Mục lục bài viết
- 1. Hiện nay đang có các cơ sở nào ở cấp đại học đào tạo chuyên sâu về logistics?
- 2. Các cơ sở đào tạo nghề của Việt Nam
- 3. Các công ty nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam
- 4. Khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đối với hoạt động logistics?
- 5. Kênh Quan Chánh Bố có vai trò thế nào trong hoạt động logistics ở vùng ĐBSCL?
- 6. Khu vực ĐNB có vị trí, vai trò ntn đối với sự pt dịch vụ logistics của đất nước?
1. Hiện nay đang có các cơ sở nào ở cấp đại học đào tạo chuyên sâu về logistics?
Hiện nay đã có nhiều trường đại học có tuyển sinh ngành logistics. Tuy nhiên các chương trình đào tạo tại mỗi trường có khác nhau, chủ yếu có 3 nhóm:
• Nhóm ngành “Khai thác vận tải”: mã ngành 52840101. Đào tạo chuyên ngành “Quản trị logistics và vận tải đa phương thức” tại Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh; “Vận tải đa phương thức” tại Đại học Giao thông Vận tải (Hà Nội).
• Nhóm ngành “Kinh doanh thương mại”: mã ngành 52340121. Lồng ghép các nội dung thuộc quản trị logistics, chuỗi cung ứng vào chương trình Kinh doanh thương mại (hay Quản trị kinh doanh, Thương mại quốc tế, Kinh tế đối ngoại,...) tại các trường Đại học Ngoại thương, Đại học Thương mại, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Văn Lang, Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu, Đại học RMIT Thành phố Hồ Chí Minh.
• Nhóm “Quản lý công nghiệp”: mã ngành 52510605. Chuyên ngành “Quản trị logistics và chuỗi cung ứng”, chương trình “Kỹ thuật hệ thống công nghiệp - đào tạo “Kỹ sư logistics” của Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Các cơ sở đào tạo nghề của Việt Nam
Các cơ sở đào tạo nghề của Việt Nam đã có đào tạo về nghành nghề, nghiệp vụ logistics chưa?
Nhìn chung Việt Nam chưa có chương trình dạy nghề về logistics từ cấp trung cấp tới cao đẳng. Để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội, một số đơn vị đã đứng ra tổ chức các chương trình đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ logistics, chủ yếu theo hình thức tại chức cho các cán bộ, nhân viên đang làm việc trong lĩnh vực logistics. Chương trình “Sơ cấp nghề quản lý dịch vụ logistics” đầu tiên đăng ký chính thức bởi Công ty TNHH Tri thức Hậu cần tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh năm 2009, sau đó đơn vị này tiếp tục đăng ký bổ sung các chương trình: “Quản lý giao nhận vận tải quốc tế”, “Quản lý mua hàng”, “Quản lý kho hàng”, “Quản lý chuỗi cung ứng”, “Quy định về hàng hóa nguy hiểm”. Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) hiện cung cấp 2 chương trình đạt tiêu chuẩn của Liên đoàn dác Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế (FIATA):
• “FIATA Diploma in International Freight Forwarding”: dành cho sinh viên các trường Đại học Ngoại thương, Đại học Giao thông vận tải, Đại học Quốc tế, Đại học Bách khoa,… và nhân viên đã đi làm, tổ chức từ năm 2011.
• “FIATA Higher Diploma in Supply Chain Management”: là chương trình chuyên sâu nâng cao về quản trị chuỗi cung ứng dành cho người đã có bằng “FIATA Diploma” hay có kinh nghiệm quản lý logistics.
3. Các công ty nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam
Logistics là lĩnh vực thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp logistics lớn trên thế giới đã có mặt ở Việt Nam ở các quy mô, mức độ khác nhau. Bên cạnh lợi thế về vốn, trình độ quản trị, kinh nghiệm quốc tế, tính chuyên nghiệp, các doanh nghiệp logistics nước ngoài có ưu thế rất lớn về mạng lưới quan hệ. Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi thiết lập cơ sở sản xuất ở Việt Nam cũng thường lựa chọn các doanh nghiệp logistics nước ngoài đã có quan hệ từ trước. Khi đó, các doanh nghiệp logistics Việt Nam chỉ có thể nhận làm thầu phụ với từng công đoạn nhỏ lẻ, khó vươn lên trở thành nhà cung cấp dịch vụ logistics tích hợp.
4. Khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đối với hoạt động logistics?
Đồng bằng Sông Cửu Long (miền Tây Nam Bộ) là khu vực ở phía nam đất nước, hình thành từ phù sa bồi lắng của sông Cửu Long với tổng diện tích là 40.548 km2, bao gồm 13 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương với 732 km bờ biển. Do là đồng bằng châu thổ nền địa hình của khu vực rất bằng phẳng, gần như không có núi non, là điều kiện thuận lợi để các phương tiện lưu thông hoặc xây dựng công trình. Tuy nhiên, đặc điểm của khu vực là rất nhiều sông ngòi, kênh rạch chia cắt nên thuận lợi cho giao thông đường thủy, nhưng lại gây khó khăn cho giao thông đường bộ và đường sắt. Hiện nay, trên các tuyến đường bộ chúng ta đã xây dựng được nhiều cây cầu lớn như Mỹ Thuận, Cần Thơ, Rạch Miễu, Vàm Cống góp phần rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương trong khu vực, nhưng vẫn chưa thể triển khai đường sắt trong khu vực này. Về đường thủy, sông Hậu là con sông có lượng nước nhiều, độ sâu đủ đảm bảo đón các tàu lớn, nhưng các cửa biển như cửa Trần Đề lại bị phù sa lắng đọng thành những bãi cạn nên tàu không thể đi trực tiếp từ biển qua cửa sông để lên thượng nguồn. Kênh Chợ Gạo là tuyến đường thủy quan trọng vận chuyển hàng hóa từ Đồng bằng Sông Cửu Long lên Thành phố Hồ Chí Minh. Trong những năm gần đây, Đồng bằng Sông Cửu Long đang phát triển kinh tế mạnh mẽ. Các mặt hàng như thủy sản, gạo, trái cây, dệt may có khối lượng vận chuyển rất lớn đến các vùng miền trên cả nước và xuất khẩu. Phần lớn số hàng hóa này vẫn phải vận chuyển đến các cảng ở khu vực Thành phố Hồ Chí Minh hoặc Bà Rịa - Vũng Tàu để đưa lên tàu biển. Lượng hàng hóa này là cơ hội tiềm năng rất lớn để phát triển dịch vụ logistics. Mặt khác, Đồng bằng Sông Cửu Long cũng có biên giới giáp với Campu-chia. Vận chuyển đường thủy qua sông Tiền, sông Hậu đến các tỉnh phía bắc và đông bắc Cam-pu-chia sẽ gần hơn và chi phí rẻ hơn so với việc vận chuyển hàng từ cảng Sihanoukville. Khi cảng Cái Cui (Cần Thơ) phát triển, cảng này có thể kết nối trực tiếp với các cảng Singapore và Port Klang (Malaysia) để thành điểm trung chuyển và phân phối hàng của các tuyến vận chuyển khu vực Đông Dương. Cảng Long An với vị trí ở gần cửa biển cũng có lợi thế để tiếp nhận các tàu lớn đưa hàng vào, ra khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và phía nam Thành phố Hồ Chí Minh. Trong tương lai, cảng Hòn Khoai (tỉnh Cà Mau) sẽ là một tâm điểm của phát triển logistics vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Với diện tích 460 hecta, mức nước sâu 16 đến 27 mét, nằm cách đất liền 15 km ở vị trí cực nam đất nước, Hòn Khoai hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành một cảng trung chuyển hàng hóa khu vực quốc tế, trở thành điểm tập kết hàng hóa không chỉ của Đồng bằng Sông Cửu Long mà còn của các nước láng giềng để chuyên chở đi các nơi trên thế giới. Nếu dự án kênh đào Kra của Thái Lan được triển khai, Hòn Khoai sẽ càng có nhiều thuận lợi để phát triển.
