy xe máy rất nhanh về nhà mình lấy dao chém cò dài 6 tấc rộng 1,5 tấc lưỡi bén chạy đến nhà tôi rất nhanh, trên tay cầm dao xong thẳng vào nhà khi tôi đang ngồi ngay cửa đi. Tôi liền chạy sang hiên nhà (nhà ở quê) nhưng anh Thanh cố tình rượt chém tôi (chưa gây thương tích). Khi không chạy thoát tôi chụp được 01 ống sắt dài 1 m phi 20 đánh vào hông lưng anh Thanh 02 cái. Anh Thanh bỏ dao thì dừng lại và gọi CA xã đến lập biên bản thu giữ xe máy và con dao trên để chờ xử lý.
Hiện anh Thanh bị gãy 02 cọng xương sườn, nếu anh Thanh làm khó và yêu cầu tôi bồi thường. Thì tôi kiện anh Thanh tội giết người không thành tại khoản 2 Điều 93 và khoản 3 Điều 52 của Bộ luật hình sự được không? (Trong lúc rượt chém chỉ có tôi và vợ tôi không có ai làm chứng, vì lúc 22g đêm)
Xin hỏi Luật sư tư vấn giúp. Xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời:

Căn cứ Điều 22 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi 2017 quy định về phòng vệ chính đáng như sau:

Điều 22. Phòng vệ chính đáng
1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự.

Thứ nhất, hành vi tấn công của người có hành vi vi phạm phải là đang hiện hữu xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của công dân.

Thứ hai, người phòng vệ có sự chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi tấn công ngay cả những trường hợp có biện pháp khác tránh được sự tấn công (sự chống trả này phải phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công đặt trong hoàn cảnh cụ thể và để đánh giá được hành vi phòng vệ là cần thiết, phù hợp là tương đối phức tạp cà cần phải dựa vào một số căn cứ sau: tính chất của quan hệ xã hội bị xâm hại, mức độ thiệt hại bị đe dọa gây ra, sức mạnh và sức mãnh liệt của hành vi tấn công, tính chất và mức độ nguy hiểm của phương pháp và phương tiện hay công cụ mà người tấn công sử dụng...).

Nếu hành vi chống trả của người phòng vệ rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại thì đó là vượt quá phòng vệ chính đáng và người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự và các hành vi tương ứng như: giết người do vượt quá phòng vệ chính đáng, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá phòng vệ chính đáng.

Như vậy ở đây trường hợp của bạn là trường hợp phòng vệ chính đáng. Đối với tình huống của anh thì ở đây cần xem xét tình huống phòng vệ của anh là dùng ống típ sắt dài 1m phi 20 đánh vào hông lưng anh Thanh 2 cái để chống chả lại hành vi a Thanh dùng dao chém cò dài 6 tấc rộng 1,5 tấc để rượt đuổi chém anh nhằm gây thương tích và nguy hiểm hơn là có thể cướp đi tính mạng. Ở đây do hậu quả của hành vi rượt đuổi chém người của anh Thanh chưa có hậu quả xảy ra, nhưng từ hành vi nguy hiểm là cầm dao rượt đuổi chém người của anh Thanh như vậy là rất nguy hiểm đe dọa đến tính mạng của con người.

Về vấn đề thứ 2 là anh muốn kiện anh Thanh về tội giết người chưa đạt tại khoản 2 Điều 93 và khoản 3 Điều 52

Điều 52. Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt

1. Đối với hành vi chuẩn bị phạm tội và hành vi phạm tội chưa đạt, hình phạt đựơc quyết định theo các điều của Bộ luật này về các tội phạm tương ứng tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng.

2. Đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng là không quá hai mươi năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.

3. Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì chỉ có thể áp dụng các hình phạt này trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.

Căn cứ theo khoản 2 Điều 123 bộ luật hình sự  năm 2015 quy định về tội giết người thì bạn không thể kiện anh Thanh về tội này được.

 

3. Phải làm gì khi bị đe doạ giết người cả nhà ?

Thưa Luật sư! Luật sư có thể hướng dẫn tôi vụ việc như sau được không? Tôi và nhà hàng xóm có tranh chấp đất đai. Trong khi cãi nhau hàng xóm gọi một nhóm xã hội đen hùng hổ kéo đến liên tục chửi bới, đe doạ. Họ đe doạ nếu ngày mai không trả lại đất cho họ họ sẽ giết cả nhà tôi. Nói rồi họ chém nát mấy cái cây nhà tôi và chém vào thân cây để thanh kiếm ở đó để làm tin và thề sẽ giết cả nhà tôi ?
Mong luật sư tư vấn, xin cảm ơn Luật sư!

