Mục lục bài viết
- 1. Thế nào là hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp?
- 2. Điều kiện để được cấp Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong công nghiệp
- 2.1. Điều kiện chung
- 2.2. Điều kiện được cấp Giấy phép sản xuất hóa chất hạn chế
- 2.3. Điều kiện được cấp Giấy phép kinh doanh hóa chất hạn chế
- 3. Trình tự xin cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong công nghiệp
- 3.1. Chuẩn bị hồ sơ
- 3.2. Trình tự xin cấp giấy phép
1. Thế nào là hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp?
Hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp là các chất hóa học được quy định và kiểm soát chăt chẽ để nhằm đảm bảo an toàn cho con người và môi trường. Những hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp bao gồm:
- Chất có trong Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp được ban hành tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 113/2017/NĐ-CP
- Hỗn hợp chất chứa các chất có trong Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 113/2017/NĐ-CP được phân loại theo quy định tại Điều 23 của Nghị định số 113 thuộc ít nhất một trong các nhóm phân loại sau đây:
+ Độc cấp tính (theo các đường phơi nhiễm khác nhau) cấp 1
+ Tác nhân gây ung thư cấp 1A, 1B
+ Độc tính sinh sản cấp 1A, 1B
+ Đột biến tế bào mầm cấp 1A, 1B.
Những hóa chất kể trên thường có tiềm năng gây hại đối với sức khỏe con người hoặc gây ô nhiễm môi trường nếu không được sử dụng và xử lý đúng cách. Việc hạn chế sản xuất và kinh doanh các hóa chất này được thực hiện thông qua việc ban hành các quy định, luật pháp và tiêu chuẩn kỹ thuật. Các quy định này có thể bao gồm yêu cầu đăng ký, giám sát, kiểm tra và báo cáo việc sử dụng hóa chất, cấp phép sản xuất và kinh doanh, hạn chế hoặc cấm sử dụng các hóa chất nguy hiểm.
2. Điều kiện để được cấp Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong công nghiệp
2.1. Điều kiện chung
Để được cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp thì cá nhân, tổ chức phải đảm bảo điều kiện chung sau đây:
- Hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp phải được tồn trữ, bảo quản ở một khu vực riêng trong kho hoặc kho riêng
Tổ chức, cá nhân (trừ tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp không thuộc diện phải cấp Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp), chỉ được sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép và có trách nhiệm duy trì đủ điều kiện riêng được quy định tại mục 2.2 và mục 2.3 của bài viết trong suốt quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong trường hợp tổ chức, cá nhân không còn đáp ứng đủ điều kiện sẽ bị thu hồi Giấy phép.
2.2. Điều kiện được cấp Giấy phép sản xuất hóa chất hạn chế
Về điều kiện riêng, để được cấp giấy phép sản xuất hóa chất hạn chế, các tổ chức, cá nhân phải đảm bảo 04 điều kiện sau đây:
- Là tổ chức, cá nhân được thành lập theo quy định của pháp luật.
- Cơ sở vật chất - kỹ thuật phải đáp ứng yêu cầu trong sản xuất theo quy định
- Giám đốc hoặc Phó Giám đốc kỹ thuật hoặc cán bộ kỹ thuật phụ trách hoạt động sản xuất hóa chất phải có bằng đại học trở lên về chuyên ngành hóa chất
- Các đối tượng được tham gia huấn luyện an toàn hóa chất phải được huấn luyện an toàn hóa chất.
2.3. Điều kiện được cấp Giấy phép kinh doanh hóa chất hạn chế
Để được cấp giấy phép kinh doanh hóa chất hạn chế thì cá nhân, tổ chức phải đáp ứng được 06 điều kiện sau đây:
- Là tổ chức, cá nhân được thành lập theo quy định của pháp luật
- Cơ sở vật chất - kỹ thuật phải đáp ứng yêu cầu trong kinh doanh theo quy định
- Có cửa hàng hoặc địa điểm kinh doanh, nơi bày bán đảm bảo các yêu cầu về an toàn hóa chất, an toàn phòng, chống cháy nổ theo quy định của pháp luật
- Có kho chứa hoặc có hợp đồng thuê kho chứa hóa chất hoặc sử dụng kho của tổ chức, cá nhân mua hoặc bán hóa chất đáp ứng được các điều kiện về bảo quản an toàn hóa chất, an toàn phòng, chống cháy nổ
- Người phụ trách về an toàn hóa chất của cơ sở kinh doanh hóa chất phải có trình độ trung cấp trở lên về chuyên ngành hóa chất
- Các đối tượng được tham gia huấn luyện an toàn hóa chất phải được huấn luyện an toàn hóa chất.
