1. Thương mại xanh, công nghiệp xanh, vậy có khái niệm logistics xanh hay không?

Ngày nay, môi trường đang là mối quan tâm chung không chỉ của các cấp chính quyền mà còn của toàn thể xã hội, trong đó có các doanh nghiệp. Hoạt động logistics cũng không là ngoại lệ. Logistics xanh nhằm chỉ hoạt động logistics có hướng đến những biện pháp bảo vệ môi trường, giảm tối đa tác động tiêu cực đến môi trường. Logistics xanh có thể thể hiện qua một số hoạt động như:

• Tiết kiệm nhiên liệu, tiết kiệm nước sử dụng trong hoạt động logistics

• Hạn chế xả thải trực tiếp ra môi trường, nhất là với chất thải chưa xử lý

• Tuân thủ chặt chẽ quy trình vận chuyển các chất có thể gây tác động tiêu cực nếu tiếp xúc trực tiếp với môi trường (hóa chất, dầu mỡ nhờn,...)

• Sử dụng nguyên liệu có thể tái sử dụng, tái chế để làm kệ, pallet, bao bì đóng gói.

 

2. Thuận lợi hóa thương mại có quan hệ thế nào với logistics?

Thuận lợi hóa thương mại là việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến thương mại, bao gồm cả việc rút ngắn thời gian xử lý, giảm bớt các loại biểu mẫu, bớt các bước phải thực hiện, công khai minh bạch quy trình, đồng bộ các thủ tục,... Thuận lợi hóa thương mại là một yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả của logistics. Cả hai đều hướng tới mục tiêu chung là cắt giảm chi phí, thời gian của hàng hóa vận chuyển, qua đó nâng cao hiệu quả của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thủ tục hành chính là một khâu mà hàng hóa phải đi qua trên đường di chuyển từ địa điểm này đến địa điểm khác. Trong nhiều trường hợp, thời gian chờ đợi để hoàn thành thủ tục hành chính khá dài, thậm chí dài hơn cả thời gian hàng hóa lưu thông. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của quá trình logistics. Thuận lợi hóa thương mại được thực hiện qua một số hoạt động sau:

• Rà soát, bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật gây cản trở cho thương mại, logistics.

• Rà soát, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết. Đối với những thủ tục cần thiết thì phải thiết kế quy trình thật đơn giản, minh bạch, dễ tiếp cận với doanh nghiệp.

• Chấn chỉnh tác phong giao tiếp, nâng cao tính chuyên nghiệp của công chức trong xử lý thủ tục hành chính.

 • Thúc đẩy nâng cao năng lực, khả năng xử lý của những doanh nghiệp logistics đầu mối (cảng biển, sân bay, hãng vận chuyển) vì những doanh nghiệp này có tác động đến hàng loạt các hoạt động, quá trình liên quan khác.

>> Hiệp định Thuận lợi hóa thương mại của WTO đề cập những nội dung gì?

Hiệp định Thuận lợi hóa thương mại (TFA) của WTO được ký tháng 12/2013 tại Bali (Indonesia). Hiệp định có 3 phần chính:

• Phần I gồm các điều khoản về thúc đẩy di chuyển, giải phóng và thông quan hàng hóa, kể cả hàng hóa quá cảnh. Những nội dung này làm rõ thêm các Điều V, VIII và X của Hiệp định GATT 1994 của WTO.

• Phần II là các điều khoản về đối xử đặc biệt dành cho các nước phát triển và đang phát triển. Các nước này sẽ phải thông báo cho các thành viên WTO:

 o Nhóm A: các điều khoản sẽ thực hiện vào thời điểm Hiệp định TFA có hiệu lực (đối với các nước đang phát triển) hoặc trong vòng một năm kể từ khi Hiệp định TFA có hiệu lực (đối với các nước kém phát triển)

o Nhóm B: các điều khoản sẽ thực hiện sau thời gian quá độ

o Nhóm C: các điều khoản sẽ thực hiện sau thời gian quá độ và khi có hỗ trợ kỹ thuật

• Phần III gồm các điều khoản quy định thành lập Ủy ban Thuận lợi hóa thương mại ở WTO và mỗi nước sẽ thành lập một ủy ban quốc gia để thực hiện các nội dung của Hiệp định TFA. Việt Nam đã phê chuẩn TFA từ tháng 11/2015. Hiệp định TFA có hiệu lực từ ngày 22/2/2017, khi được 2/3 số thành viên WTO phê chuẩn. Khi Hiệp định được triển khai, dự tính sẽ tiết kiệm được 13-14% chi phí hoạt động logistics cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

