Xin chào Luật Minh Khuê, tôi có một vấn đề cần nhờ công ty tư vấn giúp nhưu sau: Tôi có bán hàng online, gần đây tôi có gửi hàng cho khách qua dịch vụ bưu điện chuyển phát nhanh từ Hà Nội đi. Tuy nhiên đã gần 2 tuần nhưng khách của tôi vẫn chưa nhận được hàng, khi tôi liên hệ với bên phía bưu điện thì họ nói rằng bưu kiện của tôi đang bị thất lạc. 
Vậy phía bưu điện có phải bồi thường cho tôi không và mức bồi thường như thế nào? Vì kiện hàng của tôi có giá trị rất lớn.
Rất mong nhận được sự hỗ trợ từ công ty. Tôi xin chân thành cảm ơn!
 

Trả lời:

Cơ sở pháp lý căn cứ Luật bưu chính năm 2010 và  Nghị định số 47/2011/NĐ-CP ngày 17 tháng 6 năm 2011 quy định chi tiết thi hành một số nội dung của luật bưu chính có thể phân tích chi tiết như sau:

 

1. Quy trình gửi hàng qua bưu điện

1.1 Khái niệm về ship cod 

 Ship cod hiểu đơn giản là gửi sản phẩm, hàng hóa cho khách hàng thông qua bưu điện và sẽ nhờ bên giao hàng thu tiền hộ. Trong quá trình đó, người mua hàng có quyền xem tình trạng món hàng và đưa ra quyết định nhận hàng hay không. Nếu món hàng đúng như đơn đặt hàng thì sẽ được thanh toán như thỏa thuận, ngược lại thì sẽ hoàn trả hàng và người bán phải chịu hai chiều phí ship.

 

1.2 Quy trình gửi hàng hóa qua bưu điện (Ship cod bưu điện)

- Bước 1: Mang đến bưu điện gửu hàng cho khách hàng sau khi lên đơn hàng

Các dịch vụ ship cod phát triển rộng rãi trên phạm vi toàn quốc, do vậy bất kỳ đâu cũng có thể dễ dàng gửi hàng hóa. Khi gửi hàng hóa có thể mang theo các loại thùng carton để đóng gói hàng hóa, tuy nhiên theo quy định của bưu điện thì hàng hóa cần được nhân viên bưu điện kiểm tra trước khi gửi đi. Mỗi sản phẩm sẽ có những cách gói hàng khác nhau. Chi phí ship sẽ phụ thuộc vào cân nặng của hàng hóa, bưu kiện cũng như hình thức lựa chọn vận chuyển.

- Bước 2: Liên hệ với các dịch vụ ship cod của bưu điện

Các dịch vụ gửi hàng thông thường và các dịch vụ ship cod có các thủ tục khác nhau. Do đó, để đảm bảo hàng hóa được ship nhanh chóng, hãy liên hệ các dịch vụ ship cod gần nhất để đăng ký thông tin.

- Bước 3: Điền đầy đủ các thông tin cần thiết trước khi gửi hàng đi

Người gửi hàng sẽ giao bưu kiện cần ship cod cho nhân viên bưu điện và điền đầy đủ các thông tin cần thiết vào phiếu thông tin: địa chỉ, tên họ, số điện thoại hai bên (người nhận và người gửi) như những phương thức thông thường. Tuy nhiên điểm khác suy nhất đó là khách hàng cần điền thêm cả thông tin về số tiền mà cần bưu điện thu hộ.

- Bước 4: Đóng các chi phí cần thiết 

Các chi phí như: phí vận chuyển theo giá công khai, phí thu hộ cod, phí xăng dầu, thuế giá trị gia tăng… cần được người gửi thanh toán trước. Sau khi đơn hàng được chuyển đến tay người nhận và thu tiền, khi đó khách hàng chỉ cần đến bưu điện để nhận lại số tiền hàng vốn có.

 

2. Quy định về bồi thường thiệt hại khi bưu điện làm mất hàng 

2.1 Về nguyên tắc bồi thường thiệt hại

Điều 24 Nghị định 47/2011/NĐ-CP quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực bưu chính, cụ thể được quy định như sau:

"Điều 24. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại

1. Việc bồi thường thiệt hại trực tiếp được thực hiện trên cơ sở hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính. Không bồi thường thiệt hại gián tiếp ngoài hợp đồng hoặc các nguồn lợi không thu được do việc cung ứng dịch vụ bưu chính không bảo đảm chất lượng mà hai bên đã thỏa thuận.

2. Bưu gửi bị mất, hư hỏng hoặc tráo đổi toàn bộ thì được bồi thường theo quy định đối với từng loại dịch vụ. Mức bồi thường thiệt hại do doanh nghiệp quy định không thấp hơn mức giới hạn trách nhiệm bồi thường của từng loại dịch vụ theo quy định tại Điều 25 Nghị định này.

3. Không bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp sau đây:

a) Dịch vụ bưu chính không có chứng từ xác nhận việc chấp nhận bưu gửi;

b) Người sử dụng dịch vụ không có chứng từ chứng minh việc sử dụng dịch vụ".

Như vậy căn cứ theo quy định nêu trên thì việc bồi thường thiệt hại được thực hiện trên cơ sở hợp đồng cung ứng dịch vụ và sử dụng dịch vụ bưu chính và không thực hiện việc bồi thường đối với các trường hợp ngoài hợp đồng mà các bên đã ký kết hoặc dựa trên các nguồn lợi không thu được do việc cung ứng các dịch vụ bưu chính không đảm bảo chất lượng mà hai bên đã thỏa thuận.

Ở đây nguyên tắc bồi thường sẽ được bồi thường theo quy định đối với từng loại dịch vụ và không chấp nhận bồi thường đối với các trường hợp không có chứng từ chứng minh được về việc sử dụng dịch vụ với những bưu chính.

