1. Tài sản thuộc khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc danh làm thắng cảnh được hiểu như nào?

Tài sản thuộc khu di tích lịch sử - văn hóa là các tài sản có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa và kiến trúc nằm trong khu vực được công nhận và bảo vệ theo quy định của pháp luật. Đây là các tài sản mang ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn, tôn tạo và phục hồi di sản văn hóa của một địa phương hoặc quốc gia. Các tài sản thuộc khu di tích lịch sử - văn hóa có thể bao gồm:

- Các công trình kiến trúc: Bao gồm cả các công trình như cung điện, ngôi đền, nhà thờ, chùa, cổng thành, lâu đài, tòa nhà lịch sử, kiến trúc truyền thống của một khu vực.

- Các di chỉ và di tích lịch sử: Đây là các địa điểm có giá trị lịch sử như các khu địa bàn, thành phố cổ, thành phố cổ truyền thống, các di chỉ khảo cổ học, cảnh quan thiên nhiên có giá trị văn hóa lịch sử.

- Các tác phẩm nghệ thuật: Bao gồm các tác phẩm điêu khắc, tranh vẽ, bức tường nghệ thuật, tượng, các tác phẩm nghệ thuật truyền thống, đồ gốm, đồ sứ, trang sức, văn bia, các hiện vật lịch sử và văn hóa khác.

- Văn bản, tài liệu: Các văn bản, tài liệu, sổ sách, hồ sơ lưu trữ có giá trị lịch sử, văn hóa và liên quan đến khu di tích.

Tài sản thuộc khu di tích lịch sử - văn hóa có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của một địa phương hay quốc gia. Chúng thường được bảo vệ và quản lý theo quy định của pháp luật để đảm bảo sự bền vững và tôn vinh di sản văn hóa của một nền văn minh.

Danh lam thắng cảnh là các địa điểm nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, có giá trị văn hóa, lịch sự và du lịch.  Đây là những địa điểm thu hút khách du lịch bởi vẻ đẹp tự nhiên hoặc kiến trúc độc đáo, cùng với giá trị văn hóa, lịch sử, và môi trường xung quanh. Danh lam thắng cảnh thường nằm ở các vùng đất đặc biệt, có phong cảnh tuyệt đẹp hoặc có sự kết hợp giữa thiên nhiên và con người. Đây có thể là các khu vực núi non, hồ, biển, đảo, thác nước, hang động, vườn quốc gia, khu di tích lịch sử, khu du lịch sinh thái, công viên quốc gia, và các địa điểm có cảnh quan thiên nhiên đặc biệt khác. Các danh lam thắng cảnh thường được bảo tồn và quản lý để du khách có thể tận hưởng vẻ đẹp tự nhiên, tham quan, nghiên cứu lịch sử, và trải nghiệm văn hóa của địa phương. Nhiều danh lam thắng cảnh trên thế giới cũng là di sản thế giới được UNESCO công nhận vì giá trị văn hóa và tự nhiên của chúng.

 

2. Hành vi hủy hoại tài sản thuộc khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc danh lam thắng cảnh có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên thì phạm tội gì?

Theo quy định tại tiểu mục 3 Mục I Công văn 206/TANDTC-PC ngày 27 tháng 12 năm 2022 của Tòa án nhân dân tối cao về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong công tác xét xử, đối với hành vi hủy hoại tài sản thuộc khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc danh lam thắng cảnh có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên thì phạm tội “Vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thẳng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 345 Bộ luật Hình sự hay tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo Điều 178 Bộ luật Hình sự hay cả hai tội được giải đáp như sau:

Trường hợp người có hành vi hủy hoại tài sản thuộc khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc danh lam thắng cảnh mà hành vi hủy hoại đã làm cho tài sản của khu di tích bị hư hỏng hoặc mất giá trị sử dụng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật Hình sự nếu có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm.