5. Kênh Quan Chánh Bố có vai trò thế nào trong hoạt động logistics ở vùng ĐBSCL?
Đồng bằng Sông Cửu Long là khu vực có nhiều sông ngòi, kênh rạch. Sông Cửu Long chảy từ Cam-pu-chia vào Việt Nam chia thành 2 con sông là Sông Tiền và Sông Hậu, trong đó Sông Hậu có dòng chảy lớn, đóng vai trò trục chính để phát triển vận tải và logistics cho khu vực. Tuy nhiên, Sông Hậu mang nhiều phù sa, ra đến cửa biển dòng nước chảy chậm lại nên phù sa bồi lắng thành những cồn đất chìm dưới nước, do vậy tàu lớn không thể từ biển vào thẳng Sông Hậu qua các cửa biển Trần Đề hay Định An được. Kênh Quan Chánh Bố là kênh nối tắt từ Sông Hậu đi qua tỉnh Trà Vinh để ra biển. Với chiều dài 46,5 km, kênh Quan Chánh Bố cho phép tàu biển có trọng tải 10.000 tấn đầy tải, 20.000 tấn giảm tải ra vào các cảng ở khu vực Hậu Giang, Cần Thơ, An Giang, đáp ứng khối lượng hàng hóa khoảng 22 triệu tấn/năm và 500.000 TEU/năm cho giai đoạn đến năm 2020. Khi chưa có Kênh Quan Chánh Bố, phần lớn hàng hóa từ Đồng bằng Sông Cửu Long phải vận chuyển bằng đường bộ hay xà-lan lên các cảng ở Thành phố Hồ Chí Minh hoặc Bà Rịa - Vũng Tàu, từ đó mới có thể xếp lên tàu đi ra Miền Trung, Miền Bắc hoặc đi các cảng quốc tế. Khi có Kênh này, hàng hóa từ Đồng bằng Sông Cửu Long có thể vận chuyển với khối lượng lớn hơn ra các cảng ở phía Bắc cũng như đi các cảng quốc tế (Hong Kong, Đài Loan, Singapore), giúp rút ngắn thời gian và giảm chi phí đáng kể, nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong khu vực.
6. Khu vực ĐNB có vị trí, vai trò ntn đối với sự pt dịch vụ logistics của đất nước?
Khu vực Đông Nam Bộ bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh. Đây là khu vực có tốc độ phát triển kinh tế cao, dẫn đầu cả nước về xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, quy mô, sản lượng và năng suất sản xuất công nghiệp đều ở mức cao, khối lượng hàng hóa lưu chuyển lớn. Logistics đóng vai trò thiết yếu tạo động lực cho hoạt động sản xuất - thương mại tại khu vực này. Trong khu vực tập trung nhiều cảng, sân bay, trung tâm logistics lớn, nhiều hãng tàu, hãng hàng không, doanh nghiệp dịch vụ logistics có trụ sở hoặc văn phòng tại đây. Cảng Cát Lái là cảng có lượng hàng hóa thông qua lớn nhất Việt Nam hiện nay, chiếm 50% lượng hàng container của đất nước. Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải là cảng nước sâu, có nhiều tiềm năng trở thành cảng trung chuyển tầm cỡ quốc tế. Cảng Hiệp Phước đang được xây dựng để giãn bớt lượng hàng hóa tập trung ở Cát Lái. Sân bay Tân Sơn Nhất là sân bay lớn nhất nước, có lượng hàng hóa thông qua hàng năm vào khoảng 500-600 nghìn tấn. Dự án sân bay Long Thành cũng nằm trong khu vực này, sau khi hoàn thành (giai đoạn 1 vào năm 2025) có khả năng xử lý mỗi năm 1,2 triệu tấn hàng hóa. Tuyến đường sắt Bắc Nam, Quốc lộ 1, Quốc lộ 14, Quốc lộ 51 chạy qua khu vực là những tuyến đường huyết mạch, có mật độ lưu thông cao vận chuyển hàng hóa giữa khu vực với các vùng miền khác của đất nước. Tuyến đường bộ, đường sắt Xuyên Á kết nối khu vực này với Cam-puchia, Thái Lan, Malaysia, tận dụng ưu thế các cảng trong khu vực. Một số trung tâm logistics lớn đã được xây dựng và đưa vào khai thác như Long Bình (200 ha), TBS Tân Vạn (80 ha), U&I Logistics (40 ha). Như vậy, khu vực Đông Nam Bộ có đầy đủ điều kiện để trở thành trung tâm và đầu mối logistics của các tỉnh phía Nam với cả nước và quốc tế, tạo động lực cho phát triển logistics của cả nước.
Luật Minh Khuê (sưu tầm và biên tập)