 

3. Sàn giao dịch vận tải có chức năng gì?

Sàn giao dịch vận tải là một website cung cấp thông tin về nhu cầu vận tải của các chủ hàng cũng như khả năng cung cấp phương tiện của các doanh nghiệp logistics, khớp nối các thông tin này, hỗ trợ doanh nghiệp chủ hàng và doanh nghiệp logistics tìm được đối tác phù hợp. Bên cạnh việc giảm chi phí trung gian, minh bạch hóa giá cước, sàn giao dịch vận tải có tác dụng hỗ trợ hợp lý hóa vận chuyển hai chiều, giảm tình trạng xe rỗng hoặc container rỗng. Ví dụ một nhà máy giầy ở Thanh Hóa cần đóng hàng để xuất khẩu, đơn vị vận tải phải chuyển một container rỗng từ Hải Phòng về Thanh Hóa để đóng hàng, sau đó mới kéo ngược trở lại Hải Phòng để xếp lên tàu. Hoặc ngược lại, một container hàng nhập khẩu từ Cái Mép đưa về kho ở Lâm Đồng để dỡ hàng, sau đó lại kéo container rỗng về trả lại Cái Mép. Trường hợp có nhu cầu, chủ hàng có thể tổ chức đấu thầu khối lượng vận chuyển với sự giúp đỡ của Sàn giao dịch để tìm được đơn vị vận tải đáp ứng nhu cầu với chi phí thấp nhất. Việt Nam có sàn giao dịch vận tải vinatrucking.vn đã đi vào hoạt động từ ngày 3/12/2015. Ngoài ra, izifix.com, sanvanchuyen.vn cũng là những sàn giao dịch đã được đưa vào khai thác.

 

4. Tổ chức nào về logistics là lớn nhất trên thế giới?

Liên đoàn quốc tế các Hiệp hội giao nhận (FIATA, website www.fiata. com) là một tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới trong lĩnh vực logistics, được thành lập vào ngày 31/5/1926, tập hợp hơn 40,000 công ty giao nhận và logistics tại hơn 150 nước với đội ngũ nhân viên 8-10 triệu người.

Về cơ cấu tổ chức, FIATA có các Ban kỹ thuật (hàng không, hải quan, vận tải đa phương thức), bên dưới là các nhóm công tác. Bên cạnh đó, có các Hội đồng Tư vấn (quan hệ quốc tế, công nghệ thông tin, pháp lý, an ninh - an toàn, huấn luyện). Trụ sở chính của FIATA đóng tại Thụy Sỹ. FIATA đã tạo ra một số bộ chứng từ, biểu mẫu nhằm cố gắng chuẩn hóa các giao dịch trong hoạt động logistics, giao nhận. Các chứng từ này có màu sắc khác nhau để dễ nhận diện và có logo FIATA ở đầu trang. Một số loại chứng từ này được các hội viên sử dụng khá thường xuyên như giấy biên nhận (Forwarders Certificate of Receipt - FIATA FCR), chứng thư vận tải (Forwarders Certificate of Transport - FIATA FCT), phiếu nhập kho (Warehouse Receipt - FIATA FWR), ... FIATA họp Đại hội hàng năm. Đại hội lần thứ 56 họp tại Kuala Lumpur (Malaysia) tháng 10/2017. Việt Nam dự kiến đăng cai Đại hội FIATA vào năm 2023.

 

5. Trong khu vực ASEAN có tổ chức nào hoạt động về lĩnh vực logistics không?

Trước nhu cầu lớn mạnh của lĩnh vực giao nhận nói riêng và logistics nói chung trong khu vực, các nước ASEAN đã thành lập Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận ASEAN (AFFA) với cuộc họp đầu tiên vào tháng 12/1991 tại Kuala Lumpur (Malaysia). Đến nay, cả 10 nước ASEAN đều đã tham gia AFFA. Trụ sở AFFA đóng tại Jakarta (Indonesia). Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam là đơn vị đại diện của Việt Nam tham gia Liên đoàn này. AFFA có 4 nhóm công tác về đào tạo, bảo hiểm, tạo thuận lợi thương mại, vận tải đa phương thức.

Hội nghị thường niên lần thứ 27 của AFFA được tổ chức tháng 11/2017 tại Bali (Indonesia).

