Người gửi : D.P

Luật sư trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Nội dung phân tích

1.Quyết toán kinh phí khám chữa bệnh BHYT hàng quý, năm giữa cơ sở y tế có ký hợp đồng KCB với cơ quan BHXH

Theo công văn 8418/BTC-TCT 2015 hướng dẫn như sau:

 - Các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước sử dụng Biên lai thu phí, lệ phí đã thông báo phát hành đến hết ngày 31/12/2015. Cục thuế các tỉnh, thành phố có trách nhiệm thông báo đến các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước về việc sử dụng Biên lai thu phí, lệ phí còn tồn đã thông báo phát hành đến hết ngày 31/12/2015.

- Đối với các cơ sở y tế khám bệnh, chữa bệnh có tư cách pháp nhân trực tiếp ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT với tổ chức BHXH:

+ Trường hợp đơn vị đang sử dụng biên lai thu phí, lệ phí, khi quyết toán kinh phí KCB BHYT với cơ quan BHXH được tiếp tục sử dụng biên lai thu phí, lệ phí đến hết năm 2015.

+ Trường hợp đơn vị đang sử dụng hóa đơn theo giá dịch vụ, khi quyết toán kinh phí KCB BHYT với cơ quan BHXH xuất hóa đơn cho cơ quan BHXH.

- Đối với trạm y tế xã: Sử dụng biên lai của Bệnh viện huyện hoặc Trung tâm y tế huyện nơi chưa tách riêng bệnh viện huyện hoặc cơ sở y tế khác do Sở Y tế phê duyệt để ký hợp đồng thực hiện khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại Trạm y tế xã cho người tham gia BHYT đến hết năm 2015.

- Đối với Phòng khám đa khoa khu vực trực thuộc bệnh viện huyện hoặc Trung tâm y tế huyện: Sử dụng biên lai của bệnh viện huyện hoặc Trung tâm y tế huyện ký hợp đồng trực tiếp với tổ chức Bảo hiểm xã hội đến hết năm 2015.

- Đối với đơn vị khác như Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ thuộc tỉnh, Phòng khám quân dân y kết hợp thuộc Bộ đội Biên Phòng..., các đơn vị sự nghiệp (không phải là doanh nghiệp, không có chức năng kinh doanh dịch vụ y tế) có ký hợp đồng khám chữa bệnh với cơ quan Bảo hiểm xã hội thì khi thanh toán chi phí khám chữa bệnh với cơ quan Bảo hiểm xã hội, đơn vị sử dụng phiếu thu, phiếu chi kèm theo các chứng từ thanh toán khác có liên quan đến việc thanh toán KCB BHYT.

- Mặt hàng thuốc áp dụng thuế suất thuế GTGT 5%. Trường hợp trong gói dịch vụ chữa bệnh (theo quy định của Bộ Y tế) bao gồm cả sử dụng thuốc chữa bệnh thì khoản thu từ tiền thuốc chữa bệnh nằm trong gói dịch vụ chữa bệnh cũng thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

- Từ ngày 01/01/2016 đề nghị Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với Bộ Tài chính để hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước thực hiện sử dụng hóa đơn, chứng từ đối với hoạt động khám chữa bệnh cho phù hợp.

Như vậy khi thực hiện quyết toán kinh phí Khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế (KCB BHYT) hàng quý, năm giữa cơ sở y tế trực tiếp ký hợp đồng KCB BHYT với cơ quan BHXH, cơ sở KCB BHYT phải xuất hóa đơn hoặc biên lai thu phí, lệ phí hoặc phiếu thu cho cơ quan BHXH đối với phần chi phí KCB BHYT đã được cơ quan BHXH giám định và quyết toán theo đúng quy định tại Công văn 8418/BTC-TCT. Cụ thể trong trường hợp này, Phòng khám chữa bệnh của bạn đang sử dụng hóa đơn theo giá dịch vụ, khi thanh quyết toán kinh phí KCB BHYT với cơ quan BHXH phải xuất hóa đơn cho cơ quan BHXH, trên biên lai phải ghi rõ nội dung thanh toán tiền KCB cho người có thẻ BHYT.

Về nguyên tắc ngày lập hóa đơn đối với cung ứng dịch vụ là ngày hoàn thành việc cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp tổ chức cung ứng dịch vụ thực hiện thu tiền trước hoặc trong khi cung ứng dịch vụ thì ngày lập hóa đơn là ngày thu tiền. Đồng thời, theo quy định của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT số 46/2014/QH13 thì trong thời hạn 15 ngày đầu mỗi quý, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT có trách nhiệm gửi báo cáo quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT của quý trước cho tổ chức BHYT.

2. Thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp

Căn cứ tại Điều 3 của Luật Thuế TNDN 2008 xác định các thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp:

2.1 Thu nhập chịu thuế từ hoạt động SX, kinh doanh HH, DV

- Thu nhập chịu thuế bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và thu nhập khác quy định tại khoản 2 Điều này.