 

Luật sư tư vấn:

Đối với trường hợp bị người khác đe doạ giết người, đe doạ giết cả nhà, đối với hành vi như thế bạn phải báo ngay cho cơ quan công an. Để công an can thiệp giải quyết, có biện pháp ngăn chặn và bảo vệ gia đình bạn.

Hành vi đe doạ sẽ giết cả nhà rồi chém nát mấy cái cây nhà và chém vào thân cây để thanh kiếm ở đó để làm tin và thề sẽ giết cả nhà bạn có dấu hiệu về hình sự về "tội đe doạ giết người" căn cứ theo Điều 133, Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017

Điều 133. Tội đe dọa giết người

1. Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Đối với 02 người trở lên;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

d) Đối với người dưới 16 tuổi;

đ) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.

Hành vi của những người trên có dấu hiệu phạm tội cụ thể như sau:

- Mặt khách quan: Mặt khách quan của tội phạm này có các dấu hiệu sau:

+ Có hành vi làm cho người bị đe doạ biết được khả năng tính mạng của họ sẽ bị xâm phạm (bị giết chết).

Hành vi này được thể hiện bằng trực tiếp (như bằng lời nói trước mặt, nói trực tiếp với người bị đe doạ) hoặc bằng gián tiếp (như qua thư, qua điện thoại hoặc nhắn qua người khác).

+ Có căn cứ làm cho người bị đe doạ lo sợ rằng việc đe doạ này sẽ được thực hiện.

Vấn đề xác định có hay không có căn cứ cho rằng người đe doạ có khả năng sẽ hành động thực sự trên thực tế là rất khó xác định và cần phải xét một cách toàn diện trên các mặt sau: Phương pháp, thủ đoạn thực hiện hành vi đe doạ, nguyên nhân của việc xảy ra hành vi đe doạ, mâu thuẫn giữa người có hành vi đe doạ với người bị đe doạ, trạng thái tâm lý, xử sự của người bị đe doạ sau khi bị đe doạ và số lần đe doạ và khả năng thực hiện các hành vi đó của người đe doạ...

+ Dấu hiệu cơ bản để phân biệt giữa tội đe doạ giết người (phạm tội chưa đạt) với tội giết người ở giai đoạn chuẩn bị là sự công khai hoặc không công khai hành vi chuẩn bị công cụ, phương tiện để thực hiện hành vi tước đoạt tính mạng của người khác, cả hai tội nêu trên tội phạm đều chuẩn bị công cụ, phương tiện để thực hiện hành vi giết người.

- Khách thể: Hành vi phạm tội nêu trên xâm phạm đến quyền được bảo vệ về tính mạng của công dân.

- Mặt chủ quan: Người phạm tội đã thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý (cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp).

- Chủ thể: Chủ thể của tội đe doạ giết người là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.

>> Như vậy: Căn cứ vào các dấu hiệu trên có thể thấy hành vi của những người đã có dấu hiệu phạm tội "đe doạ giết người". Nên nếu gặp phải trường hợp như trên hay báo ngay cho cơ quan công an để công an tiến hành xử lý giải quyết, xử phạt nghiêm minh theo đúng quy định pháp luật.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi, nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật Hình sự về xử lý hành vi đe dọa giết người, gọi: 1900.6162 để được giải đáp.  

 

4. Tội giết người và mức xử lý ?

Thưa luật sư, xin hỏi: Tư vấn trong trường hợp vô ý gây chết người: Xin chào luật sư! Luật sư cho tôi hỏi: Anh trai tôi có giằng co và vô tình làm đứt động mạch chủ của một tên trộm khiến tên này bị chết vì mất máu.
Tên trộm là một con nghiện có nhiều tiền án tiền sự, gia đình tên trộm có đơn đề nghị không truy cứu trách nhiệm hình sự và gia đình tôi đã bồi thường cho nạn nhân. Vậy anh tôi có bị xử lý không? Nếu có thì mức độ như thế nào?
Tôi xin trân trọng cảm ơṇ.

>> Luật sư tư vấn Luật Hình sự trực tuyến, gọi ngay:1900.6162

 

Trả lời:

Theo Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định như sau:

Điều 11. Vô ý phạm tội
Vô ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:
1. Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được;
2. Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

Điều 98. Tội vô ý làm chết người

1. Người nào vô ý làm chết người thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội làm chết nhiều người thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

Điều 15. Phòng vệ chính đáng

1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự

Điều 96. Tội giết người do vựơt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

1. Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Giết nhiều người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm.

Trong trường hợp của anh trai bạn do bạn chưa cung cấp các thông tin chi tiết về vụ án nên có thể phân tích chung như sau:

Thứ nhất nếu anh bạn dằng co với tên trộm này trong lúc đang trộm cắp tài sản hoặc bắt được trộm cắp tài sản thì hành vi dằng co dẫn đến chết người của anh bạn sẽ thuộc vào điều 98 BLHS tội vô ý làm chết người do anh bạn hoàn toàn có thể nhận thức được hành vi dằng co khống chế tên trộm sẽ gây ra tổn hại đến sức khỏe của người khác. Đối với việc gia đình tên trộm không yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự thì anh trai bạn vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự trước nhà nước, trước pháp luật.

