Hiệu lực của Bộ luật hình sự Việt Nam phân chia hiệu lực thành hai loại: Hiệu lực theo lãnh thổ và hiệu lực theo thời gian. Vậy hiệu lực pháp luật là gì? Hiệu lực của Bộ luật hình sự đối với những hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như thế nào?

1. Hiệu lực pháp luật là gì?

Hiệu lực pháp lý của văn bản quy phạm pháp luật nói chung và của Bộ luật hình sự Viêt Nam nói riêng được hiểu là giá trị pháp lý của văn bản đó, để xác định giá trị thi hành hoặc áp dụng của văn bản, thể hiện thức bậc cao thấp của văn bản trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thể hiện phạm vi tác động hoặc pham vi điều chỉnh của văn bản về thời gian, không gian và đối tương áp dụng.

Trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nước ta, Hiến pháp là đạo luật cơ bản, có hiệu lực pháp lí cao nhất. Tiếp sau Hiến pháp có các bộ luật và luật do Quốc hội thông qua và ban hành. Pháp lệnh của Uỷ ban thường vụ Quốc hội có giá trị sau Hiến pháp và luật, sau đó là các văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ ban hành (nghị định, nghị quyết, thông tư,…).

Về nguyên tắc, các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành phải phù hợp với Hiến pháp, tránh tuyệt đối ban hành những văn bản vi hiến, đảm bảo tính thống nhất, thứ bậc hiệu lực pháp lí của văn bản trong hệ thống pháp luật. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề, thì áp dụng văn bản có giá trị hiệu lực pháp lí cao hơn.

Ví dụ: Bộ luật Dân sự đươc coi là đạo luật gốc của rất nhiều luật như Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Thương mại, Bộ luật Lao động,… Nguyên tắc cơ bản của Bộ luật dân sự là tôn trọng sự thỏa thuận của các bên, do đó, trong các luật và Bộ luật nêu trên đều áp dụng nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận. Thông thường, nếu các bên không có sự thỏa thuận thì pháp luật mới điều chỉnh.

Hiệu lực pháp luật được thể hiện trên các phương diện sau:

- Hiệu lực về không gian: chỉ giới hạn phạm vi lãnh thổ mà một văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực;

- Hiệu lực về thời gian: chỉ khoảng thời gian mà một văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lí bắt buộc thi hành.

2. Hiệu lực của Bộ luật hình sự đối với những hành vi phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam

Hiệu lực của Bộ luật hình sự đối với những hành vi phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam được quy định tại Điều 5 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 như sau:

Điều 5. Hiệu lực của Bộ luật Hình sự đối với những hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

1. Bộ luật Hình sự áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Quy định này cũng được áp dụng đối với hành vi phạm tội hoặc hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên tàu bay, tàu biển mang quốc tịch Việt Nam hoặc tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.

2. Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó; trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.

Điều luật này xác định hiệu lực của Bộ luật hình sự đối với những hành vi phạm tội được thực hiện hoặc được coi là thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam cũng như xác định cách thức giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự của những người nước ngoài được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự là chủ thể của hành vi phạm tội được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam. Nội dung này là một phần của vấn đề hiệu lực về không gian của BLHS. Phần còn lại của vấn đề hiệu lực về không gian được quy định tại Điều 6 BLHS.

2.1. Phạm vi áp dụng hiệu lực theo lãnh thổ

Khoản 1 của điều luật này xác định hiệu lực không gian của Bộ luật hình sự theo nguyên tắc lãnh thổ là một trong những nguyên tắc xác định hiệu lực của luật hình sự được thừa nhận chung. Áp dụng nguyên tắc này, đoạn thứ nhất của khoản 1 Điều 5 Bộ luật hình sự Việt Nam xác định: Bộ luật hình sự có hiệu lực đối với mọi hành vi phạm tội được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam.

Theo công ước chung của các quốc gia trên toàn thế giới thì lãnh thổ quốc gia bao gồm: vùng đất, vùng nước, vùng trời và vùng lòng đất thuộc chủ quyền của một quốc gia.

Với cách hiểu như vậy, lãnh thổ quốc gia chỉ lãnh thổ tự nhiên mà không bao gồm lãnh thổ “mở rộng” thường được dùng để chỉ tàu thuyền hay tàu bay của một quốc gia khi ở ngoài lãnh thổ quốc gia.

