Mục lục bài viết
- 1. Thông thầu bao gồm những hành vi nào?
- 2. Các biện pháp xử lý khi xảy ra hành vi thông thầu
- 2.1. Bị xử phạt vi phạm hành chính
- 2.2. Áp dụng cấm tham gia hoạt động đấu thầu
- 2.3. Bị truy cứu trách nhiệm hình sự
- 2.4. Bị xử lý kỷ luật
- 2.5. Bồi thường thiệt hại (nếu có)
- 3. Ai là người có thẩm quyền cấm tham gia hoạt động đấu thầu?
1. Thông thầu bao gồm những hành vi nào?
Thông thầu hay còn gọi là gian lận thầu, đây là hành vi bất hợp pháp mà trong mối quan hệ đó, các bên tham gia đấu thầu thông đồng, "bắt tay" với nhau để một bên được thắng thầu, làm mất đi tính minh bạch của đấu thầu. Và những bên tham gia thông thầu sẽ được cam kết lợi ích về kinh tế, xã hội khi thực hiện thỏa thuận. Thông thầu là hoạt động kìm hãm sự cạnh tranh của thị trường tự do và làm thiệt hại về vốn đầu tư, thuế. Đây có thể được xác định là một hình thức thao túng thị trường.
Căn cứ tại khoản 3 Điều 89 Luật Đấu thầu năm 2013 thì các hành vi được xem là hành vi thông thầu bao gồm:
- Thỏa thuận về việc rút khỏi việc dự thầu hoặc rút đơn dự thầu được nộp trước đó để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu;
- Thỏa thuận để một hoặc nhiều bên chuẩn bị hồ sơ dự thầu cho các bên tham dự thầu để một bên thắng thầu;
- Thỏa thuận về việc từ chối cung cấp hàng hóa, không ký hợp đồng thầu phụ hoặc các hình thức gây khó khăn khác cho các bên không tham gian thỏa thuận.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì thông thầu được hiểu là hành vi thỏa thuận về việc rút khỏi việc dự thầu hoặc rút đơn dự thầu được nộp trước đó để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu. Hoặc thông thầu cũng xảy ra khi thỏa thuận để một hoặc nhiều bên chuẩn bị hồ sơ dự thầu cho các bên tham dự thầu để một bên thắng thầu. Và thông thầu cũng có thể được thể hiện dưới hành vi thỏa thuận về việc từ chối cung cấp hàng hóa, không ký hợp đồng thầu phụ hoặc các hình thức gây khó khăn khác cho các bên không tham gia thỏa thuận.
Ngoài ra, nếu hành vi thông thầu còn bao gồm những hành vi gian lận trong đấu thầu như sau:
- Trình bày sai một cách cố ý hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu của một bên trong đấu thầu nhằm thu được lợi ích tài chính hoặc lợi ích khác hoặc nhằm trốn tránh bất kỳ một nghĩa vụ nào;
- Cá nhân trực tiếp đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, thẩm định kết quả lựa chọn danh sách ngắn, kết quản lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư cố ý báo cáo sai hoặc cung cấp thông tin không trung thực làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;
- Nhà thầu, nhà đầu tư cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.
Hành vi thông thầu là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm và có biện pháp xử lý nặng.
2. Các biện pháp xử lý khi xảy ra hành vi thông thầu
Thông thầu là hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Đấu thầu năm 2013 thì các hình thức xử lý vi phạm trong đấu thầu, trong đó bao gồm cả hành vi thông thấu được quy định như sau:
2.1. Bị xử phạt vi phạm hành chính
Căn cứ vào khoản 2 Điều 37 Nghị định 122/2021/NĐ-CP thì sẽ áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính là phạt tiền với tiền từ 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng đối với một trong các hành vi thông thầu mà không phải là tội phạm theo quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Đây là mức phạt đối với tổ chức, còn với cá nhân có cùng hành vi vi phạm thì bị xử phạt bằng một phần hai lần mức xử phạt đối với tổ chức.
2.2. Áp dụng cấm tham gia hoạt động đấu thầu
Thông thầu là hành vi bị cấm theo Luật Đấu thầu năm 2013 nên tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi thông thầu sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu theo quy định.
2.3. Bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Cá nhân thực hiện hành vi thông thầu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với hình phạt lên đến 20 năm tù, cụ thể như sau:
Nếu hành vi thông thầu gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi thông thầu mà còn vi phạm, cá nhân sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ trong khoảng thời gian từ 03 năm đến 05 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Phạm tội thông thầu thuộc một trong các trường hợp sau đây, cá nhân sẽ bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:
- Hành vi thông thầu vì vụ lợi.
- Hành vi thông thầu được tổ chức.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thông thầu. Sử dụng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt trong hành vi thông thầu.
- Gây thiệt hại từ 300 triệu đồng đến dưới 01 tỷ đồng.
Nếu phạm tội thông thầu gây thiệt hại từ 01 tỷ đồng trở lên, cá nhân sẽ bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
2.4. Bị xử lý kỷ luật
Đối với cán bộ, công chức có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu còn bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
2.5. Bồi thường thiệt hại (nếu có)
Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu gây thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại và các quy định khác của pháp luật liên quan.
Ngoài ra theo quy định tại khoản 4 Điều 17 Luật Đấu thầu năm 2013 còn quy định nếu có bằng chứng về thông thầu để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư thì sẽ bị hủy thầu.
Trong đó, hủy thầu là biện pháp của người có thẩm quyền, chủ đầu tư và bên mời thầu để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu và các quy định khác của pháp luật liên quan của tổ chức, cá nhân khác tham gia hoạt động đấu thầu bằng cách ban hành quyết định hủy thầu.(theo quy định tại khoản 1 Điều 123 Nghị định 63/2014/NĐ-CP).
3. Ai là người có thẩm quyền cấm tham gia hoạt động đấu thầu?
Hoạt động đấu thầu là quá trình mà một tổ chức hoặc cá nhân có nhu cầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ hoặc xây dựng công trình sẽ tìm kiếm và lựa chọn nhà thầu để thực hiện công việc đó. Đấu thầu nhằm đảm bảo sự công bằng, minh bạch, hiệu quả và tiết kiệm trong việc lựa chọn nhà thầu. Quá trình đấu thầu bao gồm công bố thông tin, thu thập hồ sơ đề nghị thầu, mở thầu, đánh giá, lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng. Hoạt động đấu thầu thường được áp dụng trong các lĩnh vực công cộng, xây dựng, cung cấp hàng hóa và dịch vụ, nơi mà việc lựa chọn nhà thầu đáp ứng yêu cầu chất lượng, giá trị và thời gian là rất quan trọng.
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 90 Luật Đấu thầu năm 2013 thì thẩm quyền cấm tham gia hoạt động đấu thầu sẽ được quy định như sau:
- Người có thẩm quyền ban hành quyết cấm tham gia hoạt động đầu thấu đối với các dự án, dự toán mua sắm trong phạm vi quản lý của mình;
Trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu trong phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương hoặc đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu trên phạm vi cả nước;
- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu trong phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương mình đối với những trường hợp do người có thẩm quyền đề nghị theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 90 Luật Đấu thầu năm 2013.
- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu trên phạm vi cả nước đối với những trường hợp do người có thẩm quyền đề nghị theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 90 Luật Đấu thầu năm 2013.
Tham khảo thêm: Ngôn ngữ và đồng tiền trong đấu thầu được quy định như thế nào?
Hãy gọi ngay tới số: 1900.6162 hoặc gửi email trực tiếp tại: lienhe@luatminhkhue.vn để nhận được hỗ trợ và giải đáp thắc mắc nhanh chóng từ Công ty Luật Minh Khuê.