Như vậy, theo quy định nêu trên thì nếu có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì trường hợp người có hành vi hủy hoại tài sản thuộc khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc danh lam thắng cảnh mà hành vi hủy hoại đã làm cho tài sản của khu di tích bị hư hỏng hoặc mất giá trị sử dụng thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Do đó, 04 yếu tố cấu thành tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản trong trường hợp hủy hoại tài sản khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc danh lam thắng cảnh mà quý khách cần lưu ý bao gồm: 

Về chủ thể của tội phạm:

Chủ thể của tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản phải là người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đủ độ tuổi theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự, người phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này quy định tại khoản 1 và khoản 2 của Điều luật, vì hai khoản này chỉ là tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, nhưng phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này quy định tại khoản 3 và khoản 4 của Điều luật vì hai khoản này là tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Về khách thể của tội phạm:

Hành vi hủy hoại tài sản khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc danh lam thắng cảnh phải không xâm phạm đến quan hệ nhân thân mà chỉ xâm phạm đến quan hệ sở hữu.

Về mặt khách quan của tội phạm:

Hành vi khách quan: Người thực hiện hủy hoại tài sản của di tích lịch sử - văn hóa phải làm cho tài sản mất hẳn giá trị sử dụng không thể khôi phục lại được và như vậy toàn bộ giá trị tài sản không còn như lúc ban đầu. Làm hư hỏng tài sản: là làm giảm đáng kể giá trị sử dụng của tài sản và giá trị sử dụng bị giảm đó có thể khôi phục được (có thể khôi phục lại như cũ, nhưng có thể chỉ khôi phục lại được một phần).

Hành vi hủy hoại hoặc làm hư hỏng tài sản được thực hiện bằng nhiều phương thức khác nhau, tùy thuộc vào thủ đoạn mà người phạm tội thực hiện, có thể kể đến như: đốt cháy, đập phá, dùng thuốc nổ, dùng chất độc, hóa chất hoặc lợi dụng thiên tai để hủy hoại tài sản, ...

Hậu quả là yếu tố bắt buộc phải có ở tội này, nếu chưa có hậu quả xảy ra thì chưa cấu thành tội phạm và tội phạm này cũng không có giai đoạn phạm tội chưa đạt và chuẩn bị phạm tội. Hậu quả nghiêm trọng do hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản gây ra là những thiệt hại về thể chất, tinh thần, nếu là thiệt hại về vật chất thì những thiệt hại này không phải là thiệt hại về tài sản do hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng trực tiếp gây ra. Ví dụ như ly hương ở sân đình của di tích lịch sử bị biến dạng vì bị đập phá, hoặc các bình phong cổ bị hủy hoại do đốt cháy,  ...

Về mặt chủ quan của tội phạm:

Người phạm tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc danh lam thắng cảnh phải thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý. Tức là, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

Người phạm tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản xuất phát từ nhiều động cơ khác nhau như: để trả thù, vì tranh chấp đất đai với khu di tích, ... nhưng chủ yếu là vì tư thù. Động cơ không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành, mà nó chỉ có ý nghĩa trong việc xác định tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm.

 

3. Hình phạt đối với hành vi hủy hoại tài sản khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc danh lam thắng cảnh có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên

Theo Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, người thực hiện hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản thuộc khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc danh lam thắng cảnh có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên sẽ bị xử phạt tù tùy theo tính chất nghiêm trọng của hành vi và giá trị tài sản bị thiệt hại. Cụ thể:

- Khung 1: Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Đây áp dụng cho các hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác có giá trị từ 02 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng, hoặc tài sản thuộc các trường hợp cụ thể như đã được quy định.

- Khung 2: Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Đây áp dụng cho các trường hợp có tính chất nghiêm trọng hơn, bao gồm việc gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, các trường hợp liên quan đến bảo vật quốc gia, sử dụng chất nguy hiểm, che giấu tội phạm khác, ...

- Khung 3: Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm. Đây áp dụng cho trường hợp phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

- Khung 4: Phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. Đây áp dụng cho trường hợp phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên.

Ngoài hình phạt tù, người phạm tội cũng có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng và bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Tổng hợp lại, đối với hành vi hủy hoại tài sản thuộc khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc danh lam thắng cảnh có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên, người phạm tội sẽ chịu hình phạt tù có thời hạn từ 02 năm đến 07 năm và có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung khác như phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.

Tham khảo thêm: Phá hoại tài sản của người khác bị xử lý như thế nào ? Vui lòng gọi ngay tới số: 1900.6162 hoặc gửi email trực tiếp tại: lienhe@luatminhkhue.vn để được Luật Minh Khuê hỗ trợ và giải đáp thắc mắc nhanh chóng.