Hành vi phạm tội được coi là được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam khi địa điểm thực hiện hành vi phạm tội được xác định là ở trên lãnh thổ Việt Nam.

Trong đó, địa điểm phạm tội có thể chỉ là nơi bắt đầu, nơi kết thúc của hành vi phạm tội hoặc chỉ là nơi một phần hành vi phạm tội diễn ra hoặc chỉ là nơi hậu quả xảy ra hoặc được dự kiến xảy ra. Hành vi phạm tội ở đây được hiểu không chỉ là hành vi thực hiện tội phạm mà còn có thể là hành vi chuẩn bị phạm tội, là các hành vi đồng phạm - hành vi tổ chức, hành vi xúi giục, hành vi giúp sức hành vi thực hiện tội phạm.

Đoạn thứ hai của khoản 1 Điều 5 Bộ luật hình sự xác định, Bộ luật hình sự cũng có hiệu lực “đối với hành vi phạm tội hoặc hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên tàu bay, tàu biển mang quốc tịch Việt Nam hoặc tại vùng đặc quyển kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Ở đây, quy định này xác định hai “không gian”, trong đó có một “không gian” có tính di động, đó là tàu bay, tàu biển. Do vậy, cần hiểu như thế nào về vị trí của tàu bay, tàu biển trong quy định này của điều luật? Ở đây, cần phải hiểu, tàu bay, tàu biển đang ở ngoài lãnh thổ Việt Nam vì khi tàu bay, tàu biển ở trong lãnh thổ Việt Nam thì hành vi phạm tội xảy ra trên đó đương nhiên là xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam và Bộ luật hình sự Việt Nam có hiệu lực đối với hành vi phạm tội này theo quy định của đoạn thứ nhất của khoản 1 Điều 5 Bộ luật hình sự.

Trước hết, cần khẳng định, tàu bay, tàu biển ở ngoài lãnh thổ Việt Nam không phải là lãnh thổ quốc gia nhưng luật hình sự của mỗi quốc gia vẫn có thể có hiệu lực đối với tội phạm xảy ra trên tàu bay, tàu biển thuộc quốc gia mình khi các phương tiện này ở ngoài lãnh thổ quốc gia. Tuy nhiên, nguyên tắc lãnh thổ và nguyên tắc cho phép luật hình sự có hiệu lực đối với tội phạm xảy ra trên các phương tiện này là hai nguyên tắc khác nhau. Nguyên tắc thứ hai thường được gọi là nguyên tắc mang cờ. Đây có thể coi là nguyên tắc bổ sung cho nguyên tắc lãnh thổ. Theo nguyên tắc mang cờ, hiệu lực về không gian của luật hình sự được xác định theo quổc gia mà tàu thuyền, tàu bay được đăng ký. Thừa nhận nguyên tắc bổ sung này, Bộ luật hình sự Việt Nam đã quy định: BLHS Việt Nam “... cũng được áp dụng đổi với hành vi phạm tội hoặc hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên tàu bay, tàu biển mang quốc tịch Việt Nam...”. Quy định này không trái với pháp luật quốc tế. Tuy nhiên, khi quy định này được đặt trong Điều 5 (với tên gọi “Hiệu lực của Bộ luật hình sự đối với những hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”) thì có cơ sở để cho rằng, Việt Nam coi tàu bay, tàu biển như là “lãnh thổ mở rộng”.

Vùng đặc quyền kinh tế cũng như thềm lục địa tuy không thuộc lãnh thổ quốc gia nhưng theo pháp luật quốc tế, quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với hai vùng này. Theo đó, các quốc gia ven biển có các đặc quyền nhất định đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Các quyền này gắn liền với chủ quyền quốc gia của các quốc gia ven biển và từ đó cũng làm phát sinh quyền tài phán đối với tội phạm xảy ra tại đây. Như vậy, các quốc gia ven biển có thể xác định hiệu lực của luật hình sự đối với tội phạm gắn liền với các đặc quyền xảy ra tại vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa của mình từ nguyên tắc lãnh thổ. Chấp nhận nguyên tắc này, Bộ luật hình sự Việt Nam xác định Bộ luật hình sự “cũng được áp dụng đối với hành vi phạm tội hoặc hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra... tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam”.