 

2.2 Mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Theo quy định tại Điều 24 đã nêu ở trên thì mức bồi thường thiệt hại sẽ do doanh nghiệp quy định nhưng không được thấp hơn mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại, và mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại được quy định cụ thể tại Điều 25 của Nghị định số 47/2011/NĐ-CP, cụ thể được xác định như sau:

"Điều 25. Mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại tối thiểu được quy định như sau:

a) Đối với dịch vụ bưu chính trong nước: 04 lần cước (đã bao gồm hoàn trả lại cước dịch vụ đã sử dụng) của dịch vụ đã sử dụng;

b) Đối với dịch vụ bưu chính quốc tế được vận chuyển bằng đường hàng không: 09 SDR/kg (được tính theo từng nấc khối lượng 500 gram, phần lẻ được tính bằng 500 gram) nhưng không thấp hơn 30 SDR/bưu gửi, cộng với hoàn trả lại cước của dịch vụ đã sử dụng;

c) Đối với dịch vụ bưu chính quốc tế được vận chuyển bằng phương thức khác: 05 SDR/kg (được tính theo từng nấc khối lượng 500 gram, phần lẻ được tính bằng 500 gram), cộng với hoàn trả lại cước của dịch vụ đã sử dụng.

2. Trường hợp vi phạm hợp đồng đã giao kết do không đảm bảo thời gian toàn trình đã công bố và người sử dụng dịch vụ bưu chính có chứng từ chứng minh việc không đảm bảo thời gian toàn trình đó, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính có trách nhiệm hoàn trả lại cước của dịch vụ đã sử dụng cho người sử dụng dịch vụ bưu chính.

3. Việc bồi thường thiệt hại đối với dịch vụ bưu chính quốc tế trong khuôn khổ Văn kiện của Liên minh Bưu chính Thế giới do doanh nghiệp được chỉ định cung ứng phải tuân theo các quy định về bồi thường trong Văn kiện của Liên minh Bưu chính Thế giới".

Theo như thông tin bạn cung cấp thì bưu kiện của bạn được gửi từ Hà Nội nhưng chưa xác định rõ bưu kiện này được chuyển đến đâu, trong nước hay ngoài nước, do đó, chúng tôi xin tư vấn cho bạn mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại tối thiểu trong từng trường hợp cụ thể được quy định như sau:

- Đối với dịch vụ bưu chính trong nước: 04 lần cước (đã bao gồm hoàn trả lại cước dịch vụ đã sử dụng) của dịch vụ đã sử dụng;

- Đối với dịch vụ bưu chính quốc tế được vận chuyển bằng đường hàng không: 09 SDR/kg (được tính theo từng nấc khối lượng 500 gram, phần lẻ được tính bằng 500 gram) nhưng không thấp hơn 30 SDR/bưu gửi, cộng với hoàn trả lại cước của dịch vụ đã sử dụng;

- Đối với dịch vụ bưu chính quốc tế được vận chuyển bằng phương thức khác: 05 SDR/kg (được tính theo từng nấc khối lượng 500 gram, phần lẻ được tính bằng 500 gram), cộng với hoàn trả lại cước của dịch vụ đã sử dụng.

Thời hạn thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại: Trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày các bên lập văn bản xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người đã sử dụng dịch vụ

Nếu quá thời hạn bồi thường thiệt hại nêu trên thì bên phải bồi thường thiệt hại còn phải trả tiền lãi chậm thanh toán theo quy định của pháp luật cho người bị thiệt hại

Đối với trường hợp doanh nghiệp bưu chính tìm lại được một phần hoặc toàn bộ bưu gửi bị coi là đã mất và đã thực hiện bồi thường thiệt hại thì doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính cần thông báo cho người đã nhận tiền bồi thường. Người đã nhận tiền bồi thường có quyền nhận lại hoặc từ chối nhận lại một phần hoặc toàn bộ bưu gửi tìm được.

Nếu người đã nhận tiền bồi thường thiệt hại nhận lại một phần hoặc toàn bộ bưu gửi tìm được thì phải hoàn trả số tiền bồi thường tương ứng cho doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính. Còn trong trường hợp người đã nhận tiền bồi thường thiệt hại từ chối nhận lại thì một phần hoặc toàn bộ bưu gửi tìm được sẽ thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính.

 

2.3 Về thời hạn thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại

Thời hạn thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại được xác định tại Điều 26 Nghị định số 47/2011/NĐ-CP cụ thể như sau:

- Thời hạn bồi thường thiệt hại không quá 30 ngày kể từ ngày các bên lập văn bản xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

- Quá thời hạn bồi thường thiệt hại quy định tại khoản 1 Điều 26 nêu trên thì bên phải bồi thường thiệt hại còn phải trả tiền lãi chậm thanh toán theo quy định của pháp luật.

Đối với trường hợp tìm lại được một phần hoặc toàn bộ bưu gửi bị coi là đã mất và đã được bồi thường thiệt hại theo quy định, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính có trách nhiệm thông báo cho người đã nhận tiền bồi thường thiệt hại. Người đã nhận tiền bồi thường thiệt hại có quyền nhận lại hoặc từ chối nhận lại một phần hoặc toàn bộ bưu gửi tìm được. Trường hợp người đã nhận tiền bồi thường thiệt hại nhận lại một phần hoặc toàn bộ bưu gửi tìm được thì phải hoàn trả số tiền bồi thường tương ứng cho doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính. Trường hợp người đã nhận tiền bồi thường thiệt hại từ chối nhận lại thì một phần hoặc toàn bộ bưu gửi tìm được thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi.  Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ ​Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự về thất lạc hàng hóa qua bưu điện, gọi:  1900.6162  để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.