 

6. IATA là tổ chức gì?

IATA là tên viết tắt của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (International Air Transport Association). IATA được thành lập ngày 19 tháng 4 năm 1945, ở La Habana, Cuba, với tiền thân là Hiệp hội Vận chuyển Hàng không Quốc tế  (International Air Traffic Association) được thành lập từ năm 1919. Khi mới thành lập, IATA chỉ có 57 hội viên là các hãng hàng không của 31 quốc gia. Ngày nay, hội viên của IATA là 280 hãng hàng không đến từ 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Các hội viên IATA chiếm 83% năng lực vận chuyển hàng không của toàn thế giới. Trụ sở hiện nay của IATA đóng tại Montreal, Canada. Phạm vi hoạt động của IATA chia thành 5 khu vực:

• Châu Phi và Trung Đông

 • Châu Âu

• Trung Quốc và Bắc Á

• Châu Á - Thái Bình Dương

• Châu Mỹ Hoạt động chính của IATA là phối hợp chính sách giữa các hãng hàng không để thống nhất giá cả và đảm bảo cạnh tranh công bằng. Một số tiêu chuẩn, cách định mã của IATA được các hãng hàng không chấp nhận và sử dụng rộng rãi trên thế giới.

 

7. Các mạng lưới quốc tế logistics là gì?

Ngoài các hiệp hội ngành nghề, từ hơn 20 năm trở lại đây xu hướng hình thành các mạng lưới, liên minh kinh doanh trong từng lĩnh vực ngày càng phổ biến. Lĩnh vực logistics cũng nằm trong xu hướng này. Các mạng lưới được thành lập chủ yếu nhằm mục đích liên kết, hỗ trợ, tạo cơ hội kinh doanh cho các thành viên. Việc tham gia các mạng lưới giúp cho các công ty logistics mở rộng mạng lưới đối tác, đại lý quốc tế của mình, gia tăng sức cạnh tranh trong mối tương quan với các công ty đa quốc gia. Hầu hết tổ chức mạng lưới logistics quốc tế đều kết nạp thành viên một cách tự do, tức là trên cùng một địa bàn quốc gia hay thành phố có nhiều thành viên cùng hoạt động trong một lĩnh vực. Một số ít các mạng lưới logistics chỉ cho phép mỗi địa bàn chỉ có một đại diện duy nhất (đại diện độc quyền). Việc này giúp cho các thành viên có thể tối đa hoá hiệu quả tham gia các mạng lưới, giảm thiểu cạnh tranh nội bộ trong mạng lưới giữa các thành viên. Đa số các mạng lưới logistics quốc tế đều có các chương trình đảm bảo thanh toán giữa các thành viên, có các chương trình hội nghị hàng năm, tạo điều kiện cho các công ty thành viên gặp gỡ trao đổi các cơ hội kinh doanh. Các lợi ích chính mà các công ty logistics có được khi tham gia vào các mạng lưới logistics quốc tế:

• Thiết lập được mạng lưới đại lý toàn cầu đáng tin cậy, gây dựng mối quan hệ đại lý / đối tác với chi phí thấp nhất;

 • Tăng các mối quan hệ quốc tế, thông qua đó gia tăng lượng hàng, doanh số;

• Được bảo lãnh thanh toán cho các giao dịch giữa các đối tác trong phạm vi mạng lưới;

• Nhanh chóng giải quyết các vấn đề phát sinh giữa các công ty thành viên và việc thực thi các điều khoản hợp tác;

• Tiếp cận các hợp đồng toàn cầu với giá cả cạnh tranh và/hoặc chiết khấu cao bao gồm các hợp đồng về vận chuyển, chuyển phát, bảo hiểm, …

• Cuộc họp quốc tế thường niên với nhiều thời gian cho các cuộc họp riêng giữa các thành viên;

• Nâng cao lòng tin đối với khách hàng về năng lực của công ty trong việc xử lý các yêu cầu của khách hàng;

• Cập nhật các quy định và tin tức ngành, theo kịp xu thế phát triển ngành;

• Có các chương trình hợp tác chuyên sâu, chặt chẽ như phát hành vận đơn riêng, ưu đãi bảo hiểm, ưu đãi cước vận chuyển đường biển, hàng không mua chung, ... (WCA, Atlas có vận tải đơn riêng, được đăng ký với Uỷ ban hàng hải Hoa Kỳ FMC, giúp cho công ty thành viên tiếp cận thị trường Mỹ dễ dàng với chi phí tối thiểu).

Luật Minh Khuê ( sưu tầm và biên tập)