Do lãnh hải có chế độ pháp lý tương đối đặc biệt so với các bộ phận hợp thành khác nên khi xác định hiệu lực về không gian đối với tội phạm xảy ra trên lãnh hải cần chú ý Điều 30 Luật biển Việt Nam cũng như Điều 27 Công ước của Liên hợp quốc về luật biển năm 1982. Tương tự như vậy, khi xác định hiệu lực về không gian đối với tội phạm xảy ra tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam cần chú ý các Điều 16, 18, 34 Luật biển Việt Nam và các Điều 56, 60, 77, 80 Công ước của Liên họp quốc về luật biển năm 1982. Theo đó, Bộ luật hình sự chỉ có hiệu lực đối với hành vi phạm tội xảy ra ở đây khi hành vi phạm tội đó liên quan đến quyền chủ quyền của Việt Nam.

2.2. Hiệu lực áp dụng của Bộ luật hình sự đối với những chủ thể được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao

Khoản 2 của Điều 5 Bộ luât này xác định nguyên tắc giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự trong trường hợp chủ thể của hành vi phạm tội được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam là người nước ngoài được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự.

Theo nguyên tắc lãnh thổ, luật hình sự của mỗi quốc gia có hiệu lực đối với tất cả các tội phạm xảy ra trên lãnh thổ của mình, không kể người thực hiện tội phạm là công dân của quốc gia hay người nước ngoài hay người không có quốc tịch. Tuy nhiên, theo pháp luật quốc tế, việc truy cứu trách nhiệm hình sự không được đặt ra đối với những đối tượng được hưởng quyền miễn trừ xét xử về hình sự là một trong các quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự. “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam dành quyền ... miễn trừ ... cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện của tố chức quốc tế tại Việt Nam và thành viên của những cơ quan đó, cũng như thành viên gia đĩnh họ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan và thành viên của các cơ quan nói trển thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ chính thức với tư cách đại diện tại Việt Nam ” (Điều 1 Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam năm 1993). Pháp luật Việt Nam cụ thể hóa nội dung cũng như đối tượng và điều kiện được hưỏng các quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự. Trong các quyền này có quyền miễn trừ xét xử về hình sự.

Khoản 2 của Điều này chỉ nói đến quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự nhưng cần phải hiểu đối tượng được nêu tại khoản này chỉ là những người được hưởng quyền miễn trừ xét xử về hình sự. Quyền này có thể được quy định trong văn bản pháp luật của Việt Nam, trong công ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia, trong điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết với tổ chức quốc tế hoặc trong thỏa thuận giữa Việt Nam với tổ chức phi chính phủ.

2.3. Những bất hợp lý còn tồn tại trong việc xây dựng quy định về hiệu lực áp dụng của Bộ luật hình sự

Bên cạnh những ưu điểm hiện hữu, còn một số vấn đề khác cũng cần được xem xét, cân nhắc để trong tương lai tiếp tục hoàn thiện quy định của Bộ luật hình sự về hiệu lực không gian. Đó là:

  • Nên chuyển đoạn 2 của khoản 1 Điều 5 về Điều 6 Bộ luật hình sự vì thực chất các trường hợp được quy định tại đoạn 2 của khoản 1 Điều 5 là các trường hợp hành vi phạm tội xảy ra ngoài lãnh thổ Việt Nam.
  • Nên bổ sung đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự là người Việt Nam nhưng làm đại diện ngoại giao cho nước ngoài tại Việt Nam cho phù hợp với pháp luật quốc tế.
  • Nên bổ sung điều luật giải thích thống nhất những trường hợp được coi là thực hiện tội phạm trên lãnh thổ Việt Nam; trên tàu bay, tàu biển; tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Trong khi chưa có điều luật như vậy, đòi hỏi trong các văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền cần có giải thích về các nội dung này.
  • Nên thay tên gọi “tàu biển” bằng tên gọi “tàu thuyền” để đảm bảo tính thống nhất với luật chuyên ngành là Luật biển Việt Nam.

Mọi vướng mắc pháp lý trong lĩnh vực hình sự, quý khách có thể liên hệ trao đổi trực tiếp với luật sư tư vấn thông qua tổng đài tư vấn luật hình sự: 1900.6162 hoặc đặt lịch để được tư vấn pháp luật hình sự trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Minh Khuê. Chúng tôi sẵn sàng cử luật sư tham gia bào chữa khi bạn hoặc người thân bị cáo buộc phạm tội và đứng trước nguy cơ bị phạt tù.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật hình sự - Công ty luật Minh Khuê