2.2 Thu nhập chịu thuế khác

- Thu nhập khác bao gồm thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản; thu nhập từ quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản; thu nhập từ chuyển nhượng, cho thuê, thanh lý tài sản; thu nhập từ lãi tiền gửi, cho vay vốn, bán ngoại tệ; hoàn nhập các khoản dự phòng; thu khoản nợ khó đòi đã xóa nay đòi được; thu khoản nợ phải trả không xác định được chủ; khoản thu nhập từ kinh doanh của những năm trước bị bỏ sót và các khoản thu nhập khác, kể cả thu nhập nhận được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh ở ngoài Việt Nam."

Ngoài ra khoản 2 điều 3 của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 được sửa đổi bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế số  71/2014/QH13 và khoản 1 điều 1 Nghị định 12/2015/NĐ-CP như sau:

- Thu nhập khác bao gồm: thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng quyền góp vốn; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản; thu nhập từ quyền sử dụng tài sản, quyền sở hữu tài sản, kể cả thu nhập từ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật; thu nhập từ chuyển nhượng, cho thuê, thanh lý tài sản, trong đó có các loại giấy tờ có giá; thu nhập từ lãi tiền gửi, cho vay vốn, bán ngoại tệ; khoản thu từ nợ khó đòi đã xoá nay đòi được; khoản thu từ nợ phải trả không xác định được chủ; khoản thu nhập từ kinh doanh của những năm trước bị bỏ sót và các khoản thu nhập khác.

- Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ở nước ngoài chuyển phần thu nhập sau khi đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp ở nước ngoài của doanh nghiệp về Việt Nam thì đối với các nước mà Việt Nam đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần thì thực hiện theo quy định của Hiệp định; đối với các nước mà Việt Nam chưa ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần thì trường hợp thuế thu nhập doanh nghiệp ở các nước mà doanh nghiệp chuyển về có mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn thì thu phần chênh lệch so với số thuế thu nhập doanh nghiệp tính theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam.

- Thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam của các doanh nghiệp nước ngoài quy định tại các Điểm c, d Khoản 2 Điều 2 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp là thu nhập nhận được có nguồn gốc từ Việt Nam từ hoạt động cung ứng dịch vụ, cung cấp và phân phối hàng hóa, cho vay vốn, tiền bản quyền cho tổ chức cá nhân Việt Nam hoặc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam hoặc từ chuyển nhượng vốn, dự án đầu tư, quyền góp vốn, quyền tham gia các dự án đầu tư, quyền thăm dò, khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản tại Việt Nam, không phụ thuộc vào địa điểm tiến hành kinh doanh.

- Thu nhập chịu thuế quy định tại khoản này không bao gồm thu nhập từ dịch vụ thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam như: Sửa chữa phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị ở nước ngoài; quảng cáo, tiếp thị, xúc tiến đầu tư và xúc tiến thương mại ở nước ngoài; môi giới bán hàng hóa, môi giới bán dịch vụ ở nước ngoài; đào tạo ở nước ngoài; chia cước dịch vụ bưu chính, viễn thông quốc tế cho phía nước ngoài.

- Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể về thu nhập chịu thuế quy định tại Khoản này

3. Ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế

- Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới quy định tại khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 13 của Luật này và doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được miễn thuế tối đa không quá bốn năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá chín năm tiếp theo.

- Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới quy định tại khoản 3 Điều 13 của Luật này và thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại khu công nghiệp, trừ khu công nghiệp thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi theo quy định của pháp luật được miễn thuế tối đa không quá hai năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá bốn năm tiếp theo.

- Thời gian miễn thuế, giảm thuế đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được tính từ năm đầu tiên có thu nhập chịu thuế từ dự án đầu tư, trường hợp không có thu nhập chịu thuế trong ba năm đầu, kể từ năm đầu tiên có doanh thu từ dự án thì thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm thứ tư. Thời gian miễn thuế, giảm thuế đối với doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy định tại điểm c khoản 1 Điều 13 của Luật này được tính từ ngày được cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

- Doanh nghiệp có dự án đầu tư phát triển dự án đầu tư đang hoạt động thuộc lĩnh vực, địa bàn ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật này mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao công suất, đổi mới công nghệ sản xuất (đầu tư mở rộng) nếu đáp ứng một trong ba tiêu chí quy định tại khoản này thì được lựa chọn hưởng ưu đãi thuế theo dự án đang hoạt động cho thời gian còn lại (nếu có) hoặc được miễn thuế, giảm thuế đối với phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng. Thời gian miễn thuế, giảm thuế đối với thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng quy định tại khoản này bằng với thời gian miễn thuế, giảm thuế áp dụng đối với dự án đầu tư mới trên cùng địa bàn, lĩnh vực ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.

Như vậy, chi phí khám chữa bệnh mà tổ chức BHYT thanh toán theo hóa đơn bạn xuất là thu nhập chịu thuế TNDN do phát sinh từ hoạt động dịch vụ, cụ thể là hoạt động khám chữa bệnh của DN. Bạn có thể tham khảo quy định tại Điều 14 của Luật Thuế TNDN 2008 để xác định xem doanh nghiệp mình có được ưu đãi miễn, giảm thuế hay không:

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900 6162 để được giải đáp.

Trân trọng./.