3. Trình tự xin cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong công nghiệp
3.1. Chuẩn bị hồ sơ
* Thứ nhất là đối với hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sản xuất gồm có các tài liệu sau đây:
- Văn bản đề nghị cấp Giấy phép sản xuất hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp theo mẫu quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định số 113/2017/NĐ-CP
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh
- Bản sao Quyết định phê duyệt hoặc văn bản xác nhận các tài liệu liên quan đến bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành
- Bản sao văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đối với từng cơ sở sản xuất thuộc đối tượng phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy
- Biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy hoặc văn bản của cơ quan có thẩm quyền chứng minh đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với từng cơ sở sản xuất không thuộc đối tượng bắt buộc phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy
- Bản vẽ tổng thể hệ thống mặt bằng nhà xưởng, kho chứa, nội dung bản vẽ phải đảm bảo các thông tin về vị trí nhà xưởng, kho tàng, khu vực chứa hóa chất, diện tích và đường vào nhà xưởng, khu vực sản xuất và kho hóa chất; Bản sao giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đối với thửa đất xây dựng nhà xưởng, kho chứa hoặc Hợp đồng thuê nhà xưởng, kho chứa
- Bản kê khai thiết bị kỹ thuật, trang bị phòng hộ lao động và an toàn của cơ sở sản xuất hóa chất
- Bản sao bằng đại học trở lên chuyên ngành hóa chất của Giám đốc hoặc Phó Giám đốc kỹ thuật hoặc cán bộ kỹ thuật phụ trách hoạt động sản xuất hóa chất của cơ sở sản xuất
- Bản sao quyết định công nhận kết quả kiểm tra huấn luyện an toàn hóa chất của tổ chức, cá nhân theo quy định
- Phiếu an toàn hóa chất của các hóa chất nguy hiểm trong cơ sở sản xuất theo quy định.
* Thứ hai là đối với hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh hóa chất hạn chế gồm có các tài liệu sau:
- Văn bản đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp theo mẫu quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định 113/2017/NĐ-CP
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh
- Bản kê khai về từng địa điểm kinh doanh;
- Bản sao Quyết định phê duyệt hoặc văn bản xác nhận các tài liệu liên quan đến bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành
- Bản sao văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đối với từng kho chứa hóa chất thuộc đối tượng phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy
- Biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy hoặc văn bản của cơ quan có thẩm quyền chứng minh đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với từng kho chứa hóa chất không thuộc đối tượng bắt buộc phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy
- Bản vẽ tổng thể hệ thống mặt bằng của từng địa điểm kinh doanh, nội dung bản vẽ phải đảm bảo các thông tin về vị trí kho chứa, khu vực chứa hóa chất, diện tích và đường vào khu vực kho hóa chất; Bản sao giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đối với thửa đất xây dựng kho chứa hoặc Hợp đồng thuê kho đối với trường hợp thuê kho lưu trữ hoặc Hợp đồng hay thỏa thuận mua bán hóa chất trong trường hợp sử dụng kho của tổ chức, cá nhân mua hoặc bán hóa chất
- Bản kê khai thiết bị kỹ thuật, trang bị phòng hộ lao động và an toàn của từng địa điểm kinh doanh hóa chất
- Bản sao bằng trung cấp trở lên về chuyên ngành hóa chất của người phụ trách về an toàn hóa chất
- Bản sao quyết định công nhận kết quả kiểm tra huấn luyện an toàn hóa chất của tổ chức, cá nhân theo quy định
- Phiếu an toàn hóa chất của các hóa chất nguy hiểm trong cơ sở kinh doanh theo quy định.
3.2. Trình tự xin cấp giấy phép
Sau khi đã hoàn tất hồ sơ cần chuẩn bị nêu trên, cá nhân, tổ chức sẽ nộp 01 bộ hồ sơ đến Cục Hóa Chất - Bộ Công Thương thông qua hình thức trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện hoặc thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương:
+ Trường hợp hồ sơ hợp lệ thì trong thời hạn 16 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan cấp phép có trách nhiệm xem xét, thẩm định hồ sơ, kiểm tra điều kiện thực tế và cấp Giấy phép cho tổ chức, cá nhân.
+ Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ và hợp lệ, trong vòng 03 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan cấp phép sẽ thông báo để tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ. Thời gian hoàn chỉnh hồ sơ không được tính vào thời gian cấp phép
Mẫu Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp được quy định tại Phụ lục VI của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP. Trường hợp không cấp Giấy phép, cơ quan có thẩm quyền cấp phép phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do
Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp do Công ty Luật Minh Khuê biên soạn và muốn gửi đến quý khách mang tính chất tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 19006162 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc!
Nếu quý khách có nhu cầu muốn báo phí dịch vụ, quý khách hãy vui lòng gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: lienhe@luatminhkhue.vn để nhận được thông tin sớm nhất. Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn!