Nội dung được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Dân sự của Công ty luật Minh Khuê

>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi:  1900 6162

- Luật Ngân sách nhà nước năm 2015

- Luật kế toán năm 2015

- Luật kiểm toán nhà nước năm 2015

- Thông tư số 77/2017/TT-BTC

1. Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) là gì?

Hệ thống thông tin quản lí ngân sách và kho bạc trong tiếng Anh gọi là: Treasury And Budget Management Information System - TABMIS.

TABMIS là hệ thống thông tin quản lí ngân sách - kho bạc tích hợp, hệ thống kế toán máy tính, thực hiện ghi chép, xử lí và quản lí dữ liệu tập trung, có khả năng cung cấp thông tin, dữ liệu về tình hình thực hiện ngân sách ở các cấp, các bộ, ngành và các đơn vị sử dụng ngân sách, phục vụ công tác quản lí, điều hành ngân sách của các cơ quan quản lí, cơ quan tài chính các cấp.

TABMIS tạo thành một qui trình liên kết chặt chẽ trong việc nhập dữ liệu, xử lí thông tin và quản lí thông tin giữa các cơ quan theo phân công trong hệ thống, giúp các cơ quan, đơn vị tham gia hệ thống thực hiện các chức năng, nhiệm vụ về quản lí, điều hành, kế toán, báo cáo và quyết toán ngân sách.

Toàn bộ dữ liệu về thu chi ngân sách trong hệ thống TABMIS được các cơ quan khác nhau đưa vào một đầu mối duy nhất, nhưng lại được chia sẻ chung theo vai trò của mỗi cơ quan.

Hệ thống thông tin quản lí ngân sách và kho bạc (TABMIS) là cấu phần một của Dự án cải cách quản lí tài chính công do Bộ Tài chính chủ trì thực hiện. TABMIS đã được triển khai và vận hành chính thức tại các đơn vị Kho bạc Nhà nước (KBNN) và các cơ quan tài chính từ Trung ương đến các quận, huyện từ cuối năm 2012.

Đến 2017, sau 5 năm triển khai và vận hành trên toàn quốc, TABMIS đã làm thay đổi cơ bản các hoạt động nghiệp vụ ngân sách nhà nước (NSNN), KBNN và các ứng dụng công nghệ thông tin có liên quan theo hướng cải cách, tập trung, hiện đại.

2. Chức năng của hệ thống TABMIS

Thứ nhất, hạch toán, theo dõi và quản lý toàn bộ dữ liệu phân bổ dự toán, thu, chi ngân sách các cấp chi tiết theo mục lục ngân sách, địa bàn, đơn vị và tính chất các khoản thu chi, trên cơ sở hướng dần tới kế toán dồn tích. Từ các số liệu được hạch toán và lưu giữ trong hệ thống, các cơ quan tham gia hệ thống có thể kết xuất các báo cáo, thông tin về ngân sách theo các mẫu biểu có sẵn trong hệ thống TABMIS.

Thứ hai, hệ thống TABMIS được tổ chức dưới hình thức một hệ thống thông tin tích hợp, có kết nối, giao diện với các chương trình ứng dụng khác, như quản lý nợ, cơ sở dữ liệu danh mục dùng chung của ngành Tài chính, hệ thống quản lý thu thuế... Với các khả năng này, TABMIS có khả năng tích hợp giữa tất cả các cơ quan tài chính - Kho bạc Nhà nước - cơ quan thu - các bộ ngành Trung ương.

Thứ ba, TABMIS được xây dựng với giải pháp công nghệ: hệ thống thông tin tập trung, thông suốt từ Trung ương đến quận huyện, cơ sở dữ liệu tập trung toàn quốc, thông qua hạ tầng truyền thông ngành Tài chính từ Trung ương đến quận huyện, sử dụng phần mềm ứng dụng chuẩn ORACLE đã được chỉnh sửa để đáp ứng một số yêu cầu quản lý đặc thù của Việt Nam.

Hệ thống TABMIS được hướng tới mở rộng kết nối đến các bộ, ngành chủ quản và hướng tới đến các đơn vị sử dụng ngân sách thành quy trình thực hiện ngân sách khép kín, hiện đại, đồng thời phát triển các giao diện với các chương trình ứng dụng khác, như: Hệ thống quản lý nhân sự và tiền lương, Hệ thống lập ngân sách… nhằm tạo nên hệ thống thông tin quản lý tài chính tích hợp.

3. Mục tiêu thực hiện hệ thống TABMIS

TABMIS được thực hiện hướng tới mục tiêu chung là hiện đại hóa công tác quản lý tài chính ngân sách nhà nước, từ khâu lập dự toán, thực hiện ngân sách, báo cáo ngân sách và tăng cường trách nhiệm giải trình ngân sách; chuẩn hóa các quy trình ngân sách và kho bạc, hỗ trợ kỹ thuật thực hiện đổi mới phương thức cung cấp thông tin về ngân sách và kho bạc một cách kịp thời, chính xác, nâng cao tính minh bạch trong quản lý tài chính công; hạn chế tiêu cực trong việc sử dụng ngân sách; đảm bảo an ninh tài chính trong quá trình phát triển và hội nhập quốc gia. Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 212/2009/TT-BTC hướng dẫn thực hiện kế toán nhà nước áp dụng cho Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và nghiệp vụ kho bạc (TABMIS) sau đó được thay thế bởi Thông tư số 08/2013/TT-BTC đến nay được thay thế bằng Thông tư 77/2017/TT-BTC. Theo đó, hệ thống kế toán áp dụng cho TABMIS có 12 phân đoạn với 43 ký tự: mã quỹ, mã tài khoản kế toán, mã nội dung kinh tế, mã cấp ngân sách, mã đơn vị có quan hệ với ngân sách, mã địa bàn hành chính, mã chương và cấp quản lý, mã ngành kinh tế, mã chương trình mục tiêu, mã Kho bạc Nhà nước (KBNN), mã nguồn chi ngân sách nhà nước (NSNN) và một phân đoạn dự phòng.

4. Những thuận lợi và khó khăn khi áp dụng TABMIS tại các đơn vị

4.1. Thuận lợi

Thứ nhất, trong thời gian gần đây, Bộ Tài chính đã và đang triển khai nhiều dự án hiện đại hóa ngành, đặc biệt là về công nghệ thông tin, đồng thời đang tiến hành nhiều cải cách, nâng cao chất lượng công tác quản lý tài chính công, KBNN cũng đã triển khai nhiều dự án hiện đại hóa, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ của KBNN, do vậy cán bộ, công chức của ngành Tài chính nói chung và hệ thống KBNN nói riêng đã được đào tạo nâng cao năng lực về quản lý và tin học, đồng thời có được nhận thức tốt về công tác hiện đại hóa và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý.

Thứ hai, dự án rơi vào thời điểm Chính phủ, Bộ Tài chính đang tiến hành công tác cải cách hành chính và hiện đại hóa ngành nên rất phù hợp với xu hướng chung. Bộ Tài chính được sự hỗ trợ rất tích cực từ ngân hàng thế giới có nhiều kinh nghiệm triển khai ở các nước khác nhau với thể chế chính trị, tổ chức hành chính khác nhau nhất là các nước có nền kinh tế chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường vốn có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam.

Thứ ba, sự hợp tác với các chuyên gia trên thế giới đã đưa ra nhiều khuyến nghị rất hữu ích cho quá trình triển khai một hệ thống thông tin tài chính, ngân sách phù hợp với điều kiện nước ta; đồng thời, cũng phù hợp với các chuẩn mực quốc tế trong quản lý tài chính công.

4.2. Khó khăn

Một là, về yếu tố con người, đòi hỏi cần phải thay đổi lề lối, thói quen làm việc vốn đã ăn sâu vào ý thức của đội ngũ cán bộ tại các đơn vị. Việc thay đổi quy trình nghiệp vụ sẽ tác động tới cơ cấu nguồn lực. Để khắc phục, cần phải tiến hành đào tạo chuyển đổi nhận thức và kỹ năng phù hợp cho các đối tượng khác nhau: cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản trị hệ thống, cán bộ kế toán, nghiệp vụ, cán bộ khai thác hệ thống, đồng thời có kế hoạch đào tạo chuyển đổi cho phù hợp với việc vận hành hệ thống TABMIS.

Hai là, về quy trình nghiệp vụ, tổ chức và thể chế: Trước khi thực hiện TABMIS, đang tồn tại nhiều hệ thống kế toán khác nhau trong việc ghi chép, phản ánh tình hình thu - chi đòi hỏi chuẩn mực kế toán phải có tính cải cách, tiến tới tương đối phù hợp với chuẩn mực kế toán công quốc tế; Việc triển khai TABMIS đòi hỏi phải có một bộ phận kế toán đủ mạnh để thực hiện kế toán thống nhất toàn Chính phủ; Trên 600 tài khoản của KBNN tại các ngân hàng phải luôn có số dư dương, làm phân tán quỹ tiền tệ do KBNN nắm giữ; Quy trình giám sát chi hiện hành chủ yếu dựa trên nền tảng giám sát thủ công và trên chứng từ giấy; TABMIS đòi hỏi đơn vị sử dụng ngân sách phải khai báo với kho bạc những khoản dự chi chắc chắn, điều này là rất khó đối với các đơn vị sử dụng NSNN hiện nay.

Ba là, về hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin: Hạ tầng truyền thông hiện hành chưa đáp ứng yêu cầu của hệ thống TABMIS , khó khăn trong việc bố trí địa điểm đặt trung tâm dữ liệu chính và trung tâm dự phòng thảm họa cho hệ thống TABMIS.

5. Cơ hội và thách thức khi áp dụng TABMIS tại các đơn vị

Dự án TABMIS là một bước đi cụ thể nhằm thực hiện Chương trình hiện đại hóa ngành Tài chính và cải cách tài chính công, nhắm tới mục tiêu quan trọng nhất là hiện đại hóa công tác quản lý ngân sách nhà nước, tăng cường trách nhiệm ngân sách, nâng cao tính minh bạch trong quản lý tài chính công, đảm bảo an ninh tài chính và nâng cao khả năng hội nhập quốc tế trong quá trình phát triển của Việt Nam. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý ngân sách nhà nước, cải thiện tính minh bạch của nền tài chính công.

Cơ hội về mặt công nghệ: TABMIS sẽ khắc phục những nhược điểm của các hệ thống thông tin hiện tại của Bộ Tài chính để trở thành công cụ đắc lực cho việc điều hành và quản lý ngân sách nhà nước, là cơ hội để toàn ngành tài chính hiện đại hóa một cách tổng thể đồng bộ công tác quản lý ngân sách.

Cơ hội cải thiện chất lượng thông tin tài chính: TABMIS được thiết kế, xây dựng trên cơ sở các chuẩn mực và thông lệ quốc tế tốt nhất, là nguồn cung cấp thông tin tài chính đảm bảo tính duy nhất với độ chính xác cao, là nguồn thông tin đạt tiêu chuẩn quốc tế. Việc triển khai và vận hành hệ thống TABMIS sẽ làm tăng khả năng tiếp cận gần hơn với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, tăng khả năng hội nhập trong lĩnh vực tài chính công, tạo sự tin tưởng đối với các tổ chức quốc tế trong việc xem xét, đánh giá tín nhiệm đối với Việt Nam.

Lợi ích đối với cơ quan tài chính: TABMIS quản lý dự toán ở tất cả các cấp ngân sách, hỗ trợ việc phân bổ dự toán ngân sách, cập nhật dự toán, giải ngân các khoản dự trữ ngân sách và lập dự toán cho các năm ngân sách tiếp theo; cơ quan tài chính thực hiện khai thác báo cáo thu chi ngân sách trực tiếp trên hệ thống, tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý ngân sách nhà nước.

Lợi ích đối với hệ thống KBNN: TABMIS thực hiện kế toán trên một cấu trúc mã tài khoản duy nhất, kế toán đầy đủ, chính xác, kịp thời các nghiệp vụ phát sinh, hỗ trợ lập báo cáo thu, chi, báo cáo tài chính, báo cáo quản trị theo nhiều tiêu thức, đảm bảo sự đồng bộ về dữ liệu thu, chi ngân sách giữa KBNN và các cơ quan tài chính, thuế, hải quan; cung cấp thông tin nhanh, chính xác về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước, đảm bảo khả năng thanh toán tại mọi thời điểm.

Trên đây là chia sẻ của chúng tôi.  Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900 6162 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Luật Minh Khuê - Sưu tầm & biên tập