Thứ hai nếu tên trộm có hành vi tấn công anh bạn trước nhưng chưa đến mức đe dọa tính mạng và anh bạn chống trả lại đuổi bắt dằng co dẫn đến chết người thì sẽ thuộc vào trường hợp quy định tại Điều 96 BLHS giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Còn một số trường hợp khác nếu bạn thắc mắc có thể gửi thông tin chi tiết vụ án để có thể nhận được sự tư vấn cụ thể hơn.

 

5. Liệu có phạm tội giết người không ? Cấu thành tội giết người ?

Xin chào luật sư. Tôi có một vấn đề mong luật sư tư vấn giúp: Vừa qua bạn em có bị 1 nhóm thanh niên đánh. Khi bị đánh bạn em có gọi em đến để hỗ trợ nhưng khi đến nơi thì nhóm thanh niên đó đã bỏ chạy. Bạn em cùng với em kéo nhau đến nhà nhóm thanh niên đang tụ tập để nói chuyện.
Khi đi bạn em có cầm theo hung khí còn em thì không. Đến ngay cổng nhà nhóm thanh niên đó thì em bị đánh vì nhóm thanh niên này có chuẩn bị hung khí từ trước. Vì bị đánh nên em cướp dao từ tay bạn em chống trả lại. Hậu quả là em bị đánh thương tích 35%. Nhóm thanh niên đó 2 người bị thương tích trên 11% . Em bị chém 2 cái ở đầu và 1 ở tay làm đứt gân 1 ngón tay.
Vậy e xin hỏi luật sư em có đủ điều kiện để kiện nhóm thanh niên đó vì tội giết người không thành không ạ?
Xin cảm ơn luật sư.

>> Luật sư tư vấn pháp luật hình sự qua tổng đài, gọi:1900.6162

 

Trả lời:

Căn cứ Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về tội giết người như sau:

"Điều 123: Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:..."

Để xác định tội danh, ta cần phải xét trên nhiều khía cạnh như: Mặt khách quan, chủ quan, yếu tố lỗi, hậu quả, cách thức thực hiện hành vi, hung khí được sử dụng có mức độ nguy hiểm như thế nào....

Trong tình huống nêu trên, nhóm thanh niên đó có 2 người bị thương tích trên 11% và bạn bị chém 2 cái ở đầu và 1 ở tay làm đứt gân 1 ngón tay.

Nếu trong trường hợp này trước khi thực hiện hành vi gây án, nhóm thanh niên kia có mục đích, động cơ là giết người; với lỗi cố ý; vật dụng phạm tội là dao sắc hay dùng hung khí có khả năng dẫn đến chết người....vv...

Cấu thành tội giết người như sau:

- Mặt chủ quan:

Lỗi của người phạm tội là cố ý. Cụ thể là lỗi cố ý trực tiếp. Tức là người phạm tội phải biết rõ hậu quả chết người có thể xảy ra nhưng mong muốn cho hậu quả đó xảy ra.

- Mặt khách quan:

Hành vi khách quan của tội giết người có thể là hành động như: bóp cổ, đấm đá, bẻ cổ, bịt miệng, mũi...hay sử dụng vũ khí hoặc các chất độc tác động lên người khác (đâm, chém, bắn, bỏ thuốc độc v.v).

- Chủ thể:

Chủ thể của tội giết người là chủ thể thường, nghĩa là những người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định đều có khả năng trở thành chủ thể của tội giết người. Theo quy định của Bộ luật hình sự, thì người từ đủ 14 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng. Từ 16 tuổi trở lên: Chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.

- Khách thể:

Khách thể của tội giết người là quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người (đang sống).

- Hậu quả:

Hậu quả của tội giết người phải là hâu quả chết người. Nếu vì lý do khách quan mà không xảy ra hậu quả chết người thì hành vi phạm tội bị coi là tội giết người chưa đạt hoặc tội cố ý gay thương tích, tùy thuộc vào lỗi của người phạm tội.

Như vậy, nếu chứng minh được các yêu tố trên, bạn hoàn toàn khởi kiện thanh niên đó về tội giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017. Còn trong trường hợp nếu không chứng minh được các điều kiện đó bạn chỉ có thể khởi kiện về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017.

"Điều 134: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;

đ) Có tổ chức;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;

i) Có tính chất côn đồ;

k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân..."

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận 1900.6162 hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật hình sự miễn phí qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê. Rất mong nhận được sự hợp tác!